Chiều cuối mùa mưa êm đềm, một trong hai buổi chiều duy nhất nghỉ ở nhà, cầm giấy ra viết vội vài dòng cảm xúc về mái trường, về thầy cô để hôm sau gửi bài dự thi lên Đoàn trường. Dòng chữ ngoằn ngoèo, từng mảng suy nghĩ rời rạc như những mảng kiến tạo, tôi lan man chẳng biết viết gì… Dạo một vòng trong thế giới âm nhạc để đi nhặt lại cảm xúc, vô tình chạm tay vào bài hát mà không ít lần tôi đã từng nghe: “Người thầy…vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa… Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”. Chính bài hát ấy của Cẩm Ly đã đưa hình ảnh người thầy quay về với tâm tưởng của tôi, gần gũi hơn, mới mẽ hơn, như cuộc vận động tân kiến tạo để các mảng kiến tạo dịch chuyển lại gần nhau, tạo thành một khối, như dòng cảm xúc của tôi vậy.

Mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, đã trải qua biết bao tháng ngày học tập, vui đùa, cùng nhau trau dồi kiến thức với những người thầy, người cô. Mỗi một người đã để lại trong tôi một cảm nhận riêng. Mỗi một người là một hình tượng gương mẫu về nghề nhà giáo. Thuở nhỏ, đối với tôi, hình ảnh người thầy rất xa lạ, tôi chỉ cảm thấy gần gũi, cảm thấy yêu mến những cô giáo, những người lúc nào cũng dịu dàng, thân thiết với các tuổi thơ của tôi. Sở dĩ hình ảnh người thầy trở nên không quen thuộc với bọn nhỏ chúng tôi là do nghe mẹ kể lại rằng: “Con đi học không ngoan là ông thầy sẽ phạt con. Ông thầy rất khó, ông thầy có cái thước rất to!”. Chính vì thế mà tôi đã trở nên rụt rè, sợ sệt khi nghe đến hai tiếng “người thầy”. Đến khi tôi học cấp II, do hoạt động Đội nên tiếp xúc với các thầy, dần dần cái sợ sệt ấy cũng phần nào giảm đi, đến khi tôi thích nghi được, tôi cảm nhận được tình cảm của người thầy dành cho học trò thì đã đến lúc tôi rời khỏi mái trường ấy để đến với một ngôi trường mới, chứa bao điều bất ngờ đang chờ đợi tôi.

Tôi nhớ những ngày đầu tháng tám năm ấy (năm 2012), ngày đầu tiên tôi đặt chân đến mái trường THPT Hiếu Tử, cảm giác lo sợ, hoang mang cứ như từng đợt sóng vỗ về, lo vì không biết đến với trường mới, bạn mới, mình phải học thế nào? Lo vì ngưỡng cửa phía trước mình sắp bước vào sẽ có biết bao thử thách? Và đặc biệt hơn là lo khi gặp thầy mới, cô mới mình phải thích nghi ra sao? Bởi vì hiện tại trong cái đầu óc vừa mới trưởng thành của tôi thì dường như khoảng cách vô hình giữa tôi và cái hình tượng người thầy chưa thật sự tan biến, nó như một mạch nước ngầm đang ngày đêm hoạt động dưới lòng đất sâu. Nhưng, vạn sự khởi đầu nan mà! Những ngày tháng đầu tiên đến với trường, tất cả đối với tôi còn khá mới, phải mất một thời gian không phải là ngắn để tôi ươm mầm cái tình cảm cho ngôi nhà thứ hai này.

Cảm nghĩ về thầy cô giáo, những người lái đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai

“Hiếu Tử” một danh từ thật hay, thật ý nghĩa, đó là cái hiếu hạnh của bổn phận làm con, cũng là cái hiếu, cái báo đáp công ơn của học sinh đối với người thầy, người cô. Và cho đến ngày hôm nay, tôi thấy thật tự hào khi mình là học sinh của trường, là một trong những nhân tố góp phần làm tô đẹp thêm mái nhà chung này, trường của tôi quả thực là một môt trường giáo dục tốt, là một nơi luôn có sự lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông. Đồng thời cũng là môi trường giáo dục tốt để tôi phát huy được sở trường của mình, là nơi dạy tôi biết yêu thương, dạy tôi những kiến thức làm hành trang bước vào ngưỡng cửa của tương lai tươi sáng.

