Bà Tình nằm yên lắng tai nghe. Bên ngoài gió rít khe khẽ, mấy tàu lá cau phất qua phất lại, tạo lên những đường loang loáng dưới ánh trăng bên song cửa sổ. Ánh trăng đêm nay lạ lắm, nó cứ dại dại, lành lạnh sao ấy. Từ chập tối, lúc mới treo chừng một gang tay tít chân trời phía xa thì nó vàng khè ra, khắc khoải. Bà nói với ông Lanh, chồng bà về cái ý nghĩ của mình thì ông cau có, khục khặc mắng bà chỉ phải cái linh tinh, cứ nghĩ bậy nghĩ bạ cho mệt đầu. Bà nghe ông, không muốn nghĩ gì thêm, nhưng rõ ràng trong lòng chẳng thể thoát khỏi ánh trăng huyền hoặc, khang khác ngày thường. Có một điều gì đó lạ lắm mà bà không lí giải được, cứ bám lấy bà. Nghĩ vậy, tự nhiên bà thấy chợn trong lòng. Bà trở mình, có lẽ trăng đã lên cao, đêm đã sâu lắm rồi. Bởi không gian trở nên yên tĩnh lắm. Bà nghe rõ cả tiếng mấy con dế kêu ngoài vườn và tiếng tàu máy chạy xa tít phía ngoài sông. Tiếng mấy tàu lá cau nơi đầu hồi quét lên mái ngói nghe ràn rạt, xào xạo như những nhát chổi tre bà quét trên sân sân mỗi chiều. Nhưng nó không dứt khoát như những nhát chổi mà nó kéo rê qua rê lại trên mái ngói. Bà lại trở mình. Tiếng tàu cau khua mới khó chịu làm sao! Nó như khua cả vào dạ bà lạo xạo. Bỗng có tiếng lợn kêu phía vườn. Bà nằm im, nín thở nghe ngóng. Phải rồi, rõ ràng bà vừa nghe tiếng lợn kêu. “Ụt Ụt! Ụt Ụt!”. Rõ ràng. “Ụt! Ụt!”. Rõ là tiếng lợn kêu rồi! Bà vớ lấy cái đèn pin ngay đầu giường, lật đật ngồi dậy, rồi bật đèn. Bà sang bên phía giường ông Lanh, khẽ lay ông dậy:
– Ông! Ông ơi! Hình như tôi nghe có tiếng lợn kêu ngoài vườn. Dậy xem thử!
– Lợn gà gì giờ này. Bà ngủ mơ à? Lợn chôn hết từ đời tám hoánh rồi còn nghe với ngóng gì nữa. Thôi, đi ngủ đi!
Nói rồi, ông quay người vào trong, kéo chăn trùm lên tận cổ, để mặc bà ngồi ngẩn ra phía cạnh giường, bần thần.
Bà Tình cứ ngồi như vậy một lúc lâu mới lặng lẽ quay trở lại giường mình. Ông nói đúng, có thể do ban ngày cứ nói chuyện lợn gà nên bà mơ ngủ chăng? Nhưng rõ là bà đã ngủ đâu mà mơ được chứ. Chẳng lẽ chưa ngủ cũng mơ à. “Lợn chôn hết từ đời tám hoánh rồi”. Câu nói của ông chợt vang lên trong đầu bà khiến bà giật mình. Hay là… Chẳng lẽ là vậy… Bà nằm im, ý nghĩ đó tạo thành một luồng lạnh chạy từ bộ não xuống các cơ quan, tứ chi khiến bà nổi da gà. Bà không tài nào ngủ được. Cố lắng tai nghe. Đêm yên tĩnh quá. Tiếng tàu máy chạy ngoài sông dội lại, tiếng đôi dế gáy gọi nhau rền rĩ, tiếng tàu cau khua trên mái nhà lạo xạo,… Tất cả rõ mồn một. Nhưng bà chờ nghe thứ âm thanh khác: Tiếng lợn. Tuyệt nhiên không thấy nữa. Bà trở mình. Đàn lợn gần bốn chục con xuất hiện trước mặt.
Rõ như ban ngày…
– Ông ơi! Chết rồi, ông ơi!
– Cái bà này, mới sáng ra, chết cái gì mà chết!
