Sau những tháng ngày quẩn quanh bên mẹ thì cái việc được đến trường, có
nhiều bạn, nhiều đồ chơi khiến bé con nhà Mai phấn khích, vui vẻ mãi không thôi.
Nó cứ ôm khư khư cái cặp hình con gấu bố mua cho lúc ăn cũng như lúc ngủ, chờ
đợi ngày được đến trường, ngày được ra khỏi vòng tay mẹ. Buổi tối trước ngày đi
học, khi hai mẹ con đang ngồi chuẩn bị đồ cho vào cái cặp con gấu những tưởng
con bé sẽ vui vẻ vì điều mình chờ đợi ngày mai sẽ đến. Không, không như những
điều Mai tưởng, con bé ôm ghì lấy chú Thỏ bông mặt cúi gằm xuống, ánh mắt chất
chứa đầy lo lắng, bất an.

Yêu thương mẹ xin đừng để đó!

-Con sao thế ? Nếu con chưa sẵn sàng để đi học thì mẹ sẽ đến nói với

cô giáo rồi năm sau lớn hơn, đợi con sẵn sàng rồi mình đến trường nhé !

-Không phải,không phải là con không muốn đi học… Mẹ có đi học cùng con không ?

Mai hơi bất ngờ với câu hỏi của con, à thì ra là con bé chẳng phải không
muốn đi học mà chỉ là thấy sợ cảm giác khi không có mẹ bên cạnh. Chẳng phải
riêng gì bé con nhà Mai mà hầu hết mọi đứa trẻ trên đời đều sẽ không an tâm khi
không có mẹ bên cạnh. Ngày xưa mình cũng thế, Mai bật cười khi nhớ về những kí
ức tuổi thơ rồi ôm con bé vào lòng mà thì thầm “Con yên tâm, mẹ sẽ luôn bên
con… suốt cả cuộc đời.” Câu vỗ về tưởng chừng như chẳng có gì ấy, vậy mà lại có
một sức mạnh vô biên. Dẫu là ngày xưa hay bây giờ, dẫu là trẻ thơ hay người lớn
thì khi nghe lại câu nói ấy lòng Mai vẫn thấy bình yên đến lạ. Bé con nhà Mai cũng
vậy, nó buông tiếng “vâng ạ!” trên cánh môi bé xinh rồi chìm vào giấc ngủ bình
yên. Mai khép cánh cửa phòng, bước ra ngoài khi đã thấy được nụ cười hạnh phúc
từ giấc mơ tràn về của con bé…

