• Con có phải là con của bố mẹ không, có phải không?

Tôi đã từng đau khổ gào lên hỏi mẹ như vậy nhiều lần. Bố tôi vừa to vừa cao vừa đẹp trai. Mẹ tôi người nhỏ mảnh mai nhưng không lùn. Anh trai, chị gái và em gái đều to cao lớn và xinh xắn, không có nét này giống bố thì sẽ có nét kia như mẹ. Còn tôi vừa lùn vừa béo, tìm mãi cũng không ra nét nào giống bố hay giống mẹ. Tóc mẹ mượt và đen, tóc bố hơi xoăn nhưng cũng đen lánh. Các anh chị em đều mang màu tóc đen rất Việt Nam giống bố mẹ, mà sao tóc tôi lại có màu râu ngô, đã thế lại không phải râu ngô già mà đúng màu râu ngô non. Cả nhà tôi đều có sống mũi cao, riêng tôi lại bị mũi gẫy, mũi tẹt. Chỉ duy nhất họ đều mắt một mí thì tôi cũng mắt một mí.

Khi còn bé, tôi nhiều lần nghe hàng xóm bảo mẹ đã nhặt được tôi ở luống ngô, trong một tối mùa đông. Một người bạn của bố khi tới chơi từng hỏi bố tôi rằng ông có con nuôi à. Bọn trẻ trong làng cứ thỉnh thoảng lại chạy theo sau tôi và đọc mấy câu vè “ Đẻ trong luống ngô/Tóc màu râu non/Thân tròn chắc nịch/ Ù à ù ịch/ Là chị Thúy Ngô”. Tôi tức lắm nhưng không thèm có thái độ gì với bọn trẻ, chỉ nhanh chóng về tới nhà.

Tôi rất ít đi chung với anh chị em và bố mẹ, đặc biệt là trong các dịp đi lễ Tết, đi chơi trong làng. Bởi khi đi chơi trong làng thì người ta thường cùng nhau đi bộ, mà đi bộ là lúc dễ để người ta thấy hình dáng của mình nhất. Lúc đó trông tôi lùn tè, tụt hẳn xuống khi đứng giữa các anh chị em. Ngay khi còn nhỏ thì đứa em út cũng luôn cao hơn tôi rồi. Khi họ nói tới chụp ảnh gia đình, tôi rất bực mình. Khi họ xây nhà mới, cái lavabo rửa bát, rửa mặt, tủ kệ để chén bát liền phát sinh vấn đề là nên làm cao chừng nào, vì cao vừa mức tôi thì thấp quá so với họ, cao vừa tầm với của họ thì tôi lại phải bắc ghế leo lên.

 

  • Thôi khỏi, theo số đông đi, cả nhà này có tôi lùn thôi, sao phải bàn.
  • Con này… Nếu mọi người không nghĩ tới mày thì có ai bàn không- Bố chỉ mặt tôi mẳ giận dữ
  • Thì con chỉ không cần mọi người nghĩ cho con mà thôi – Tôi bỏ chạy lên vườn táo rồi ngồi lì không về. Cho tới khi mẹ nhìn thấy tôi, mẹ nói lớn “Mẹ đẻ mày ra mày còn không tin, sao lại phải tin vào lời vô tình của thiên hạ, nếu bắt đền được ông trời, mẹ đã đi bắt đền rồi”. Lúc đó tôi mới về nhà, nhưng tôi vẫn không thể tin nổi sao tôi lại dị biệt trong chính gia đình mình.

