Gia đình tôi có bảy chị em gái, mẹ đặt cho chúng tôi những cái tên thật hay: “Châu, Báu, Ngọc, Ngà, Lung, Linh, Sáng”. Thực ra tên lần lượt theo thứ tự của chị em tôi là “Châu, Báu, Ngọc, Lung, Linh, Ngà, Sáng” nhưng mọi người quen gọi như trên hơn bởi nó rất dễ nhớ.

Protecting Your Child From Winter Cold and Flu | Beaumont Health

Chị Châu năm nay đã là sinh viên năm cuối, tuy chưa ra trường nhưng với thành tích học tập rất tốt nên chị được nhiều công ty mời đến làm. Khi còn đi học, chị đã dành được danh hiệu cao quý là “người đầu tiên trong xã thi đậu trường Chuyên của tỉnh”. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi của tỉnh, của Quốc gia. Việc học tập khiến chị luôn căng thẳng, nay thêm công việc ở công ty càng làm chị thêm áp lực và bận bịu hơn. Đến nay bốn đứa em sau chúng tôi vẫn chưa phá được kỉ lục mà chị đã tạo ra.

Chị Báu hơn tôi một tuổi, chị học lớp 12. Ngày trước chị thi vào Chuyên Lý, điểm đạt được cũng thuộc top cao nhưng vẫn không đủ để đậu. Sau cùng chị nhập học ở một ngôi trường khá nổi tiếng, đứng thứ hai trong thành phố. Năm thi vào cấp 3, tôi đăng kí Chuyên Văn như chị Châu, chỉ tiếc thiếu nửa điểm nữa mới vừa đủ điểm đậu. Mẹ và bà ngoại cũng động viên, khuyên nhủ tôi lên phố cùng học với chị Báu. Lên đấy có chị có em, hai chị em cùng nương tựa nhau vào học tập để sau này còn có kinh nghiệm chỉ dạy các em. Nhưng sau mình còn đến bốn đứa em nhỏ nên tôi xin phép được học ở trường làng.

Mẹ biết tôi suy nghĩ cho gia đình nên cứ ôm tôi khóc rưng rức, mẹ không ngừng xin lỗi vì để tôi phải chịu thiệt thòi. Ngày trường thành phố hết hạn nộp hồ sơ nhập học, cầm quyển học bạ trên tay và tớ giấy hoạch định mục tiêu cho năm học mới, lòng tôi cứ man mác buồn. Nhưng tôi thấy như thế là đỡ được gánh nặng cho gia đình biết bao nhiêu nên luôn nhủ lòng mình hãy mỉm cười và cố gắng hơn nữa. Sinh sau tôi một năm là hai em sinh đôi Lung và Linh, hai đứa cũng tham gia thi nhưng chẳng tài nào phá được kỉ lục của chị cả. Thế nên từ ấy, hai em lại tiếp tục cùng gắn bó với tôi ở mảnh đất cằn cỗi này. Vậy là hi vọng được học trường Chuyên của tỉnh chỉ còn em Ngà và út Sáng mới có thể thực hiện được.

Lo cho bảy đứa con đủ điều kiện ăn học là nỗi vất vả lớn của gia đình tôi. Nhà tôi vốn không có nhiều đất đai, ngày trước bố mẹ chỉ quanh quẩn làm vài ô ruộng, trồng mấy trăm cây cà phê, lúc rỗi việc thì đi làm thuê làm mướn cho nhà người ta. Ông bà tôi thì mở một hàng quán nhỏ ở đầu xóm, sáng bán bánh mì, chiều bán bún đỏ. Tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu, không dư giả thêm được đồng nào. Đã vậy vụ mùa thì ngày càng thất thu bởi sự biến đổi khí hậu và đất trồng trọt sau nhiều năm đã dần trở nên bạc màu. Có lẽ vì thế mà bố mẹ tôi bàn tính với nhau sẽ lên Sài Gòn làm công ty cho một người quen và gửi lại 5 chị em tôi nhờ ông bà ông bà nuôi dưỡng. Hai người đi chưa được bao lâu thì ông gặp tai biến dẫn đến liệt hai chân. Bà tôi vì thế mà phải bỏ cả việc buôn bán để ở nhà lo cho ông mỗi khi chúng tôi đi học. Thế là từ ấy chúng tôi phải tự lo cho bản thân của mình nhiều hơn.

