Tôi và Phong vừa giống như hai chị em lại vừa không giống. Mẹ tôi và mẹ Phong là bạn với nhau từ nhỏ. Mẹ Phong bị băng huyết sau khi sinh nên bà qua đời khi còn rất trẻ. Mẹ tôi nhận Phong là con gái nuôi nhưng không có một giấy tờ nào trên pháp luật và cũng không đón Phong về ở cùng với chúng tôi luôn từ dạo đó. Hai nhà chúng tôi cạnh nhau, nên lúc đầu Phong vẫn ở cùng bà ngoại, mẹ tôi qua lại chăm sóc cả hai bà cháu, giống như nhà trên nhà dưới. Ban ngày mẹ tôi có thể vừa địu Phong vừa làm vườn nhưng tối lại mang Phong sang ngủ với bà. Tới tận năm 12 tuổi, Phong mới thực sự chuyển về sống cùng nhà với chúng tôi.

Mẹ tôi kết hôn nhiều năm nhưng mãi không sinh được con. Còn mẹ Phong có thai thì người đàn ông ấy đã bỏ đi mãi nên đến khi bà qua đời, cũng không ai biết thực sự bố của Phong là ai. Hai năm sau, tôi mới chào đời. Người quê bảo đó là vì mẹ tôi nhận Phong là con nuôi nên mới may mắn sinh được tôi. Nhưng cũng không hiểu sao, sau khi có tôi rồi thì bố mẹ lại không sinh được em nữa. Thế nên tôi và Phong thân thiết lắm nhưng lúc nào tôi cũng ý thức rất rõ ràng Phong không phải chị gái ruột của tôi.

Mỗi khi có dịp, mẹ mua gì cũng mua cho tôi phần hơn, tôi lại chạy mang sang cho Phong, Phong chỉ bảo đó là đồ của con trai đấy. Mẹ tôi thường bảo làm chị phải nhường em. Phong không khi nào cãi cọ với tôi, ngay cả những khi tôi chướng tính chọc phá thì Phong cũng chỉ bảo rằng tôi như vậy là hư, Phong sẽ không thương nữa. Lúc tôi học trung học, Phong thỉnh thoảng thường đứng ở cổng trường đưa vào cho tôi ít xôi, nhân lúc chị đi bán ngang qua trường. Đám con trai trong trường thường trêu chọc bảo tôi đã có bạn gái.

Có lần lúc học cơ sở, tôi đã từng hỏi chị:

– Chị Phong có yêu Thanh không?

– Không, không được gọi là yêu, mà nói là thương, biết không?

– Sao không nói được là yêu.

– Khi Thanh lớn, Thanh sẽ yêu một người con gái khác, Thanh sẽ chỉ thương chị thôi. Tình yêu của Thanh là một cô gái khác hơn.

– Sao Thanh yêu bố, yêu mẹ mà lại không thể yêu chị Phong được?

– Chị không giải thích được, nhưng đừng nói là yêu với chị, mẹ dặn thế đấy!

Phong đã nói với tôi như thế. Tôi cũng không cắt nghĩa được vì sao ngày đó chúng tôi lại phân biệt hai khái niệm yêu và thương như vậy. Nhưng có lẽ chị đã hiểu được điều gì đó xa xôi hơn tôi, ngay từ khi chúng tôi còn rất ngây dại. Tôi nhớ có lần mẹ bắt được hai chị em chơi trò trốn tìm ở đống rơm cạnh nhà, bà mắng làm hai chị em sợ quá, tuột vội từ đỉnh đống rơm xuống, ngã bổ chửng lên nhau. Thế là mẹ lôi Phong ra phát vào mông mấy cái rồi nói không được rủ em nghịch nữa. Nhưng mấy lần sau tôi và bọn con trai trong xóm không nhớ lời vẫn ra đống rơm chơi, thì không thấy mẹ mắng gì cả. Lần đó tôi rủ Phong chơi nhưng Phong nhất định không chơi cùng, chỉ đứng trong nhà nhìn.

