Tiết trời âm ấm. Những ngày cuối đông đã đi qua. Cơn gió xuân nồng nàn lướt trên các ngọn cây. Nắng rải vàng ươm mặt đất. Cây mai trước hiên nhà đã nở những nụ hoa bé tí, cánh hoa rung rinh mỗi khi có gió thổi. Đó là chậu mai mà ba tôi dành dụm từ năm ngoái đến tận năm nay mới mua được. Khi ba cùng mấy người nữa khiêng mai về, vẻ mặt mẹ tôi dường như không ưng ý, mẹ nói lãng phí quá, để tiền mua quần áo cho thằng Nhí có phải tốt hơn không? Ba tôi phì cười, nói nhà cửa không rộng thì còn có cái này để mà khoe với người ta khi có khách viếng thăm. Mấy chục năm qua nhà mình có mua mai bao giờ đâu, Tết năm nay nên hoàn hảo một chút, còn quần áo của sắp nhỏ cứ để tui tính.

Tôi không biết hai chữ hoàn hảo trong lời nói của ba có ý gì nhưng tôi biết chắc chắn một điều nhà tôi từ trước tới nay làm gì có khách tới thăm dù là trong những ngày xuân. Cái châm ngôn giàu-nghèo không thể ngồi chung bàn từ lâu đã trở thành ‘tục lệ’ mỗi khi xuân về tết đến, ít nhất là với gia đình tôi.

Ở cái xóm này, nhà giàu nhất là nhà của anh Khánh. Ngôi biệt thự ba tầng được quét vôi màu xanh đọt chuối nằm kềnh càng giữa những mái tranh lụp xụp. Kế đó là nhà của nhỏ Hiên. Hiên là tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng tính tình ngổ ngáo, vô phép tắc. Nó không ưa gì những đứa nghèo khó như tôi và luôn châm chọc khi có dịp. Một lần tôi mang cả rổ bông gòn đi từ ngoài ngõ vào cổng làng, Hiên cố tình nói to như để tôi phải nghe thấy. “Tụi mày biết không, ba của con Bông mới mua cây mai, nghèo mà bày đặt học làm sang.” Những đứa khác phụ họa theo. “Chắc chúng nó muốn khoe khoang ấy mà.” “Cái này gọi là chảnh đấy tụi bay.” Rồi tụi nó phá lên cười sằng sặc. Đã quá quen thuộc với những câu mỉa mai của con Hiên, tôi lầm lũi bước đi.

Phía sau nhà tôi có cây bông gòn. Những trái bông gòn khi chín to bằng bàn tay, xanh ngắt treo lúc lỉu trên các thân cây khẳng khiu. Tán lá xòe rộng, tỏa bóng mát. Tôi hay ngồi dưới gốc cây ôn bài. Mỗi mùa bông gòn nở, mẹ sai mấy anh chị em tôi leo lên hái xuống, đập vỡ đôi lấy hạt bên trong rồi nhét vào ruột gối. Sẽ có những chiếc gối êm thật êm. Mẹ gánh xuống thị trấn bán đổi tiền mua gạo. Những chiếc gối mẹ tôi làm nổi tiếng cả một vùng. Mẹ may khéo tay, lại đẹp thành thử cứ đến mùa Tết, người ta lại đặt hàng với số lượng lớn. Nhờ vậy mà gia đình tôi có đồng ra đồng vào sắm sửa đồ mới.

Mẹ chỉ tôi cách may. Tôi may khá xấu lại không thẳng tắp nên không bán được, chủ yếu là để nằm. Nhưng gần đây tôi chăm chỉ học may, tôi muốn may thành một chiếc gối nhỏ xinh để làm quà sinh nhật cho một người. Tôi còn thêu lên bề mặt gối đôi cánh phượng hoàng.

Người đó là anh Khánh. Anh học cùng trường với tôi, lớp mười hai. Anh học vô cùng xuất sắc, năm nào cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Không những bạn bè mà thầy cô đều quý mến anh. Nhỏ Hiên từng tuyên bố với lũ bạn của chúng nó rằng. “Sau này tao sẽ làm vợ của anh Khánh, cấm đứa nào giành.” Anh Khánh tuyệt nhiên không cưới một cô vợ xấc xược như Hiên nhưng so với gia cảnh thì chỉ có Hiên mới xứng với gia sản kếch xù của anh Khánh.

