Tui gặp chị trong một chiều mùa hè Sài Gòn, trời kéo mây đen nhưng lại không mưa, không khí oi nóng hầm hập, tui ngồi ở quán cà phê dọc lề đường quận sáu, chị cũng ngồi kế đó cách một cái bàn nhỏ. Gió thổi tới tiếng la “Cướp! Cướp!” thất thanh của người phụ nữ nghe rõ sự hoảng hốt, tui buông cuốn sách đang coi dở nhìn về hướng đó và thấy một thằng ốm nhách ốm nhom, bận bộ đồ dơ hèm, mặt đúng chất cô hồn chạy vụt qua chỗ tui ngồi, đang tính dợm bước đứng lên dí theo thì tui đã nghe một cái bịch chát chúa, thằng quỷ ăn cướp té nhúi mỏ, nó lồm cồm đứng lên trên tay cầm sẵn cái ống chích dứ dứ về người mới đưa nhẹ cái chân ra làm nó bị vấp. Bà chị ngồi bàn bên mặt lạnh tanh, ánh mắt nghiêm nghị nhìn thằng cướp cạn, ánh mắt đó làm nó cũng tự nhiên chột dạ, nhưng bản chất của một tên vô lại ngay lập tức hiện rõ, nó ngúc ngắc cái cần cổ nghe rắc rắc, cố gắng điềm tĩnh nhưng nét nhìn vẫn hoang mang, nó hơi lắp bắp “mẹ, nhiều chuyện là… là tao cho bệnh si đa nha!” anh chủ quán cà phê cười cười nói nhỏ với tui “nó nghĩ chắc bả sợ, cỡ chục thằng như nó cũng không si nhê đâu cưng”. Tui nghe vậy mới ngớ ra, chắc chị gái này quen mặt với những chuyện như vầy lắm rồi nên cũng yên tâm hơn, hèn chi ai cũng ngồi yên không can cũng không hỗ trợ. Mới thầm ngẫm tới đó thì tui đã thấy chị bẻ quặt tay thằng ôn đó ra đằng sau, nó nằm im không cục cựa nổi, ống chích văng xa tới gần một mét. Tui tiếc hùi hụi vì không kịp dòm coi chị bằng cách nào chế ngự được cái thằng xất xược kia, một chân một tay chị ghì nó xuống đất, tay kia chị đưa lại cái túi cho bà cô đang đứng thở hổn hển, bả lật đật mở tung cái túi lục coi còn đủ tiền không, buông một tiếng thở nhẹ nhõm, liếc thằng ăn cướp một cái xéo xắc rồi bỏ đi mà quên luôn lời cảm ơn.

Tui cứ nghĩ chị sẽ áp giải nó lên công an, nhưng không chị buông nó ra nói “mày đi đi! Ăn cướp không phải cái nghề kiếm tiền, ba cái ống chích này không có hù được người ta miết đâu!” chị còn dúi cho nó hai trăm ngàn “đem về mua cơm cho má mày ăn!”. Ai cũng bình thản, thằng ăn cướp thì thở gấp, nét cô hồn hồi nãy bây giờ thành nét sượng trân, yếu thế, tui thấy mắt nó hơi đỏ, nó gật đầu trước chị một cái thiệt mạnh rồi quay lưng chạy đi…

Chị ngồi lại cái bàn hồi nãy, quậy quậy ly cà phê đen đã tan đá lợt nhách, gạt cái muỗng qua bên, uống một hơi rồi nhai hai ba cục đá nghê rộp rộp, mặt hết sức tự nhiên như chưa có gì xảy ra. Bà chị tóc ngắn như đàn ông, da ngăm màu mật, thân hình vừa phải, cao cao, không mập nhưng thịt da chắc nụi, bận cái quần jean cũ túi hộp xanh bạc màu, áo sơ mi ca rô kiểu dáng của nam. Tất cả ở chị đều hiện lên vẻ từng trải, mạnh mẽ của đàn ông, duy chỉ đôi mắt trầm buồn, chất chứa rất nhiều tâm sự, rất nhiều những tổn thương mà chỉ có phụ nữ mới thấm thía…

Tui hú nhẹ anh chủ quán cho ly nước cam, tui bưng qua bàn chị, kéo ghế ngồi kế bên, chị nhìn tui hơi lạ lẫm nhưng ánh mắt thân thiện và gần gũi, không có nét soi mói hay hằn học. Tui đẩy ly nước cam qua cho chị.

– Uống cà phê ngon hơn nhỏ ơi, hỏng quen uống ba cái đồ này.

Tui cười:
– Mới hao sức xong nên kệ đi chị, đổi gu một bữa hen! Sao chị để thằng nhóc đi vậy, còn cho nó tiền nữa, nó đâu có đáng, cho nó ở tù, để nó ớn, không làm bậy nữa chớ! Mà chị có võ hả chị, em cũng từng học võ nè!