Một năm trôi qua … Tôi đã học tập được biết bao là kiến thức tại nơi đây, đã trải qua những tháng ngày buồn, vui, khi hè đến lại thấy rưng rưng, không muốn xa thầy, xa bạn. Dường như tôi đã yêu nơi này hơn, yêu những con người ở đây, những người ngày ngày chèo đò đưa khách sang sông trên bến đò tri thức.

Các mảng ký ức trong tôi vận động lên xuống, làm trồi lên, tụt xuống, lúc ẩn lúc hiện kí ức về người thầy yêu kính nhất của tôi. Đó cũng chính là người xóa bỏ cái khoảng cách xa xôi của hình ảnh ông giáo già với cảm nhận của tôi từ trước đến nay. Năm tôi học 11, nói thì nghe xa xôi vậy, nhưng chỉ vừa năm học rồi, thầy đến với lớp tôi mang theo bao điều bất ngờ, thú vị. Tôi là một cô học trò vốn đam mê học môn Ngữ Văn, tôi có thể làm văn ở bất cứ nơi nào có hứng thú. Chính vì thế tôi rất tò mò về người giảng dạy môn học ấy. Hôm ấy, thầy vào lớp muộn 5 phút, làm tôi lại cứ phải nôn nao chờ đợi thêm 5 phút. Lớp học đang ồn ào, bỗng…im phăng phắc, một dáng đi khoan thai bước nhẹ vào lớp. Chao ôi! Dường như thầy đi không có tiếng động thì phải, cả lớp đứng yên chào, sao nét mặt thầy nghiêm nghị thế? Tôi bắt đầu thấy run sợ, vì nghe đâu thầy là Phó Hiệu trưởng của trường. Ôi! Chắc khó lắm đây? Tiết học đầu tiên không như tôi mong đợi…Bài học đầu tiên khá là khô, khó tiếp thu, theo tôi nhận định là thế. Thầy đã hỏi rất nhiều về kiến thức cũ, ai cũng đã lần lượt được gọi tên lên rồi, còn lại tôi, thôi chuyện gì đến cũng phải đến thôi, tôi gục đầu xuống lấy hết can đảm, vì tôi chẳng nhớ gì về các giai đoạn của văn học Việt Nam…

– Bé Phúc.

Ôi! Thầy biết tên mình cơ! Làm sao đây?

– Dạ…em…

Và thế là tôi cũng không ngoại lệ, cả lớp sai đều như nhau. Thầy trố mắt nhìn chúng tôi, một cái nhìn khá là thất vọng. Hai tiết học cũng đã qua, kiến thức thầy thật sự rất sâu, thầy hiểu biết rất nhiều mà ở nhiều lĩnh vực nữa là khác. Sau vài tuần học, không biết cái ấn tượng sợ sệt lần đầu tiên mà thầy để lại trong tôi đã tan biến đâu mất, thay vào đó, có cái gì đó gọi là khâm phục, ngưỡng mộ.

Khi đi tìm những bài thơ, bài ca, bài văn viết về người thầy thì ta luôn bắt gặp hình ảnh một ông giáo già, tóc trắng vì bụi phấn, dáng gầy hao vì miệt mài bên từng trang giáo án. Nhưng thầy tôi không như thế. Thầy tôi, một dáng người cao, to, một giọng nói trầm, ấm áp, từ tốn với đôi mắt kính làm cho gương mặt thêm phúc hậu, hiền từ. Sao tìm mãi không ra một tính từ nào thật mạnh mẽ, cứng rắn để diễn tả về thầy tôi. Vì thầy hiền từ như một người mẹ, thầy cũng ân cần, thầy cho chúng tôi tình thương một cách rất đặc biệt, dường như khi gặp bất cứ việc gì, thầy tôi luôn bình tĩnh, từ từ mà giải quyết, đó là một điều mà tôi không bao giờ học được từ thầy.

Thầy tôi là một người sống biết đủ, tôi thấy thế, có không ít lần trong những tiết dạy, thầy hay kể chúng tôi nghe những mẫu chuyện để liên tưởng đến bài học, trong đó không ít chuyện về tuổi thơ và thời cắp sách đến trường của thầy. Theo như lời kể, thuở nhỏ, gia đình thầy sống rất khó khăn, đến mỗi con tép phải nhường nhau ăn, hay phải giành nhau nghe radio với em gái, những lúc ấy thầy kể, không ít lần làm tôi thấy cay khóe mắt. Chính những gian lao vất vả ấy đã rèn luyện cho thầy ý chí vươn lên để được như ngày hôm nay, tuy không giàu vật chất nhưng có lẽ thầy thấy hài lòng với hiện tại. Đôi lúc, ngẫm nghĩ lại mình sống đầy đủ, sung túc như hiện nay, vậy mình đã cố gắng hết mình chưa? Vì thế, tôi cần phải biết hài lòng với hiện tại và tôn trọng, giữ gìn những gì là quá khứ, giống thầy vậy!