Ngày mai đưa con đi học rổi Mai sẽ quay lại công việc kế toán của mình,
con đi trường học mẹ đi trường đời. Được quay trở lại cuộc sống trước kia, thoát
khỏi cái vòng luẩn quẩn trong việc chăm con, giặt giũ,… nhưng sao Mai chẳng hề
thấy lòng mình hân hoan như trước kia. Điều gì đã rút hết niềm hân hoan trong
Mai ? Có phải là những nỗi lo lắng về chuyện ngày mai cô con gái bé nhỏ sẽ đến
trường ? Phải, Mai lo cho con bé sẽ ăn chẳng quen những món không phải mẹ nấu,
Mai lo cho con bé sẽ bị giật mình lúc ngủ trưa khi nằm chiếc gối chẳng thân quen
rồi cả chuyện con bé có khóc không khi bất giác gọi mẹ mà chẳng được nghe trả
lời “ơi mẹ đây !” Có nuôi con thì mới hiểu lòng cha mẹ, phải làm mẹ thì mới hiểu
rằng con cái là điều quan trọng nhất . Chúng như phần da thịt, như dòng máu
chẳng thể tách rời, chẳng thể thiếu đi… ngày xưa ắt mẹ Mai cũng như cô bây giờ.
Những giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống gò má Mai tự lúc nào khi chữ mẹ,
những suy nghĩ về mẹ thoáng qua trong đầu. Nếu bây giờ còn có thể chắc chắn
Mai sẽ gọi ngay cho mẹ để hỏi, để kể về những lo lắng trong lòng cô với bà. Di
ảnh mẹ mỉm cười trên bàn thờ thường ngày bình yên là thế nhưng sao hôm nay
nhìn lên lòng Mai chỉ thấy nỗi đau quặn thắt tràn về. Mẹ Mai mất vì ung thư gan,
bà ra đi dưới sàn nhà lạnh lẽo mà chẳng có lấy một người thân bên cạnh. Nhiều lúc
ngồi nhớ mẹ Mai vẫn luôn tự hỏi chính mình rằng trên đời này liệu có đứa con nào
bất hiếu hơn cô. Mai không hề biết mẹ bị bệnh bởi cô đâu còn thời gian cho bà dù
chỉ là cuộc điện thoại năm ba phút, để phấn đấu lên chức kế toán trưởng mà Mai
đâm đầu vào công việc. Như con thiêu thân lao vào công việc, Mai bỏ quên tất cả,
bỏ quên gia đình, bạn bè hay có khi quên cả việc mình là một con người. Quên cả
việc mình là một con người ư ? Phải, phải rồi ! Mai ôm lấy ngực mình, cô ngồi co
ro như một đứa trẻ núp vào một góc sofa mà nấc lên những giọt nước mắt muộn
màng. Mai quên mất mình là người nên cũng quên luôn những điều nhân nghĩa ở đời, cô quên rằng mình từ đâu mà có mặt trên đởi, quên đi người mẹ tảo tần một nắng hai sương cho cô ấm no lên người.

-Con bất hiếu lắm phải không mẹ ơi !

Nước mắt không ngừng rơi, Mai cứ nhìn trân trân lên di ảnh mẹ trên bàn thờ
mong được nghe tiếng mẹ trả lời…. Con người đúng là rất nực cười, lúc còn thì
chẳng hề biết trân trọng chỉ khi mất đi rồi mới thấy trân quý và khát khao tìm lại.
Bốn năm rồi kể từ ngày mẹ ra đi nhưng có khi nào Mai quên cuộc điện thoại cuối
cùng với mẹ. Đó là vào một ngày đầu tháng mười hai, cuối năm việc kiểm kê sổ
sách rồi nhà chồng, con cái cứ rối tung rối mù cả lên vậy mà mẹ chẳng hiểu cứ hai
ba ngày lại gọi nhắc Mai về giỗ bà cố ngoại. Mọi năm giỗ chạp của các cụ trong
nhà mẹ cũng gọi nhắc nhưng Mai chỉ ậm ừ cho qua mẹ cũng chẳng trách ấy vậy
mà năm đó mẹ cứ nằng nặc bắt con cháu phải về cho bằng được. “Mẹ làm sao thế?
Hết giỗ cố rồi lại giỗ ông cụ, một năm có bao nhiêu cái giỗ con làm sao về cho
được.Con là con gái, nữ sinh ngoại tộc ba cái việc cúng giỗ mẹ gọi cậu út nó về…”
Một tay lật sổ sách, một tay cầm điện thoại, mắt thâm quầng, đầu tóc rối bời Mai
cứ tuôn một tràng một hơi mà chẳng hề để tâm đến mẹ bên kia đầu dây. “Sau này
nếu giỗ mẹ, nếu như người ta báo mẹ mày chết thì mày có về không? Hay là nữ
sinh ngoại tộc…” Từ ngày đó mẹ đã không gọi cho Mai một cuộc điện thoại nào
nữa cho đến khi bà ra đi, Mai vẫn nhớ như in lúc tám giờ ba mươi phút sáng màn
hình cô đã hiện lên số của mẹ sau ba tháng hai mẹ con không nói chuyện với nhau.
Nhưng chẳng còn là tiếng của mẹ “con đấy à!” như mọi khi mà là giọng hớt hải,
sụt sùi của dì Tư “ Mai ơi, về nhanh nha con. Mẹ mày mất rồi…!”