Tháng Chạp, người ta háo hức đi sắm đồ nhưng tôi thì không thích chuẩn bị gì. Tôi không thích ra chợ lựa đồ, vì mỗi lần lựa đồ là một lần tố cáo sự dị biệt của tôi. Mặc quần trẻ con thì không được, mua quần người lớn thì phải sửa nhiều, giầy thì phải đệm mũi lót gót, quần thì phải bóp cạp cắt gấu, áo thì phải thít nách, nẹp vai… Mà tôi ghét nhất là mỗi khi tôi đi mua đồ, họ thường hồn nhiên bảo “Cô ấy không giống ai trong nhà nhỉ”. Đêm giao thừa và các đêm hội xuân người ta lũ lượt ra đình chùa, đi khấn cầu may, đi xem hội, đi rút xăm, xin thẻ. Nhưng tôi chỉ ru rú trong nhà. Cầu gì chứ, nếu lời khẩn cầu là thực thì bao nhiêu năm tôi đã cầu cho tôi giống chút với bố mẹ anh em mình, chỉ cần thế thôi vì cả đời này những trúc trắc tôi gặp phải đều chỉ từ cái sự dị biệt đó. Ngày xuân, họ đi ra đình làng có đôi. Một đôi trai gái dắt tay nhau cùng qua cổng chùa đêm giao thừa, đêm hội xuân, cùng vào khấn nguyện trước tam bảo tức là ngầm báo cho thiên hạ biết rằng họ đã yêu nhau. Tôi ra đó một mình để ngắm họ chắc. Mà không đi một mình thì đi với anh chị em hay bạn bè lại bị so sánh bởi tôi với họ như những mảng màu đối lập trong một bức tranh.

Đi dưới mưa phùn mùa Xuân | Tạp chí Quê Hương Online | Ủy ban Nhà nước về  người Việt Nam ở nước ngoài

Chúng tôi có một khu vườn rộng trồng táo bên cạnh những ao cá. Tôi thường hái táo lên bán ở dọc đường cho những người khách phương xa. Những ngày mùa đông, tôi thường xuyên nhận việc hái táo, bán táo, chứ không bao giờ thích đi trồng ngô, vẽ lá ngô, tưới ngô. Tôi ghét cái ruộng ngô, nó khiến tôi nhớ về cái “sự tích” không hay ho của bản thân.

Một lần, Vân chạy ra bảo tôi mang vào nhà văn hóa của thôn một tạ táo. Tôi giật mình, ai lại mua cả tạ táo, không lẽ Vân nói nhầm. Vân nhìn tôi rồi nõi rõ rành từng tiếng rằng “không nhầm đâu”. Tôi chở vào thì thấy mọi người đang tụ tập ở đó rất đông. Người thanh niên trả tiền cho tôi liền giơ tay lột cái mũ áo khiến mái tóc tôi lòa xòa. Ngay lập tức tôi giơ chân đạp anh ta. Thế là có một người khác chạy tới liền nói xin lỗi vì bạn anh ta có hành động thô lỗ. Nhưng người thanh niên kia không xin lỗi mà còn bảo:

  • Thúy, mày không nhận ra anh à? Anh Huy đây, giời ạ! Chứ không ai dám lột áo của mày chứ!

Nhưng tôi vẫn không thích cái cách anh ấy làm thế. Tôi cầm tiền rồi bỏ đi luôn. Sau lần đó, anh Huy có dẫn mấy người bạn tới nhà tôi, dù tôi không thoải mái lắm. Huy là anh họ xa của tôi. Vân thì bằng tuổi tôi nhưng học khác lớp. Còn người thanh niên đã đứng ra xin lỗi kia là Hải, một người viết văn, một diễn giả truyền cảm hứng của giới trẻ ở thành phố. Nghe nói rằng bố mẹ Hải mới gặp tai nạn ô tô, họ đột ngột qua đời khiến Hải rất sốc. Thế nên Hải về quê tôi một thời gian chơi cùng bạn bè để vượt qua khủng hoảng. Một lần họ xuống vườn táo, rủ tôi cùng đi chơi nhưng tôi từ chối. Huy đứng mãi không chịu đi, lại còn lải nhải kể về bài vè mà bọn trẻ vẫn đọc. Tôi bực mình bỏ chạy vào vườn táo. Nhưng Hải lại chạy theo tôi:

  • Êu, sao lại đi thế?
  • Tôi không thích!
  • Không phải vì ngại sự khác biệt của bản thân sao?