Không quá một lần tôi thấy thầy nổi giận, bởi thầy luôn bình tĩnh trước mọi vấn đề. Ngày hôm ấy, tôi vô tình thấy thầy nhíu mày, lớn tiếng không biết chuyện gì đã xảy ra với thầy. Nhưng khi vào lớp học thầy lại trở nên rất bình thường, vui vẻ như chưa xảy ra việc gì, thầy không để việc ấy ảnh hưởng đến lớp học. Thật khâm phục điều ấy của thầy. Thật như thế, ai đó từng nói tấm lòng người thầy vĩ đại lắm. Có lần tôi bắt gặp hình ảnh thầy vẫn ngồi bên bàn làm việc khi học sinh đã ra về hết, cho đến khi tôi trở vào trường chuẩn bị cho buổi học chiều, thầy vẫn ngồi đấy, miệt mài công việc. Những ngày mưa tuôn rát da, thầy vẫn đội mưa chạy xe đến trường không quản nắng mưa.

Thầy, là người luôn lắng nghe và thấu hiểu, những lúc tôi gặp chuyện buồn, không biết giải quyết thế nào, tôi luôn tìm đến thầy. Những lúc như thế, thầy luôn lắng nghe, chia sẻ cùng tôi và giúp tôi tìm cách giải quyết. Cứ như thế, không biết từ bao giờ thầy lại ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi nhiều đến thế? Thầy giống như một hình tượng mà tôi luôn tìm kiếm và mong đạt được như thế.

Năm nay, tôi đã là học sinh cuối cấp. bao nhiêu lo âu, bao nhiêu áp lực cứ lần lượt dồn về. Tâm lý của cái tuổi 17, tuổi mới lớn là thế đấy, hay lo sợ nhiều điều. Năm học này vô cùng quan trọng với tôi, nó quyết định con đường tương lai của tôi. Tôi nhớ, hôm ấy, trong tiết học hướng nghiệp, thầy Hiệu trưởng bảo rằng học sinh 12 chúng tôi phải lựa chọn môn thi tốt nghiệp, đại học. Cả lớp ai ai cũng định hướng sẵn cho mình một con đường thật chắc chắn, còn tôi, cứ mãi do dự rồi đăng ký đại, những ba môn. Hết giờ học, tôi chạy vội ra, thoáng qua phòng, hình dáng quen thuộc đây mà, thầy tôi!

– Thầy ơi!…em lo lắm… – tôi thút thít bộc bạch.

– Sao thế hả em?

– Dạ…em vẫn chưa xác định được mình phải thi gì, học thế nào? Vì…em học không đều ở các môn thầy ạ!.
Và thế là, tôi lại được thầy trấn an bằng hai từ “yên tâm”, em cứ “từ từ’ mà suy nghĩ. Đôi khi chỉ một lời nói của người mà mình tin tưởng, ngưỡng mộ lại là lời an ủi, động viên rất lớn. Đơn giản, chỉ vài câu nói của thầy tôi lấy lại được tinh thần và đã có lựa chọn đúng đắn.

Không hiểu sao thầy lại ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư tưởng của tôi nhiều đến thế? Tôi muốn được như thầy vậy! Ngày mai này nếu xa mái trường THPT Hiếu Tử, thì có lẽ, những ngày vui vẻ nhất của tôi là những tháng ngày được làm học trò của thầy, được học dưới mái trường này.

Vũ trụ có muôn ngàn tinh tú, mỗi tinh tú mang một vẻ đẹp riêng, một ánh sáng đẹp. Nhưng, thầy, vì sao sáng nhất-ít nhất là đối với tôi- đã mang đến cho tôi phép mầu kì lạ để thay đổi cách sống, cách học tập. Tôi không phải dùng những lời văn hoa hoa mỹ để tôn vinh thầy lên cao hơn bất cứ ai, nhưng những lời ấy là cảm xúc thật sự mà tôi cảm nhận về thầy.

“Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi. Nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy”. Cũng chính Cẩm Ly đã đưa tôi về với hiện tại, một hiện tại đang đặt ra những yêu cầu, mục tiêu mà tôi phải đạt đến.