Thằng bé rẽ vào một con hẻm lúc trời bắt đầu nhem nhém tối. Những con hẻm là lộ trình hàng ngày của nó, nhưng vào những ngày thời tiết chuyển sang se lạnh này, chúng có một vẻ khác biệt.

Thả bước chậm lại, thằng bé há mồm ra ngắm những giàn dây điện giăng dài dằng dặc, treo những ngôi sao to nhỏ đang lung linh lấp lánh bên cạnh những quả chuông tí hon lắc lư theo gió buổi xế chiều đang dần mạnh lên.

Thằng bé lướt ánh nhìn sang hai bên hẻm, trước cửa nhiều nhà là các hang đá bằng giấy bồi, với bên trong là những hình tượng của một câu chuyện nào đó mà nó không rõ lắm…

Vài năm trước, nó cùng em gái và mẹ nó vào thành phố này kiếm sống, sau khi ba nó đã biệt tăm biệt tích sau một trận gây gỗ dữ dội với vợ mình. Bà mẹ sắm một chiếc xe ba bánh nhỏ đi thu gom ve chai, còn nó, suốt 3 năm qua, ngày nào cũng là hành trình lặn lội khắp nẻo đường để bán vé số. Mẹ mà không nói, nó cũng chẳng biết mình đã mười hai tuổi.

Mười hai tuổi đầu, thằng bé chẳng màng quá khứ, không suy nghĩ tương lai . Duy nhất thực tại nó phải đối diện hàng ngày, là làm sao bán hết trăm tờ vé số kiếm vài chục ngàn mang về phụ thêm cho cái gia đình quẩn quanh 12 mét vuông phòng trọ của nó…

Qua dăm con hẻm nữa trong trạng thái say sưa ngắm nghía như vậy, thằng bé bước ra đường lớn. Trời dần lạnh hơn, và phố xá cũng đầy xe cộ hơn. Trời tối hẳn khi dòng người ăn mặc đẹp đẽ loang kín phố xá. Thằng bé tiếp tục rảo chân từ đường này qua đường khác, mời mọc hết người này đến người khác, mà cảm giác nao nao háo hức cứ mặc nhiên trỗi dậy trong lòng, cứ như nó chính là một trong những người đang vi vu trên những chiếc xe đắt giá kia vậy.

Cuộc sống vất vả của trẻ em đường phố tại Indonesia | VTV.VN

Bước chân thằng bé chậm lại lần nữa, rồi dừng hẳn trước một giáo đường lớn đang bắt đầu lễ đêm. Người dự lễ đông đến nỗi đứng tràn ra đường. Nhà thờ với chóp nhọn cao vút, chải chuốt bởi dòng chảy ánh điện thiết kế theo mô hình sao chổi trông thật tráng lệ. Đột nhiên, nhen lên trong tâm tư thằng bé một cảm xúc bùi ngùi, nó cảm thấy buồn buồn vì chợt nhận ra vẻ cô quạnh, lẻ loi xuất phát tự bản thân ở nơi đông nghịt những con người đầy hạnh phúc này. Loáng thoáng nghe có người nói gì về chuyện phát quà cho trẻ con sau buổi lễ. Bất giác nó – thằng bé bán vé số cô đơn, cái sinh linh nhỏ nhoi vốn chẳng can hệ gì tới buổi lễ cũng như ý nghĩa tâm linh, chợt quay hướng nhìn về bức tượng Đức mẹ đặt trước nhà thờ, miệng lầm rầm thổ lộ ao ước có được một món quà đúng theo cách thức ông già Noel sẽ ban phát trong đêm nay.

Thằng bé hoàn toàn chẳng biết gì về Chúa. Tôn giáo với nó là một khái niệm quá mông lung. Ý tưởng về một đấng tối cao nào đó là mỗi lần mẹ nó rên rẩm: “Ông trời ơi, sao đời tôi khổ thế này ?”. Và nó lờ mờ đoán nhận rằng, có một quyền uy tận cao xanh có thể đổi đời cho rất nhiều người, trừ gia đình nó, vì từ trước nay nó thấy nhà nó chỉ khổ chồng thêm khổ, chứ chưa từng thấy le lói chút ánh sáng nào cho niềm hy vọng không bao giờ vơi của người nghèo…
Buổi lễ đã mãn, song không thấy ai về, bởi nội dung chính của đêm nay mới bắt đầu khai cuộc. Đám trẻ con lao nhao hẳn lên, và như một hiệu triệu, sau tiếng ồn của lũ trẻ là một đoàn ông già Noel từ trong nhà thờ kéo ra với những chiếc bao đỏ khệ nệ trên vai. Âm thanh lao xao chuyển thành những tiếng hò reo. Thằng bé dường như quên bẵng xấp vé số còn đầy trên tay, nó hau háu nhìn những bao quà nặng trĩu đang chực chờ phân phát. Nhạc vang lên rộn rã. Những lời phát biểu. Cuối cùng cũng đến phần phát quà! Từng nhóm trẻ tiến lên theo lĩnh xướng của một vị linh mục mặc bộ thụng đen

– Trường Hy Vọng A!

– Nhóm trẻ tình thương B!

– Trung tâm mái ấm C! …

Hóa ra họ phát quà theo một danh sách định trước, thế mà thằng bé đã mém mơ về một phần của nó.Nó lặng người vì thất vọng mà không hiểu sự vô lý của mong ước của mình…

Chợt sau lưng nó có tiếng oang oang: “Ôi dào, đây là quà cho mấy đứa nhà nghèo, nhận làm gì !”

