Hè đã về trên bản Tà Lư, gieo ánh nắng chói chang cho bông lúa thêm chín vàng. Nơi đây, mùa hè không có sắc đỏ hoa phượng hay sắc tím của bằng lăng. Chỉ có màu tím của hoa sim, hoa mua mọc từng chòm nơi triền núi. Nhanh quá, đã một năm tôi đến với vùng đất này. Tiếng tin nhắn cắt ngang dòng suy nghĩ, là một số lạ “Em được nghỉ hè rồi chứ, cũng đã gần một năm em bỏ tôi mà đi rồi đấy, ngỡ tưởng người đàn ông hiện tại của em thế nào, hóa ra cũng chỉ là một gã quê mùa tầm thường”.

Tôi không ngạc nhiên, cũng không bực tức, chỉ thấy có chút thất vọng, chẳng lẽ đây lại là những lời của anh – người con trai mà tôi đã từng yêu mến. Khi xưa, tình cờ quen anh trong một buổi tụ tập với đám bạn, tôi đã đem lòng yêu mến người con trai có dáng vẻ thư sinh và ánh nhìn đầy âu yếm ấy. Khi tình yêu đơn phương trong tôi chớm nở, tôi bắt đầu thấy sợ đêm tối, có lẽ bởi vì khi bóng tối vây quanh là lúc con người ta đắm chìm trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng và lo lắng. Thế rồi hạnh phúc cũng đến, anh đã tỏ tình với tôi:

“Em là cô gái đặc biệt nhất mà anh biết, em giản dị và ấm áp, khác với những cô gái đỏng đảnh và điệu đàng anh quen”.
Tôi đã ngỡ mình là lọ lem. Tôi đã từng cười và tự nhủ rằng “cổ tích có thật đấy”. Nhưng thời gian trôi qua, tôi dần nhận ra tôi với anh quá khác nhau. Tôi muốn sống bằng nhiệt huyết tuổi trẻ với khát khao và lí tưởng nhưng anh lại buông thả và ham chơi. Tôi giản dị và quê mùa nhưng anh lại hào nhoáng và thích thể hiện.

Mỗi lần đi chơi với đám bạn của anh, anh bắt tôi phải trang điểm cầu kỳ, mặc những bộ đồ mà tôi cực ghét, đi những đôi guốc mà tôi cảm thấy đau chân. Tất cả chỉ vì anh muốn người yêu anh phải đẹp, phải quyến rũ và sang trọng trong mắt người khác. Liệu có bao giờ anh nghĩ đến cảm xúc của tôi không, hay anh chỉ nghĩ đến anh và chỉ yêu chính bản thân anh thôi. Phải rồi, vì anh tôi đã từng rơi nước mắt, vì anh đã hằng đêm tôi thao thức không ngủ, vì anh có lúc tôi đã dằn vặt bản thân “sao mình không cao hơn, sao mình không lung linh hơn,…” nhưng rồi anh đáp tôi bằng tình yêu hời hợt, lúc nào cũng chỉ là “anh muốn” và “phải” như anh nói. Tôi vẫn tự dối lòng mình có lẽ anh chỉ muốn tốt cho tôi thôi.

Cho đến ngày ra trường, tôi tình nguyện lên vùng núi dạy học. Tim tôi vẫn nhói đau khi nghĩ đến lúc ấy, anh nở một nụ cười nhạt nhẽo. Tôi nhìn anh bằng ánh mắt đau đớn rồi bỏ đi. Tôi đã khóc, cũng không hiểu rõ cảm xúc trong tôi lúc ấy nữa, có gì nghẹn đắng trong cổ họng, tôi chỉ nấc lên nhưng không thành tiếng, nước mắt lăn dài nóng hổi. Ngày hôm đó, tôi quay lưng bước đi trong nước mắt không có anh đuổi theo nói lời xin lỗi hay dỗ dành. Ngày tôi sách vali lên xe đến với Mù Cang Chải anh đã không đến. Tôi bước đi trong cô đơn với tâm trạng nặng nề, bố mẹ tôi buồn bã không nói một lời. Lọ lem đã cô đơn, trên đời này vỗn dĩ không có cổ tích tình yêu đâu.

