Hải Lam cắm đầu chạy trên con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng, ánh hoàng hôn vàng ruộm, nhuộm lên những ruộng lúa đang thì trổ đòng một màu ấm áp. Hoang hoải, cô dừng lại thở hồng hộc, rồi tiến về phiến đá trên lối rẽ vào đường làng ngửa mặt ngồi nhìn mặt trời khuất dần phía chân trời.

Đã lâu lắm rồi Hải Lam mới lại được đi giữa đồng lúa rì rào, được ôm trong mình trọn vẹn khoảnh khắc của trời chiều như lúc này. Nó khiến cô quên đi sự ngột ngạt của thành phố, quên đi khói bụi và kẹt xe, nhưng lại giày vò cô bằng cảm giác nhớ nhà quay quắt, thèm một bữa cơm chiều mẹ nấu.

Chiều về, có lẽ là khoảnh khắc mà bất kỳ đứa con tha hương nào cũng sợ, đó là lúc người ta trở về nhà sau một ngày mệt nhọc, là sự đầm ấm quây quần bên mâm cơm tối, còn cô và những người đang biền biệt xứ người, chỉ lặng lẽ đi về nơi căn phòng nhỏ thuê tạm để ở, có nhiều khi nó chỉ là chỗ để về ngả lưng sau những ngày mệt nhọc, cơm hàng cháo chợ cho qua ngày.

Có những khi bất chợt trong  một chuyên công tác đến vùng quê nào đó, Hải Lam say mê nhìn những làn khói lam chiều, chui lên từ mái lá nhà ai, tỏa ra, mong manh rồi tan biến. Làn khói là minh chứng cho sự đầm ấm, là sự chăm chút cho gia đình. Cô thường nhìn làn khói rồi tưởng tượng ra người nào đó đang khom lưng nhóm bếp, nhen lên ngọn lửa hồng, nấu những món ăn bằng tất cả tình yêu thương của mình, rồi cả nhà ngồi bên nhau ăn bữa cơm đạm bạc cùng trò chuyện vui vẻ về một ngày vừa mới trôi qua. Nó làm cô nhớ, cô thèm vị quê nhà.

– Cô Lam ơi, sao cô ngồi đây?

Hải Lam ngoái lại nhìn, bé Dương con anh chị chủ nhà Hải Lam ở nhờ trong chuyến công tác, đang cắp chiếc rổ nhựa cũ, theo sau là mấy đứa trẻ con đứa nào cũng đen nhẻm nhưng khuôn mặt tinh anh, và rất hay cười.

– Mấy đứa đi đâu đấy?

–  Cháu đi hái rau về nấu canh.

– Cô đi cùng được không?  Hải Lam đề nghị.

– Được ạ.

Một góc ruộng lúa được nhà bé Dương chừa lại để trồng rau muống, mấy cô cháu xắn quần lội một lúc là được cả rổ to những đọt rau muống xanh mơn mởn rất giòn. Rồi cứ mặc những cái chân dính bê bết bùn đất, tung tẩy đi về làng, vừa đi vừa líu ríu đủ thứ chuyện.

Tuyển chọn hình nền các loài chim đẹp nhất thế giới

Buổi tối, bữa cơm giản dị được dọn ra, có rau muống luộc chấm mắm cua đồng, nước rau muống dầm sấu, đĩa cá rô chiên lúc chiều ba bé Dương câu ở ao nhà.

Anh Lâm chị Huệ, ba mẹ bé Dương đều làm nông, ở họ luôn toát lên nét hiền lành, chân chất. Những dấu vết nhọc nhằn hiện lên làm anh chị trông khắc khổ hơn nhiều so với tuổi 35 của mình.

Chị Huệ kể, 18 tuổi chị lấy anh Lâm, 19 tuổi chị sinh bé Dương. Hai năm sau đó, sinh thêm được thằng cu Dũng. Hai vợ chồng làm quần quật, chắt bóp để cho hai đứa con được ăn mặc, học hành đầy đủ. Bé Dương vào lớp Một thì tòi ra thêm thằng út Duy. Con cái là lộc trời cho, những cố gắng của anh chị lại tăng thêm gấp năm, gấp mười.

Vất vả là vậy nhưng nhìn cách anh chị yêu thương nhau, đỡ đần cho nhau những công việc lớn nhỏ, và cái cách học nuôi nấng dạy dỗ con cái,  Lam thấy thật cảm phục. Thế mới hiểu, những đứa trẻ được sống trong giàu sang phú quý chưa phải là những đứa trẻ may mắn nhất, hạnh phúc nhất.