Ông Lanh vừa rít xong điếu thuốc lào, đang nhấp ngụm nước trà nhẩm tính sắp tới bán đàn lợn đi dồn tiền cho thằng con trai mở rộng thêm quán. Ông mắng bà, cái tật hấp tấp chẳng bao giờ sửa được, già đầu rồi mà nhiều khi nói năng không chịu suy nghĩ, chẳng ra đầu ra đũa. Nghe mà phát bực.
– Lợn chết. Tôi ra cho chúng ăn, một con lợn cấn nằm im, thở thoi thóp lắm, sắp chết rồi! Tôi lùa mãi nó cũng không nhích dậy được.
Ông Lanh vội đặt chén trà xuống, mắt trân trân nhìn bà, hỏi lại:
– Bà xem kĩ chưa? Hay là trời lạnh, nó nằm lười. Hay bị trúng gió?
– Tôi sợ nó bị dịch tả lợn Châu Phi ông ạ!
– Bà ăn nói hồ đồ gì thế! Nhà mình đã làm đầy đủ công tác phòng dịch rồi còn gì! Cả khu Bãi Thoi này, từ nhà nuôi cả đàn trăm con, vài trăm con đến nhà nuôi một vài con cũng đều phun Apa để sát trùng cả. Nhà mình còn phun cả Ben-cô-xít từ ngoài ngõ vào, rắc vôi bột xung quanh chuồng cẩn thận thì lấy đâu ra dịch tả!
– Thì tôi cứ sợ thế. Biết đâu được đấy ông.
Cả hai ông bà cùng hướng mắt nhìn ra ngoài ngõ khi mấy con chó nằm ở sân hực nhẹ lên vài tiếng rồi chạy ra quẫy đuôi mừng. Thấp thoáng qua hàng cây phía ngoài là vợ chồng Hồng Đọc. Hai đứa đi vào với vẻ hớt hải:
– Nguy rồi ông bà ơi!
– Mấy cái đứa này, chưa thấy người đã thấy tiếng. Vào đây, ngồi xuống hẳn hoi cái đã. Nguy là nguy làm sao?
Ông Lanh nhấp thêm ngụm trà rồi nhìn Đọc:
– Thế vợ chồng bay lại có chuyện gì à? Nói tao nghe coi.
– Bọn con thì có chuyện gì được. Nhưng đàn lợn nhà con thì có chuyện thật rồi.
Hồng ngồi bên bà Lanh tiếp lời chồng:
– Mấy con lợn ngày qua nằm sốt, bỏ ăn. Con chỉ nghĩ nó ốm bình thường, tại khu mình đã phòng bệnh rất cẩn thận rồi mà. Nhà con còn rắc vôi bột xung quanh dãy chuồng rất kĩ nữa cơ.
– Cái đó tao biết rồi. Rồi thì sao? Mấy con lợn làm sao?
– Thì sáng nay vợ chồng con ra cho ăn, thấy hai con nằm im, thở thoi thóp lắm. Mũi chảy bọt ra ông ạ. Vùng sau tai thì thấy đốm đốm đỏ, một con phía bụng và cẳng chân sau xanh tím lại.
– Thôi chết, vậy là dịch tả Châu Phi thật rồi ông ơi!
– Bà Tình hốt hoảng quay sang ông Lanh và vợ chồng Hồng Đọc.
– Thế bay đã tách mấy con lợn ốm đó ra chưa? Đã nhốt riêng chưa?
– Con nhốt riêng ngay hôm qua rồi chứ. Nhưng…
– Ông ơi, không khéo lợn nhà mình cũng bị thật rồi!
– Nhà ông bà…?
– Sáng nay bác ra chuồng, thấy có một con nằm thở mà lại sốt cao, lùa thế nào nó cũng không dậy, cho ăn cũng không buồn ăn nữa.
– Thôi, vậy là dịch về đến khu nhà mình rồi ông bà ạ. Gần trăm con lợn nhà con…
Hồng mếu máo. Sau đợt bệnh Tai xanh, giá lợn tăng nhanh, khu Bãi Thoi nhà nào cũng nuôi lớn. Vợ chồng Hồng bàn nhau xây thêm dãy năm chuồng nữa. Tổng cộng cả chục chuồng lợn. Chuồng trại xây cũng vay mượn, cám bã mua gối đầu, đến bây giờ vẫn còn nợ đầy ra. Giờ mà dịch tả thì mất trắng, lời lãi đâu chẳng thấy, ôm một đống nợ.