BẠN CÓ BIẾT BÔNG TẨY TRANG ĐƯỢC LÀM TỪ NGUYÊN LIỆU NHƯ THẾ NÀO KHÔNG ? | |

Ban đêm tôi thường ra ngồi dưới gốc bông gòn, nhìn sao giăng đầy trời qua đám lá trên đầu. Mỗi lần xem tôi luôn nhìn thấy một ngôi sao sáng nhất nằm ở hướng Bắc. Tôi hình dung ngôi sao đó là anh, đẹp đến như thực nhưng lại không thể nào với lấy. Biết mình chỉ là một con bé quê mùa, nhem nhuốc nên tôi không dám lại gần anh, chỉ có thể đứng từ xa, ôm trong lòng một mối tương tư.

Nhưng rồi có một chuyện xảy ra, vô tình thôi làm tôi và anh xích lại gần nhau, cùng nhau trò chuyện trong những lần gặp gỡ ở thư viện, cùng nhau đi về trên con đường ngập lá. Những kỉ niệm đơn giản nhưng đọng lại rất sâu trong lòng tôi.

Ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Trống đánh tan học vừa vang lên, cả lớp đồng loạt vỗ tay rần rần. Thầy giáo chúc cả lớp ăn Tết vui vẻ. Tôi xếp sách vở vào cặp, vừa bước chân ra cửa thì bị nhỏ Hiên ngáng đường. “Ê, con nhỏ bán gối, Tết này mày tha hồ ăn bông gòn thay hạt dưa nhé.”

“Mà công nhận mẹ mày may gối đẹp thiệt, may cho gia đình tao vài chiếc đi, tao đem bánh chưng qua đổi lấy.”

Bọn họ vừa chế giễu vừa cười cợt tôi.

“Mày học làm gì, mẹ mày rồi sẽ truyền nghề lại cho mày, sau này gánh gối đi bán, có khối chàng mua ấy chứ.”

Tôi ngồi ở ghế đá, mặc kệ thời gian trôi đi miên miết. Sân trường lặng im như tờ. Chỉ nghe tiếng gió thổi vi vu. “Sao lại ngồi ở đó một mình vậy?”

Tôi giật mình ngẩng đầu lên, chạm phải ánh mắt của anh Khánh. Anh là học sinh duy nhất được đàm thoại cùng thầy hiệu trưởng trong những chương trình ước mơ hay những lần họp hành. Giờ này anh chưa về là chuyện hiển nhiên. Tôi cúi đầu, không nói gì.

Anh tiến đến ngồi cạnh, hỏi chuyện. “Em tên Bông, đúng không?”

“Sao anh biết ạ?”

“Mẹ em làm gối nổi tiếng nhất cái làng này, ai lại không biết.”

“Ngay cả anh cũng châm chọc em sao?”

“Sao em lại nghĩ thế?”

“Vì công việc… của gia đình em.” Tôi rụt rè.

“Vì có những người như mẹ em mà tất cả chúng ta mới có được một giấc ngủ ngon. Em phải tự hào chứ cớ gì phải xấu hổ.”

Tôi ngước mặt, mở tròn đôi mắt nhìn người bên cạnh. Tuy anh sống trong nhung lụa nhưng tôi chưa lần nào thấy anh tỏ thái độ tự đại, ngược lại anh hết lòng giúp đỡ những người nghèo khó như chúng tôi. Anh lập ra câu lạc bộ tình nguyện Những ước mơ xanh và kêu gọi mọi người chung tay đón lấy những trẻ em cơ nhỡ. Với lối ăn nói thuyết phục, anh dẫn dắt câu lạc bộ ngày một đi lên và thu hút nhiều học sinh tham gia. Đây chính là điểm tôi yêu quý anh, xem anh như một tấm gương để mình soi vào.

“Nhưng bọn họ cứ nói hoài…”

“Anh có nghe những lời đó nhưng em đừng bận tâm, em chỉ cần sống đúng với cuộc sống của chính em là được rồi. Còn nữa, anh thấy em… xinh đấy.”

“Gì cơ ạ?” Tôi không nghe lầm đấy chứ.