Năm đó, Mai cứ nghĩ là mình nghe nhầm cô đã gắt lên trong điện thoại với
dì Tư đến ba lần rằng dì đang đùa con phải không ? Bởi đâu chỉ riêng Mai mà tất
cả mọi người đều không tin rằng mẹ Mai mất trong khi bà chẳng có dấu hiệu ốm đau gì. Hàng xóm bảo bà bị trúng gió, một vài người họ hàng hiểu biết hơn thì lại
bảo bà mất do nhồi máu cơ tim,… ai nói gì Mai cũng gật đầu im lặng. Người mất
rồi thì còn cần tìm ra lí do họ rời đi là gì, điều đó có còn quan trọng nữa không?
Chôn vùi mẹ dưới lòng đất lạnh và sâu thẳm, Mai trở về căn nhà ngập tràn bóng
mẹ mà lòng quặn thắt lên từng cơn “bay xem đồ dùng nào của mẹ muốn giữ làm kỉ
niệm thì giữ, không thì vô dọn mang ra dì đốt cho mẹ mày mang theo…” Dì Tư
giục năm lần bảylượt Mai mới dừng dòng nước mắt mà bước vô phòng của mẹ,
mọi thứ đều gọn gàng tươm tất, mủi của mẹ vẫn còn vương lại khắp cả gian phòng.
Từ khi lấy chồng Mai chẳng còn thời gian mà về thủ thỉ, thích thú khám phá những
ngõ ngách trong phòng mẹ như ngày xưa, cái việc ngày xưa từng làm trong nụ cười
hạnh phúc sao bây giờ vừa làm nước mắt vừa rơi…

Hai chiếc hộp gỗ cùng mớ giấy tờ lộn xộn rơi vương vãi dưới nền nhà khi
Mai lỡ tay kéo chiếc áo dài trong cùng ra. Hộ khẩu, sổ đất đai và cả hồ sơ khám
bệnh mang tên mẹ. Từng tấm phim, từng đơn thuốc và chữ K4 trên đầu hồ sơ bệnh
án khiến Mai gào khóc nức nở tiếng “mẹ ơi” giữa gian nhà tĩnh lặng buổi ban trưa.
Ai cũng trách mẹ Mai sao nhẫn tâm bỏ lại con cái, người thân mà ra đi không lời từ
biệt nhưng đâu ai biết rằng chính những đứa con như Mai mới là người nhẫn tâm
bỏ lại mẹ một mình chiến đấu với bệnh tật. Mẹ Mai bị ung thư gan giai đoạn cuối,
bà luôn sợ phiền hà con cái mà âm thầm chịu đựng một mình cho đến khi ra đi.
Mai có đọc được ở đâu đó rằng những người sắp rời khỏi thế giới này luôn có một
linh cảm rất tốt, có nghĩa là họ biết mọi điều, biết mình sắp phải rời đi… Có chăng
mẹ Mai bà cũng biết những điều như thế, có chăng vì thế mà bà bắt con cháu phải
về đông đủ dù là chẳng phải là dịp lễ tết quan trọng. Chắc mẹ đã đau đớn lắm phải
không mẹ ? Chắc mẹ giận con lắm phải không mẹ ? Sàn nhà lạnh, lòng Mai cũng
lạnh và rỉ đầy máu. Mai đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình
nếu không vô tình tìm thấy quyển nhật kí của mẹ trong chiếc hộp gỗ. Hai chiếc hộp gỗ, một của Mai, một của em trai mỗi hộp đều có một sổ tiết kiệm, một lá thư cùng
một quyển nhật kí của mẹ. Tính mẹ Mai vốn vậy, luôn chu toàn mọi điều ngay cả
khi biết mình sắp phải rời đi. Nhật kí của mẹ, tay mẹ chai sần vì cái cuốc cái liềm
ấy vậy nhưng chữ của bà rất đẹp, Mai vừa đọc vừa vuốt ve từng dòng chữ. Mẹ ghi
lại tất cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của hai mẹ con, từ những điều vui
vẻ cho đến những nỗi giận hờn. Nếu viết về niềm vui thì cuối trang mẹ sẽ để dòng
chữ “mẹ yêu con” còn nếu là nỗi buồn hay giận hờn sẽ là “mẹ tha thứ cho con.”
Ngày mẹ viết nhiều nhất và cũng là trang cuối cùng là ngày mùng năm tháng
mười hai, là ngày Mai đã gắt lên với mẹ trong điện thoại về việc giỗ chạp.