– Thế nhà bay giờ tổng còn bao nhiêu con?
– Tuần trước con bán được hai đàn hai chục con, giờ tính cả ba con lợn nái là bảy mươi lăm con ông ạ.
Ông Lanh đang cầm chén trà đưa lên miệng, như chợt nhớ ra điều gì, ông đặt xuống bàn, giục Đọc:
– Mày lấy điện thoại bấm gọi cho bên thú ý xã đi, nói họ xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xem có phải dịch tả không còn biết đường xử lí. Có số đó chưa?
– Con có đây rồi!… (tút, tút…)…
– Sao rồi?
– Máy bận ông ạ.
– Gọi lại thử…
– A lô, anh Đức ạ? Anh xuống xem cho em đàn lợn nhé… Em Đọc ở Bãi Thoi đây. Cả nhà ông bà Lanh Tình nữa… Vâng. Sốt cao, bỏ ăn, tím tái. Có con lỗ mũi sùi bọt… Vâng! Vâng! …Vâng!
Cả ba người chăm chú lắng tai nghe cuộc điện thoại của Đọc. Họ thở dài thườn thượt. Hồng gần như khóc. Bà Tình cũng như lửa đốt, nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Ông Lanh buồn bã. Đôi mắt ông trùng xuống, các nếp nhăn trên trán xếp chồng lên nhau. Ông nghĩ đến món tiền giúp con mở rộng quán. Vậy là tiêu tan.
– Anh Đức nói sáng nay cũng mấy hộ gọi điện báo tình trạng lợn như vậy ông ạ. Khu Bãi Thoi mình bị rồi, dịch tả bùng phát rồi. Bên chính quyền đang họp, nghe chừng họ quyết định tiêu hủy luôn chứ không lấy mẫu xét nghiệm nữa.
Vợ chồng Hồng Đọc đứng dậy chào ông bà rồi vội vàng đi về nhà. Hai ông bà vẫn cứ ngồi đó, thẫn thờ. Vậy là mất tiệt. Ông Lanh buồn buồn:
– Tưởng rằng giúp được chúng nó chút đỉnh, ai dè… Bà định đi đâu?
– Tôi ra cho chúng ăn nốt.
– Còn ăn uống gì nữa. Tí nữa người ta chẳng cho tiêu hủy cả còn gì?
– Thì có chết cũng phải để chết no chứ không thành ma đói à?
– Cái nhà bà này, lẩn thẩn à? Ma đói với ma no gì! Một bao cám gần ba trăm ngàn bạc, cho chúng ăn rồi mang đi chôn à? Bà rõ thật là…
Ông bực dọc cầm lấy chiếc điếu, xoi tàn thuốc văng cả ra ngoài bàn. Nhúm thuốc vừa vê còn cầm trên tay, chưa kịp tra vào điếu, bên ngoài bờ đê đã có tiếng người nói ồn ào, tiếng xe máy rề rề chạy đến. Mấy con chó phóng nhanh ra, đứng đầu ngõ, thi nhau sủa. Ông Lanh bỏ ống điếu xuống bàn, vừa đi nhanh ra, vừa mắng chó. Thấy chủ mắng, mấy con chó cúp đuôi chạy phóng lên đê.
Đoàn kiểm tra lợn dịch trên xã có năm người. Họ đi ủng cao đến gối, mặc bộ áo mưa, đeo gang tay nhựa. Ông Lanh chờ khách ngồi xong, rót nước mời.
– Cháu nghe chú Đọc gọi điện, lợn nhà ông bà cũng có biểu hiện bị dịch? – Anh Đức thú y lên tiếng.
– Tôi cũng chưa rõ ra sao? Chỉ có một con có vẻ sốt cao, mệt mỏi. Sáng nay vợ chồng nó vừa sang đây, nên nói nó gọi báo cáo với bác, nhờ bác lấy mẫu xét nghiệm xem thử.
– Tình hình là thế này ông ạ! Để cháu ra kiểm tra, nếu nhận thấy dấu hiệu của dịch bệnh thì chúng cháu sẽ tiến hành tiêu hủy luôn chứ không lấy mẫu xét nghiệm nữa. Bây giờ lấy mẫu xong phải gửi đi huyện, xong chờ kết quả. Nếu là dịch tả thật thì càng để lâu, mức độ lây lan càng nhanh, rất nguy hiểm. Mấy hộ quanh đây đều bị cả rồi.