Tôi không thèm đối lời với những kẻ bất lịch sự như thế, nên sau khi ném cho Hải cái nhìn khinh bỉ thì tôi đi tiếp. Nhưng hắn đã kịp tóm vào lưng áo tôi và kéo lại làm áo khoác của tôi tuột xuống, chỉ còn áo phông. Tôi quay lại ngay lập tức tát thật mạnh rồi sô cậu ta ngã ra sau. Cậu ta kếu á một tiếng, rồi cũng nhanh chóng đứng lên và giữ lấy tay tôi. Trong khoảnh khắc ấy, Hải nhìn thẳng vào tôi, và miệng cười:

  • Tại sao phải sợ mình khác người khác. Chúng ta không phải ai cũng là một cá thể đặc biệt sao, mà cậu thì đặc biệt hơn họ. Sao cứ nhất định phải giống họ mới tự tin. Sao phải đợi sự tự tin từ họ cho mà không phải là mình tự tạo ra?
  • Cái gì? Cậu định bày trò diễn thuyết trước mắt tôi à, nhà tư tưởng à, nhân văn à, nhân đạo à? – Tôi cười khinh miệt
  • Không! Cứ cho là tôi bán nước bọt kiếm sống, nhưng với cậu tôi nói thật!

Hải nhất định không buông tay tôi. Sau vài phút, tôi cũng dịu lại. Chúng tôi cùng ngồi lại trong vườn táo. Tôi kể cho Hải nghe về những trái táo cuối mùa, nhỏ nhưng ngọt, xấu không người mua nhưng chủ nhà mới thích ăn, và đó là những trái táo ngon nhất trong vườn. Cả vườn nhà tôi có vài trăm hốc táo. Chúng tôi cố kích hoa để táo ra trái sớm để bán đầu mua sẽ được giá cao. Những trái táo đầu mùa thường to, đẹp nhưng không ngon. Người mua thường chọn những trái táo trông đẹp mắt, vỏ bóng mượt, mỡ màng với giá cao. Còn những trái táo bị dám nắng, vẹt một góc thường được đẩy sang một cái thúng riêng, bán rẻ hơn. Những trái táo đó xấu mã song lại ngon hơn. Những người khách lạ qua đường sẽ không chọn trái xấu. Những người quen biết nếu mua để biếu, để thắp hương, họ sẽ chọn trái đẹp, nếu mua để ăn thì họ sẽ chọn loại bên rổ xấu vì giá rẻ mà ăn lại ngọt đượm. Thực ra khi đi thờ, đi biếu, họ lại thường chỉ để ý đến mẫu mã mà không để ý tới chất lượng. Bởi đi thờ, đi biếu mà chọn hàng xấu mã thì mất cảm tình ngay từ đầu. Hóa ra lòng người vốn dĩ nông cạn và giả dối như thế đấy, chỉ có những người ăn đời ở kiếp, thấu hiểu nhau mới thấy được cái ngon sau lớp vỏ dám nắng, sau cái ngoại hình mòn vẹt một góc nhỉ? Cuối mỗi mùa táo, khi cái nắng mùa đông hanh hao chiếu ngang, khi những cây táo đã được thu hết những trái đẹp để bán, khi chúng tôi chuẩn bị cưa cành, chấm vôi đợi sang xuân táo ra hoa và lên cành mới, thì lúc đó chỉ còn trên cành những trái táo nhỏ. Đó là những trái táo sau cùng trong vườn vừa nhỏ, hay dám, hoặc có cỏ màu vàng. Nhưng chúng tôi lại rất thích ăn những trái táo ấy, bởi chúng ngọt đượm, và thơm hơn hẳn những trái táo đẹp mắt đã bán. Những trái táo cuối mùa thường có thời gian trên cây dài hơn nên đủ tháng đủ ngày để ngọt, để thơm. Đó là những trái táo nhỏ nhưng tích lũy trong mình nhiều mật ngọt hơn.

  • Đấy, cậu nói về táo hay thế, mà không hiểu về chính mình sao?
  • Gì cơ?
  • Cậu như những trái táo cuối mùa ấy.

Câu nói của Hải đánh thức trong tôi cả một vùng trời hạnh phúc. Thế giới của tôi là một thế giới tối sầm, bỗng dưng như có chấn động khiến cho viên bảo thạch vùi sâu được chồi lên và tỏa sáng. Tôi đã hái cho Hải một túi đầy những trái táo cuối mùa trước lúc ra về.