Cuộc sống của những ngày bình thường trôi qua rất đỗi êm đềm, từ lâu tôi đã hằng quen với nó. Bố mẹ và hai chị Châu Báu đi làm, đi học xa nên chỉ ngày Tết hoặc dịp lễ mới về. Ở nhà chỉ có ông bà và 5 chị em tôi. Dưới trường làng học sinh chỉ cần học một buổi trên ngày, học phụ đạo trái buổi được tổ chức nhưng không bắt buộc nên chúng tôi không đăng kí học thêm. Ở nhà, chúng tôi chăm chỉ đọc sách và bày cho nhau cùng học. Tôi và em Ngà học buổi sáng, Lung Linh thì học chiều, tối đến mấy chị em lặng lẽ vào trong phòng học bài nên chẳng mấy khi xảy ra xích mích. Cặp sinh đôi tuy hay gây gổ với nhau nhưng ở mãi trong phòng nên cũng không ảnh hưởng tới sinh hoạt riêng của mọi người. Còn út Sáng học mẫu giáo gửi cả ngày, tối về được bà cho xem tivi một lúc rồi đi ngủ nên em cũng không quậy phá là bao.

Nhưng mấy tuần qua gia đình tôi cứ đảo lộn hết cả lên bởi dịch Covid-19 bùng phát. Thời Covid không chỉ làm người lớn thất nghiệp mà trẻ con chúng tôi cũng bị tạm dừng việc học tập ở trường học. Nhận lệnh của chính phủ, công ty bố mẹ tôi đang làm phải tạm ngừng hoạt động và cho công nhân nghỉ làm không lương vô thời hạn. Chúng tôi cũng được nghe thông báo nghỉ học mà chẳng biết bao giờ mới đến trường trở lại.

Thế là bố mẹ từ Sài Gòn về, chị Báu từ phố về, chỉ mỗi chị Châu vẫn không được nghỉ làm. Ngày nào chị cũng gọi điện về nhà khóc lóc, rằng công ty đông người qua lại nên sợ nhiễm bệnh, rằng muốn về nhưng sếp không cho, rằng công việc áp lực lắm,… Căn nhà nhỏ bây giờ nhộn nhịp hơn xưa. Mười người cùng chui rúc ra vào, đi đâu cũng thấy bóng người, ở trong nhà, dưới bếp hay ngoài sân lúc nào cũng vang tiếng nói chuyện, tiếng cãi vã gắt gỏng, ầm ĩ.

Chẳng những thế, bây giờ đương mùa nắng tháng 4 cháy bỏng, là mùa mà người nông dân cần rất nhiều nước để tưới mát cho cây cà phê, hồ tiêu của họ. Nước trở thành thứ khan hiếm và được săn lùng nhiều nhất ở vùng quê tôi.

Nhà tôi vốn có một cái giếng đào khá sâu, mọi năm vẫn đủ để dùng nhưng năm nay là năm đầu tiên cạn nước đến thế. Những thửa ruộng trở nên khô cằn, những cái giếng cũng vơi nước dần dần trong sự mong mỏi của con người. Sinh hoạt của gia đình vì thế mà hạn chế hơn hẳn. Hằng ngày chị em tôi phải mang quần áo ra suối giặt giũ, nước dung cho việc nấu ăn cũng phải tiết kiệm, mỗi lần bơm nước cũng chỉ căn vừa đúng hai phút là vội tắt.

Vì giờ đây một giọt nước sạch cũng đáng để trân quý, nếu lỡ bơm nước dưới giếng dung quá nhiều thì sợ lần sau, mạch nước không lên lại được nữa. Việc sinh hoạt cá nhân cũng phải thật thận trọng, mỗi bữa đánh răng chúng tôi chỉ dám múc nửa cốc, đầu bẩn cũng không dám gội, khi đi tắm bà cũng dặn từng đứa cháu hãy sài ít nước thôi, nếu người sạch thì hai ngày tắm một lần cũng được… Cuộc sống ấy thật khó khăn biết bao, nó là nỗi lo lớn mà gia đình tôi cũng như mọi người ở vùng quê này đang trải qua.

