Ông Nghĩa năm nay cũng ngoài sáu mươi tuổi. Cái nghề chạm khắc vàng bạc quanh năm quần áo bám mạn bụi, xộc cả lên mũi miệng đã để lại cho ông chứng viêm phổi kinh niên. Vợ ông cũng khuyên ngăn tầm này tuổi rồi thì vui thú tuổi già đi bộ buổi sáng, đánh cờ, nuôi chim, câu cá cho an nhàn. Nghĩ làm gì nhiều, cố làm gì nhiều, chết cũng có mang tiền đi được đâu mà cố. Ông nghe thế thì cũng gật gù có lý. Vợ chồng ông Nghĩa giàu nứt đố đổ vách. Ông có một cửa hàng vàng bạc với một xưởng thuê khoảng chục thợ chế tác, còn bà vợ kém ông chín tuổi thì mở shop thời trang trung niên trên thị trấn cũng khách ra khách vào liên tục. Tiền nhà ông khéo ăn tiêu ba, bốn đời cũng không hết, nhưng tâm lý ngồi không rảnh rỗi lại buồn chân buồn tay, thấy không quen nên cũng cứ túc tắc làm thêm.

Mỗi sáng, ông Nghĩa xách xe ra cổng, dựng chân chống để cài lại cửa cẩn thận trước khi đi ra mở hàng. Dạo gần đây, bà Vân thấy chồng hay trầm tư, ăn kém, ngủ không sâu giấc, thỉnh thoảng hai vợ chồng ngồi xem ti vi lại thấy ông hay lơ đãng và thở dài, bà vợ đâm ra lo lắng, gạn hỏi thì ông Nghĩa lại lắc đầu bảo chẳng có chuyện gì cả.

Kỳ thực, từ dạo cuối tuần, khách trả hàng nghỉ, phố vắng nên ông cũng có một ngày thảnh thơi đi dạo bộ buổi sáng, uống trà ở một quán cóc vỉa hè quen ngồi. Tình cờ, ông lượm nhặt được tờ báo giấy người ta bỏ lại. Cầm lên xem xét một hồi, ông xúc động tháo kính xuống, đưa vạt áo lên chấm chấm hốc mắt, tay kia cầm chén trà đầy run rẩy đến nỗi làm nước trà sóng ra ngoài phân nửa. Chẳng là ông đọc được một bài viết ca ngợi cậu con trai tài giỏi, ưu tú được nuôi bởi bàn tay lam lũ của người mẹ đi lượm nhặt ve chai. Hình ảnh người mẹ trong bài báo chẳng phải Lan, người con gái năm xưa ông đã dứt lòng rời bỏ? Nhìn kỹ khuôn mặt cậu con trai trong bài báo ấy, từ đôi mắt, khóe miệng, sống mũi,.. chẳng phải các đường nét đều giống ông như tạc ư? Có lẽ nào…? Thế rồi, suốt từ ngày hôm ấy, lòng ông cứ trăn trở, lúc nào cũng buồn rười rượi. Giờ nếu đi tìm lại hai mẹ con thì liệu có ích gì? Ngoài đắc tội với người vợ đã dành cả thanh xuân bên ông thì sự xuất hiện của ông cũng chỉ khiến cuộc sống của hai mẹ con Lan thêm xáo trộn. Càng nghĩ, lòng ông lại càng rối rắm, mâu thuẫn.

Thời gian bào mòn quãng đời còn lại của ông Nghĩa như những con mọt gặm dần đến khi chiếc cửa cũ mòn cụt sát cái bản lề. Tiếng ho kéo dài khiến cổ họng ông khô khốc, nước mắt nước mũi giàn giụa mệt mỏi. Ngẫm cuộc đời, ai cũng sẽ bị bánh xe thời gian chèn qua, uể oải, yếu ớt rồi đổ gục, ai cũng sẽ phải trả giá cho những sai lầm của mình dù sớm dù muộn.