Tôi không phải đứa em trai ngoan, vì tôi không thường xuyên gọi Phong là chị mà toàn gọi tên. Mẹ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tôi vẫn không sửa. Khi nào nhà có khách hoặc khi có bố mẹ, tôi mới gắng uốn lưỡi gọi Phong bằng danh xưng chị.

***

Bây giờ tôi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, lang bạt quê người. Hôm nay tôi về quê để làm giỗ mẹ. Bố tôi qua đời sáu năm trước, còn mẹ tôi mất cách đây hai năm, lúc đó tôi còn đang học ở nước ngoài. Vẫn còn nhớ như in hôm đó, tôi về nước mà không thấy mẹ ra đón. Tôi ngờ ngợ có chuyện chẳng lành. Khi bước vào gian nhà giữa, thấy ảnh mẹ trên bàn thờ nghi ngút khói, tôi không đứng được nữa, đôi chân như bị ai đó cướp mất, rồi sau đó quay sang trách móc Phong:

– Sao Phong không báo cho Thanh biết, tại sao lại như vậy, vì Phong giận bà ấy nên Phong để bà ấy ra đi mà không được nhìn tôi lần cuối sao?

– Phong xin lỗi! Phong xin lỗi!

Phong không giải thích điều gì, chỉ im lặng, kệ tôi trách móc. Sau đó hàng xóm cho tôi biết không phải Phong không báo mà đó là di nguyện của mẹ tôi. Mẹ tôi lâm bệnh, khoảng gần ba tháng thì bà qua đời. Trong lúc ốm, bà nói tôi đang ở Nhật, sắp đến ngày về nước rồi thì đừng báo cho tôi, cứ để tôi hoàn thành mọi việc bên đó. Bà bắt Phong phải hứa, phải hứa rằng để bảo vệ sự nghiệp của tôi. Bà bảo mọi việc bà làm đều vì mong muốn tôi có một cuộc sống tốt đẹp nhất.

– Sao Phong không nói gì, lại để tôi trách móc như vậy? Tại sao Phong cứ để tôi thành vô tâm như thế?

– Không sao cả, không sao cả. Hoàn thành tâm nguyện của mẹ là tốt rồi, Phong cũng đã về rồi.

Từ bao giờ Phong đã không nhìn thẳng vào tôi mỗi khi nói chuyện, tôi cũng không bao giờ nhìn được ánh mắt của Phong, vì chị luôn quay đi và vì tôi đã đưa bản thân mình đi xa, xa làng quê, xa căn nhà không phải vì không yêu thương những người cùng chung sống, mà xa để trốn tránh họ. Sau khi làm lễ cúng mẹ, tôi lại rời đi, cho tới tận giỗ mẹ mới lại về. Đã lâu rồi, tôi chỉ về nhà vào những ngày giỗ Tết, về rồi lại vội vàng ra đi. Tôi sợ gặp Phong. Tôi sợ sự im lặng của Phong.

12 ngày công chiếu, Cánh đồng bất tận đạt trên 9 tỷ đồng - Báo Người lao động

***

Tôi dừng xe ở đầu làng, đi bộ qua cánh đồng để ra thăm mộ mẹ trước. Nắng chiều đổ xiên lên những ruộng lúa đã chín vàng. Chiều xuống, người ta mới đi cắt lúa. Con đường ra nghĩa địa dẫn ngang qua cánh đồng, nơi mà tôi và Phong đã từng nhiều lần thả diều cùng nhau. Đã nhiều lần trong ký ức ấy, tôi nói với Phong rằng “Phong phải giữ dây diều nhé, không diều sẽ bay mất và rơi xuống một vùng nào đó xa lắm, có thể chẳng tìm thấy đâu, hoặc diều rơi vào nhà người ta, người ta không trả đấy”. Hôm nay nhìn đám trẻ đang thả diều, tôi không nhớ cánh diều của mình mà lại nhớ Phong từng trả lời lại rằng: “Phong có thể giữ dây diều nhưng nếu diều muốn dứt khỏi dây thì sẽ uống no gió rồi rời khỏi dây, lúc ấy người cầm dây cũng không còn nghĩa lý gì nữa”.
Có thật sự là Phong đã từng giữ dây diều. Còn tôi đã từng tự no gió rồi bỏ mình khỏi sợi dây ấy không?