Cả đoàn theo ông Lanh ra dãy chuồng kiểm tra. Bọn lợn nằm chen chúc vào nhau, thấy có người lại ngóc đầu kêu ụt ịt đòi ăn. Có con nhảy bắc hai chân trước lên cửa chuồng, miệng nhai chóp chép. Con lợn ốm nằm im một góc, dúi mõm xuống máng nước. Mấy người ngó nghiêng, xem xét một hồi. Anh Đức thú y lấy cây chọc chọc vào con vật, lật tai nó quan sát.
– Thế này ông ạ! Chuồng nhà ông đã bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi rồi. Bọn cháu tiến hành lập biên bản tiêu hủy luôn. Cô Bình, chú Lâm ở đây lập biên bản kiểm kê đầu heo trên đàn, cháu đi qua bên hộ anh Xanh. Lát nữa đội tiêu hủy sẽ đến cân đàn và đào hố chôn. Vườn nhà ông rộng, phía bên kia cao ráo lại xa nguồn nước, cháu nghĩ nên đào hố chôn ở đó luôn, khỏi phải di chuyển đi xa, tránh nguồn bệnh phát tán lây lan. Nhà ông còn vôi bột và Anpha chứ?
– Còn bác ạ.
– Vậy tốt rồi ạ. Quy trình làm công tác xử lý, khử trùng chắc ông bà nắm cả rồi. (Quay sang người phụ nữ bên cạnh) Lát nữa cô Bình hướng dẫn thêm ông bà nhé. Anh đi sang bên kia đã.
…
Bà Tình trở mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh sáng ban ngày đã mờ mờ chứ không còn là ánh trăng vàng huyền hoặc nữa. Tiếng dế đã dứt, tiếng tàu chạy rì rì ngoài sông. Gà khắp nơi đã thi nhau gáy sáng. Từ ngày lợn chết hết, ông bà chẳng buồn dậy sớm nữa. Nằm không ngủ được nhưng cũng cứ nằm để đó, nghĩ ngợi lung tung. Bà tiếc đợt tiêu hủy, giá kể mình đừng nói ra mấy con lợn nái ở dãy chuồng bên kia thì chắc mọi người không biết đâu. Đất nhà bà rộng, nuôi lợn thịt một khu, ba chuồng nuôi lợn nái ở một chỗ riêng biệt, nằm khuất trong vườn vải. Xa như vậy, chắc gì chúng nó đã nhiễm bệnh. Chúng đang khỏe mạnh, tự nhiên cũng đem chôn cả. Tiếng ông Lanh rít thuốc lào ở cái bàn đá ngoài sân rền lên. Sau đợt ốm, ông hứa với bà, với con cháu sẽ cai thuốc mà có cai được đâu. Từ ngày lợn dịch, ông buồn lại càng hút nhiều hơn. Bà thở dài, lặng lẽ ngồi dậy, vuốt mớ tóc buộc lại rồi đi ra ngoài. Ông Lanh đang ngồi trầm tư trên ghế, làn khói thuốc mỏng manh chầm chậm bay ra từ miệng ông. Bà ngồi xuống ghế, trách:
– Ông cứ hút thuốc suốt như thế, hục hặc ho luôn, có khỏi được đâu.
– Hút cho vui, cho đỡ buồn chứ bổ béo gì!
– Tôi tính nay mai nhận tiền hỗ trợ lợn dịch xong mua mấy con lợn về nuôi ông ạ!
– Nuôi nấng gì? Bà không nhớ bên chính quyền nói “bà con chỉ được phép tái đàn chăn nuôi lợn khi có sự đồng ý, khuyến cáo của cơ quan thú y và chức năng địa phương. Tuyệt đối không được chăn nuôi lợn khi chưa có sự hướng dẫn của cơ quan thú y để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại” à?
– Thì tôi nhớ chứ sao không! Nhưng cũng hơn tuần rồi còn gì. Tôi thấy nhà Đăng nó mua lợn về nuôi rồi đấy.