Bị chồng bắt tại trận khi đang vụng trộm với người yêu cũ, vợ trẻ nhận cái  kết đắng - VNReview Tin mới nhất

Vợ chồng ông Nghĩa có một thằng con trai nhưng cũng thuộc hạng ăn chơi rách giời rơi xuống. Ba mấy tuổi đầu rồi vẫn lông bông, không vợ con, tiền ăn tiêu vẫn ngửa tay xin bố xin mẹ. Dạo năm kia, bà Vân thậm thụt giấu chồng cho cậu ấm 5 triệu đi liên hoan với bạn. Đến khuya muộn về thì bị xe container đâm, vào viện chưa đầy một tuần thì ra đi mãi. Ông Nghĩa chết lặng trong phòng cấp cứu, còn bà vợ ngất lịm đi, khóc không thành tiếng. Nhà chỉ có một mụn con. Dù nó chẳng ra gì thì cũng là rứt ruột đẻ ra, không đau sao được? Buồn chán, qua 49 ngày con, ông Nghĩa lại ra xưởng ngồi làm cùng đám thợ. Bàn tay lâu ngày không rèn mài dũa bỗng trở nên run rẩy, ngại việc. Tối hôm đó, ông trở về với ngón tay băng trắng, vợ hỏi làm sao, ông cáu bẩn:

– Mất một đốt ngón tay.

Bà Vân trong lòng xót xa nhưng thấy mặt chồng không thoải mái nên không dám hỏi thêm. Trong lúc cắt khuôn đúc mặt nhẫn, do tâm trí không tập trung, ông di máy cắt qua ngón tay trỏ “xoẹt” một nhát nghe ngọt sớt. Ông Nghĩa vẫn bình tĩnh nhìn mẩu ngón tay nằm trên bàn chế tác để đám thợ sợ mặt xanh, gan vàng đưa ông ra trung tâm y tế gần xưởng băng bó.

Thường ở đời, người ta dễ buông xuôi khi bất lực, khi chẳng biết bấu víu vào đâu để tìm niềm vui sống. Ở ngưỡng cửa cuối cuộc đời, ông còn thấy mọi thứ xung quanh thật chán nản. Trong khi mọi người xung quanh không ngừng ngưỡng mộ sự giàu có của vợ chồng ông thì họ lại không tỏ tường những bất hạnh mà chỉ người trong nhà mới biết. Cuối ngày, trời nắng đã nhạt dần, trước mắt ông chỉ thấy loang loáng, đùng đục như nước vo gạo để lâu ngày.

Thừa nhận rằng, tuổi trẻ ai cũng có sai lầm. Sai lầm của ông thì không lời lẽ nào có thể bào chữa được. Khi đứa con ông vừa trào đời còn đỏ hỏn, ông đã có mối quan hệ ngoài luồng khác. Người đời vẫn thường nói, đàn ông là giống tham lam, chỉ muốn thêm không muốn bớt, làm thân con gái sinh ra đã thấy trăm bề khổ. Biết sao cho vừa, phúc họa rơi xuống đầu ai thì người nấy chịu mà thôi.

Chợt giữa đêm khuya nghe giòn tan tiếng sấm. Ông bặm môi, đứng nhìn những tia sét sáng loáng trên nền trời qua cửa sổ. Cơn mưa bất chợt đổ xuống làm dịu đi cái nóng hầm hầm đầu mùa hè và cũng làm tan ra những tan vỡ trong lòng ông. Tuổi đời tầm như ông Nghĩa lẽ ra phải được an nhàn tuổi già bởi tiền ông không thiếu, chỉ có những chuyện cũ cứ bám víu dai dẳng khiến lòng ông lúc nào cũng phiền muộn. Ngồi gục mặt xuống chiếc bàn kê sát cửa sổ, cố nén lại tiếng ho trong cuống họng khiến hơi thở của ông càng thêm nặng nhọc. Một lần nữa, quá khứ dội về khiến lòng ông thắt lại. Quá khứ lầm lỗi của ông, quá khứ làm lụi tàn thanh xuân của một người con gái trẻ, rồi cứ thế cô gái sống cô quạnh đến hết đời nuôi đứa con vô thừa nhận.

Thuở gặp gỡ ban đầu, Lan còn là cô sinh viên vừa ra trường đang thực tập ở một nhà hàng Âu trên thị trấn Sa Pa. Tình cờ, ông Nghĩa và cánh thợ lên vùng đất trên này tìm nguồn đá quý đến nghỉ chân, ăn uống thì gặp Lan. Thấy Lan trẻ đẹp, gương mặt tròn trịa phúc hậu lại phục vụ chu đáo nên ông Nghĩa đã có cảm tình ngay từ lần đầu gặp. Sau đó, vì thầm thương trộm nhớ bà Lan, ông Nghĩa nhiều lần giấu vợ đi Sa Pa thu mua đá quý để có cớ tìm gặp bà.