“Con gái, có lẽ gần cuối năm nên công việc của con rất nhiều. Mẹ xin lỗi vì đã
phiền con nhưng mẹ rất nhớ con, mẹ muốn được ngắm nhìn con nhiều nhất có thể
vì thời gian của mẹ đã chẳng còn nhiều. Những lời hôm nay của con làm mẹ rất
buồn nhưng mẹ vẫn sẽ tha thứ cho con, vì con là con gái của mẹ. Mẹ chưa bao giờ
nghĩ rằng nữ sinh ngoại tộc … Khi con đọc được những dòng này có lẽ mẹ đã đến
nơi ba con ở rồi bởi mẹ biết con không có thời gian về nhà mà đọc lén nhật kí của
mẹ như ngày xưa. Chỉ có khi mẹ mất thì con mới về được phải không con? Mẹ đi
rồi chỉ còn lại hai chị em trên đời, là người thân duy nhất của nhau thì nhớ bảo
ban, yêu thương nhau. Mẹ luôn yêu các con, đừng tự dằn vặt mình về sự ra đi của
mẹ, mẹ không hề giận hay trách gì đứa nào.Dù không còn mẹ trên đời thì con cũng
đừng nghĩ mình bơ vơ, bởi dẫu có đi qua cuộc đời này thì lòng mẹ vẫn luôn dõi
theo con.”

Mai bỗng thấy mình như hóa thân thành trẻ nhỏ, cô khóc vùi trong nỗi nhớ
mẹ rồi ngủ lìm đi nơi sofa lúc nào chẳng hay. Mai giật mình tỉnh giấc khi ánh nắng
sớm mai vừa kịp chạm vào mí mắt, khi bàn tay của bé con nắm lấy tay cô mà gọi.

-Mẹ ơi, dậy đưa con đi học.

-Ồ, ồ mẹ xin lỗi con nhé !

-Mẹ vừa ngủ, vừa mơ cười có phải mẹ mơ thấy ông tiên không ?

-Không, mẹ không mơ thấy ông tiên mà mẹ mơ thấy bà ngoại của.

-Mẹ bảo bà ngoại sống ở trên thiên đường, vậy bà ngoại là bà tiên rồi.

Câu nói ngây ngô của một bé con bốn tuổi làm Mai bật cười nhưng con bé
nói cũng đúng bà ngoại là bả tiên và mọi người mẹ trên thế gian này đều là bà tiên
cả. Vì tấm lòng, sự bao dung của trái tim người mẹ thì cao cả và rộng lượng tựa
như bà tiên vậy. Ngày đầu tiên đi học, Mai những tưởng khi về con bé sẽ khóc và
kêu nhớ mẹ nhưng không con bé ríu rít suốt cả quãng đường về nhà bài học đầu
tiên “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.” Mai khóc
còn bé thì cười và nắm chặt tay mẹ dẫn đi thẳng hướng về nhà.

Bầu trời hôm nay trong xanh đến lạ, Mai ngước nhìn bầu trời thì thầm đủ
mình nghe rằng “mẹ đang dõi theo con phải không mẹ ?”