Hoàng hôn đã buông mình xuống dòng sông, bầu trời vắt kiệt những giọt nắng cuối ngày thả nhẹ lên đám lục bình xanh ngắt. Màu vàng nhạt của nắng đung đưa trong cơn gió lành lạnh, một khóm lục bình yếu ớt bị đánh bật đi, lẻ loi trôi trên mặt sông loang loáng ráng chiều.

Thị làm nghề chèo đò thuê ở con sông này từ năm mười lăm tuổi. Thị đẹp gái nhất cái làng Kim Xuyên này, mắt thị to tròn đen láy, đôi môi thị đỏ mọng như trái đào, da trắng ngần, vẻ đẹp duyên dáng của thị khiến đám trai làng mê mẩn, chẳng thế mà con đò của thị chẳng ngày nào là không có đôi ba gã trai làng gọi sang sông. Ấy thế nhưng giữa bao thanh niên trai tráng của làng, thị chẳng để mắt đến ai mà chỉ một lòng một dạ yêu anh Mực nhà nghèo nhất làng. Buổi trưa vắng khách, thị và anh thường ngồi lặng lẽ ngồi ở mé sông chỗ có lũy tre già buông bóng. Xa xa chỗ bến đò những khóm bèo tim tím dập dềnh giữa mênh mông sóng nước, nửa dùng dằng, nửa hờn dỗi khôn nguôi…

Chuyện tình của thị và anh Mực tưởng chừng cứ đẹp đẽ như vậy cho đến một ngày, anh mực hẹn gặp thị. Vừa gặp người yêu, anh Mực vội rút ra một vòng tay đưa cho thị ái ngại nói: “Nhà anh nghèo quá, anh phải lên thành phố làm để lấy tiền cưới em, em đợi anh nhé, đợi anh về rồi mình cưới nhau!…” Trong lòng thị giằng xé bao suy nghĩ, thị thương cho mối tình vừa chớm nở của mình, thị thương anh thương cái nghèo đói cứ kéo dài đằng đẵng… Một lúc sau thị lau nước mắt, sợ anh phiền lòng, thị tự nhủ phải mạnh mẽ để anh an tâm lên đường, thị nhìn anh hứa hẹn dặn dò: “Em sẽ đợi anh, hứa với em phải trở về…”. Bóng đêm bao bọc lấy họ, những con đom đóm chập chờn vây quanh rồi thoáng chốc bay đi tan tác không rõ phương nào.

Hơn một năm sau, có người đến xem mặt thị. Bố thị hả hê lắm, vui ra mặt còn thị im bặt như một chiếc bóng vô hồn, đợi người ta về hết thị lại gần nói với bố rằng:

– Thưa bố, con chưa muốn lấy chồng, bố đừng bắt ép tội con…

Ông Thức mặt cau lại, đôi lông mày rướn lên lộ rõ vẻ giận dữ:

– Thói đời nhà ai con cái cãi lời cha mẹ hả Lành, tao quyết rồi, mày phải lấy thằng Siêu cuối làng, mày gần hai mươi tuổi đầu rồi, ế đến nơi rồi con ạ…

Thị nước mắt giàn dụa, thị vội quỳ sụp xuống níu chân bố mếu máo nói:

– Con nào có dám cãi lời bố nhưng thưa thầy con có người yêu rồi, anh ấy đang đi làm ăn trên thành phố, con xin bố cho con chờ anh ấy trở về cho trọn nghĩa trọn tình.

Ông Thức bất ngờ vội hỏi, cơn giận giữ vẫn hằn sâu trong đáy mắt:

– Nó là thằng nào? Mày yêu đương vụng trộm từ bao giờ mà cả nhà không ai hay biết hả?