Cái chân bị liệt không giúp ông đi lại được nên thường ngày ông tôi chỉ ở nhà xem các chương trình trên tivi. Song, mấy nay vì Covid nên những người bạn của ông không được phép buôn bán, thành ra nhà tôi trở thành địa điểm để các ông hội tụ lại cùng đánh cờ vây và uống nước chè xanh. Nhìn cảnh ngày ngày châm vài chuyên nước uống cho ông, bà lại than: “Đến nước, tiền mua chè cho ông thôi cũng tốn nhiều!” Bố mẹ tôi thì suốt ngày gây gổ. Ngày trẻ bố hằng mong mẹ sẽ sinh được cả con trai lẫn gái, con gái tên Châu con trai tên Báu, con gái tên Ngọc con trai tên Ngà và rất nhiều cái tên hay khác bố tự nghĩ ra. Nhưng mẹ lại một lượt sinh 7 cô công chúa. Đi làm xa thì không sao, hễ cứ ở nhà không có việc gì làm là bố lại uống rượu. Uống say thì lại nhớ đến mấy lời kích bác của mọi người rằng “một trai thì có mà mười gái cũng như không”. Nhìn thấy chúng tôi bố lại quát tháo: “Chúng mày là “vịt giời” ăn hại!” Rồi mẹ với bố lại cãi nhau, người này đổ lỗi cho người kia.

Chúng tôi cũng chẳng khấm khá hơn. Tôi với chị Báu thì tranh nhau cái máy tính để học, chị viện lý do học cuối cấp nên nhiều bài quan trọng, nhưng tôi cũng đã lớp 11, vả lại tôi chỉ học ở một làng quê nghèo khổ, không được biết đến nhiều kiến thức bằng ngôi trường thành phố của chị. Cái máy tính cũng chỉ có một, chị mang đi rồi nên ở nhà tôi chỉ tự mày mò kiến thức trong sách vở có sẵn. Chẳng phải tôi mới là người thiệt thòi hơn và cần được dùng nó trước chứ? Lung Linh là ầm ĩ nhất nhà, hai đứa nó cãi nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tối, sáng nào đánh răng hai đứa cũng so đo ai dùng nhiều nước hơn ai, lúc giặt quần áo tụi nó cũng cố tình soi xem đồ ai bẩn làm tốn nhiều xà bông hơn. Ngay cả học bài hai đưa cũng cãi vã, dạo gần đây tôi hay thấy tụi nó hay mang sách Văn ra giữa nhà đọc to bài “Bình Ngô đại cáo”. Lung đọc to thì Linh cố đọc to hơn, thấy em hô to hơn mình thì chị lại gào ầm hơn nữa. Hai chị em học bài mà cứ như cãi nhau, tôi hỏi:

-Chị thấy hai đứa thuộc làu làu rồi, sao vẫn cứ học đi học lại mãi thế?
-Thầy giáo bảo ai thuộc hết cả bài và đọc to thì cuối kì thầy cho 8 điểm.
-Hai đứa đọc đều to rồi mà?
-Nhưng chỉ một bạn đọc hay nhất mới được điểm thôi chị ạ!

Tôi “À” lên một tiếng ra vẻ đã hiểu, năm ngoái tôi là học sinh duy nhất của khối trả bài mà thầy ưng ý. Nhưng ngày ấy ra Tết thầy đã kiểm tra, vậy mà giờ đây Lung Linh vẫn đang học, thắc mắc nên tôi hỏi, hai em trả lời:

-Qua Tết đến giờ mới đi học được có vài buổi, bài học về nhà cũng chưa có bao nhiêu, nay lại nghỉ nên thầy chưa kịp dò bài chị ạ.

Tôi lại “À” thêm một lần nữa. Ừ thì Covid đã làm mọi thứ thay đổi thật nhiều!