Tôi chùn chân, ngồi xuống, hướng về phía mặt trời lặn. Giá như chúng tôi mãi không lớn thì tôi vẫn còn có Phong, sẽ chẳng có những ngại ngùng khi trở về thế này. Dù rằng bây giờ Phong vẫn ở dưới mái nhà của bố mẹ nhưng tôi đã thấy Phong xa xôi, xa xôi quá đỗi. Tôi không hiểu Phong.

Nắng mùa hè dù đã ngả sang chiều vẫn dữ dội và kiêu hãnh đến lạ. Trong luồng ánh sáng nhập nhòe đủ màu sắc do hoa mắt vì nắng chiếu ngang, tôi nhận thấy Phong đang vác lúa ở phía xa xa. Phong mặc chiếc áo thô thụng thùng thình để chống nắng. Có lẽ Phong đang cố gắng làm cho xong sớm để thư thả làm giỗ mẹ tôi cho chu đáo. Tôi quên mất là mình định ra thăm mộ mẹ, tôi liền chạy tới khoảnh ruộng của Phong:

– Để Thanh đỡ lúa cho Phong – tôi chạy lại, ghé vai vào vai Phong để đẩy lúa sang vai mình nhưng Phong đã giữ chặt bó lúa.

– Cậu Thanh về à. Để đó Phong làm. Lâu rồi Thanh có biết xuống ruộng đâu mà làm. Về nhà trước đi, chìa khóa vẫn để ở dưới chân cột ấy.

– Để tôi làm cho, ngần này lúa thì đến bao giờ mới vác hết lên – Tôi nhìn cả ruộng lúa mênh mông đã được cắt xong, chỉ còn chờ vác lên bờ để chở về nhà.

– Tôi bảo rồi, về đi, về đón thằng Minh cho tôi, về đi – Phong nói như cáu gắt và giọng lại như có lẫn tiếng khóc.

Tôi đã làm gì sai hay sao nhưng tôi không nói thêm gì nữa. Tôi hiểu Phong không muốn tôi ở đấy, làm những việc như thế. Tôi hiểu có lẽ Phong thấy dễ chịu hơn khi tự làm một mình. Thôi thì tôi ghé qua mộ mẹ rồi về nhà trước.

Nhà trẻ ở giữa làng. Phong đã có một đứa con trai, được bốn tuổi. Nhìn thấy tôi ra đón, thằng Minh ùa ra cửa:

– Cậu Thanh, cậu Thanh đón Minh về, cậu Thanh có quà không?

– Có, cậu có quà – Tôi cúi xuống, mở balo lấy ra túi kẹo và đồ chơi rồi giơ lên vẫy vẫy cho cu cậu mừng. Cô giáo của Minh biết tôi nên đã nhanh chóng mở cửa đưa thằng bé ra trả cho tôi.

Trên đường từ nhà trẻ về, cu Minh kể:

– Hôm qua con ở nhà cô tận khuya đấy

– Sao lại ở nhà cô?

– Mẹ đi cắt lúa, mẹ bảo phải cắt cho xong nên gửi con ở nhờ nhà cô.

Từng lời nói của thằng bé lại làm tim tôi thắt lại. Phong vẫn tận tụy với gia đình của tôi như thế, phải chăng vì Phong thực sự nghĩ rằng cô là chị cả của tôi hay vì điều gì. Nhưng tôi lại không muốn, tại sao Phong không bứt ra khỏi những gì liên quan tới chúng tôi, để sống một cuộc đời khác đi.