Thị vội thưa, nước mắt đã ướt nhèm:

– Thưa bố, anh ấy tên Mực nhà ở cuối làng. Con nào dám giấu diếm chẳng qua chúng con định đến ngày chín muồi, gia đình bên kia chính thức có nhời thì mới thưa với gia đình mình, xin bố đừng chấp chúng con…

Ông Thức mặt hằm hằm nghiến răng ken két nói:

– Trai làng này chết hết rồi hay sao mà mày lại yêu nó, nhà cái thằng ấy thời xưa ba đời làm mõ, chị gái nó thì chửa hoang hay hớm gì mà mày đâm đầu vào, mày lấy nó cả làng cả họ phỉ nhổ vào mặt tao, tao dù gì cũng là trưởng thôn, mày giết chết tao đi, giết tao đi…

Tiếng ông ngân dài ra, khuôn mặt nhăn nhúm lại, đỏ căng như quả bồ quân. Đến lúc này thì ông Thức không đứng được nữa, ông ngồi phịch xuống ghế thở phì phì chỉ tay ra cửa, miệng gầm lên giận dữ:
– Nó đi biết có trở về không hay mày lại thành “đá vọng phu”, mày muốn lấy nó thì cút khỏi nhà tao, cút ngay… Tao không có đứa con gái mất dạy như mày…

Tai thị ù đi, thị lao ra phía cửa, nước mắt thị cứ thế tuôn ra dào dạt. Những bước chân vô thức dẫn thị ra bờ sông, chốn quen thuộc mà trước kia thị và anh vẫn hay ngồi hò hẹn. Lác đác một vài tiếng sấm, mây vần vò kéo đến đen xì, mưa cứ thế ầm ào trút xuống, những đám bèo bị mưa dìm xuống, tan tác, dập dềnh giữa một vùng đầy nước hoang hoải. Thị đang thơ thẩn thì có tiếng người gọi từ đằng sau oai oái:

– Lành ơi, bố mày đang ngất ở nhà kia kìa, mày không về đi còn ngồi đấy à?
Nghe thấy vậy thị choàng tỉnh, lập cập chạy về, nước mắt nước mũi cứ thế trào ra không ngừng được.

Chừng như rút hết gan ruột, phần vì kích động, căn bệnh huyết áp cao tái phát khiến ông Thức lịm đi, cả nhà hoảng loạn, ai cũng lo sợ mặt cắt không còn giọt máu vội vàng đi gọi thầy lang trong làng. Chỉ có mẹ thị là nhẹ giọng hơn cả, bà vẫn luôn thương đứa con gái dứt ruột đẻ ra nên kéo con ra một góc vừa khóc vừa thì thào khuyên nhủ:

– Thôi con ạ, cái lệ làng xưa nay vẫn “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, nhà thằng Siêu khá nhất nhì cái làng này, mày làm dâu nhà đấy cũng không phải khổ…

Thị nghe xong cũng chẳng nói năng gì, người thị đờ đẫn ra, thị vần vò hai vạt áo khiến chúng trở nên nhàu nhĩ. Trong đầu óc thị thực sự hỗn loạn, bên tình bên hiếu biết sao cho trọn đây?

Tuyển chọn câu stt buồn hấp dẫn chạm vào trái tim

Ngày ông Thức mới tỉnh, miệng luôn mồm dọa chết nếu thị dám trái lời. Đêm đến, thị trằn trọc nghĩ về chuyện tình của mình, nghĩ về gia đình, nghĩ về những cái lề thói cổ hủ của làng bao năm vẫn giữ. Trong phút bốc đồng, đôi khi thị nghĩ đến việc bỏ trốn, thị sẽ đi tìm anh thế nhưng cái ý nghĩ ấy nhanh chóng bị dập tắt bởi nếu thị đi thì gia đình thị sẽ mang tiếng là có đứa con bỏ đi theo trai, cả đời chắc bố mẹ thị sẽ không ngẩng đầu lên được, những thị phi miệng lưỡi thế gian rất đáng sợ, nó có thể giết chết một con người.