– Dịch này không phải hết trong ngày một ngày hai bà ạ. Hôm tiêu hủy đàn nhà mình, chị Bình có giải thích rằng vi-rút dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp, có thể tồn tại trong phân, máu, xương, thịt của lợn vài tuần cho tới vài tháng, bà không nhớ à?
– Nhớ chứ sao không! Nhưng thấy người ta nuôi mình cũng sốt ruột. Ở không mãi, trông vào mấy cây ăn quả, mấy buồng chuối, không có đồng ra đồng vào ông ạ.
– Sốt cũng cứ phải bình tĩnh. Bao giờ bên thú y thông báo bệnh dịch đã hết thì mình nuôi. Chứ tôi nghe đâu như trại nhà Bích Thắm ở xóm 9 hôm kia vừa mới tiêu hủy cả đàn hơn trăm con đấy. Dịch còn hoành hành. Nhiều nhà chăn một hai con, lúc đầu lợn bị dịch chết, vừa không hiểu biết, vừa thiếu ý thức đem vứt ra mương, nó trương phềnh, trôi chỗ này chỗ kia gây ô nhiễm. Chưa kể làm phát tán dịch bệnh.
Bà Tình ngồi lặng thinh hồi lâu rồi quay sang ông chợt hỏi:
– Ông này, hồi đêm ông có nghe tiếng lợn kêu không? Hai đêm rồi, tôi cứ nghe hình như tiếng gãi ổ của con lợn nái.
– Thôi, không nói chuyện lợn gà nữa. Cứ ngày nói mãi chuyện lợn gà, đêm lại mơ lung tung chứ tôi có nghe thấy gì đâu. Sáng nay tôi có việc đi lên trên làng. Bà ở nhà, nay họ xuống xé cau đấy. Giá cả vẫn như vậy. Nói họ để lại cho một buồng đẹp nhé. Anh Tâm mới dặn tôi hôm qua, để đi hỏi vợ cho con.
…
Ông Lanh đi rồi, còn mình bà Tình ở nhà, bà đi ra dãy chuồng lợn. Gần hai tuần nay, từ ngày chôn đàn lợn, ông bà buồn, chẳng ra đến vườn tược, chuồng trại nữa. Khắp vườn rau khoai tốt um lên, bò tràn ra cả lối đi. Dãy chuồng được rắc vôi bột trắng xóa, nền chuồng, lối đi, xung quanh đều là vôi. Mới đó mà đã như nhà hoang rồi, lạnh tanh. Mạng nhện đã giăng khắp lối. Dưới nền vôi bột đầy vết chân chuột. Bà Lanh nhìn cảnh thì chợt thở dài nghĩ ngợi. Thà mình nuôi lớn, bán cho người ta làm thịt lại không sao. Đằng này, to nhỏ đều đem đập chết hàng loạt như vậy. Bà cứ thấy có lỗi kiểu gì ấy. Bà nhớ hôm ấy, cái máy xúc nó xúc một lúc thì được cái hố to tướng, sâu chừng 3 mét. Mấy người bên đội tiêu hủy đến, họ bắt từng con cho lên cân rồi lùa ra hố. Hai người đứng sẵn bên hố, cầm búa tạ, giáng hết sức lên đầu con vật rồi hất nó xuống. Có con nằm chết ngay tức thì, có con thì vẫn kêu eng éc như khi bị người ta chọc tiết. Con thì tóe máu mũi, lòi con mắt còn hộc lên đòi bỏ chạy, bị giáng cho vài búa nữa là nằm gục, bị mấy người khiêng lẳng xuống hố. Nằm im. Chết. Bà không dám đứng nhìn nữa. Đau lòng lắm. “Còn mấy con lợn nái, khỏi cân đi. Cô Bình nhắm xem bao nhiêu cân, tính với bà Tình rồi ghi vào biên bản hỗ trợ, xong lùa cả ra đây nhé”. Mấy người trong đội tiêu hủy có vẻ mệt, họ bàn với nhau như vậy rồi nói với cô Bình. Bà Tình dẫn cô Bình ra chuồng lợn nái. Ba con cả thảy. Bà chỉ một con có vẻ nặng nề, nằm thở phì phò trong chuồng, buồn rầu:
– Như hai con bên kia thì đã đành cô ạ. Đang chờ lấy tinh, thôi thì chết mình không áy náy lắm. Chứ con này chửa hơn ba tháng rồi, cũng sắp đến ngày đẻ rồi cô ạ. Đang khỏe mạnh thế này, bắt nó chết thấy tội quá. Một lợn mẹ, chắc cũng đến hơn chục lợn con. Mấy lần lấy tinh đều hỏng, tôi đã định bán đi rồi, lần này đậu thì lại chết thảm. Thà mày đừng đẻ được thì tao thấy đỡ mang tội.
