Gã giật bắn mình bởi tiếng quát:

– Cút ngay! Đồ rác rưởi…

Gã luýnh quýnh chưa biết chuyện gì xảy ra thì đã bị một cái đập vào cạnh sườn đau điếng. Gã dụi mắt, thấy một mụ có thân hình đẫy đà, mùi son phấn và nước hoa làm cho đầu gã quay cuồng. Dáng dấp của kẻ giàu có và chanh chua kia bỗng làm gã thấy sợ. Gã nhớ lại đêm qua gã đã chọn cổng của ngôi nhà này làm chỗ ngủ cho mình. Gã cuống cuồng đứng dậy và tập tễnh bước đi vội vã và đầy khó nhọc. Gã đi như thế, mãi rồi cũng mệt. Lúc này gã dừng lại thở, gã thấy ấm ức, gã thấy nhục cho cái thân gã. Thế là gã nhớ lại quãng thời gian trước đây, khi gã chưa phải là một kẻ ăn xin, chưa phải chịu những cay đắng, cơ cực của kẻ khốn cùng.

Nhớ ngày trước, gã từng là con buôn nổi tiếng giàu có xứ này. Thời ấy tiền bạc với gã mà nói là một điều hết sức bình thường. Đối với gã, việc kiếm tiền là quá dễ dàng, và điều đó làm cho gã thấy tự tin. Những chuyến buôn trót lọt đã làm gã giàu lên nhanh chóng. Gã xây biệt thự nguy nga, hoành tráng. Gã đi xe ô tô hạng sang, khiến cho nhiều người thèm khát, lắm kẻ đố kỵ, tức tối. Nói chung, đời sống của gã chẳng thiếu thứ gì.

Gã cứ ung dung thỏa thuê hưởng thụ sự sung sướng ấy, mặc nhiên không để ý đến những sướng khổ của người đời xung quanh. Điều tệ hại nhất là gã luôn khinh bỉ và xa lánh những người nghèo khổ, rách rưới, mặc dù họ không cầu xin hay làm phiền gì gã.

Nhưng cuộc sống đâu phải là một sự mặc định: kẻ giàu cứ giàu, người nghèo thì nghèo mãi? Rồi một ngày kia, bão giông cuộc đời đã cuốn phăng hết gia tài, tiền bạc của gã đi. Những kẻ mà gã cho là thân tín đã giáng cho gã một đòn chí mạng. Việc làm ăn đổ bể, gã phải bán hết gia tài mà còn chưa trả hết nợ. May mà không phải ngồi tù. Phũ phàng và đau đớn nhất là vợ gã cũng bỏ gã, mang theo đứa con chạy theo nhân tình giàu sang. Gã nuốt nước mắt đắng cay. Gã đi làm phụ hồ kiếm sống. Nhưng đời lại vùi gã một lần nữa, gã bị tai nạn gãy chân rồi thành tật. Thế là đương nhiên gã thành ăn xin lang thang, vật vờ khắp các tuyến đường, lối phố.

Muốn ăn xin phải được “cấp giấy phép”

Ngồi gặm nhấm quá khứ xưa mà gã thấy thèm quá, gã thèm cái cuộc sống của chính gã ngày xưa. Hắn thấy lòng quặn thắt tiếc nuối, xót xa… Gã thấm thía những cơ cực, tủi nhục mà những người như gã bây giờ phải chịu đựng. Gã nhớ lại những sự khinh miệt, dè bỉu mà gã từng đối xử với những người nghèo khó trước kia. Gã đã từng ném cho một người ăn xin những đồng lẻ và ánh nhìn khinh khỉnh, tự cao. Gã làm việc đó như là một sự bố thí, ban ơn, chứ không phải xuất phát từ lòng trắc ẩn. Gã không ngờ giờ đây gã đã phải nếm trải không chỉ những điều ấy mà còn cả sự hắt hủi và xua đuổi đến nhục nhã, đớn đau. Gã càng cay đắng bao nhiêu thì sự day dứt về những điều đã làm trong quá khứ càng dằn vặt, giằng xé tâm can gã. Bỗng gã thấy mệt lả, từ sáng gã đã có gì cho vào bụng đâu. Gã thấy đói. Mắt gã hoa lên, chân tay rời rã. Khi gã thấy mình đang lịm đi thì có ai đó vỗ vỗ vào vai gã:

– Này ông ơi! Ông có sao không? Chà, chắc là đói đây mà. Nào, ăn cái này nhé.

Người phụ nữ bán hàng rong dúi vào tay gã cái bánh mì vẫn còn nóng. Mắt gã sáng lên, nước miếng ứ đầy vòm miệng. Gã thì thào:

– Cảm ơn!…

Gã ăn ngấu nghiến, như thể chưa được ăn bánh mì bao giờ vậy. Gã thấy bánh mì ngon quá. Gã thấy chưa bao giờ ăn cái gì mà lại ngon đến thế. Những cái nhai, cái nuốt ngấu nghiến của gã khiến người phụ nữ phải thốt lên:

– Ấy, ăn từ từ thôi, vẫn còn nữa đây.

– Tôi… tôi no rồi. – Gã nói thế nhưng mắt vẫn hau háu nhìn chiếc bánh còn nằm trong vành nón đặt bên gánh hàng rong với con mắt thòm thèm.
Chợt từ hai khóe mắt gã ứa ra những dòng nước mắt nóng hổi, nghẹn ngào. Gã nấc lên rồi khóc tu tu. Chao ôi! Chỉ khi nào người ta rơi vào cảnh cùng cực, khi mà sống với những người nghèo khổ, họ mới thấy sau bộ quần áo cũ rách là những thơm tho của lòng nhân ái, sự ấm áp của tình người… Và gã đã hiểu rằng, sống làm người cần phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Người phụ nữ chẳng hiểu tại sao gã khóc, cô vẫn ngồi bên gã vuốt vuốt lưng gã với vẻ cảm thông và ánh mắt đầy sự chân thành, ánh mắt của tình người.