Mù Cang Chải một ngày thu có nắng, phía xa những dãy núi trùng điệp xanh ngút ngàn, những thửa ruộng bậc thang tựa từng đợt sóng vàng uốn lượn tận mây trời, lác đác những mái nhà nơi thung lũng hoặc lưng chừng núi. Đây là xã nghèo nhất của huyện, trường chỉ vỏn vẻn một lớp học. Lớp học với những tấm ván thô sơ được ghép vào nhau, bàn ghế cũ kỹ, thiếu thốn. Tôi đứng lặng yên trong lòng đầy bối rối. Chợt có giọng nói trầm ấm vang lên:

“Em có phải là Thảo không?”. Tôi giật mình quay lại, là một chàng trai trẻ, anh mặc trang phục dân tộc, nụ cười tươi và ánh nhìn thân thiện.

“Vâng, anh là…”

“Tôi là A Thiên, là người ở vùng này, rất vui khi là đồng nghiệp với Thảo. Thảo cất đồ đi tôi sẽ dẫn Thảo đi tham quan nơi này.”

Hồ Quang Hiếu nắm tay 'gái bản', quay MV ở Tây Bắc | Giải trí

Chúng tôi bước đi trong làn gió nhẹ hòa với hơi mát từ dòng nước nơi khe suối đang chảy róc rách, mùi thơm của các loài hoa cỏ dại cùng với giọng nói ấm áp của chàng trai có tên A Thiên kia làm lòng tôi có cảm giác bình yên đến lạ lùng.
“Kia là núi Tà Lư ngọn núi cao nhất vùng này, dòng suối mát lành dưới chân núi là nơi tắm mát của bao người. Những thửa ruộng bậc thang uốn khúc tận mây trời kia là nguồn lương thực chính của bà con nơi đây. Người bản mình nghèo lắm, cái bụng cũng thật thà nữa. Bà con mình chưa biết được tầm quan trọng của cái chữ đâu, vì vậy chúng ta phải thật kiên trì đấy”

Tôi khẽ gật đầu:

“Ngày trước A Thiên đi học như thế nào?”

Thiên nhoẻn miệng cười, đôi mắt nhìn về một nơi xa xăm, trong giọng nói của anh phảng phất chút buồn:
“Con đường đến trường của A Thiên xa lắm, chúng tôi học và nội trú dưới trường huyện luôn. Cả bản có tôi, A Sơn và A Lử được đi học thôi. Sau này cả ba đứa cùng ra Hà Nội học, nhưng chúng đã ở lại dưới đó hết rồi. Chỉ còn cái bụng A Thiên tôi cứ mãi nhớ bản làng nên trở về đây. Thảo là con gái miền xuôi, lên đây sẽ khổ nhiều đó, mà sao Thảo không ở dưới đó mà lại lên đây?”

“Vì…” – trong giây lát tôi khẽ ấp úng, nhưng khi bắt gặp cái nhìn tràn ngập hy vọng từ A Thiên, tôi trả lời dứt khoát – “vì tôi yêu nơi này, và tôi muốn ước mơ của mình thành hiện thực.”

Ở nơi đây giữa vùng rừng núi hoang vu, không người thân, không tivi, điện thoại thường xuyên mất sóng, chợ cách xa hàng chục cây số đã có lúc tôi muốn khóc, hoảng sợ và cô đơn. Trong lòng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng biết đâu sẽ có những tin nhắn của anh hoặc biết đâu đấy anh sẽ lên đây tìm tôi. Câu trả lời vẫn là “không”, anh không nhắn tin, cũng chẳng lên tìm tôi. Có lẽ, tôi không nên mong đợi quá nhiều, vì có thể anh không còn yêu tôi hoặc là chưa từng yêu tôi. Anh đã không đứng về phía tôi trong lúc tôi cần lắm một bờ vai, cần lắm một lời động viên. Hãy ngừng những suy nghĩ về anh, vì thời gian đã trả lời cho tất cả.