Anh cười hiền. “Không cần phải quá trau chuốt, nếu em biết cách thì anh tin em sẽ trở nên nổi bật trước đám đông thôi.” Rồi như có phép thuật, anh xòe tay trước mặt tôi, trong lòng bàn tay anh là chiếc kẹp nơ màu thiên thanh. “Nó hợp với em.”

Vài giọt mưa xuân lắc rắc. Chúng tôi về. Cổng trường khép lại. Vì nhà hai đứa gần trường nên chúng tôi đi bộ. Mưa phủ lấm tấm từng hạt trên đầu anh trông như những hạt bông gòn trắng muốt. Nghĩ tới đây tôi chợt nhớ đến chiếc gối mà mình may dở dang. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó trước ngày sinh nhật anh.

Tết ông táo, ngoài đình có hát bội, nghệ sĩ thuộc những gánh hát nghiệp dư chuyên đi khắp nơi để biểu diễn. Ai cũng nô nức đi xem. Tôi hòa cùng dòng người nhộn nhịp phía trước đến đình làng để xem hát. Thật ra tôi không thích nghe hát bội mấy nhưng nghe nói ở đó còn có tấu hài và ảo thuật. Đi để mở rộng tầm nhìn.

Tới nơi, mọi người kéo ghế ngồi chật kín khoảnh sân đầy cát. Mấy cô, mấy chú nghệ sĩ mặc đồ sặc sỡ, trang điểm lòe loẹt bước ra sân khấu. Tôi thoáng thấy phía xa, anh Khánh đứng cạnh cây cổ thụ cùng với mấy người bạn. Nhờ có ánh trăng trên cao chiếu xuống, tôi trông thấy rõ gương mặt tuấn tú của anh. Chung quanh người anh như tỏa ra ánh sáng lấp lánh.

Tôi định bước tới thì bị nhỏ Hiên chặn đường. “Ê, Bông, mày không ở nhà may gối ra đây làm gì thế?”

Tôi không muốn gây sự, bước ngang qua, Hiên chộp lấy tay tôi. “Tao đang nói chuyện với mày đó, á, hôm nay bày đặt cài nơ cài bông. Muốn trở thành công chúa hả?” Dứt lời Hiên với tay giựt lấy chiếc kẹp tóc trên đầu tôi. Rất nhanh, tôi không ngăn kịp.

“Trả đây.” Tôi sấn tới vòng tay quanh người Hiên để lấy lại nhưng bên cạnh nó còn mấy đứa nữa. Chúng nó không cho tôi lại gần Hiên, mấy lần xô tôi ngã uỵch ra đất. Không bỏ cuộc, tôi quyết một mất một còn với nhỏ Hiên để đòi lại món đồ mà anh Khánh đã tặng. Giằng co một hồi, chiếc kẹp rớt xuống đất, Hiên giẫm lên rồi hất mặt bỏ đi.

Tôi ngồi xuống nhặt từng mảnh vỡ của chiếc kẹp, lòng thắt lại. Gió đưa giọng nói trầm ấm từ đâu vọng đến bên tai tôi. “Thôi, để anh mua cái khác cho em.”

Tôi lắc đầu, nước mắt tèm lem, chạy vụt đi. Về đến nhà, tôi dùng keo dính dán lại. Kẹp nơ không còn nguyên vẹn như lúc đầu nhưng tôi lại không nỡ vứt đi. Chiếc kẹp tóc màu thiên thanh ấy không chỉ là món quà thông thường mà còn là động lực giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống.

Tối 28. Sinh nhật anh Khánh. Tôi ôm chiếc gối mà mình đã cất công may nhiều ngày liên tiếp mấy lần bị kim đâm vào tay đến nhà anh. Từ xa, cổng căn biệt thự mở toang, từng tốp nam thanh nữ tú với phục trang diêm dúa cầm trên những hộp quà lộng lẫy tiến vào bên trong.

Tôi nhìn lại mình chẳng khác gì một con bé rách rưới, nhếch nhác. Tôi không thể hình dung được một lát nữa đây ở trong một căn nhà sang trọng, giữa buổi tiệc sinh nhật hoành tráng, món quà tầm thường của tôi sẽ xuất hiện ngớ ngẩn thế nào. Mấy lần tôi quay gót, định về nhưng nghĩ đến mình đã cất công may chiếc gối này, nhất quyết phải trao nó tận tay anh, dù sau đó có bị sỉ vả ra sao cũng mặc, tôi đành từ bỏ ý định tháo lui, tiến thẳng về phía trước.

