Bên kia bến sông là trảng cát trải dài đến sát hàng tre của làng Phương Hòa thì dừng lại, nếu nhẩm tính sơ sơ cái trảng cát này lẽ cũng phải đến cả chục Héc-ta chứ không chơi đâu

Hằng năm, sau những lần lụt đi lụt lại, phù sa xếp lớp lớp trên các trảng cát mà ít nhiều làm cho màu cát không còn tinh khôi lấp lánh ánh bạc nữa.

Đất ven sông này xốp rất tốt; chỉ cần nhìn những bụi nho dại, những khóm đót và những gốc dừa nước còn sót lại đủ thấy mảnh đất này màu mỡ biết chừng nào.

Một số nông dân an cư gần đó; họ dựng trụ, mua kẽm gai làm hàng rào và phân ra từng lô nhỏ để dễ dàng chăm sóc bón phân và đi lại

Dưa hấu của làng Phương Hòa này được ví như là loại đặc sản có tiếng là ngon nhất cả nước.

Hằng năm tầm cuối tháng 11 và cả những ngày giáp cuối năm nữa, thương lái đổ về đây mua hàng lớp lớp. Những loại xe tải, xe bell, xe hai ba tầng không ngớt ngày đêm nhập hàng và tỏa đi khắp nơi, kể cả chỗ xa nhất là cửa khẩu Lạng Sơn, Tân Thanh, Móng Cái ; một số nữa tiêu thụ trong nước thôi như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, nhu cầu cúng kiến giỗ chạp ở những địa phương này rất lớn, chỉ tính riêng tại Huế cứ mỗi dịp tết đến xuân về số lượng ít nhất cũng phải lên đến 50 tấn là còn ít.

Dưa ở đây ruột đỏ hạt ít, vỏ dưa bóng bẩy, bắt mắt, chỉ cần đặt lên hương án một cặp thôi cũng đủ nói lên tấm lòng thảo thơm của cháu con khi nghĩ về ông bà.

Hình ảnh yêu nhau đẹp

Mùa tháng 12 âm lịch tôi theo mấy cậu đi bốc dưa mà rong chơi là chủ yếu. Sau mỗi đợt xuất dưa đi, lúc nào chủ xe cũng cho vài ba trái ăn chơi và làm quà.

Dưa ở đây quả nhỏ nhất cũng 7 ký cá biệt có quả to lên đến 12 ký. Sau mỗi lần như thế tôi đều mang đến nhà cho Mận một trái. Khi Mận bổ ra nhìn những lát dưa đỏ au thôi đã thấy sướng rên lên rồi.
Ba mẹ Mận nói:

– Con cho hai bác hoài, ngại quá, con đã phần cho ba mẹ chưa?

– Dạ rồi, ba mẹ con biểu mang biếu hai bác ăn cho vui, mai có xe đi, họ cho nữa mà…

Mận bổ dưa sau khi mang lên chén muối ớt đã được giã nhỏ

– Con mời ba mẹ, mời anh Thắng

Mọi người cùng chấm ăn vui vẻ, tận hưởng những phút giây êm đềm ngọt ngào khi mùa dưa hấu về… Tôi trộm nghĩ có bao giờ mới lập lại niềm vui như hôm nay

Trong mấy đứa con gái ở cái thôn Đoàn Kết này thì con Mận là đứa chảnh nhất. Nó không đẹp nhưng được cái da trắng ăn nói nhí nhố làm như ta là con nhà giàu nhất xóm vậy. Ngoài con Mận ra còn có con Ngọt, con Trâm cũng đều là những đứa con gái sống ở nông thôn nhưng lại muốn thể hiện mình là dân thành phố nên tính cách hành động của bọn nó cứ nhâng nhâng nên toàn bộ con trai trong xóm không đứa nào ưa cả.

Bọn thằng Tý, thằng Phục thằng Cà đẹt thằng Phú điên là những đứa dở hơi nhưng cũng không hề thích thứ bọn con gái này. Người gì thẳng đét như cây củi, đá banh, đá bóng như đàn ông, mày tao bất kể lớn nhỏ.

Tôi thì chỉ hơi thích con Mận thôi, nói thì nói vậy nó chỉ sỗ sàng với đứa nào ăn nói mất dậy ba hoa chích chòe, còn với tôi nó vẫn luôn nhỏ nhẹ dịu dàng y như một cô gái con nhà lành vậy.

Thật ra thì con Mận khác rất xa với tụi con Hiền con Thu Sa, con Thúy uyên hay con Gạo. Tên Mận chắc là do bà nội nó đặt tên cho thôi. Thường thì những người bắc 54 hay đặt cho con cháu của họ những cái tên nghe có vẻ chân chất nhà quê sao đó : Huệ, Lụa, Lành, Hoa, Mây, Mận, Đào, Cúc, Bắc v..v… Tên nào cũng được, miễn hồ nhân cách của họ mới là điều đáng nói

Ba con Mận làm công chức cán bộ xã mẹ nó giáo viên mầm non nên ít nhiều nó cũng thừa hưởng được những cái căn bản như nề nếp, đối nhân xử thế và tỏ ra là người có ăn có học không như một số nam nữ thanh niên ở cái xã này. Có lần Mận hỏi tôi : Anh Thắng có ghét Mận không?