Mối tình vụng trộm cứ thế kéo dài gần một năm cho đến một ngày, bà Lan mừng rỡ chìa ra trước mặt ông một chiếc que thử thai đậm hai vạch. Tưởng rằng, ông sẽ vui mừng siết bao, nhưng ông lại lạnh lùng rúi vào tay bà một sấp tiền, giục bà đi bỏ rồi quay lưng rời đi khỏi thị trấn.

Bà nghẹn ngào khóc không thành tiếng, cầm sấp tiền ném vào lưng ông từ phía sau:

– Tiền mua được hạnh phúc ư? Tôi không cần tiền của anh.

Bà Lan lúc đó gần như suy sụp trước thái độ của người đàn ông mà mình đã hết mực tin tưởng. Lương tâm không cho phép bà bỏ đứa trẻ. Nó có tội tình gì? Ngay kể cả bố nó không xứng đáng đi nữa, nó vẫn là một phần máu thịt của bà. Bà sẽ giữ nó lại, bằng mọi cách. Bố mẹ bà Lan mất sớm, bà chỉ còn một bà dì không chồng sống ở ngoại ô thành phố. Trong lúc bế tắc, bất lực và tủi hổ, bà Lan cũng đã nghĩ đến việc cần cứu người dì. Dần dần, cái thai trong bụng càng ngày càng lớn, bà còn ốm nghén nữa, làm sao có thể bám trụ với công việc phục vụ khách nhà hàng khi cứ ngửi thấy mùi đồ ăn bà lại bụm miệng chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo được? Cuối cùng, bà quyết định đáp chuyến xe sớm về nhà của người dì ruột.

Dì Phượng cũng đã lớn tuổi rồi. Dì có một cửa hàng bán buôn gạo mở ngay trong nhà. Chiếc xe máy cũ để trong kho đã lâu cũng muốn rỉ ra. Bà Lan đến ở cùng dì thì mang đi sửa làm phương tiện đi lại. Lúc sớm thì bà tranh thủ đi thu nhặt ve chai, nửa buổi bà về phụ dì Phượng chở gạo tới các nhà quanh phố huyện. Bà đẹp là thế, cứ ngỡ ra trường xin được công việc ổn định rồi sẽ kiếm lấy một tấm chồng tử tế. Ai ngờ, cuộc đời nghiệt ngã với bà quá! Bụng mang dạ chửa vẫn phải lao ra ngoài bươn trải tích góp đến tận lúc sinh con. Đến ngày đến tháng, Lan sinh được một con trai kháu khỉnh, bụ bẫm.

Lẽ thường, sông chảy về nguồn cội, cậu con trai ngày một lớn khôn cũng nhiều lần hỏi mẹ về bố, bà Lan chỉ biết nuốt nước mắt vào trong bảo bố đi xa lắm rồi. Ngày đó, đứng nhìn theo cái bóng lưng lạnh lùng quay đi, bà Lan cũng đã coi như người đàn ông ấy chết đi rồi. Không đáng nhớ đến hay tiếc nuối gì nữa.

Thằng cu Nhân từ nhỏ đã nhanh chí, sáng dạ lại ngoan ngoãn nên ở lớp thầy cô bạn bè quý mến, về nhà lại chịu khó đỡ bà, đỡ mẹ việc nhà cửa. Bà Lan chưa bao giờ hối hận vì sinh ra nó trong đời. Bởi biết đâu, đánh đổi lại sự bồng bột tuổi trẻ là một tuổi già buồn tủi, cô độc?

Trái đất tròn là thế, gặp lại nhau hay không còn là bởi lòng người. Biết đâu, ông đã quên bà rồi. Làm sao biết được, một lúc nào đó trong cuộc đời, ông cũng ân hận về chuyện cũ đã qua hay chỉ như giấc mơ trưa, tỉnh dậy là quên hết sạch. Thôi thì, mọi chuyện trên đời hãy cứ phó mặc trời xanh phán quyết. Ai cũng phải sống tiếp đời mình, vì mình, vì những điều tốt đẹp phía trước mà cuộc đời ban tặng.