***

Năm mười hai tuổi, khi Phong về ở với gia đình tôi, mẹ cũng rất chăm chút nhưng đặc biệt bà lại không mấy vui vẻ khi hai chúng tôi thân thiết với nhau. Bà thường hay bảo “Sau này thằng Thanh phải lên phố, học giỏi rồi tìm xuất học bổng du học nhé. Còn con Phong, con gái không cần học nhiều, phải có tấm chồng sớm cho yên ổn, để nếu mẹ chết, gặp mẹ mày dưới đó cũng có thể nhìn nhau rồi”.

Phong viết thơ và viết văn rất hay. Tôi rất thích đọc nhưng mẹ tôi bảo “Văn chương chỉ làm khổ con người ta thôi, chỉ làm cho người ta trở nên yếu đuối, suy tưởng và thiếu thực tế hơn. Nhất là ở thôn quê, cuộc sống nhiều khắt khe, dị nghị lắm, đừng mơ mộng văn chương, rồi khổ”. Mỗi khi nghe mẹ nói thế, Phong chỉ cười cười rồi xuống bếp làm một việc gì đó. Phong không bao giờ làm gì trái ý mẹ tôi.

Khi học xong cấp ba, Phong nghỉ học.

– Sao Phong không thi đại học, vì sợ bố mẹ không có tiền nuôi Phong à?

– Không, không phải vậy, vì Phong muốn nghỉ học, lấy chồng thôi. Con gái làng toàn lấy chồng sớm, Phong đi học thì thành gái ế mất?

– Phong lấy chồng ư? – lúc ấy tôi mới nhận rõ sự bé nhỏ của mình trước Phong. Giá như tôi là anh của Phong, giá như tôi lớn trước, giá như…

Tôi nhiều lần gặng hỏi chuyện Phong có muốn học tiếp không nhưng lần nào Phong cũng nói đi học nữa thì sợ ế chồng lắm. Rõ ràng tôi biết Phong không phải người không ham học, rõ ràng Phong có những mộng ước xa xôi, rõ ràng Phong đâu có thích anh chàng nào. Chắc chắn Phong nói dối để không làm phiền lòng cha mẹ tôi. Thế là có lần tôi về ăn vạ mẹ rằng mẹ động viên Phong học tiếp đi. Nhưng vừa nghe thấy thế, Phong chạy tới gắt ầm lên với tôi rằng tại sao cứ ép tôi phải học, Phong không thích học. Ngay lúc ấy mẹ quay sang mắng tôi rằng trẻ con cứ can thiệp chuyện của người lớn, mẹ bảo Phong là chị, Phong chín chắn hơn tôi.

***

Mẹ thường nói rằng mẹ muốn kiếm ra thật nhiều tiền để cho tôi du học. Bố tôi là người đàn ông có phần yếu đuối, không kiếm được tiền nên khát khao kiếm tiền của mẹ càng lớn. Khi Phong nhất định không muốn học thêm nữa, tôi thấy mẹ vui lắm. Bà bảo rằng bà sẽ dạy cho Phong cách buôn bán. Bà bảo Phong là con gái ngoan, không bao giờ làm bà đau lòng.
Rồi tôi cũng đi học xa nhà. Mỗi lần tôi về, Phong thường đứng xa tôi hơn một chút.

– Thằng này, lớn rồi mà cứ gọi chị bằng tên. Ở cái làng này không có con cái nhà nào hư như thế đâu, mày sửa đi nghe chưa – mẹ tôi lần đó rất nghiêm nghị.

– … Tôi im lặng không muốn trả lời.

Chiều đó, khi Phong đang nấu ăn, tôi xách con cá mà hai bố con vừa bắt dưới ao lên, quẳng vào chỗ Phong:

– Phong làm gì thì làm này, hay làm món hấp đi, Thanh thích cá hấp.