Thiên đang bước đến, anh nói sẽ đưa tôi xuống chợ và tiện đó sẽ mua luôn những thứ cần thiết. Chợ ở vùng núi không ồn ào, vội vã, cũng không chật chội, mọi người bước đi thong thả và bình tĩnh. Trên đường về trường tôi mang trên người những túi đồ nặng trĩu, ngồi sau chiếc xe máy cũ kỹ của A Thiên mà đôi lúc đi qua ổ gà tôi có cảm giác mình sắp bật xuống đường. Đôi lúc, tôi khẽ rú lên vì sợ, A Thiên cười bảo:

“Đừng sợ, tay lái của A Thiên lụa lắm, xe cũ nhưng khỏe Thiên phải tích cóp suốt mấy năm đi học mới mua được đấy”.
Đôi khi những cú “sóc” làm đầu tôi va mạnh vào bờ vai của A Thiên, lúc ấy tôi đã cảm nhận rằng bờ vai của chàng trai ấy thật rộng lớn, vững chãi và tôi hoàn toàn có thể yên tâm.

Hồi đó, chúng tôi cùng treo ảnh bác Hồ, cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau trang trí lớp học và cùng nhau mang những cuốn sách mà mỗi người có để vào một tủ nhỏ. Trường đã sửa xong công việc tiếp theo là chúng tôi sẽ phải đến từng nhà vận động bà con cho các em đi học. Ngôi nhà đầu tiên A Thiên dẫn tôi đến đó là nhà của trưởng bản A Pủa.
“Trưởng bản à, cô giáo Thảo là người kinh, đã không ngại khó khăn lên đây để dạy con em mình cái chữ, vậy thì trưởng bản hãy vận động cùng chúng con đi.”

“Thiên à, hàng ngàn đời nay người bản ta không có ăn mới chết chứ, không biết chữ thì cũng đã sao đâu. Ta chỉ lo đói cái bụng thôi con à.”

“Trưởng bản à, con đã xuống dưới xuôi, ở dưới đấy phát triển, hiện đại và sung túc lắm, vì họ biết chữ, họ có kỹ thuật và biết ứng dụng khoa học vào sản xuất. Thế giới ngoài kia rộng lớn lắm trưởng bản ơi, ta săn mãi thì con hươu, con nai cũng hết, ta phá rừng để làm nương rẫy rồi rừng cũng sẽ cạn kiệt. Hãy để cho những đứa trẻ trong bản được mở mang đầu óc bằng những con chữ, tương lai của chúng sẽ như cánh chim đại bàng bay cao, bay xa hơn ngọn núi Tà Lư kia.”
Trong ánh mắt A Thiên lấp lánh tia sáng, điểm sáng ấy như xoáy sâu vào tâm hồn người đối diện, rồi cuốn lấy lòng tin của trưởng bản, ông nhìn A Thiên và khẽ gật đầu:

“Được được, Thiên à, tụi bay nói hay lắm, ta sẽ ủng hộ”

Cứ thế, ngày trôi qua nhờ sự bền bỉ, kiên trì lớp học của chúng tôi ngày một đông lên, tiếng trẻ thơ nói cười, tiếng chúng đọc bài, nhìn những cặp mắt thơ ngây ấy chúng tôi nghẹn ngào cảm xúc, có giọt nước mắt nào lăn xuống khóe môi tôi nóng hổi. Tôi nhìn A Thiên, anh cũng nhìn tôi, chúng tôi cười trong niềm hạnh phúc.

A Thiên có cái gì đó thật đặc biệt, bên anh tôi luôn cảm thấy an tâm và thêm yêu đời. Anh giản dị, vô tư và đầy nhiệt huyết. Thời gian cứ trôi đi, đã gần một năm bên Thiên, chưa bao giờ tôi thấy anh mệt mỏi hay chán nản. Hàng ngày ngoài việc dạy các em học bài, chúng tôi lại cùng nhau đi đến từng hộ trong bản vận động bà con cho các em đi học, hướng dẫn bà con trồng cây, chăn nuôi theo phương pháp mới, chúng tôi cùng sửa lại lớp học, trồng thêm những cây non quanh sân trường. Ngày ngày ngoài giờ lên lớp, tôi lại thấy A Thiên lúc thì chặt gỗ để chuẩn bị làm bàn ghế mới, lúc lại đốn củi để chuẩn bị cho mùa đông. Đêm đêm tôi vẫn nhìn sang phía cái lán nhỏ nơi A Thiên kí túc tại trường, bên cây đèn dầu tù mù anh vẫn hăng say nghiên cứu từng trang sách. Thiên lúc nào cũng đầy sức sống và đam mê, môi anh luôn nở những nụ cười tươi rói – cái nụ cười mà người đối diện dù lo lắng hay đang bực bội đến mấy cũng sẽ cảm thấy nhẽ nhõm hơn. Thế nhưng đến một ngày tôi thấy A Thiên không nói và anh cũng chẳng cười. Hôm ấy, một ngày đông lạnh giá, nhiệt độ đã xuống đến 3 độ C, có khả năng giảm hơn nữa và có tuyết rơi. Tôi thấy A Thiên uống rượu rồi mất hút sau đó.