Em Ngà giống tính bà và mẹ nhất, em kĩ tính, luôn tiết kiệm. Tuy mới học lớp 8 nhưng em đã biết suy nghĩ cho gia đình, biết đang mùa hạn hán nên em luôn căn thời gian nước lên để bơm ra các thùng, lấy nước sạch sinh hoạt. Em cũng chăm chỉ học hành, sau chị Châu em là tia hi vọng nhất của gia đình tôi. Nhưng nhóc lại học theo cả cái tính hay than vãn của người lớn. Nhóc than than bố uống rượu không tốt, than út quá nghịch ngợm,… Nên lúc nào tôi cũng thấy cái mặt em cau có khó chịu, cái miệng em cứ lẩm bẩm ra vẻ không bằng lòng.

Út là nỗi lo lớn nhất của gia đình. Út sinh cuối năm, mẫu giáo 4 tuổi em đã không được đi học vì lớp quá đông người, giáo viên chỉ dám nhận các bé từ tháng 6 trở xuống. Năm nay đủ 5 tuổi nhưng em mới chỉ đến trường được nửa học kì. Tôi chẳng biết bao giờ dịch mới hết để nhóc có thể học hết một năm mẫu giáo trọn vẹn như 6 người chị của em trước đây. Ở nhà ngày nào mọi người cũng phải thay phiên nhau gọi út về ăn cơm, tắm rửa. Mỗi lần tôi đi tìm út lại thấy út rúc từ trong bụi cây ra, cỏ may dính đầy cạp quần, người ngợm nhuộm màu bụi đỏ đặc trưng của đất bazan Tây Nguyên.

Theo tôi về út cứ bước thấp bước cao, lê cái chân đất trên mọi cung đường, tay thì túm cái đai quần mất chun, còn trán lại vã vựa mồ hôi. Mấy bác hàng xóm đi đón con đón cháu cũng bàn tán xôn xao về dịch Covid. Rồi nhìn lũ nhóc nghỉ học ở nhà ngày nào cũng bới đất nghịch cát từ đầu ngõ đến cuối ngõ họ còn liên tưởng đến cả nước thất học như những năm 45. Nghe lời mấy bác nói, tôi quay ra nhìn đứa em tội nghiệp của mình mà nước mắt rơi ngắn dài. Cho nhóc tự do đi chơi cũng là một nỗi lo, em nghịch bẩn thì lại tốn nhiều nước tắm gội nên mẹ đề ra phương án “bắt em ở nhà”. Nhưng ở nhà lại càng khổ hơn, út cứ chạy vòng quanh khắp trong nhà ra ngoài bếp, út còn cầm kéo cắt trụi bụi hoa hồng tôi trồng trước ngõ và lấy than củi vẽ bẩn lên mọi bức tường…

Tôi cứ vừa đi vừa suy nghĩ đến những nỗi lo mà Covid đã gây ra. Về đến cửa nhà đã thấy mẹ cầm điện thoại thở dài. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn:

-Chị Châu lại vừa gọi cho mẹ.
-Chị lại khóc à mẹ?

Mẹ tôi không nói gì chỉ thở dài, không cần mẹ nói tôi cũng biết rõ nội dung cuộc trò chuyện giữa hai người. Một lúc sau mẹ dáo mắt tìm kiếm mấy chị em nhưng không thấy ai ngoài tôi, mẹ hỏi:

-Báu đâu rồi?
-Chị Báu đang học bài mẹ ạ.
-Thế Lung Linh đâu?
-Hai đứa tụi nó lại cãi nhau trong nhà.
-Còn em Ngà?
-Dạ em đang canh vòi nước.
-Rồi Sáng đâu?
-Út vừa về với con nhưng về đến ngõ con quay lại thì không thấy út đâu, chắc em lại đi lang thang rồi!

Ngày nào tôi và mẹ cũng chỉ trò chuyện vài câu đơn thuần như vậy. Cái vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại không thôi. Tôi mong sao dịch Covid -19 qua đi thật nhanh, chứ cứ như thế này mãi thì có lẽ gia đình tôi còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác dài dài!