– Đấy, mẹ nói rồi đấy, cậu phải gọi tôi bằng chị, nghe chưa. Không gọi thì tôi không làm cho đâu, tôi nấu chua, vì bố mẹ thích nấu chua.

– Tùy thôi!

Tại sao tôi phải gọi Phong là chị, chúng tôi có mối liên hệ huyết thống, họ hàng gì đâu, chẳng lẽ chỉ vì Phong hơn tôi hai tuổi, chỉ vì Phong ở chung nhà với tôi. Tôi không muốn liên quan với điều đó. Tôi mặc kệ. Nhiều lần tôi trở về, mẹ thường nói bóng gió về hôn nhân của tôi sau này. Mẹ gặng hỏi tôi đã thích cô gái nào chưa. Mẹ bảo con gái thành phố có đẹp không. Mỗi lúc như thế, tôi thường tìm cách trốn trả lời mẹ.

Rồi Phong đột ngột báo tin cho tôi rằng Phong sắp lấy chồng. Tôi như bị sét đánh giữa ngày đông khô tạnh. Phong báo tin ngay khi thấy tôi ở phố về.

– Sao Phong lại lấy chồng sớm thế? Sao Phong lại lấy anh Vinh, anh ấy không xứng với Phong.

– Thế nào là xứng, là không xứng?

– Là vì anh ấy suốt ngày chỉ lang thang rượu chè…anh ấy sẽ không cho Phong hạnh phúc.

– Đó là lựa chọn của tôi. Thanh hiểu được lựa chọn của người khác sao?

– Phong phải lấy, lấy, ít ra một người cũng như tôi chứ?

– Như cậu ư? Cậu lấy gì để bảo đảm cậu hơn anh ấy? – Đó là lần duy nhất Phong nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi. Rồi chính Phong bảo tôi hãy dừng cuộc tranh luận lại, Phong thông báo để tôi biết, còn mọi việc đã xong rồi.

Sau cuộc nói chuyện hôm đó, Phong nhìn thấy tôi ở cái quán rượu đầu làng. Phong chạy lại rằng lấy chai rượu trên tay tôi rồi lôi tôi ra khỏi quán. Tôi giằng ra rồi nói cứ mặc kệ tôi, Phong có quyền gì can thiệp.

– Tôi là chị gái của cậu đấy. Bố mẹ cho tôi cái quyền đó đi – Phong tát mạnh vào mặt tôi. Vài giọt rượu chưa kịp nuốt qua cổ họng đã tóe ra – Cậu hãy học tập cho giỏi để có suất đi du học đi, để chứng tỏ cậu hơn người ta đi.

– Phong muốn vậy thì tôi sẽ làm vậy.

Hôm cưới Phong tôi không về. Phong lấy chồng nhưng nhà anh Vinh cũng sát cạnh nhà tôi nên coi như vẫn rất gần. Tôi học và không thèm về quê nữa. Mỗi lần mẹ gọi điện lên hỏi sao lâu tôi không về thì tôi chỉ bảo tôi phải học để được đi nước ngoài. Cuối cùng tôi cũng được nhận suất đi du học như những gì mẹ tôi muốn, như những gì tôi từng ao ước, như những gì Phong thách đố tôi.
Mỗi lần tôi gọi về, mỗi lần tôi online để chat với Phong và mẹ, Phong đều tả cho tôi nghe rằng làng quê rất yên bình, Phong vui vẻ với cuộc sống của cô ấy, bố mẹ thì khỏe mạnh. Thỉnh thoảng tôi hỏi Phong rằng cô ấy còn viết văn không, Phong lại xua đi “Cậu lãng mạn quá, cuộc sống của tôi là ruộng đồng, gia đình, chồng con, văn chương làm gì”. Phong nói với tôi anh Vinh đã tốt lên rất nhiều sau khi cưới. Phong nói rằng Phong thương anh ấy, Phong muốn là một người vợ tốt. Phong nói rằng Phong đang có em bé rồi. Tất cả những gì Phong nói khiến tôi không biết là vui hay buồn. Nhưng sau mỗi lần nói chuyện với Phong, tôi đều cảm thấy mình mất mát, mình yếu đuối. Một thứ gì đó trong tâm hồn tôi như thủy tinh rơi xuống, phát ra một thứ âm thanh choang choảng rồi vụt mất.