Đêm lạnh ngồi bên bếp lửa lòng tôi không hỏi lo lắng vì nét mặt và thái độ của A Thiên lúc chiều, có cái gì đó lạ lắm, tôi hốt hoảng, rồi chạy đi trong gió và gọi to:

“A Thiên ơi, Thiên ở đâu?”

Không gian yên ắng chỉ có tiếng gió đưa tiếng gọi của tôi thêm vang vọng. Men theo chân núi, vượt qua khe suối như vô định, hình như có tiếng sáo ở đâu đó, tiếng sáo đầy u buồn, sầu não và có vẻ ai oán. Trên phiến đá có ai đó, là A Thiên rồi, tôi sung sướng reo lên rồi chạy về phía đó, không để ý rằng đêm tối và phiến đá lởm chởm, tôi vấp ngã và hét toáng lên. Thiên đã trông thấy tôi, anh hốt hoảng chạy xuống đỡ tôi lên, rồi đi tìm lá rừng nhá và đắp lên vết thương của tôi.

“Thảo đau lắm không, cố chịu nhé, mà Thảo ra đây làm gì?”

“Hôm nay A Thiên sao đấy, Thảo lo cho A Thiên lắm, nên Thảo…”

“Thảo ngốc quá, Thiên sẽ không sao đâu. Hôm nay Thiên chỉ hơi buồn một chút thôi. Ai rồi cũng sẽ khác, Thảo có tin điều đó không. A Mỉ cũng thế, ngày trước cái bụng A Mỉ trong sáng như dòng suối đầu nguồn, Mỉ xinh đẹp và nết na, con trai cái bản này ai cũng thích Mỉ, Thiên cũng thích Mỉ, Mỉ nói rằng sẽ đợi Thiên học xong trở về. Vậy mà, khi tôi về thì Mỉ đã lấy chồng tận dưới thành phố, nghe nói chồng Mỉ giàu lắm, tôi đau khổ nhường nào nhưng vẫn luôn tự nhủ rằng sự chờ đợi suốt mấy năm là quá khó với một cô gái xinh đẹp như Mỉ, rằng chỉ cần Mỉ được hạnh phúc… Nhưng hôm nay Mỉ và chồng đã bị công an bắt vì buôn hàng cấm. Thiên thấy đau lòng lắm Thảo à!”

Tôi nhìn A Thiên, đôi mắt anh u sầu, có giọt nước nào lăn ra từ khóe mắt buồn ấy, tôi thấy sợ điều đó, tôi sợ thứ niềm tin trong mắt anh bị tan ra rồi biến mất theo những giọt nước mắt kia. A Thiên ơi, dù ai rồi cũng sẽ khác, dù cuộc đời đổi thay nhưng Thảo tin tình yêu và niềm tin trong A Thiên không bao giờ thay đổi cũng như tình yêu chúng ta đã dành cho những em học sinh, cho nơi đây, hãy giữ vững niềm tin trong tim ta, tương lai rồi sẽ tươi sáng hơn. Thiên à, hôm nay có thể là mùa đông nhưng hãy tin ngày mai mùa xuân sẽ đến, trên phiến đá cao này chúng ta cùng hét vang lên để cho nỗi buồn, sự bực bội và cả những nhơ bẩn bay theo gió nhé!

Tiếng sáo sầu não kia đã nhường chỗ cho khúc Mùa xuân về trên bản vừa réo rắt, vui tươi và ngập tràn hy vọng. Mùa đông rất lạnh nhưng lòng tôi đang thấy ấm, ấm bởi sự đồng tâm, đồng lòng và được sẻ chia.