Hôm sau, Hải lại ra vườn táo tìm tôi. Nhưng hôm đó tôi không ở đấy. Khi mẹ bảo Hải có ra vườn táo tìm tôi, tôi liền chạy ra khỏi nhà. Nhưng mẹ đã kịp gọi lại và dặn:

  • Đừng có tin mấy cái đứa lẻo mép.

Hải nói hay thật. Hải nói cái gì cũng đúng. Hải nói lời nào cũng hay, khác mọi người vẫn nói với tôi. Nhưng nhớ lời mẹ, tôi có chút giật mình. Hôm ấy trong vườn táo, Hải vuốt tóc tôi rồi bảo tôi đừng có nhuộm tóc, mái tóc màu ấy là mái tóc mà bao cô gái thành phố mơ cũng không có được, họ nhuộm đủ kiểu cũng chỉ được cái màu tóc na ná màu tóc của tôi thôi. Họ mơ ước màu tóc của những cô gái Tây, mà tóc tôi còn đẹp hơn cả tóc của những cô gái phương Tây.

Tối ấy trong lúc chúng tôi về thì trời mưa lất phất. Hải rang tay lên cao để vạt áo che lên đầu tôi. Hải bảo đâu phải người đàn ông nào cũng thích những cô gái cao lênh khênh, chân dài đâu. Hải bảo nếu tôi cũng cao như thế thì cánh tay của Hải sao có thể che được những hạt mưa ấy.

Sau những ngày Tết, sau lễ hội mùa xuân thì Hải đi. Trước lúc đi, Hải có nói rằng Hải sẽ quay lại vườn táo vào mùa xuân để xem hoa táo nở. Nhưng tháng Tư năm đó, khi nắng đã trải dài trên vườn táo, Hải cũng không quay lại. Tôi gặp Vân nhưng cô ấy chỉ bảo rằng không biết Hải đã đi đâu, họ cũng không gặp được Hải. Lúc tôi vô tình quay lại thì nghe Vân nói với mấy người bạn rằng:

  • Vì thấy cậu ấy tội nghiệp quá nên Hải nó động viên vậy thôi! Chứ chắc gì nó đã quay lại chứ…

Mẹ tôi bảo dù gì tôi cũng nên cám ơn Hải vì cậu ấy đã khơi lên trong tôi những hy vọng, những sự tự tin nhất định. Nhưng sao tôi có thể tự tin nữa chứ, bởi hóa ra ngay cả Hải cũng chỉ nói cho qua, Hải cũng còn giả dối, thì những lời khó nghe mà thật lòng của mọi người vẫn tốt hơn chứ.

Tôi vội vàng mang dao chặt những cây táo khi đã tuh hái hết những quả đẹp. Tôi không thèm hái những trái táo cuối mùa năm ấy nữa. Lẫn trong tiếng gió rít, tôi nghe tiếng ai gọi mình. Có lẽ chỉ là ảo giác thôi điều đó càng khiến tôi có thêm sức mạnh để chặt thật nhanh những cành táo cũ. Nhưng đã có người giữ tay tôi lại. Là Hải sao, Hải về thật sao. Tại sao trong nhiều tháng qua Hải đã không liên lạc gì. Mặc cho tôi giận dỗi còn Hải bình thản bảo với tôi rằng Hải đã đi một chuyến thật xa, không có liên lạc gì, để xem câu chuyện của chúng tôi sẽ như thế nào. Rồi Hải dùng hai tay giữ lên đầu tôi, để tôi phải nhìn thẳng vào anh, nghe anh nói từng lời rõ rành:

  • Ngay cả khi Hải không quay lại, thì chỉ chứng tỏ Hải là đồ đáng bỏ đi chứ không phải lỗi tại Thúy, nghe chưa? Không bao giờ được để thiên hạ định giá cho mình, không bao giờ nhé!

Mưa xuân năm ấy, tôi dắt tay Hải cùng bước qua cổng chùa. Lúc rời khỏi Tam bảo, Hải đã hỏi tôi cầu nguyện gì nhưng tôi không nói. Còn Hải nói nhỏ vào tai tôi rằng “Mình đã khấn cầu từ nay mà mãi về sau, năm nào cũng được ăn những trái táo cuối mùa trong vườn của Mai”.