Tôi không biết rõ bà đã sống ở đây tự bao giờ, nghe mẹ kể lại, bà trở thành hàng xóm của gia đình tôi từ khi bố mẹ còn chưa lấy nhau, khi mà ông bà ngoại cùng mẹ tôi vào Tây Nguyên này làm kinh tế mới. Còn tôi đã làm hàng xóm với bà được 17 năm rồi, tôi quý ông bà như ông bà ruột của mình và ông bà cũng yêu thương tôi như con cháu.

Nhà tôi nằm ở lưng chừng dốc, nhà bà ở kế bên nhà tôi nhưng vì gần đỉnh dốc hơn nên khi đứng từ đỉnh dốc nhìn xuống trông hai ngôi nhà san sát nhau cứ như thưở ruộng bậc thang. Vì sống ở nông thôn nên hầu hết nhà nhà đều xây mái ngói, bếp đun và nhà ở tách biệt với nhau. Nhà tôi được thiết kế theo hình chữ “L”, nhà và bếp riêng biệt, lưng nhà đối diện với lưng bếp nhà bà, còn đứng ở trong bếp nhòm ra khe cửa sổ sẽ thấy vườn chuối rộng mà chính tay ông vun xới. Nhiều bất tiện khi đi lại từ trên nhà xuống dưới bếpmỗi mùa mưa nên bố xây một mái vòm hình cánh cung để cả nhà đi lại cho dễ. Ngày bé vì không muốn ăn canh mà tôi lén mẹ đứng ở mái vòm đổ bát canh đi, lớn lên chút nữa tôi cũng đứng dưới mái vòm để đổ đi cốc rượu vì không muốn bố uống say. Dưới quê cũng không làm rào chắn như nhà thành phố, ngăn cách giữa nhà tôi với nhà bà là một rãnh nước nhỏ. Tôi chỉ cần đứng ở vườn nhà, bước qua rãnh nước, leo lên gò đất bên vườn bà là qua được nhà bà. Ở mảnh vườn ấy ông bà trồng vài bụi mía, rặng cỏ, nhiều loại cây ăn trái và các loại rau củ sạch. Bây giờ khu vườn ấy không còn như ngày trước nữa. Những bụi cỏ, bãi mía, dàn bầu,… đã bị phá đi, ông bà trồng ở đó những cây cà phê lâu năm, đặc sản của mảnh đất Tây Nguyên này. Dẫu vậy khi nhìn vào bức ảnh chụp ở vườn bà năm 3 tuổi, khu vườn thơ mộng ấy vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi.

Tôi hay theo mẹ sang nhà bà chơi, mẹ thường dắt tôi leo lên gò đất sang vườn bà cho nhanh vì nếu phải đi đường chính thì sẽ xa hơn một đoạn, vả lại xe cộ ngoài đường nên mẹ không yên tâm để tôi đi ở đó. Mẹ lớn hơn tôi và có đầy đủ kinh nghiệm để trèo qua nó một cách dễ dàng còn tôi thì khó khăn biết mấy, không ít lần tôi xảy chân mà ngã nhào xuống rãnh nước. Vì thế bố đã đào mấy bậc tam cấp để tôi qua nhà bà chơi dễ hơn, nếu có chẳng may trượt chân lần nữa thì tôi sẽ nhanh tay bám víu vào cành ổi và cành xoan ngay ở bên như hai tay vịn của cầu thang này. So với các loại cây khác trong vườn bà thì đến bây giờ chỉ còn hai loại cây này là sống lâu nhất. Nó đã trải qua bao nhiêu năm tháng, bao mưa gió bão bùng, trải qua cả sự lãng quên của con người để trường tồn với thời gian. Tôi nhớ ngày còn nhỏ vì là con út nên lúc mấy anh chị đi học tôi thường chơi một mình. Hết chơi ở sân nhà tôi lại lang thang ở vườn bà, cây xoan khi ấy chỉ cao hơn tôi một chút, lá xoan xum xuê, cành non nho nhỏ nảy chồi rất nhanh. Tôi hay bẻ cành xoan non để làm hàng hóa rồi lại dùng lá ổi làm tiền mặt. Tuy bị tôi dày vò như vậy nhưng cây xoan vẫn lớn nhanh như thổi.

Cây xoan, về độc tính và những lưu ý khi dùng làm thuốc

Lúc trước nhà bà có một căn bếp rất rộng nó phải to gần bằng nửa nhà của chúng tôi. Ông bà ngăn bếp làm hai bên, bên phải là nơi đựng đồ đạc, chỗ nấu nướng ăn cơm, bên trái là nhà kho để những nảy chuối chín ươm chuẩn bị cho những phiên chợ của ông bà. Ông bà chỉ sống với nhau, ngoài buổi sáng đi chợ thì chiều về bà luôn dọn dẹp cho sân nhà sạch sẽ nhất, thế nên khi sang chơi tôi cũng chỉ dám chơi ngoài vườn hay vào trong bếp chứ không bao giờ tự tiện bước vào nhà bà. Bếp bà rộng, trạn bát đĩa có đầy những chiếc bát sứ hoa đẹp nhất, góc nhà bao giờ cũng có những chiếc hộp đựng dưa muối xinh xinh. Món dưa muối bà làm rất ngon, thỉnh thoảng mẹ tôi sẽ sang xin dưa muối nhà bà về ăn. Tôi thích nhất là bắp cải thái sợ muối với rau răm cay nồng, hương vị bắp cải giòn giòn hòa quyện trong vị rau cùng nước muối vừa mặn là thức quà ngon nhất mà cả nhà tôi ai cũng thích. Chỉ đến khi tôi bị đau dạ dày và cái lưng của bà còng xuống theo thời gian thì món dưa muối ấy tôi không còn được ăn lại nữa. Bây giờ tôi có thêm em út, mỗi lần theo mẹ qua nhà bà nó sẽ hí hứng về khoe với tôi rằng nay bà cho nó những cây kẹo thật ngon. Nhưng tụi nhỏ bây giờ làm sao biết được hương vị món dưa muối cùng tình người ấm áp trong những năm tháng nghèo đói ở vùng thôn quê này đẹp như thế nào!

