Thượng Đế lắm khi cũng phải đau đầu với ước muốn của một đứa dở hơi như tôi. Bé thì cứ ước mình lớn thật nhanh nhưng khi cảm thấy mình đang lớn thật rồi, thì lại mong ước có một phép màu để thời gian trôi đi thật chậm, để quá trình lớn lên diễn ra chậm thôi.Vứt chiếc balo lên bàn, bước từng bước uể oải rồi thả phịch tấm thân hôi hám xuống giường. Một ngày bận rộn việc học ở trường rồi thêm công việc bán thời gian ở quán cơm khiến thân thể bốc mùi đến khó chịu, lại thêm cái cảnh nhà cửa bê bối, nồi chảo mốc meo thực khiến một thằng con trai như tôi muốn trào nước mắt vì nhớ nhà. Chuyện học hành, thi cử rồi chuyện tiền ăn uống, sách vở cứ quẩn quanh những nỗi lo lắng nên hai tuần nay tôi không về nhà. Tôi nhớ cái mùi mắm khó quẹt ăn với cơm nóng của mẹ, thèm nghe tiếng càm ràm của nhỏ em đến da diết.

Khoảng một tuần trước khi đang loay hoay dọn dẹp ở tiệm cơm, thì nhỏ em gái có gọi hỏi khi nào tôi về thì phải. Bữa đó lu bu quá tôi cũng quên béng đi lời hứa sẽ gọi lại, biết nhà có chuyện gì không ? Ngồi bật dậy, tôi lóng ngóng tìm chiếc điện thoại trong túi áo khoắc rồi rà số của mẹ, của nhỏ em nhưng chẳng một ai nhấc máy. Nhìn đồng hồ mới hơn bảy giờ tối, giờ này ở nhà làm gì mọi người đã ngủ. Ruột gan tôi nóng rần rần, cố gọi thêm vài lần nữa nhưng vẫn chỉ là những tiếng tút tút trải dài. Chẳng biết sao được tôi đành gọi cho thằng bạn gần nhà, nhờ nó chuyển máy cho mẹ thì mới bàng hoàng nhận được tin dữ “dượng mày ổng bị nhồi máu cơ tim vào viện hơn tuần nay rồi, mẹ mày với nhỏ Hiên chắc ở trong bệnh viện cả!”

Nhồi máu cơ tim, bệnh viện, dượng Tâm… nhịp tim tôi đập liên hồi, đầu óc quay cuồng khi nghĩ về điều thằng bạn vừa nói. Tôi cứ ngồi thẫn thờ, bất động dưới nền cho đến khi cái điện thoại trên tay rung lên.
-Hai hả, điện thoại em hết pin mà hai gọi có chuyện gì không hai ?
-Em và mẹ đang ở đâu ?
-Thì em và mẹ đang ngồi xem phim ở nhà chứ đâu.
-Thế dượng đâu, cho anh gặp dượng tí.
-Bố, bố… ngủ rồi !
-Em biết nói dối từ bao giờ thế hả Hiên…?

Vũ Ngọc Đãng làm phim về tình cha con nơi quê nghèo

Phải đến khi tôi gắt lên trong điện thoại thì nhỏ Hiên mới buông xuống sự gắng gượng trong từng lời nói, thay vào đó là những tiếng nấc nghẹn. “Bố bị nhồi máu cơ tim và… liệt nửa người rồi hai ơi, từ nay bố không đi được nữa mà phải ngồi xe lăn. Bố không cho em báo cho hai, bố bảo bố không sao đừng làm ảnh hưởng đến việc học của hai.” Cố gắng lắm tôi mới không khóc cho đến khi cuộc điện thoại kết thúc, tôi quả là đứa con bất hiếu là một thằng anh không ra gì mà. Tôi cứ nghĩ mình chỉ cần làm tốt chuyện của mình là cố gắng học hành và kiếm tiền tự trang trải việc học của mình là mọi chuyện sẽ ổn, cả nhà sẽ bình an nhưng hình như tôi đã sai rồi. Nếu hôm nay mùi mắm kho quẹt không dậy lên trong nỗi nhớ thì đến bao giờ tôi mới biết được sự thật này. Nếu hôm nay không phải là tin dượng Tâm bệnh mà là tin đáng buồn hơn thì liệu tôi có đủ can đảm để sống tiếp hay không ? Những hình ảnh, kí ức về dượng cùng tôi lúc nhỏ cứ theo những tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng, những giọt nước mắt nơi khóe mi mà ùa về…