Tui nói liên tục vì sợ nếu mình im lặng chắc chị sẽ bỏ đi, ai dè chị chỉ cười bình thản, nụ cười buồn nhẹ tênh.
– Có đôi lúc giam người ta cũng không giáo dục được cái gì đâu, thằng đó nó không xấu, tại nó nghèo, tại má nó điên… Nên nó cũng làm điên để có tiền. Chị từng ở tù, chị biết, khổ lắm!”

Nhờ chị mà tui biết nhà thằng nhóc kia nghèo lắm, má nó bị điên nặng, chưa thấy cha nó bao giờ, nó hay móc bọc, lụm ve chai vòng vòng khu chị sống, mấy bữa nay túng quẫn quá nên chắc làm điên làm khùng, chứ ăn cướp chuyên nghiệp không ai dại dột chạy bộ một mình khơi khơi trên đường. Nghe mà xót!

Những ngày sau đó, tui vẫn hay tới quán cà phê này để gặp chị, để thấy có bữa chị chạy xe ba gác máy chở ve chai, chở hàng mới về, quần áo còn ướt mồ hôi, mặt còn vương lớp bụi dày, lật hộp cơm nguội ngắt khô queo ra chị ăn ngon lành như húp phở. Tui sẽ kêu cho chị ly nước cam, dù tui biết chị thích cà phê đen, đắng hơn, chị nói vị của nó như cuộc đời của chị đã từng… Chị không muốn mắc nợ ai, cái suy nghĩ mà tui thấy cũng hơi xa cách, nhưng nó không sai, vậy nên đổi lại mấy lần nước cam, sẽ là những cuốn sách cũ, chị tìm được trong đống ve chai, hoặc ở một tiệm sách nào đó trên từng con đường chị đi qua. Tất cả đều cũ và không cố định thể loại, nhưng tui thích… Tụi tui trở thành bạn, chỉ đơn giản như vậy, để tui biết rằng cuộc đời của chị cũng quá chừng gian truân…

Chị lớn lên trong một gia đình có nề nếp giáo dục, ông nội từng làm y tá cho nhà thương, cha chị là thầy giáo dạy cấp ba trường huyện. Từ nhỏ chị đã được má dạy tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn, con gái là phải nết na, nề nếp, phải giỏi giang, có kiến thức và đạo đức để sống tốt trong cuộc đời. Nhưng cha thì nói con gái không cần phải đi học nhiều, chỉ cần có chồng sanh con trai là có cuộc sống ấm êm. Bề nổi thì nhà chị là một gia đình bậc trung đứng đắn, đàng hoàng mà người thời đó ai cũng ước ao ngưỡng mộ. Mỗi lần má chị ra chợ là mấy dì mấy cô sẽ xúm lại khen lấy khen để, nhưng họ không thấy được nụ cười buồn của má chị, họ không thấy được những tâm tình đau khổ của người đàn bà đó sau mỗi lời trầm trồ…

Má chị cưới cha chị bảy năm, bảy năm dài ròng rã bà chỉ sanh được ba người con gái, chị là con gái thứ, chị hai chị chỉ sống năm năm trên cõi đời rồi vì bệnh mà ra đi mãi mãi, chị thành đứa lớn nhất trong nhà. Nhưng cha với ông bà nội chưa bao giờ nguôi mong ước có một thằng con trai nối dõi, nên mặc dù sức khỏe của má rất yếu sau hai lần sanh nở, thì họ vẫn mong má phải mang bầu cho tới khi kiếm được con trai. Cho nên lần cuối cùng vượt cạn nhỏ út, má chị băng huyết chết trên giường sanh, cha chị thất vọng gục đầu ngoài cửa phòng cấp cứu, cho tới tận sau này chị mới hiểu dáng vẻ đó của cha không phải vì đau đớn khi mất vợ, mà vì cuối cùng má cũng chỉ sanh được con gái mà thôi. Đám tang má, cha chị không khóc, ông bà nội cũng không buồn, chỉ có chị ôm đứa em còn đỏ hỏn trong tay chưa một lần được nghe mùi vú mẹ mà lòng trào lên nỗi căm hận, nỗi căm hận đối với một đứa nhỏ ít tuổi nghe nó hơi xa xỉ nhưng là sự thật, chị hận cha, hận ông bà nội cho tới sau này vì nhiều nguyên nhân khác nữa…