Vết thương nơi chân tôi đang rỉ máu. Tôi không thể tự đi được, giữa gió rét, đêm tối A Thiên đã cõng tôi về trên con đường ghồ ghề, khúc khuỷu. Trên tấm lưng rộng ấy, tôi cảm giác hơi ấm đang dần lan tỏa trong cơ thể, con tim tôi đập mạnh hơn, có lẽ nó đang rung động, tôi nín thở để nghe rõ hơn từng nhịp, từng tiếng lòng đang khẽ thốt lên trong tôi. Thiên cứ lặng lẽ đi, thỉnh thoảng anh lại nói, “Thảo nhẹ quá, phải gắng ăn nhiều vào đấy”. Tôi cũng cười mà rằng “Thảo còi sẵn rồi, ăn nhiều cũng không lớn được, mà nhẹ để Thiên cõng cho đỡ mệt”. Hai tay tôi siết chặt lấy cổ A Thiên như thể nếu buông ra tôi sợ mình bị ngã. Thỉnh thoảng Thiên sốc tôi lên làm mũi tôi đập mạnh vào bờ vai anh – là mùi của sương gió, mùi của rừng núi và hơn cả đó là thứ mùi của tình yêu, chỉ tình yêu mới cảm nhận được mà thôi.

Mùa đông nhanh chóng qua đi. Với tôi mùa đông đầu tiên ở nơi ấy, như một sự trải nghiệm thú vị nhất trong cuộc đời. Đông đến có những ngày tuyết rơi, phải nói chưa bao giờ tôi lại thấy mùa đông lạnh đến thế. Mùa đông khắc nghiệt, các em nhỏ không thể tới lớp, con đường đến trường vốn dĩ đã khó đi nay còn hiểm trở hơn. Nhưng cái lạnh ấy lại được sưởi ấm bằng tình người, tôi cùng với A Thiên hướng dẫn bà con sưởi ấm cho trâu bò của mình, có những khi cô trò ngồi quanh đống lửa bi bô đọc bài. Và có cả những khoảnh khắc chỉ có tôi và Thiên ngồi bên bếp lửa đang cháy bập bùng, anh nướng ngô và khoai rồi hát tôi nghe những làn điệu dân ca của người Mông, thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn anh, rồi má tôi khẽ nóng lên khi chạm phải một cái nhìn đầy âu yếm nơi anh. A Thiên cứ tự nhiên bước vào trái tim tôi, mỗi lần vắng Thiên tôi thấy nhớ, thấy anh không vui tôi lo lắng, thấy anh buồn phiền tôi đau lòng. Nhưng Thiên vẫn im lặng, phải chăng vì Thiên yêu Mỉ nhiều quá, có hay chăng tôi mãi mãi chỉ là kẻ đến sau. Sự hoài nghi lại thường trực trong tâm trí tôi, nhất là khi mùa xuân về, rừng bắt đầu phủ một màu xanh mơn man, hoa đào nở hồng trên cành, rừng mơ cũng rủ hoa trắng, những chiếc váy sực sỡ phơi trên triền đá như những cánh bướm lại làm tôi khao khát những yêu thương và muốn được nghe lời yêu từ một ai đó hơn bao giờ hết.

Sáng ra, tôi đã nghe thấy tiếng bước chân vội vã của A Thiên, anh đưa cho tôi một bộ váy:

“Đây là váy truyền thống của con gái Mông, Thảo mặc vào rồi chúng ta đi chợ tình Sa Pa nhé, chắc là sẽ phải mất cả ngày chúng ta mới đến đó được”.

Tôi ngạc nhiên, mở to mắt nhìn A Thiên rồi bối rối hỏi:

“Chợ tình á, chúng ta đi bằng gì?”

