“Tối mai ra sân bay đón chú Ba” Bố đế lại lời thông báo rồi đi thẳng ra vườn mặc cho nhỏ em tôi nhảy múa reo hò trong nhà “chú Ba lại về…” Chẳng riêng gì nhỏ em, tôi biết bố là người vui hơn cả khi biết chú Ba sẽ về.

Bố vẫn thường kể với chị em tôi rằng trong bốn anh em của bố thì chú Ba là người thông minh sáng dạ nhất nhà. Mười hai năm đèn sách không có năm nào mà chú không đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, rồi lên đại học cũng vậy. Chú chọn nghề y, học hết đại học chú học tiếp lên cao học vì là sinh viên xuất sắc nên chú nhận được học bổng toàn phần của một trường đại học danh giá ở Mỹ. Ngày chú báo tin cả nhà nửa mừng nửa vui, đến sát ngày chú lên đường thì bà nội đổi ý một mực giữ chú lại. Nhưng rồi nội cũng thua với ý chí ham học và tính cầu tiến của chú, chú bảo phải đi xa mới học được nhiều rồi thì muốn lập nghiệp thì phải tha phương. Học xong chú được giữ lại và như lời chú đã nói muốn lập nghiệp thì phải tha phương, chú chọn ở lại đất Mỹ lập nghiệp, lấy vợ rồi sinh con. 

Cách nấu canh cua rau đay đơn giản dễ làm tại nhà

Tôi cứ nghe người ta bảo rằng người Việt Nam mà đến Mỹ định cư là sẽ quên hết anh em, chẳng còn tình thân gì cả. Điều ấy đúng với ai chứ chú Ba nhà tôi vẫn trọn tình, trọn nghĩ với anh em họ hàng. Sau khi bà nội mất, chú đã lo cho chú Tư và cô Út qua Mỹ ăn học thành tài, đã nhiều lần chú Ba ngỏ ý bảo lãnh bố và gia đình tôi qua để anh em đoàn tụ nhưng bố đã chọn ở lại để lo hương khói cho ông bà. Ngót nghét cũng gần hai mươi lăm năm chú Ba sống trên đất Mỹ , bận rộn công việc là thế nhưng năm nào chú cũng về Việt Nam thăm mồ mả ông bà, thăm bố tôi và chỉ để được ăn một bát canh rau đay riêu cua mẹ tôi nấu, ăn một chén cơm nhà.

Những năm đầu chú Ba về, mẹ tôi cứ tất tả lo hết món này tới món kia sơn hào hải vị nhưng chú đều ăn rất ít. Mẹ nghĩ không hợp khẩu vị nên đã hỏi han cô bác hàng xóm thay đổi món liên tục để chú ăn ngon miệng những bữa cơm quê nhà. Hỏi thẳng chú thích món gì để tôi nấu thì hơi kỳ nên mẹ và chị em tôi chỉ còn cách quan sát nhưng rồi kế hoạch của mẹ con tôi đều thất bại vì chú Ba là người rất thận trọng. Mãi cho đến lúc tạm biệt nơi sân bay để chú về lại Mỹ chú mới nói “cám ơn chị đã chăm sóc em những ngày qua, năm sau em về chị đừng vất vả như thế nữa nhé! Một bát canh rau đay, một dĩa cà muối là đủ rồi…” Như lời chú dặn, những năm sau này chỉ cần nghe bố bảo chú Ba sắp về là mẹ sẽ gieo sẵn rau đay rồi dặn cả cua đồng chờ chú về. Nhiều lần thấy chú tất bật công việc mà vẫn cố gắng về được hai tuần rồi đi, ngại đường sá xa xôi bố bảo chú khỏi về thời buổi công nghệ rồi chỉ năm phút là thấy được mặt nhau. Bố nói thì chú vâng dạ rồi để đấy, chứ có nghe đâu. Chú vẫn về đều đặn hằng năm, dẫu có khi chỉ được một tuần hai tuần là phải vội đi. Năm nay chú Ba về đúng dịp hè, nghe bố bảo năm nay chú dẫn theo cả thằng con út nhà chú về nữa nên cả nhà tôi ai cũng khấp khởi vui mừng chờ đợi.

Nếp Nhà Xưa: Văn Hóa Trong Bữa Ăn Của Người Việt – Minh Nguyên – tvvn.org

Đón bố con chú Ba ở sân bay nhiều lần rồi vậy mà lần nào cảm xúc cũng vẹn nguyên như lần đầu. Chúng tôi cười còn bố và chú ôm chặt nhau mừng mừng tủi tủi ướt hết khóe mi.Thằng út nhà chú sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng nó nói tiếng Việt rất tốt, nó rất tự nhiên một điều chị, một tiếng bác Hai. “Bố con bảo canh rau đay cua ăn với cà muối là ngon tuyệt, con rất muốn thử…” Nó nói làm bố con tôi cười đau cả ruột, ra là nó theo bố nó về ngoài việc thăm họ hàng thì còn về để ăn món canh rau đay cua với cà muối. Liệu nó có ăn được không, canh rau đay cua với mùi mắm tôm nồng vị Việt Nam ấy…

Bữa cơm nào mẹ tôi cũng chuẩn bị cả món tây lẫn món ta nhưng bữa nào món ta canh rau đay, cà muối, mắm tép ăn với khế cũng hết sạch trơn. Chị em tôi đứa nào cũng tỏ ra bất ngờ với cậu út nhà chú Ba, mỗi lần sau bữa cơm mà nghe nó dặn “mai bác Hai lại nấu món này nữa nha!” là bố tôi lại vỗ vai chú Ba cười khà khà… dòng máu Việt vẫn chảy trong người đấy thôi !

Ngày nào cũng thấy chú Ba ăn canh rau đay cua với cà muối mà không ngán nhỏ em tôi đã lanh chanh hỏi chú không ngán sao ? Tôi cũng bao lần muốn biết câu trả lời nhưng chẳng dám hỏi nay vịn vào sự lanh lẹ, bạo mồm của nhỏ em mà nán lại xem lí do tại sao năm nào chú Ba cũng về dù bận trăm công ngàn việc chỉ để ăn một bát canh rau đay cua rồi đi. Nhỏ em tôi bạo lắm vả lại năm nào chú cũng về nên chẳng xa cách gì, nó vừa nhổ tóc sâu cho chú vừa nghe chú trả lời. “Nhà nội ngày xưa rất nghèo, để có tiền cho các con đi học bà nội đã tần tảo rất nhiều. Bữa cơm nào cũng chỉ có canh rau đay rồi mồng tơi xoay vần, ngày nào ông nội đi đồng mò được ít cua là bữa đó bát canh thêm vị. Ngày xưa chú ăn nhiều thì ngán nhưng giờ ăn nhiều lại thấy ngon vì bát canh rau đay cua ấy luôn gợi cho chú về tình yêu, sự hy sinh của ông bà nội . Bây giờ dù có sống ở tây, ăn món tây chú cũng không thấy ngon vì đó đâu phải quê mình, đâu có món canh rau đay cua…mỗi năm chú chỉ mong đến kỳ nghỉ phép để về ăn một chén cơm nhà trên quê mình.”

Câu trả lời chú Ba làm tôi rưng rưng nước mắt, lòng đau đáu nghĩ đến lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư rằng “ Có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng đâu thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người.” Sao mà đúng quá, món canh rau đay cua luôn nằm trong tim chú Ba, món tây món tàu nơi khắp đâu thể tách món canh quê ấy ra khỏi trái tim chú, phải không chú Ba ?