Người ngoài không thể nào biết, có những đoạn thời gian má chị sống trong từng nỗi đau lòng. Lần đầu má sanh con, khi bác sĩ báo tin là con gái, cả cha và ông bà nội bỏ má chị ở lại bệnh viện một mình. Mới trải qua cơn thập tử nhất sinh, bà đã phải gồng lên quên đau đớn thức cả đêm ẵm con, sữa chưa về nên con khóc tắt tiếng, mới có đứa đầu tiên, nên má lúng túng không biết phải làm gì, may đâu có chồng của người ta, vợ sanh chung phòng với má chị, chạy mua dùm lon sữa bò. Một tay bà bồng chị hai, một tay quậy sữa mà nước mắt rớt như mưa… Ông bà ngoại chị mất sớm, cô dì chú bác thì li tan tứ xứ, má chị lúc đó chỉ có một mình về nhà ở cữ. Khi chiếc xe dừng bên ngoài cổng, cha chị đóng trên mặt nụ cười ân cần nhưng ánh mắt sượng trân giả tạo, ông chạy ra mở cửa dìu đỡ má với chị hai, nhưng chỉ để cho người dưng thấy ông là một thầy giáo đứng đắn, chỉ như vậy đủ rồi, nên khi tới buồng cữ, cha bỏ mặc má với đứa con gái còn chưa biết gì sau cánh cửa khép lại… Suốt những năm đó cha không có một âu yếm cưng nựng nào với chị hai và với chị, với em chị sau này cũng vậy. Khao khát có một đứa con trai làm cho ông không còn chút tình phụ tử nào, nên cả tuổi thơ của chị chỉ có hình ảnh má mình, và cả tuổi thơ của cô em út cũng chỉ có hình ảnh của chị mà thôi…

Sáu tháng sau khi sanh chị hai má mang bầu chị, cha và ông bà nội có chút hân hoan mong đợi, nhưng tới hồi đi khám ra con gái, cả nhà lại một lần nữa bỏ má chơi vơi, suốt thời gian làm vợ làm mẹ làm dâu trong căn nhà đó chị nghĩ rằng má đã sống nơi địa ngục, tới nỗi sau này khi má chị mất, chị còn cảm thấy nhẹ lòng vì má được ra đi thanh thản, má ban cho đời một mầm sống rồi má lên trời với ông bà ngoại, nơi má sẽ được yêu thương. Cha chị bắt đầu có những mối quan hệ mới, với những người phụ nữ mới, điều mà cả nhà ai cũng biết nhưng không một ai cấm cản. Bà nội chị từng nói thầy bói phán cha phải lấy thêm vợ, mới có con trai, chị đã từng căm ghét thằng cha thầy bói đó, bởi chỉ một câu vô căn cứ mà má con chị phải khổ sở biết bao nhiêu. Ra đường má chị mang tiếng là bà giáo, được yêu thương, ăn trắng mặt trơn, cuộc sống như trên thiên đàng, nhưng về nhà mọi mộng mị đó khép lại hết sau cánh cổng, thiên đàng cũng chỉ là nơi dành cho người đã chết mà thôi.

Sanh chị má cũng vẫn một mình, vừa lo cho chị hai hay đau yếu vừa bồng bế chị suốt thời gian chị còn nhỏ. Chị lớn lên thiếu tình thương của cha, nhưng luôn được má dạy dỗ những điều hay lẽ phải, nhiều lúc chị ước gì mình là con trai cho má được cha được nội thương nhiều hơn, cho má không còn những đêm khóc thầm nữa… Hai chị em lúc đó chỉ có má bên cạnh, chỉ có má nắm tay dìu dắt, chỉ có má ôm ấp yêu thương. Có những chiều tà ba má con chị lặng lẽ ngồi dưới cây trâm mồ côi, dù trong lòng luôn khuyết nhưng má vẫn nói hoài với hai đứa “ông trời cho sao lấy vậy dù tụi con là trai hay gái gì má cũng thương, dù có không trọn vẹn cũng suốt đời là con của má”. Bởi nên khi cha bắt má phải cho chị bận đồ con trai, má đã bằng mọi giá không chịu, thà chấp nhận bạt tay của cha tới nỗi đập đầu vô thành giường để thẹo chứ má vẫn kiên quyết không đặt những mong mỏi vô cớ lên con gái của mình… Màu trời rờn rợn của những buổi chiều nhiều năm về trước, chị chưa thể nào quên được dù chỉ là một giây, một khắc ngắn ngủi.

Tới hồi chị hai chị chết, má chỉ còn biết ôm chị mà khóc, cha làm một đám tang đơn sơ, má gục bên cái quách nhỏ xíu tưởng chừng như có thể chết theo bất cứ lúc nào. Nhưng cha chị vẫn lạnh lùng như vậy, còn không cho má thờ hình chị hai trên bàn thờ tổ tiên. Má lập một cái tủ nhỏ trong buồng, dựng lên tấm hình đứa con gái ngắn số với nụ cười còn ngây thơ non nớt. Thời gian đó, má chị ngày ngày tụng kinh niệm phật, luôn hiền từ, luôn cười trước mọi thứ, kể cả khi cha đưa một người phụ nữ khác về nhà ân ái, má cũng không khóc, sau này chị mới hiểu, vì đã quá đau đớn nên má không còn đủ sức để rơi nước mắt, vì má sợ nếu yếu đuối thì má sẽ đổ gục luôn trong cái căn nhà này. Những trận đòn roi của cha trút xuống người chị và má nhiều hơn, nhưng má chưa bao giờ dạy chị thù hận. Tuy nhiên dù má chị đã dùng cái tâm của mình để cố làm vừa lòng họ, thì cuối cùng vẫn không thể nào lay động được những trái tim đã không còn tình người, như một cục nước đá tan nhanh trên đống lửa nóng, nhà nội và cha chị trút xuống má con chị những vết thương không bao giờ lành…

