…Ngày xửa ngày xưa, có một làng chài nọ nằm trong bờ vịnh hoang sơ, nơi hạ nguồn dòng Cu Đê chảy từ núi Bạch Mã của dãy Trường Sơn ra đại dương.Làng Nam Ô! Người dân hiền lành chất phác, ngày ngày đánh cá mưu sinh.Ở bên bờ vịnh lại gần cửa sông, nên cá tôm về tụ đông đúc,chỉ khua vài nhịp chèo, giăng lưới kéo lên thì mặc sức chọn lựa.Tuy vậy, họ không tham lam chỉ bắt vừa đủ ăn, còn lại nâng niu trả về biển, không lạm sát,tận diệt .Tôm,cua, cá, mực… cùng với dân chài sống đề huề cộng sinh,nhường nhịn lẫn nhau duy trì nòi giống
Bốn mùa xuân hạ thu đông, làng ôm lấy biển,biển ôm ấp làng.Sẽ hòa thuận biết bao nếu không có sự hung bạo của thần Phong Ba.Hằng năm thiên tai giáng xuống làng không thương tiếc.Gió bão gom từ biển lớn đưa vào vịnh quần thảo, cuống phăng nhà cửa thuyền bè, của cải , sinh mạng dân lành. Người làng thân cô thế cô, phận mọn chỉ biết cắn răng chịu đựng khác chi kiếp Dã Tràng .
Không thể mãi can chịu tai ương ! Thủy Tú một thiếu nứ xinh đẹp tuổi mới đôi mươi nhưng rất gan dạ, cứng cỏi .Cả gia đình nàng đều là nạn nhân của thần Phong Ba làm tan cửa nát nhà.Nàng quyết tâm đi tìm công lý,chấm dứt nỗi khổ truyền đời. Một hôm Thủy Tú cùng một số chị em chung số phận bàn nhau lên núi Hải Vân nhờ sơn thần giúp đở.Tương truyền thần núi Hải Vân ở trên đỉnh cao chạm mây. Một vị thần khó tính nhưng chính trực, không khoang nhượng với cái ác.
Thủy Tú cùng các cô gái xuyên rừng ,vượt suối, trèo non,đương đầu với hiểm nguy, thú dữ . Lên đến đỉnh núi rồi họ phải nằm sương,tắm gió ba ngày, thành tâm cầu khẩn.Thần núi Hải Vân động lòng trắc ẩn hiện ra hỏi :
– Các con có điều gì uất ức mà tìm đến đây ?
– Bẩm thần núi Hải Vân,chúng con là con dân làng chài Nam Ô,quanh năm chăm chỉ làm ăn,trên đội ơn trời cao ,dưới mang ơn biển cả,lúc nào cũng kính trọng thần linh không một lời xúc phạm .Vậy mà không biết sao hằng năm thần Phong Ba cũng mang gió bão về tàn phá công lao khổ cực, lấy đi thành quả mồ hôi nước mắt,cướp đi bao sinh linh vô tội.Cầu xin thần ra tay can thiệp.
Thần núi Hải Vân nghe xong vuốt chòm râu trắng mà rằng :
– Lão Phong Ba này bản chất hung tợn,cố chấp không chịu nghe lời ai.Lão từng cai quản cả dãy núi này và vùng biển dưới kia, vì vi phạm thiên quy,nên trời giáng chức xuống làm nhiệm vụ điều hòa gió bão.Cạnh làng các con ở có ghềnh đá nhỏ, từng là nơi hung thần này bị giam giữ. Lòng thù hận chưa dứt nên hằng năm đem bão tố về quấy phá, làm ảnh hưởng đến các nơi khác, khiến dân tình vô tội hứng chịu bao đau thương …Ta rất cảm thông lòng dạ các con. Nay có nhánh núi Sơn Trà, đứa con của ta vừa trưởng thành , ta sẽ đưa về bên bờ đông để làm bình phong che chắn gió bão. Ta hứa rằng làng các con và cả vùng đất đầu biển cuối sông xinh đẹp kia sẽ được an bình, bốn mùa thịnh vượng. Nhưng để làm được điều này cần các con trợ giúp. Khi ta làm phép dời núi,các con phải cùng mặc áo màu xanh đứng trước bờ biển làng mình để ta nhìn định hướng .Có điều rủi ro này nữa ! Khi núi Sơn Trà dịch chuyển không may sấm sét nỗi lên thì các con sẽ bị hóa đá…Âu cũng là việc đánh đổi không mong muốn ! Nếu cam lòng thì đến ngày lập xuân ta sẽ an bài ước nguyện .
Thủy Tú và các cô gái không chút lưỡng lự, dập đầu lạy tạ, trở về làm theo lời thần. Làng cá nghèo trang phục quần áo thời ấy chỉ có hai màu, đen và nâu.Các cô gái lấy rêu xanh đắp lên người, đứng xếp hàng bên chân sóng, hướng về phía đông nguyện cầu giờ khắc linh thiêng.Hung thần Phong Ba bất ngờ biết được tức giận, lão gọi sấm sét về giáng xuống làng.Lúc núi Sơn Trà chuyển đến vị trí hiện nay, thì các cô gái kiên cường cũng vừa hóa đá…Từ đó làng tránh được nhiều cơn bão tố hung dữ hoành hành,người người sống an vui hạnh phúc.
Mỗi năm cứ đến tiết lập xuân ,Bãi đá rùng mình khoát lên chiếc áo xanh rêu, tri ân ngày Thần núi Hải Vân đặc bức bình phong Sơn Trà trước biển đông ngăn gió bão,nhắc lại chuyện nàng Thủy Tú cùng các cô gái làng chài sẳn sàng hy sinh cho cuộc sống bình yên
Sự tích bãi rêu được thêu dệt từ trong giấc mơ của tôi.Một con dân Đà Nẵng luôn tự hào về mảnh đất nuôi mình khôn lớn, dạy cho tôi bài học về nghĩa nhân, khơi cho tôi lòng tri ân quá khứ, ươm cho tôi bao khát vọng về tương lai.
Bãi rêu Nam Ô, điểm đến đầu xuân của người dân Đà Nẵng và du khách thập phương,Bên cạnh việc quay phim ,chụp ảnh, thưởng ngoạn nét đẹp hoang sơ . Giá như có thêm câu chuyện mở đầu – Ngày xửa ngày xưa… để minh họa cho bãi đá mặc áo rêu xanh này thì thú vị biết bao !
Văn Luân