Tôi hít một hơi thật sâu rồi can đảm bước vào. Vừa qua cánh cổng sắt tôi có cảm giác như mình đang ở trong một thế giới khác, sôi nổi và náo nhiệt với những ngọn đèn sáng rực và những món đồ hiệu đắt tiền. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Không ai chú ý đến tôi. Tôi đưa mắt tìm anh Khánh. Anh từ trên lầu bước xuống, ăn mặc giản dị nhưng không kém phần lịch lãm.

Đúng lúc tôi định bước tới chúc mừng sinh nhật anh thì nghe giọng điệu mỉa mai của nhỏ Hiên. “Mày ôm gối đi đâu thế hả?”

“Tôi… tôi… tới tham dự sinh nhật của anh Khánh.” Tôi lắp bắp.

Hiên ôm bụng cười nghặt nghẽo. Tiếng cười của nó đánh thức những con người mĩ miều kia. Họ đồng loạt chuyển hướng nhìn sang tôi.

Hiên vẫn chưa thôi cười. Nó chỉ món quà trong tay tôi, lên giọng chê bai. “Mày đừng có nói với tao là mày định tặng anh Khánh cái gối này nhá.” Mọi người có mặt trong bữa tiệc cùng phá lên cười. Tôi còn nghe thấy có ai đó xì xầm. “Đồ nhà quê.”

Tôi cắn môi, chỉ muốn tìm khe hở nào đó để chui xuống. Vào lúc tôi định bỏ chạy thì chủ nhân buổi party cất giọng. “Sao không được? Rất đẹp mà.” Anh bước đến lấy món quà từ tay tôi, vân vê những hình thêu trên bề mặt gối. Căn phòng thoáng chốc yên ắng.

Anh Khánh nói vài lời, sau đó mọi người vây quanh bàn tròn, trên bàn là chiếc bánh sinh nhật nhiều tầng. Anh Khánh nguyện cầu và thổi nến. Tôi đứng bên ngoài, cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Tiếng nhạc xập xình kèm với mùi nước hoa nồng nặc của các cô gái đỏm dáng, tôi thấy khó thở bèn ra ngoài vườn cho khuây khỏa. Kế cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát là chiếc xích đu bằng tre. Một đứa nhóc ngồi ở đấy đang chăm chú vào máy chơi game. Là em trai của anh Khánh. Thằng bé có vẻ trầm tính.

Bỗng tôi nghe có tiếng nói chuyện từ trên lầu vọng xuống. Tôi ngạc nhiên nhận ra giọng nói của anh Khánh còn người phụ nữ kia chắc là mẹ anh.

“Lấy gối làm quà sinh nhật, nó không thấy xấu hổ hay sao mà tặng món quà xoàng xĩnh đó.”

“Con chẳng thấy có gì xấu hổ cả, ngược lại nó có ý nghĩa nữa là đằng khác.”

Câu nói của anh Khánh làm tôi ấm lòng. Có lẽ mình nên về. Tôi quay lưng, phát hoảng khi trông thấy bóng đèn phía trên xích đu sắp rớt. Không kịp suy nghĩ một giây nào, tôi vội kéo thằng bé ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ nghe thấy một tiếng choang, những mảnh vỡ nằm rải rác. Tôi bị mảnh thủy tính cứa vào tay.

Tối hôm đó anh Khánh đưa tôi về tận nhà sau khi băng bó vết thương trên tay tôi.

Sáng mùng một Tết, xông đất nhà tôi chính là gia đình anh Khánh. Họ biếu chúng tôi đủ lễ vật.

“Cháu Bông là đứa trẻ lương thiện và tốt nết.” Giọng nói của người phụ nữ thay đổi hẳn, dịu dàng và ngọt ngào. Bà khen tôi làm tôi mắc cỡ quá chừng. Ngay lúc ấy tôi bắt gặp anh Khánh đang nhìn mình chan chứa yêu thương.

Ngoài sân, nắng xuân rực rỡ.