Tới lúc má chết, đám tang có nhiều người tới viếng, nhìn nụ cười hiền của má trên di ảnh ai cũng cảm thấy xót lòng, nhưng cha chị thì không, có lẽ đã tới lúc ông không cần giữ hình tượng một nhà giáo hoàn mỹ nữa, có lẽ đã tới lúc ông chọn lựa sống thật với con người ông xưa giờ. Một năm sau ngày má chị tạ thế, cũng là ngày cha đem tám quả qua hỏi cưới người khác, chị năm đó chơi vơi, ở lại trong căn nhà trống trải, nhìn đứa em nhỏ xíu đi lủm đủm, rớt nước mắt thương má không có một mâm cơm cho ngày giỗ đầu, bàn thờ hương tàn bình lạnh, thương phận mình hẩm hiu có cha có nội mà như mồ côi, cù bơ cù bất…

Chị cố gắng mạnh mẽ, vừa đi học vừa coi em, mạnh mẽ như cỏ dại ven đường, không cần biết nắng hay mưa vẫn sanh sôi nảy nở. Chị em chị âm thầm như vậy, mỗi ngày đều tránh né không gặp mặt cha và dì để khỏi bị đòn oan. Rồi ông bà nội lần lượt qua đời, nên hai người cũng đỡ được ánh mắt dè bĩu bất mãn của họ, cho tới cuối đời, họ vẫn không muốn có cháu gái, cho tới cuối đời ông bà vẫn chỉ chăm chăm gửi ánh mắt mong mỏi nơi cái bầu của dì, cái bầu nghe nói là một đứa con trai…

Hai chị em chị dắt díu nhau qua ngày qua tháng, nhờ chút tình thương hại của người cô ruột, tự vỗ về nhau khi yếu lòng, tự động viên mình phải luôn phấn đấu. Chị đã từng ước mơ được học ngành mỹ thuật, ước mơ được vẽ luôn cháy bỏng mỗi ngày. Chị vẽ má, vẽ chị hai, vẽ em gái, vẽ con trâu, cánh đồng… trên giấy, trên vách nhà, trên tấm phản… Nhưng rồi tất cả lụi tàn khi chưa kịp học hết cấp ba cha và dì đã gật đầu gả chị cho người ta. Chị đau khổ đón nhận điều đó, nhưng bỏ trốn thì lại không thể vì chị còn một đứa em gái, nếu chị đi nó sống làm sao. Ít nhất cưới rồi, nhà cách có một con sông, một cánh đồng, chị sẽ qua lại thăm nom được. Nhưng chị không biết rằng, đó lại là một chốn không thể dừng chân.

Dì nói với cha, thầy bói chấm tử vi con trai của dì sẽ yểu mạng nếu ở gần chị em chị, đó là lý do cho cái đám cưới này, là lý do chị bị gả về với người chị chưa một lần gặp mặt, chưa một lần nói đôi câu thì làm sao có tình yêu để mà hạnh phúc. Ngày chị lấy chồng, em út của chị khóc hết nước mắt, như một điềm báo cho những bất hạnh, những dở dang sau này. Tui ngẫm nghĩ trên đời sao lại có người cha mang tư tưởng tồi tàn như vậy…

Chị về nhà đó, thoát khỏi ánh mắt coi thường của cha và sự ghẻ lạnh của dì, nhưng chị thương em gái mình ghê gớm, chỉ còn một mình ở lại trong căn nhà đó sống với những ngột ngạt đè nén… Lòng chị chưa bao giờ yên tâm.

Chồng chị là một người nông dân, nhà có nuôi thêm mấy ao cá, ba chồng chị không còn, chỉ còn má với thêm một người em. Cuộc sống vợ chồng sượng trân bởi trước đó cả hai chưa gặp nhau lần nào, tình yêu không có mà tình thương cũng không! Bình thường chồng chị hiền khô ít nói nhưng mỗi lần nhậu xỉn là sẽ đập phá hết đồ đạc trong nhà, thậm chí đánh luôn chị, mấy lần mặt chị bầm tím, chị không dám về gặp em gái mình vì sợ nó lo. Má chồng chị dễ tánh, nhưng bà già rồi nên dù biết con dâu mình khổ cũng không dám can ngăn. Mỗi lần như vậy bà luôn vuốt đầu chị và khóc, chị đã từng ngỡ rằng cái xoa đầu trìu mến đó như má của chị ngày xưa sẽ giúp chị đủ kiên cường để chịu đựng những đớn đau mà ở lại, nhưng không. Nhiều lúc trong cuộc đời ông trời hình như thấy đau khổ chưa đủ để rèn luyện một mầm hoa nên ông luôn trút xuống thêm những tổn thương khác, nhiều hơn và đày đọa hơn…