Bà Tình vừa cúi xuống vuốt vuốt con vật vừa mở chốt cửa chuồng, rồi chợt nhìn lên cô Bình. Bà chột dạ. Đúng là chả cái dại nào giống cái dại nào. Bà cứ tiếc con nái sắp đẻ mà nói dai nói dại, chẳng để ý đến nét mặt buồn buồn của cô Bình. Cô ấy cũng đoản đường con cái, lấy chồng dễ đến chục năm rồi, cũng chửa mấy lần rồi mà không có phúc làm mẹ. Cứ hai ba tháng là sảy thai. Nghĩ cũng khổ. Vậy mà bà lại không để ý gì, cứ nói mãi chửa với đẻ. Ông ấy mà ở đây lại mắng cho một trận vì cái tội nói năng không chịu suy xét. Cô Bình không nói gì nhưng vẻ mặt thì rõ ràng là buồn lắm, còn bà thì ngại ngùng. Phỉ thui cái miệng. Bà mở chốt cửa các chuồng, lùa mấy con lợn nái ra ngoài rồi nói với cô Bình:
– Mình cháu lừa chúng ra hố nhé. Bác dọn dẹp phân trong chuồng đã. Phải xử lý tiêu hủy cả mà nhỉ? Mấy con này dễ lùa lắm, không như bọn lợn thịt chạy lung tung, cháu cứ bứt ít rau khoai, cầm nhử là chúng đi theo thôi.
– Vâng! Thế bác cứ để cháu.
Bà Tình không ra hố nữa. Bà không nỡ nhìn bọn lợn bị đánh chết nên cứ lúi húi quanh quẩn chỗ dãy chuồng lợn. Mấy con lợn nái được ra ngoài, ục ịch chậm chậm theo nắm rau cô Bình cầm phía trước đi khuất dần sau những gốc vải, qua vườn chuối về phía hố. Tiếng người quát tháo, la lối, tiếng lợn kêu eng éc, hồng hộc, tiếng búa nện xuống huỳnh huỵch…
Bà Tình rùng mình. Hôm đó mình không ra đứng đấy, chứ không chắc chịu không nổi. Bà lại tiếc. Giá kể mình nói xin cô ấy một tiếng, biết đâu cô ấy lại mắt nhắm mắt mở mà bỏ qua cho con lợn nái sắp đẻ thì sao? Đằng này lại đi nói chạm vào nỗi đau của người ta. Thật là…
Đêm thứ ba bà Tình khó ngủ. Buổi sáng nay cứ quanh quẩn ở dãy chuồng lợn khiến bà lại nghĩ ngợi lung tung. Vừa tiếc của vừa xót vật. Bà cứ trở mình liên tục rồi lại thở dài. Đêm nay, trời có vẻ đứng gió. Bốn bề yên tĩnh quá. Thi thoảng chỉ có tiếng chó sủa ma ở đâu đó vọng lại. Mấy con chó nhà nằm ngoài sân, lâu lâu cũng rên ư ử, chắc chúng ngủ mơ. Bà nằm im, lắng tai nghe ngóng… Rồi bà thấy mình đang chạy thục mạng. Bà thở hồng hộc. Đằng sau, hai người đàn ông đang đuổi theo, tay cầm chiếc búa lớn. Bà chạy ì ạch. Mệt. Mệt quá. Một người túm được chân bà, lôi ngược lại cái hố. Dưới đó, bao nhiêu là lợn bị hất xuống, có con đã chết rồi, tóe máu. Bà vùng vẫy bỏ chạy lần nữa và kêu cứu nhưng cổ họng bà chỉ phát ra những tiếng eng éc, ụt ụt như con lợn bị chọc tiết. Bà nhìn lại mình, hoảng hốt chạy thục mạng về phía giàn trầu đầu hồi. Bà vừa chạy vừa lấy hết sức gọi chồng và các con cứu mình. Ụt! Ụt!… Ụt! Ụt!… Phía sau, hai người đàn ông vẫn đang đuổi. Bà cố gắng kêu lớn:
– Ông ơi!