Bé Dương cứ líu lo kể chuyện hôm nay nó đi thả trâu thế nào, con đực sứt nhà nó hư ra sao, rồi trâu nhà cái Hà, Cái Linh…Anh Lâm luôn miệng nhắc con tập trung ăn đi, anh vừa tranh thủ ăn vừa gỡ xương cá cho con gái, lại quay sang đút cho thằng cu em. Anh không quên chọn những miếng cá to để vào bát khách, rồi nhìn Lam vẻ áy náy:

– Cô cứ ăn tự nhiên đi, nhà nhiều trẻ con nó khổ thế đấy cô ạ.

Thằng út thì liên tục ngọ nguậy trong lòng mẹ, chốc chốc lại nhoài vào mâm, bốc cái thìa, cái đũa. Nhìn cảnh gia đình họ mà Hải Lam thấy cổ họng mình nghèn nghẹn.

Cô cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình đủ đầy như thế. Những đứa em nheo nhóc, cha mẹ thì quần quật với nương rẫy, mấy chị em cô đứa lớn cắp đứa bé tự trông nhau, chiều đến mấy đứa lớn, đứa thì trông em, đứa thì nhen lửa bắc nồi cơm, những bữa cơm rau đã nuôi lớn năm chị em cô. Rồi Lam tốt nghiệp đại học ra trường, cái Thanh, cái Thủy hai đứa út, đứa mới vào đại học, đứa còn đang học cấp ba. Cô là chị cả, đành tha hương kiếm tiền nuôi hai em đỡ phần bố mẹ. Hai đứa gái út thì  đi học, Thằng Long, thằng Thịnh cũng đi làm xa. Gia đình bảy người của cô giờ chỉ còn cái Thủy với bố mẹ, dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn ngày ngày cầm con dao, cái cuốc, dù nhiều khi mấy chị em cũng bảo bố mẹ bớt làm lại, ba đứa đi làm cũng đủ lo cho bố mẹ và hai em rồi. Nhưng mẹ cô bảo:

– Còn sức, còn làm được thì làm, chứ giờ ở không buồn chân buồn tay lắm.

Đã quen với những hộp cơm văn phòng hôm nhão, hôm khê, lâu lắm rồi Hải Lam mới lại được sống trong không khí quây quần của gia đình như hôm nay.
Những người quê như anh Lâm, chị Huệ, như bố mẹ cô, như những hàng xóm láng giềng của cô, họ đối đãi với nhau bằng tất cả sự chân chất, thật thà của mình. Hải Lam luôn cố giữ cái nét quê đó của mình, dù sống ở thành thị, cô không tránh khỏi những lọc lừa, bon chen, cô sợ điều đó và cũng sợ mình là một người như thế.

Những suy nghĩ miên man theo Hải Lam suốt bữa cơm. Cơm tối xong, bé Dương lóc cóc bê mâm bát ra giếng khơi sau nhà đi rửa, Hải Lam cũng ra theo. Đêm ở thôn quê, gió từ đồng dội vào mát rượi, tiếng ếch nhái rỉ rả vọng vào, ánh trăng vằng vặc soi xuống mặt ao lấp lánh,  xao động theo tiếng cá quẫy… Một sự thanh tịnh, khiến người ta muốn chìm đắm mãi trong nó mà tận hưởng.

Hải Lam ngồi ngoài hiên mãi cho đến khi hơi sương lành lạnh phả vào mới đi ngủ. Cô ôm bé Dương vào lòng, ngửi mùi mồ hôi trên tóc nó, thứ mùi quen thuộc của cô, của những đứa em cô. Có đôi lúc cô bị nhịp sống thành thị cuốn đi, có những lúc đầu óc cô chỉ quay mòng mòng, công việc, tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền gửi cho em, tiền biếu bố mẹ….Nhưng đêm nay, cô được sống lại những ngày thơ ấu, đêm nay cô nhớ một nơi rất xa. Giờ này chắc bố mẹ cô đang say giấc sau một ngày quần quật trên rẫy rồi. Tiếng chim ăn đêm thi thoảng kêu thảng thốt trong đêm tối. Hải Lam mỉm cười, cô và bao kẻ, cũng như những cánh chim trời, dù bay đi đâu, bất cứ phương nào cũng sẽ  luôn cần có một tổ ấm để tìm về.