Đó là một chiều mưa rất dài năm hai mươi tuổi, cánh đồng hoang chìm trong nước, những năm tháng sống trên đời cho tới thời khắc đó lần đầu tiên chị thấy mưa nghiệt ngã như vậy, sấm chớp ì đùng, những mái nhà như muốn nghiêng theo từng đợt gió. Linh tính của một người phụ nữ làm lòng chị thấy bất an, chị cứ cảm giác sợ hãi lo lắng vô cớ, cảm giác mình sắp mất đi một cái gì đó vô cùng thân thuộc, có rõ ràng có mơ hồ… Trong cơn mưa dầm, em chồng chị chạy về báo, em gái chị bên nhà bỏ đi đâu mất biệt từ tối hôm qua, mọi người đổ dồn đi kiếm nhưng chưa gặp được. Chị không kịp hỏi thêm câu nào đã bỏ chạy ra khỏi nhà, chỉ nghe sau lưng là tiếng kêu của má chồng chị… Và đó là buổi chiều chị bỏ xứ ra đi!

Khi về nhà đọc được lá thơ em để lại, chị như chết lặng, em chị bỏ đi thiệt rồi sau những trận đòn roi, sau từng câu chửi rủa mà nó phải đơn độc hứng chịu. Cái nhà này bây giờ đã đúng ý nguyện của cha chị, chỉ còn lại ba con người và có người nối dõi, vậy chị ở lại làm gì, vướng bận cái gọi là tình phụ tử làm gì…khi người cha đó lần lượt mất đi từng cô con gái nhưng ông chưa bao giờ thấy tiếc.

Chị lấy một tấm hình của má, một tấm hình chị hai, một tấm hình chị với em út gói kỹ trong bọc nilong nhét vô túi áo, trong mình còn lại một trăm ngàn, chị không đem thêm gì nữa, lẳng lặng và đi khỏi nơi mình từng sinh ra, lớn lên. Chị bỏ lại hết, bỏ lại cánh đồng với cây trâm mồ côi mà chị em chị thường dắt nhau ra ngồi để né tránh cha, bỏ lại căn buồng có cái giường, chiếc chiếu mà ba má con từng ôm nhau nghe tiếng mưa, bỏ lại bàn thờ trống trải, bỏ lại tất cả những đau thương để quăng mình vô từng cơn bão khác…

Sau một thời gian rong ruổi mấy tỉnh miền Tây mà vô vọng, làm hết chuyện này tới chuyện khác, kiếm cơm qua ngày thì chị đáp mấy chuyến xe đò lên Sài Gòn với mong mỏi tìm được người cần tìm. Chị luôn nghĩ hên là mình chưa có bầu sau hai năm chung sống với chồng, chứ không thì khổ thêm khổ nữa rồi. Chị sao cũng được, mà con nít thì tội dữ lắm.
Những tấm hình trong túi luôn nhắc nhớ về những gì đã qua, luôn sưởi ấm cho trái tim chị những hôm lạnh giá, như hương hồn của má với chị hai theo sát bên phù hộ chị. Sài Gòn đúng là hoa lệ, “hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo”, người ta nói không sai, chị trầy trật ở đất khách quê người, cái gì ở chốn này cũng đắt đỏ, không bằng cấp, học hành chưa tới nơi tới chốn, chị xin làm công nhân nhưng bị nhiều chỗ lắc đầu từ chối, có những lúc phải nhịn đói ngủ queo dưới gầm cầu hoặc mái hiên nhà nào đó. Không có chỗ trú chân, không có nơi để trở về, chị cứ đi lang thang vô định. Xin làm mướn cho người ta phải thông qua trung tâm môi giới, tháng lương đầu tiên chị đưa phân nửa cho họ rồi, nhưng chị thấy mình may mắn vì có việc làm. Rồi may mắn chưa kịp ở lại, chủ nhà đó có máu dê trong người, bữa vợ của ổng đi công tác, ổng đã làm mọi cách đè vật chị ra giở trò thú tính ngay trong bếp, chị chụp được cái chảo chống dính, nện thẳng vô đầu thằng chả chảy máu, thằng chả la lên tru tréo khi chị bỏ chạy khỏi căn nhà đó, nước mắt lưng tròng.