Ngày trước ngõ vào nhà ông bà rất rộng và sâu, trước ngõ là một cây chứng cá to, đường đi ngõ vào trong sân nhà ông trồng những hàng cây sống đời xanh rì. Mảnh vườn kế bên có rất nhiều hoa, những chậu hoa mào gà đỏ rực, những bụi 10h nở tung muôn sắc. Khu vườn nhỏ của ông cứ như một xứ sở thiên thần mà nhà tôi không có. Về sau căn nhà chính bị ông bà phá hẳn đi, cả vườn hoa rực rỡ và cây chứng cá đầu ngõ cũng bị chặt bỏ để nhường lại mảnh đất cho người con trai cả xây lên một ngôi nhà mới. Rồi ông bà chuyển xuống sống ở căn bếp khi xưa. Nhà bà giờ bé tí, con ngõ vào vẫn sâu nhưng rất hẹp, nếu ai đi qua mà không để ý có lẽ sẽ nhầm tưởng nhà của ông bà chỉ là một ngôi nhà kho của cái nhà xây to đùng kia mà thôi. Khi ông bà chuyển xuống ở nhà mới tôi thấy mình như ở gần bà hơn bởi trước đây phải cách một rãnh nước, một mảnh vườn, một căn bếp thì bà mới là hàng xóm của tôi còn bây giờ bà ở căn bếp ấy gần tôi hơn hẳn. Từ ngày ông ngã xe, bà bị ốm nặng thì ông bà bỏ luôn nghề đi chợ, hàng ngày ông bà chỉ quẩn quanh ở nhà và ra vườn trồng cây.

Mỗi trưa bà lại gọi to “Ông ơi!” để gọi ông về ăn cơm, mỗi tối bà thường có thói quen xem phim khuya vì tuổi già không ngủ được, có hôm bà mở tivi đến 11, 12 giờ đêm, sáng 4 giờ đã bật tiếng thật to khiến tôi dù nằm ở trong giường nhà cũng nghe thấy. Mọi thứ đều gần gũi hơn với tôi chỉ trừ con đường qua nhà bà. Kể từ lúc xây nhà xong cô chú làm hàng rào thép gai vây xung quanh cả nhà làm ngăn cách cả lối đi bên cây xoan sang nhà bà. Mẹ tôi bày cho tôi một lối đi mới, đó là lối đi vòng từ bếp ra sau vườn chuối. Tôi không thích con đường này vì nó khá xa thậm chí còn xa hơn cả khi đi đường chính, vả lại tôi cũng hay bị mạng nhiện giăng đầy đầu, nhựa chuối dính đầy áo. Nhưng vì mẹ vẫn sợ tôi đi đường chính gặp xe cộ nên luôn dặn tôi phải đi vòng qua bụi chuối cho vừa đỡ nắng vừa an toàn. Tuy vậy những khi mang cháo qua cho ông bà hay đi sang xin lá lốt về gói nem tôi vẫn lén mẹ đi về đường chính, đi qua con ngõ nhỏ nhà bà. Những lúc đi trên đường nếu trời nắng tôi sẽ cầm cái rổ lên che đầu mặc người người qua lại hay sẽ chọc con chó nhà cô chú để nó sủa vang xóm. Nhưng thực chất tôi thích đi qua con ngõ ấy để nhìn sang cái sân rộng nhà cô chú rồi hồi tưởng lại chỗ cây cảnh này trước đây là hàng cây sống đời, bộ bàn ghế đá ngoài hè từng là bậc tam cấp mà tôi hay ngồi,… Tất cả trong hoài niệm, thật đẹp!

Lớn lên từng chút tôi không còn chơi ở nhà bà nữa bởi việc học tập khá bận rộn và tôi cũng có những cuộc hẹn với những người bạn thân của mình. Lâu dần tôi cũng không còn để ý đến cây xoan, thoắt cái cũng hơn chục năm tôi không còn chơi với nó nữa. Cây xoan cũng đi vào trong những mảnh kí ức xưa cũ, nó vẫn lớn nhanh như thổi cao hơn cả nóc nhà tôi, cành lá mọc ra xum xuê làm bố tôi còn phải chặt vợi những cành ở phía dưới để nó không xòe ra vườn nhà. Thi thoảng tôi vẫn hay đứng dưới mái vòm để ngắm sao và nhìn ra cây xoan cao vời vợi.

Nhưng dạo gần đây tôi thấy xoan không còn nhiều lá như trước nữa, thân lá xác xơ, cọc cỗi, mùa xuân cây cũng chẳng còn nảy chồi mầm. Ông bà bây giờ cũng yếu hơn trước, cái lưng còng khiến bà phải khom lưng đi lọm khọm, cái chân đau sau lần ngã xe cũng khiến ông bước thấp bước cao. Hình như cây xoan đang sống với những tháng ngày cuối cùng và ông bà cũng đang bước đến cái dốc bên kia của cuộc đời! Tôi cũng lớn lên từng ngày, mong sao bây giờ và sau này nữa cây xoan vẫn mãi sống để mỗi khi đứng ở mái vòm tôi lại thấy tuổi thơ tôi, thấy những tháng ngày được là hàng xóm của ông bà.