Tôi mất bố từ năm chín tuổi, mất đi người bố, người bạn tuyệt vời thế giới của tôi như bị đóng băng bởi màu đen tối. Năm năm sau ngày bố mất mẹ tôi tái hôn cùng dượng Tâm, không ủng hộ cũng chẳng phản đối. Tôi chúc phúc cho mẹ và luôn ngầm khẳng định với trái tim mình rằng cả đời này tôi sẽ chỉ có một người bố duy nhất. Sẽ không một ai có thể thay thế vị trí của ông ấy trong trái tim tôi và tôi sẽ không gọi ai một tiếng bố… Dượng Tâm là thợ mộc, người ta hay bảo những người làm nghề mộc thường rất khéo léo và tinh tế. Có lẽ đúng như vậy thì phải, ngày đầu tiên khi rước hai mẹ con tôi về nhà, khi dẫn tôi vào phòng riêng của mình chỉ cho tôi chiếc bàn học mà chính tay dượng đóng. Cùng tôi sắp xếp đồ đạc, sách vở xong xuôi dượng khoắc vai tôi bảo

-Huân này, dượng biết con không thích dượng cho lắm nhưng liệu chúng ta có thể kết thân, làm bạn như hai người đàn ông với nhau được không ?
-Làm bạn sao, dượng chắc chứ ?
– Ừ chúng ta làm bạn, mọi mối quan hệ tốt đẹp trên đời đều chẳng phải bắt nguồn từ tình bạn sao !
-Vâng.
-Xem như con đồng ý, bạn bè thì luôn chia sẻ với nhau mọi điều chúng ta hãy làm như vậy cùng nhau nhé, bạn Huân ?

Chúng tôi mở đầu mối quan hệ cha dượng – con vợ trên nền móng của tình bạn nên mọi điều sau này, khi sống cùng nhau dưới một mái nhà đều trở nên dễ dàng. Mới đầu khi mẹ bảo mẹ sẽ lấy dượng để tôi có một người cha, có người hướng dẫn để trở thảnh một người đàn ông trưởng thành thì tôi sợ lắm, tôi sợ ngày ngày sẽ bị những trận đòn ác liệt từ cha dượng như thằng Hùng. Sợ đấy, nhưng tôi vẫn dặn lòng mình rằng nên tin vào sự lựa chọn của mẹ và nghĩ cho hạnh phúc của mẹ.

Cái nỗi sợ về những trận đòn như thằng Hùng ấy nó đã mãi nằm lại nơi tâm trí tôi, vì dượng tôi người bố mà mẹ chọn cho tôi, ông ấy quả thực là một người đàn ông rất tốt. Những việc mà trước kia tôi luôn ước có bố đồng hành như câu cá, leo núi,… thì từ ngày về sống cùng một mái nhà, dượng luôn là người bạn đồng hành cùng. Tôi dần mở lòng với dượng hơn, từ người lạ thành bạn, từ bạn thành người thân. Thật lòng tôi luôn muốn gọi một tiếng “bố ơi!” như Hiên nhưng tôi đã chẳng thể làm được, tiếng bố cứ như được ai đó gắn cố định nằm mãi nơi cổ họng, chẳng bao giờ được cất lên. Quãng thời gian sống cùng dượng dưới một mái nhà, được dượng dạy dỗ, yêu thương là vậy nhưng chỉ một lần duy nhất tôi gọi tiếng bố và lần đó cũng là lần đầu tôi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trong ánh mắt dượng. Lần đó là vào cuối năm lớp chín, trường tổ chức dã ngoại hai ngày một đêm dành riêng cho con trai và bố. Trong khi tôi hào hứng điền tên dượng vào phần dành cho bố trong tờ đơn đăng kí thì tụi thằng Duy, đầu gấu trong lớp giật phách tờ đơn trên tay tôi rồi…“Mày cũng có bố cơ à ? Tao tưởng đó chỉ là chồng của mẹ mày?” Vốn chẳng phải đứa thích quậy phá, đánh nhau nhưng ngày hôm ấy ở quá khứ tôi đã sống chết với thằng Duy chỉ vì câu nói… mày cũng có bố cơ à ?

Dượng được gọi lên văn phòng trường sau buổi sống chết của tôi và thằng Duy. Dượng không la mắng hay đánh đập tôi như bố thằng Duy, ông chỉ cúi đầu xin lỗi rồi dắt tay tôi ra về. Suốt quãng đường, dượng không nói một câu nào chỉ khi về đến quán nước mía quen thuộc gần nhà dượng mới cất tiếng.