Chị xin thêm hai ba chỗ nữa, nhưng có chỗ thì chị chủ có máu Hoạn Thư, lúc nào cũng sợ chồng mình ăn nằm với người ở, nên chị làm gì cũng bị soi mói, có bữa thấy chị rinh thùng nước quá nặng, anh chủ nhà là người đàng hoàng tốt tính nên phụ dùm một tay, ai dè chị chủ chửi chồng bằng những câu từ không thể khó nghe hơn mà ánh mắt cứ liếc háy bén như dao tạt ngang qua da mặt chị, nghe rát căm, chị lẳng lặng rời đi… Có chỗ chị trụ lại được vài tháng thì gia đình người ta phá sản, bị nhà nước tịch biên, chị ngậm ngùi dọn đồ đi nơi khác…

Chị gom chút vốn, mua vé số ở đại lý, rong ruổi những con đường Sài Gòn, đi mòn đôi dép mà không dám mua đôi mới, chỉ mong sao gặp lại được cô em nhỏ ngày nào. Nhiều đêm ngủ mớ, vía chị cứ thấy em gái chạy tới mua vé số, rồi hai chị em nhận ra nhau ôm khóc ròng, chị giựt mình dậy nước mắt còn đọng trên mặt thành vệt, mấy ngày liền như vậy, nhưng niềm hy vọng đoàn tụ cứ xa dần xa dần. Rồi bữa đi bán khuya về, chị bị tụi du đãng chặn đường cướp sạch vé số với tiền, còn bị đánh bầm dập, đau đớn mà không biết phải bám víu nương tựa chỗ nào. Chị cũng đôi lần nhớ về nhà, nhưng chỉ thấy ký ức đó làm chị nổi hết da gà và cảm giác nghẹn cứng ngay cổ họng không thể bật hơi ra được, sợ quá nên không dám nghĩ tới nữa.

Đời chị cứ trôi nổi như một đám lục bình trên sông, nhiều lần ước gì nhắm mắt ngủ một đêm rồi không bao giờ mở mắt lần nữa. Có khi nghĩ quẩn chết là xong xuôi hết, là kết thúc những chuỗi ngày tối tăm này.

Cái bữa chị đứng trên cầu Sài Gòn, chị đã nghĩ mông lung, đã nghĩ tới chuyện gieo mình xuống dòng nước xiết đó, lúc chuẩn bị buông tay khỏi thành cầu thì chị bị kéo lại. Đêm đó những nổi trôi đưa chị gặp được một người có số má ở đất Sài Gòn, người đàn bà đó dắt chị về chỗ của mình, biểu chị cắt tóc ngắn, dạy võ, dạy chị những gì mà một kẻ giang hồ phải làm. Chị kêu người ta là “Đại Tỷ”. Lần đầu tiên trong cuộc đời, chị thấy mình nên sắm vai một thằng đàn ông mạnh mẽ, chỉ có như vậy mới không bị coi thường, không bị đời vùi dập nữa. Cái hôm cầm đuôi tóc dài khô queo trên tay, nước mắt chị rớt lần cuối cho cái còn lại lưu giữ hình hài của một người đàn bà…

Cũng không biết là hên hay xui nhưng chị như được tái sinh, có anh em bạn hữu xã hội, họ không ngọt ngào nhưng sống với chị bằng nghĩa khí, cưu mang nâng đỡ chị, không coi thường chị là phụ nữ. Chị chân ướt chân ráo ngáo ngơ đi theo đại tỷ, bữa đầu tiên đòi nợ, con nợ khóc lóc quá trời, không đành lòng xuống tay, về bị ăn đòn no nê, chị phải học cách nếu mình không tàn nhẫn với người khác thì mình cũng sẽ chết lần chết mòn trong cái xã hội chà đạp lên nhau này. Từ một cô gái quê chân chất, đơn giản, chị thành một tay anh chị, thành tâm phúc của đại tỷ, chuyến giao hàng nào chị cũng được đi theo, bởi chị đánh đấm giỏi, chịu đau cũng giỏi, lại ít nói cho nên những bí mật vô tay chị thì sẽ vẫn là bí mật. Chị tập hút thuốc, tập uống bia uống rượu, để mỗi lần lòng thấy chơi vơi chị sẽ la cà với mấy anh em nhậu say quên lối. Mọi người kêu chị là “tam ca”. Trong lòng anh em xã hội, chị có chỗ đứng, trong lòng mấy đứa con gái làm nghề bán dâm, chị là người bảo kê mạnh nhất, tụi nhỏ cũng khổ lắm mới đi con đường này, nên khách nào mà lén phén chị đều không để yên. Một phần vì chị cũng sợ biết đâu nhỏ út bị cuộc đời đưa đẩy mà trở thành một trong những cô gái này, chị sợ khó nhọc che mờ con mắt không nhận ra được em mình, nên thôi chị thương hết, phận đàn bà con gái, khổ lắm! Dù biết rằng mình đang làm những chuyện trái pháp luật, nhưng nếu không làm chị biết sống sao, còn mong mỏi tìm được em gái nữa, cho nên dù muốn dù không cũng đã chấp nhận số phận của mình.