– Không

-Thật đấy chứ?

– Thật mà, Mận không tin ư?

– Đương nhiên là không tin

– Thế sao bọn thằng Cà Đẹt ghét Mận vậy

– Họ khác Thắng khác, với Mận lúc nào Thắng cũng tôn trọng

– Thật nha, ngoéo ( Mận đưa ra ngón trỏ bẻ cong lại và chờ ngón tay của tôi) Không một chút chần chừ tôi ngoéo tay Mận ngay

– Không đổi thay

– Ừ! không thay đổi

– Thế mai mốt ra trường Thắng chọn ngành nào?

Tôi gãi đầu:

– Thắng cũng chẳng biết chọn ngành nào cho phù hợp nữa, bây giờ vẫn còn quá sớm mà

– Sớm gì nữa( Mận nói) Lo định hướng trước kẻo sau này phân vân càng thêm khổ

– Thắng thấy nhiều đứa học đại học xong chẳng có việc làm, đứa đi phụ hồ, đứa làm thuê, nhiều đứa phải nai lưng đi bốc vác mì, bốc vác lúa kiếm cơm qua ngày, cũng tội họ…

– Biết làm sao được bây giờ

Tôi nhìn nắng chiều xuống rất chậm trên mặt sông Đak blà. Mặt nước mênh mông trải mãi đến bãi mía bờ bên kia một màu xám trắng cô độc. Mận nói với tôi về những dự định cho tương lai sau khi rời giảng đường đại học. Tôi rất khâm phục nghị lực, ý chí của cô gái mới đang học lớp 12 mà đã định hướng được cho cuộc đời của mình mai này một cách hoàn hảo như vậy, tôi bảo với Mận:

– Mình về thôi, chiều quá rồi, mai gặp lại nghen?

Tôi vừa đi vừa huýt sáo bài hát mà hai đứa đều thích :

…” Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa, đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…”

– Vậy chừng nào Mận đi?

– Cuối tháng này… Mận đi chắc là Mận nhớ nơi này nhiều nhất

– Xạo, chỉ có người ở nhà là nhớ người đi thôi. Người đi, họ có niềm vui mới của họ, bạn bè mới, cảnh trí mới, nhất là nơi đô thị phương nam, lúc nào cũng sầm uất, hào nhoáng; cuộc sống nơi ấy hối hả, gấp gáp Mận sẽ không có thời gian để kiểm đếm, ngó lại đoạn đường đã qua của mình

Mận cầm hòn đất ngay chân ném mạnh về phía cuối ao, giọng Mận nhỏ lại:

– Nhưng Mận thì khác Thắng ạ. Mận nhớ nơi này nhiều nhất, nhớ ba mẹ, người thân, bạn bè trong xóm và nhớ cả Thắng nữa, bộ Thắng không cho Mận nhớ sao?

– Không phải là không cho ( mà theo Thắng nghĩ) Mận chỉ an ủi để Thắng khỏi buồn thôi

Tôi nhìn thấy mắt Mận đỏ hoe, hai bờ vai rung rung, có lẽ Mận đã khóc. Tôi ngần ngừ mãi mới dám nắm bàn tay của Mận, bàn tay nhỏ nhắn mềm mềm, âm ấm rồi kéo đầu Mận sát vào vai mình

– Cho Thắng xin lỗi, Mận đừng khóc nữa, từ nay không bao giờ làm Mận buồn

– Thật nhé. Và tôi thấy Mận cười, nụ cười ướt sũng nước mắt. Tôi gỡ mấy sợi tóc vướng trên má Mận

– Mận có thích Thắng không? Cho Thắng hôn Mận một cái nghen ?

Không thấy Mận nói gì. Tôi thu hết can đảm hôn đại vào má Mận một cái. Mận úp mặt vào ngực tôi cười rạng rỡ:

– Sao tim Thắng đập dữ vậy…?

Ngày xưa giờ cũng đã qua rất lâu rồi, Mận giờ đang học năm thứ ba Nông Lâm Súc thì phải, còn tôi, cuộc sống khốn khó đang học năm nhất đại học Luật thì mẹ chết tôi đành bỏ học nửa chừng để về lo tang mẹ và làm nghề nuôi hai em, vậy là hết, con đường dài ngắn cho tương lai thằng Thắng là tôi, có lẽ cũng chấm hết từ đây, tôi biết nói gì cho Mận hiểu nhỉ. Mận ơi, tôi vẫn chờ em mà…?

Kon Tum 27.05.2020

Thắng Kiên