Mùa đông, nước lờ lững trôi, những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi dây níu đò căng từ gốc gạo sang phía bên kia sông, chúng nghiêng ngó đầu xuống dòng nước cô liêu như nuối tiếc điều gì đó. Thị cưới chồng. Từ cái ngày định mệnh ấy là những chuỗi ngày dài thị thức trắng đêm, thị hướng ánh mắt ra cái ô thông gió bé tí trong cái buồng tối om, có chút ánh sáng trăng trắng mờ ảo, là trăng hay là gì thị không biết nữa…

Chồng hay ghen nên từ khi lấy chồng thị phải bỏ công việc chở đò. Chồng thị khi bình thường chẳng sao cứ rượu vào lại trở nên vũ phu, tục tĩu, những trận đánh vợ đánh con diễn ra như cơm bữa. Biết bao lần thị đỡ đòn cho các con, những đứa trẻ vô tội co rúm trong người mẹ, biết bao lần thị phải bồng bế dắt díu các con chạy trốn về nhà ngoại. Thị có thể bị đau đớn nhưng các con nhất quyết thị phải nâng niu, thị chẳng khác nào con gà mái đang xù lông bảo vệ đàn con trước giông bão.

Chồng thị một lần đi uống rượu trong lúc say xỉn gây gổ đánh nhau với trai làng bên bị đánh gãy chân. Anh ta chẳng đi đâu được, các “chiến hữu” thường hay nhậu nhẹt cùng cũng mất hút, chẳng thấy bóng dáng ai đến thăm chỉ có thị là chăm sóc tận tình cho chồng chẳng hé răng chê trách nửa lời. Chỉ khi phải nằm một chỗ như thế này, anh Siêu mới thấm thía được sự vất vả của vợ. Lần đầu tiên sau bao ngày sống chung anh mới ngắm nhìn kỹ khuôn mặt của thị. Nhìn thị đẹp nhưng tiều tụy quá! Cái vẻ son sắt, mặn mà nhường chỗ cho những nếp nhăn hằn sâu trên má, đôi mắt đen tuyền đã thâm quầng sau những đêm giấc ngủ chẳng tròn. Siêu cay đắng nhận ra mình sai thật rồi, chuỗi ngày anh nằm yên một chỗ là chuỗi ngày anh chìm đắm trong sự ân hận và day dứt, thị đâu có làm gì sai, có sai là ở chỗ thị đã kiên nhẫn chịu đựng một người chồng nát rượu, còn hai đứa trẻ đang chạy chơi vui vẻ ngoài sân kia nữa, chúng nó đâu có đáng để bị những trận đòn roi vô cớ của người mà chúng luôn miệng tôn kính gọi bằng bố… Sực tỉnh, Siêu gọi thị vào ngồi cạnh, vẻ mặt thị toát lên sự sợ hãi như lo đã làm sai chuyện gì, anh ân cần nắm lấy đôi bàn tay chai sạn của vợ nói:
– Từ khi sống với tôi mình khổ nhiều rồi, tôi xin lỗi…

Lần đầu tiên trong cuộc đời Siêu nói lời xin lỗi, người đàn ông cả đời chọc trời khuấy nước chẳng biết sợ gì nay lại cúi đầu trước một người phụ nữ. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt đỏ mọng ngân ngấn nước của thị, thị nghẹn ngào lên tiếng:

– Tôi và mình là tình nghĩa vợ chồng… Tôi đã là vợ mình thì tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của người vợ, tôi nào dám trách cứ gì mình… Tôi chỉ xin mình… mình hãy đối xử tốt với các con còn tôi sao cũng được…

Siêu kéo thị lại ôm chặt thị vào lòng, đôi vai thị rung lên bần bật liên hồi, đã lâu rồi họ mới gần nhau đến thế…

Từ sau cái bận ấy, như một phép màu anh Siêu chẳng bao giờ đụng đến một giọt rượu nào nữa, dân làng ai cũng ngạc nhiên chẳng ai lý giải được nguyên do chỉ có anh Siêu hiểu rõ nhất: chính sự nhân hậu, chịu thương chịu khó của người vợ hiền tần tảo sớm hôm đã khiến anh thay đổi một cách ngoạn mục như vậy… thế mới biết chân tình có sức mạnh đến mức nào.

Lại một mùa lục bình nở hoa, những cánh hoa tim tím cứ dập dờn, rung rinh trong gió. Ai dám bảo hoa bèo không đẹp? Bèo đẹp chính bởi sự chân quê, mộc mạc và sự dẻo dai bền bỉ của nó… Dẫu cho nắng gắt, dẫu cho mưa sa, những bông hoa vẫn an yên thả hồn trên những chùm lá xanh ngắt mải miết trôi giữa dòng sông nối dài bất tận…