Từ lúc rời quê hương cho tới lúc dấn thân vô con đường này, chị hình như quên mất tình yêu nam nữ, mỗi ngày thứ chị vẫn giữ trong lòng là những tấm hình kỷ niệm, mạnh mẽ là vậy nhưng khi nhìn lại chị không thể kiềm lòng. Nó như một miếng thịt bị cắt rời, đau âm ỉ miết mà không có chi bồi đắp nổi. Chị chỉ mong má trên trời có thể hiểu cho đứa con gái bất hiếu, vì hoàn cảnh nên trở thành loại người mà má không bao giờ mong muốn. Thời gian trôi qua chị cũng đã quen với hình hài mới, với tên gọi mới, chuyện xưa cũ chị chỉ tâm sự với mình đại tỷ, trong làn khói thuốc nhạt màu, hai chị em nói chuyện đời mình phiêu bạt. Chắc vì trôi nổi giống nhau, chắc vì cũng từng trải qua những miệt thị ghẻ lạnh nên họ gắn bó tình nghĩa, sống chết gì cũng cưu mang nhau.

Xã hội biến chị thành một bông hoa dại, mầm hoa bị chôn vùi dưới đất đã vươn lên mạnh mẽ bất cần, mười năm đi theo đại tỷ, mười năm có lúc sống chết chỉ cách nhau như một sợi chỉ mỏng manh. Rồi chuyến hàng lậu hôm đó không thành, băng của chị tan rã, có người chạy thoát có người sa lưới. Mấy chỗ hành nghề mát xa cũng bị lật úp. Chị và đại tỷ ra hầu tòa, kêu án sáu năm…

Sáu năm trong tù, gặp thêm những cảnh đời khác, gặp thêm những cay đắng khác, chị nhiều lần suy nghĩ chắc em gái chị đã chết ở một nơi nào mà chị không biết. Những tháng ngày bị giam cầm, không chém giết, không đòi nợ, không khói thuốc, không những cuộc nhậu thâu đêm làm chị đầm lại, chị tưởng tượng nếu cha biết chị trở thành một kẻ tù tội cha sẽ như thế nào, có bận lòng một chút vì ân hận hay cha chỉ cười khẩy, con gái không phải con mình… Năm năm không có thân nhân tới thăm, chị với đại tỷ cùng chịu những trận đòn trong khám, cùng ăn những bữa cơm tù thường xuyên không nuốt nổi, nhưng đoạn thời gian đó giúp cho hai người đàn bà trầm lắng lại giữa cuộc đời, không có khó khăn nào là mãi mãi, cái gì họ cũng vượt qua được…

Rồi bóc hết sáu cuốn lịch dày, lúc bước chân ra khỏi cổng trại, trong túi không có tiền, trong đầu không có định hướng mai sau, khổ thiệt đó nhưng tâm họ thanh thản thiệt sự. Những ngày tháng tiếp, khi đem hồ sơ bị bôi đen một đoạn đường sáu năm ăn cơm nhà nước đi nộp, hai chị em đã nhận lại sự từ chối không biết bao nhiêu lần, nhưng may mắn khi chưa sa chân vô vũng lầy khác họ gặp lại người mà chị từng có ơn cứu mạng lúc còn lăn lộn xã hội. Vì tình nghĩa đó người ta gom cho chị mượn tiền mua xe ba gác máy chở hàng, chở ve chai kiếm sống. Đại tỷ mượn chút đỉnh làm vốn bán bún riêu ven đường, họ sống với nhau ở khu nhà trọ gần chân cầu Sài Gòn, có tồi tàn có rách nát nhưng nghĩa tình thì không thiếu. Đã lâu không có ai gọi chị là “tam ca”, đã lâu cũng không ai gọi tiếng “đại tỷ”. Hai con người lang bạt, đặt xuống một đoạn đời mình để bắt đầu lại thêm một lần nữa.

Từ ngày làm bạn với chị, tui biết tới gánh bún riêu của đại tỷ, gánh hàng nhỏ, mở cửa từ năm giờ sáng mỗi ngày, bán rẻ cho những lao động nghèo ngang qua đó. Người phụ nữ giang hồ năm nào, giờ tóc mai chớm bạc, không còn sống sau lớp phấn son trang điểm, mà sống thật với chính mình, không còn cái liếc mắt làm đàn em sợ hãi chỉ còn lại nét buồn dãi dầu theo năm tháng. Mấy anh thợ hồ hay ăn bún riêu cứ ghẹo đại tỷ hoài hỏi “ưng anh hôn?” chỉ chỉ cười nhẹ nhàng rồi nói “tui từng ở tù đó cha nội”. Xong rồi thôi, không ai dọn về ở chung với ai bao giờ, nhưng những cảm tình, nhưng tô bún, dĩa rau nó vẫn làm người bình dân khu đó nhớ và thèm, đi đâu họ cũng về ăn lại rồi nhắc hoài cái hương vị quá quen thuộc, khoảng cách quá khứ tù tội ở chốn này dường như không có… Chỉ có cô bán bún riêu nhanh nhẹn, hay miễn phí cho bà già, thằng nhóc bán vé số, hay gom tiền bán một ngày dúi hết vô tay ông chú thợ hồ mặt mày cằn cỗi bởi lo tiền chữa bịnh cho con… Cái đẹp của tâm hồn nó kỳ cục vậy đó, kỳ cục không tả đủ bằng lời!