Khỏi lo, A Thiên nháy mắt cười và chỉ tay về phía con ngựa màu nâu sẫm đang gặm cỏ:

“Đẹp không, nó sẽ đồng hành cùng chúng ta, Thiên phải mất cả tháng chăm nó và lấy lòng ông A Pủa để được mượn nó đấy”

Con đường đến chợ tình thật là dài, ban đầu tôi mải mê nhìn ngắm cảnh vật, nhưng rồi lại thiếp đi trên lưng A Thiên, không khí chợ sôi động, các cô thiếu nữ Mông, Tày, Dao,… như một đàn bướm xinh đẹp đang nhảy múa, ca hát những giai điệu truyền thống của dân tộc mình. Tiếng khèn, sáo gọi bạn tình vang lên trong đêm. A Thiên cũng thổi sáo, tiếng sáo của chàng làm các cô gái đắm đuối, nhưng anh chỉ cười mà không nói gì. Tôi vẫn lặng im quan sát mọi thứ xung quanh. Dưới gốc một cây đào A Thiên thổi một điệu sáo, ánh mắt nhìn tôi âu yếm rồi bất chợt anh vỗ nhẹ vào mông tôi một cái, điều ấy làm mặt tôi đỏ căng, hình như sự ngại ngùng và tức tối đang chiếm lấy cảm xúc của tôi. Tôi định nói to một câu gì đó để mắng A Thiên, thì anh đã vội lên tiếng:

“Ngày trước cha A Thiên đã làm vậy để tỏ tình với mẹ của A Thiên đó, đây là một phong tục truyền thống của người Mông, nhưng tiếc là nó đang dần bị mai một”.

Trong tôi có cảm giác ngột ngạt, tôi phải làm gì đây, lúng túng tôi hỏi:

“Rồi sau đó mẹ của A Thiên làm thế nào?”

“Mẹ A Thiên hả? Mẹ đã đáp lại cha bằng một cái vỗ mông đau hơn thế. Tôi ngượng ngùng, Thảo sẽ trả lại Thiên bằng một cái vỗ mông thật đau.”

“Được, Thiên tình nguyện, điều ấy có nghĩa là Thảo đồng ý yêu Thiên rồi đó”.

Tôi khẽ gật đầu. Trên đường về, tôi cảm thấy trong mình rạo rực nhựa sống, khung cảnh thơ mộng hơn bao giờ hết, cái gì cũng ấm áp, vui vẻ và tràn ngập tình yêu. Tiếng chân ngựa đều đều, và giọng A Thiên ấm áp trong nắng mai:
“Nếu có thể Thiên muốn vòng tay này của Thảo siết chặt Thiên đến hết cuộc đời”

***

Xuân qua, hạ đến một năm học sắp kết thúc, tôi được nghỉ hai tháng để về xuôi. A Thiên lo lắng:

“Thảo về rồi đừng quên nơi này nhé, nơi đây có Thiên và mọi người luôn chờ Thảo, đã có nhiều người đi và không bao giờ quay trở lại… Nhưng nếu dưới đó tốt hơn thì Thiên sẽ không trách Thảo đâu!”

“A Thiên à, Thảo về dưới xuôi đây. Thiên đừng lo lắng gì nhé, Thảo sẽ sớm quay trở lại. Bởi vì Thảo thực sự rất yêu Thiên và yêu nơi này. Bên Thiên, Thảo hiểu thế nào là một tình yêu chân thành. Thảo tin rằng tình yêu của chúng ta đủ lớn để có thể vượt qua những khó khăn và thử thách. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, của cuộc sống, vượt qua những nhỏ nhặt và cám dỗ tầm thường. Cũng giống như trên mảnh đất này, giờ đã có một ngôi trường khang trang hơn, đã có tiếng cười nói của nhiều học sinh hơn. Nơi sân trường những hàng cây chúng ta trồng cũng ngày một xanh tốt hơn. Cuộc sống đang dần thay đổi, rồi mai đây ngôi trường sẽ rộng lớn hơn, những cây bàng sẽ lớn lên và tỏa bóng xanh mát, những cây phượng đỏ và bằng lăng tím sẽ rực rỡ góc trời mỗi độ hè về. Những con đường mới sẽ nối liền bản ta với bản khác. Những em học sinh thơ ngây sẽ khôn lớn và trưởng thành,…và nhiều, nhiều lắm những sự đổi thay. Lúc ấy Thảo sẽ mỉm cười hạnh phúc mà nói rằng tất cả sự đẹp đẽ, xinh tươi mà chúng ta đang nhìn thấy đều tạo nên bởi ước mơ, niềm tin và tình yêu.”