Sau khi Phong sinh con, tôi đã nhiều lần nói Phong gửi cho tôi những tấm hình gia đình. Nhưng Phong chỉ gửi ảnh mẹ và Minh, hoặc chỉ gửi riêng ảnh Minh. Tuyệt nhiên không có tấm hình nào có Phong. Thỉnh thoảng Phong có mở webcam để tôi nhìn thấy mẹ nhưng tuyệt nhiên Phong không bao giờ bước vào khung hình.

Cho đến một ngày, khi trở về nước, tôi mới biết Phong và anh Vinh đã li dị và mẹ tôi thì đã mãi mãi ra đi. Mẹ con Phong lại về ở trong căn nhà của bố mẹ tôi. Đã có lúc trong thâm tâm tôi lại cảm thấy vui vì Phong đã bỏ anh Vinh. Nhưng để rồi sau đó, tôi lại ít quay trở lại chính ngôi nhà của mình, bởi Phong thường ngại khi thấy tôi về.

– Cậu đã có công việc ổn định rồi, nên lấy vợ đi.

– Tôi không lấy thì sao?

– Thì mẹ ở suối vàng sẽ không vui. Cậu lấy vợ đi, tôi sẽ trao trả lại căn nhà này cho vợ chồng cậu?

– Thế Phong và cu Minh thì đi đâu?

– Tôi tự lo cho con và mình được.

– Chúng ta không phải là một gia đình sao?

– Không, tôi chỉ ở lại đây, giữ mảnh đất này chờ cậu yên ổn thôi, tôi sẽ trao lại cho vợ chồng cậu.

Mỗi lần Phong nói thế, tôi lại rơi vào bế tắc, câu chuyện của chúng tôi không thể tiếp tục. Tôi gắt Phong đừng nói gì nữa, đừng nói gì nữa.

***

Giỗ mẹ tôi lần này cũng có các cô, các bác tới. Phong đã lo tính từ trước rồi, khi tôi về, Phong chỉ hỏi ý kiến xem thế nào, còn cần thêm gì không. Còn tôi chỉ biết gật đầu bởi tôi biết Phong có thể lo được mọi việc lễ nghĩa ở quê. Trong lúc đang sắp mâm, các cô các bác cứ hỏi chuyện vợ con của tôi:

– Thằng Thanh sao không thấy dẫn bạn gái về nhỉ?

– Ơ thế mày tính thế nào, lấy vợ về để lo mọi việc gia đình chứ, chị Phong mày cũng tính xem có nên đi bước nữa không chứ, làm sao bắt chị ấy ở đây thờ bố mẹ mãi được.

– Ngày xưa lúc mẹ mày con sống, bà ấy bảo rằng mong muốn mày phải lấy được cô vợ giỏi giang, xinh đẹp cho xứng lứa vừa đôi, Phong nhỉ, bà ấy suốt ngày nói với tao và mày như thế nhỉ? Giờ lớn tuổi rồi thì lấy vợ đi, bố mẹ cũng được an ủi.

Phong im lặng. Tôi chỉ cười cho qua. Tôi vẫn tin những gì Phong từng nói qua những đoạn chat online, rằng Phong vui vẻ, rằng Phong thấy hợp với anh Vinh, rằng mẹ rất thương Phong… Có lẽ tôi vô tâm quá, dẫu sao tôi vẫn chỉ là thằng con trai nông nổi khi đứng trước Phong.