Hồi tui mới chơi với chị, tui cũng hay kêu chị là “tam ca” như những người khác (trừ anh già chủ quán cà phê cóc tui hay ngồi là không kêu như vậy). anh chủ vừa bước qua tuổi gần già, nó dở dở ương ương giữa một khúc còn trẻ và một khúc chớm phai màu, hồi xưa nhà nghèo vợ ảnh đem con bỏ đi, rồi lấy chồng nước ngoài định cư luôn ở bển, ảnh coi như có một mình, sợ yêu cho tới bây giờ. Dành dụm bương chải giữa xã hội nhiều năm, tài sản không có gì ngoài cái quán cà phê cóc nhái ễnh ương này vừa bán kiếm cơm hàng ngày vừa là nơi che nắng trú mưa. Ảnh không kêu chị bằng “tam ca” hay “tam muội” gì ráo. Mà lần nào chị chở hàng về ghé quán, ảnh cũng ngọt nhạt câu “mới về hả Quyên? Mệt hôn?” kèm theo là ly cà phê đen ít đường, để nhận lại nụ cười của chị mỏi mê sau những chuyến đi ba gác dọc ngang thành phố kẹt xe này… Có bữa tóc chị hơi dài qua cần cổ, ảnh biểu “hỏng mấy Quyên đừng cắt tóc nữa, để dài dài cột gọn lên dòm ngộ lắm…”. Tui hơi mắc cười nhưng nước mắt muốn rớt bởi thấy cái tình thương kia nó bình dị tới nao lòng.

Vậy nên tui cũng không kêu chị là “tam ca” nữa, tui đổi qua kêu chị ba Quyên ơi chị ba Quyên à! Xong chị nhìn tui ngộ lắm, cái nhìn thương yêu trìu mến, cái nhìn trào nước mắt… tui ôm chị một cái để xoa dịu trái tim cũng nhiều lần yếu đuối đó, chị nói “chắc chị ngưng đi tìm nhỏ út, giờ để coi có duyên hay không, chị cứ để vậy cho rồi, chứ lâu quá chị mệt…”

Cuộc đời cứ vậy mà trôi, những bi kịch của nhiều năm về trước cũng bị thời gian phủ lên lớp bụi thiệt dày, hai người phụ nữ tui biết đã tái sinh lần nữa với cái nghề bình dân, không còn những đêm trằn trọc bởi bị thằng lương tâm cắn rứt.

Cả đời họ đã từng sống trong thân phận người đàn bà bị coi rẻ, bị khinh khi, nhưng họ cũng vẫn tồn tại. Hơn ai hết, họ biết có những ngày khổ đau tới cùng cực, có những ngày áp lực phải đo bằng đơn vị tấn. Nhưng nếu chỉ vì bấy nhiêu đó mà chết thì nó lãng nhách lắm, họ giống như một mầm cây, dẫu bị vùi chôn dưới muôn ngàn lớp đất cũng không ngừng tìm lối vươn lên. Bông hoa mọc từ tro tàn bây giờ mang trên mình màu sắc rạng rỡ.

Nhờ chị mà tui nhìn đời dịu dàng hơn, tui ngỏ ý vẽ tặng chị bức chân dung, chị cười “thôi vẽ má dùm chị, hình cũ quá nên hết đẹp.”

Khi tẩn mẩn trau chuốt cho bản vẽ, tui đã cố gắng vẽ đôi mắt cho thiệt hút hồn, đôi mắt đó và nụ cười đó là cái mà chị được thừa hưởng từ má…

Thời gian qua kha khá bây giờ gặp lại bà chị đã chớm già mà bận bộ bà ba thấy còn mướt rượt, tóc dài ngang lưng, cột gọn đằng sau. Cái người mà tui từng phân vân không biết kêu bằng anh hay bằng chị, nay đã khác quá chừng. Sáng sáng chiều chiều có người nhỏ nhẻ “Quyên ơi! Pha cà phê” là chị sẽ “ơi” ngọt xớt. Suốt quá chừng năm đau khổ, cuối cùng mầm hoa cũng tìm ra lối, cuối cùng chị mới có thể sống những ngày tháng được nâng niu trân trọng đúng nghĩa của phụ nữ, mà phụ nữ mạnh mẽ chứ đâu phải giỡn chơi…

Tui ngồi đó, góc quán quen thuộc, gió mùa hè thổi nồng qua những trang giấy, anh pha cà phê cho khách, còn chị bưng cho tui một ly nước cam, ly nước cam giống như ngày đầu hai chị em giáp mặt, cảm giác nó đã ngọt ngào và thấm mát hơn. Đời tự nhiên đẹp dịu dàng, dù ai cũng đang già đi theo từng năm tháng…

Bữa nay quán cà phê “Quyên” mở bài “Diễm Xưa” của ông Trịnh Công Sơn, cô ca sĩ giọng hơi khàn hát tới câu:

“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”
Ờ sỏi đá có nhau rồi…