– Bà ơi!
Ông Lanh bật dậy gọi vợ cùng lúc với tiếng bà gọi ông.
– Bà mơ gì mà ú ớ giẫy giụa thế? Tôi nghe hình như có tiếng lợn kêu ngoài đầu hồi.
Bà Tình thở hổn hển, khó nhọc ngồi dậy, tay ôm lấy ngực, tim bà còn đập loạn xạ. Bà không trả lời ông. Bà còn chú ý đến tiếng động phía bên ngoài. Ụt! Ụt! Rồi bà nói như reo:
– Đúng là có tiếng gãi ổ của con lợn sề ông ạ!
Bọn chó chõ mõm ra phía có tiếng động sủa liên tục rồi lại quay vào phía cửa sủa. Ông bà Lanh Tình vừa bật điện, cầm đèn pin bước ra, chúng vẫy đuôi mừng, rên lên ư ử trong miệng rồi lại quay ra ngoài vườn sủa. Đến khi ông Lanh mắng chúng mới chịu im. Trong ánh đèn pin sáng rõ, con lợn nái bụng to ì ạch gần chạm đất đang dùng mõm dũi dũi bạt đất sát chân tường. Nó có vẻ khó nhọc lắm.
– Ông ơi, đúng con lợn sề nhà mình rồi. Ông nhìn cái tai nó không? Sứt hẳn một miếng to do hôm mới bắt về nuôi, nó nhảy ra ngoài bị con chó mẹ mới đẻ cắn rách.
– Ừ. Nhưng mà lạ thật.
– Lạ gì nữa. Chắc nó gãi ổ, sắp đẻ rồi. Để tôi đi ôm ít rạ ra đây trải lót ổ cho nó nằm. Ông kiếm ít tấm gỗ che chắn cẩn thận chứ không gió.
– Ờ, bà nói phải.
Tờ mờ sáng, ông bà nhìn đàn lợn mười ba con hồng hào, xinh xắn rúc vào bụng mẹ. Con lợn nái nằm nghiêng một bên, quay bầu sữa căng ra cho lũ con bú, nó nhắm mắt, thở nhè nhẹ. Thôi, cũng có cái chuồng đủ ấm cho mẹ con chúng.
– Tạm thời vậy rồi để một hai hôm, bọn lợn con cứng cáp rồi tính.
– Ông định tính thế nào? Tôi kệ, để đó nuôi, không báo chính quyền đâu đấy. Nó không chết từ hôm ấy mà mình không biết…
– Cái bà này hay nhỉ, thì tôi có nói là báo chính quyền đâu mà đã sồn sồn lên thế. Tính là tính cái chuồng hẳn hoi cho mẹ con nó kia. Giờ bà không định đi nấu cho nó ít cám à?
– Ừ nhỉ. Hơn chục hôm ăn đói ăn khát rồi. Tôi đi nấu cho nó nồi cháo, ăn cho nhiều sữa.
Ông Lanh đi kiếm tấm bạt che trên giàn trầu cho kín gió. Nhỡ có mưa cũng không ướt đến mẹ con đàn lợn. Bà Tình đi bắc nồi cháo lên bếp. Tiếng củi cháy xèo xèo, tách tách thật vui tai. Lòng bà cứ như muốn nhảy nhót theo ánh lửa bập bùng. Cái bếp nấu cám cho lợn nái bỏ lạnh bữa giờ, nay mới ấm lại. Mà nghĩ cũng lạ… Chắc là cô ấy cũng động lòng khi thấy con lợn gần đẻ… Mà nó hình như cũng biết thân biết phận nên từng ấy thời gian không đánh tiếng, ẩn chỗ nào mà giỏi thế! Mấy đêm nay gần đẻ nên mới lần vào đầu hồi tìm ổ. Làm bà cứ nghĩ là nó chết thảm, chết oan nên tìm về… Bà chép miệng. Giá kể biết sớm thì con vật mấy hôm không phải chịu đói rồi. Bà đút thêm củi vào bếp, thổi ngọn lửa cháy bùng lên, mong cho nồi cháo nhanh chín còn cho con vật ăn cho lại sức.