Thằng bé quay lại, thấy một đứa nhỏ khoảng 6,7 tuổi cầm trên tay phần quà bọc giấy hoa màu xanh dương khá to, đang ngơ ngác trước nhận xét ấy của một thanh niên trẻ, chắc là anh trai nó. Cả hai ăn mặc sang trọng, hẳn là con cái một gia đình khá giả.
“Bây giờ anh dắt em vô siêu thị mua món khác – gã anh thuyết phục – Ở đó cái gì cũng ngon, chứ cái này, hắn bĩu môi, chắc chỉ là mấy bịch kẹo rẻ tiền”. Nói xong, thằng anh quả quyết giật phắt gói quà trên tay thằng em, dắt nó ra cổng rồi tiện tay dúi gói quà vào một chậu kiểng xum xuê kê trước nhà thờ. Thằng bé bán vé số không thấy hành động sau cùng này của hai anh em nọ, nhưng một người trong nhà thờ đã phát hiện và mang nó trở vào trả lại cho một ông già Noel. Phần thằng bé, chứng kiến việc vừa diễn ra trước mắt, nó thậm chí không tin đó là sự thật. Có người không thèm cả quà sao? Cả đời nó cho đến giờ, nếu không tính vài lần được mẹ dấm dúi vài cây kẹo, nó chưa bao giờ biết nhận quà là gì. Tâm trạng mơ tưởng và tiếc rẻ về những thứ sẽ có trong gói quà ấy khiến đầu óc thằng bé như mụ mẫm đi…

Buổi phát quà đã gần xong. Lũ trẻ lần lượt ra về trong hân hoan. Sân trước nhà thờ bỗng rộng mênh mông vì vắng người, và cảnh trơ trọi đánh thức nỗi thẫn thờ của thằng bé bán vé số. Nhận thức được tình thế vô vọng của bản thân, nó thoáng bối rối, rồi chuyển sang buồn thiu quay bước.

Đường phố vẫn tấp nập người qua kẻ lại nhưng thằng bé giờ đây không còn để tâm đến ai. Xấp vé số trong tay phút chốc trở lại nặng trịch: thực tại của nó đó, cái thực tại mà mọi ước mơ chỉ là ảo vọng, mọi cám dỗ luôn xa tít mù khơi, mọi món quà luôn thuộc về kẻ khác…

Ngay cả khi có tiếng chân chạy gần lại bên nó, rồi một cánh tay đặt lên vai khiến nó dừng bước, thực tại ấy vẫn luẩn quẩn trong tâm trí với đầy đủ vẻ tàn nhẫn làm gương mặt nó trở nên ảo não… Như là quán tính, nó ủ rũ quay lại, tay chìa xấp vé số ra theo thói quen mời khách mua vé số. Một màu đỏ ối vụt phủ kín ánh mắt làm nó bừng tỉnh: Ông già Noel, chính hiệu bởi trang phục truyền thống, và quan trọng là bởi túi quà trên vai, đang nhoẻn cười thân ái với nó. Hẳn là thấy nó đã ngớ người quá sức vì đột ngột trước hình ảnh lạ thường này, một giọng nói nhẹ nhàng như trong mơ cất lên: “Con làm cho ông già Noel này rượt theo phát mệt. Ta biết con đã cầu nguyện với Đức mẹ và ta cũng biết con mong ước gì!” Nói đến đây, ông già Noel chợt nghiêm nét mặt, giọng nhỏ lại có vẻ bí mật: “Đức mẹ vừa cho ta biết, con là một đứa trẻ ngoan, hoàn toàn xứng đáng được nhận quà. Tuy còn nhỏ, con đã làm việc rất chăm chỉ, biết yêu thương, lo lắng chia sẻ cùng gia đình”.

Thằng bé bán vé số ngẩn tò te, ôi sao ông già Noel biết rành về nó vậy? Thằng bé chớp chớp mắt, nó run rẩy khi nhìn ông già Noel đang hạ chiếc túi đỏ xuống. lần tay vào trong, bằng một động tác cực kỳ quyến rũ lấy ra một gói quà vuông vắn và to nhất nó từng biết, đặt vào bàn tay thằng bé. Nó chợt nghĩ phải chăng tất cả chỉ là giấc mơ. Nhưng cảm giác gói quà nặng trịch là có thật, cả ông già Noel cũng không tan biến đi đâu, ông vẫn đứng cạnh nó, thậm chí còn nháy mắt và vỗ vỗ lên vai nó…

Thằng bé bán vé số ù chạy, một tay ôm chặt món quà bất chợt, tay kia nắm chặt xấp vé số . Mừng rỡ đến nỗi không nhớ cả việc phải cám ơn, nó không cần biết gì nữa ngoài thực tại vừa xuất hiện kỳ tích của nó. Nó cũng không biết ông già Noel sau khi quay về nhà thờ đã trút bỏ bộ đồ đỏ, trở lại là một thanh niên bình thường như bao thanh niên khác, với nét mặt trầm tư song hoan hỉ. Một ông già Noel khác cất tiếng càu nhàu: “Không biết phần quà khi nãy ai bỏ ngoài cổng đâu mất tiêu rồi?” Anh thanh niên mỉm cười thanh thản, cố không để lộ gì ra mặt khi trả lời: “Quà của Thiên Chúa mà, mất đi đâu! Chắc giờ nó đang ở trong tay người đáng nhận nó…”

Cuộc sống của trẻ em đường phố Ấn Độ - VnExpress

Anh nhìn ra đường phố dài. Xa xa dường như vẫn còn hình bóng một chú bé đang nhảy chân sáo vì hạnh phúc.

“Một thiên thần nhỏ bé!” Anh nghĩ.