-Chúng ta vào uống ly nước mía cho mát rồi về nhé ?
-Con xin lỗi dượng !
-Ngày xưa dượng cùng tuổi con dượng cũng hay đánh nhau lắm, có khi đánh thằng bạn trong xóm gãy cả răng vì nó nói dượng là thằng Tâm lùn… Con biết không dù có là cuộc chiến tranh lớn lao hay chỉ là đánh nhau như tụi con nít thì đều cần có một lí do, không thì mình sẽ không bao giờ thắng được…
-Tụi nó bảo con không có bố và dượng chỉ là chồng của mẹ thôi…!

Tôi chẳng hiểu sao mình đã khóc nức nở như một đứa con gái khi được dượng ôm vào lòng. Tôi quên hết lời hứa hôm nào với trái tim rằng sẽ không gọi ai là bố, hoặc cũng có khi nhớ đấy nhưng khát vọng được gọi tiếng bố ơi nó mãnh liệt quá… Vượt qua cả lời hứa tuôn trào trên môi miệng tôi, khi được vỗ về trong vòng tay ấm áp của dượng. Cánh cửa lòng tôi như được mở toang để dượng bước vào, trong trái tim tôi dượng cũng có một vị trí đặc biệt như người bố đã khuất của tôi. Duy chỉ có tiếng “bố” là dừng lại mãi trong ngày hôm ấy, tôi không thể tự nhiên mà cất lên tiếng bố như nhỏ Hiên vẫn luôn miệng gọi.

“Con trai, về rồi đấy à?” Còn đang nhấn chìm mình trong dòng ký ức thì giọng nói của dượng bật lên trong tâm trí kéo tôi về thực tại. Khép lại dòng ký ức, khép lại cánh cửa nhà tôi lại như kẽ lữ hành vác chiếc balo trên vai. Kẻ lữ hành thì họ cứ đi chứ chẳng cần biết điểm đến, điểm dừng là nơi nào. Tôi thì khác, tôi biết rõ điểm đến cũng như điểm dừng của mình là nơi nào… chuyến xe cuối trong ngày vẫn chưa lăn bánh, vẫn còn kịp để một kẻ bước chậm như tôi kịp trở về nhà.

Nép mình sau cánh cửa phòng tập vật lí trị liệu, tôi cố ngăn mình không khóc thành tiếng để làm bất ngờ cho dượng. ‘Này bà đừng có mà báo cho thằng Huân nó biết là tôi bệnh nghe chưa, để cho con trai tôi yên tâm học hành thi cử.’ Lời dặn ngập ngừng trong từng bước đi khó nhọc của dượng khiến tôi rơi nước mắt, tôi khóc, tôi trách mình vô tâm. Nhìn bầu trời trong xanh cao vút, nhìn mái tóc phủ đầy mây trắng của dượng tôi giật mình thảng thốt… mây trắng sẽ theo gió về nơi cuối trời. Cái tiếng gọi thân thương ‘con trai’ tôi sẽ còn rất nhiều cơ hội được nghe nhưng tiếng gọi trìu mến ‘bố ơi’ với người đàn ông tóc phủ đầy mây trắng trong kia, có thể thời gian sẽ chẳng còn nhiều nữa rồi.

-Chà, chà ông Tâm nhà chúng ta đi nhanh quá, đi chậm thôi. Chậm mà chắc nhé !
-Ai báo cho thằng Huân thế ? Bà hay con Hiên, đã bảo là tôi không sao rồi.
-Linh cảm của con trai với bố dẫn con về đấy ạ !
-Nhà này toàn gián điệp thôi, lời của ông già này giờ không ai nghe nữa rồi…

Đỡ dượng ngồi lại xe lăn mà cả nhà ai cũng cười vì cái giọng đầy dỗi hờn như trẻ con của dượng. Cố chứng tỏ rằng mình vẫn khỏe, dượng không cho ai đẩy xe mà tự mình lăn tay về phòng bệnh. Tôi theo sau mà như vừa khóc, vừa cười với hành động của dượng, đoạn đường từ phòng bệnh đến phòng vật lí trị liệu dượng đã đi một mình rồi. Nhìn dượng chật vật với chiếc xe lăn, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng sẽ không để dượng một mình thêm một giây phút nào nữa. Tôi bước thật nhanh về phía dượng nắm lấy tay cầm xe lăn, vừa đẩy vừa thủ thỉ vào tai ông “bố có con trai để làm gì ?” Không nhìn rõ gương mặt phía trước của dượng Tâm sẽ thế nào nhưng tôi đã kịp nghe dượng khoe với cô y tá vừa đi ngang qua rằng.

-Con trai tôi đấy cô ạ, thằng bé giỏi lắm học trường chuyên ở tỉnh năm sau là thành sinh viên học viện ngoại giao…