***

Sau hôm giỗ mẹ, Phong bảo tôi ở nhà trông cu Minh để Phong đi cắt nốt đám lúa. Tôi đã vào lục chiếc rương trong phòng của Phong. Tôi muốn tìm ra tất cả những gì Phong đang cố giấu tôi, những gì Phong đang âm thầm chịu đựng, những gì đã kiềm tỏa cuộc sống của Phong suốt nhiều năm qua.

Tôi tìm thấy chiếc rương được Phong cất kỹ trong phòng, còn phủ cả khăn lên. Đó là chiếc rương mà chính tôi đã đóng khi tôi mới mười bảy tuổi. Lần đó tôi theo học mộc ở nhà một ông cậu, phần thưởng là ông trả gỗ cho tôi đóng một cái rương. Chiếc rương đựng chỉ toàn giấy và mấy cuốn sổ cùng sổ hộ khẩu của gia đình tôi. Tôi lật giở từng tập giấy lên. Chúng được kẹp rất gọn gàng theo từng tập một. Đầu mỗi tập đều có ghi ngày tháng. Có những dòng chữ được ghi trên cuốn sổ tập viết của trẻ con. Có những dòng chữ viết trên cuốn sổ ghi nợ mà ngày xưa mẹ tôi vẫn dùng. Phần lớn là những bài thơ, bài văn mà Phong viết từ lâu. Tôi lật một cuốn sổ có bìa cứng bọc da và trông gọn ghẽ nhất. Đó là nhật ký của Phong.

Ngày… tháng… năm

Vậy là mình đã nghỉ học. Mẹ bảo mẹ muốn nhiều tiền để dồn cho Thanh đi du học. Mẹ muốn Thanh sẽ là một người đàn ông tài giỏi khác hẳn bố. Mình hiểu ước muốn của mẹ. Và mình cũng muốn tương lai Thanh rạng rỡ. Mẹ đã có công nuôi dưỡng mình và mình nên giúp mẹ. Mình không trách mẹ, mình không hối hận vì là con nuôi của mẹ vì mình thực lòng muốn Thanh sẽ có một tương lai tươi sáng.

Ngày… tháng… năm

Mẹ bảo kiếp này sinh ra, mình đã có duyên là con gái mẹ nên mẹ không muốn giữa mình và Thanh có chuyện gì khác. Mẹ bảo mình phải ra dáng chị cả trong nhà.

Ngày… tháng… năm

Mình muốn lấy chồng, mình muốn thoát ra cảnh này, mình không muốn ở chung nhà với Thanh. Mình muốn mẹ có thể yên tâm rằng mình mãi là con gái của mẹ mà thôi.. Mình là chị gái Thanh cơ mà. Mình là chị gái cơ mà.

Ngày… tháng… năm

Mình đã nói dối rất tài. Thanh sẽ tin những gì mình nói. Ừ mình đang rất hạnh phúc. Làm sao mà mình không hạnh phúc cho được. Mẹ nói đúng, không nên để Thanh lo lắng về điều gì, một mình nơi xứ người chắc Thanh cũng vất vả rồi.

Ngày… tháng…. năm…

….
….
Ở sau cùng của cuốn sổ, Phong viết một bài thơ:

Sao không nhìn vào mắt nhau
Để thấy cơn đau đã bị khuất lấp
Sau bao tiếng cười giả lả xót xa.
Anh có biết những lời em viết
Đã lọc hết xót xa qua màn hình điện tử
Anh có biết cuối những cuộc điện ngắn ngủi
Tiếng thở dài mới vụng về trọn khúc đêm
Chỉ có đôi mắt ngày xưa và mãi mãi
Không bao giờ dối gạt được niềm đau

Tôi gom tất cả những tập giấy còn lại, chúng giống như những bản thảo Phong đang viết. Tôi sẽ mang nó đi và muốn mang cả Phong đi. Đúng lúc đó Phong kéo xe lúa về.

– Cậu làm gì thế, sao lại tự ý động vào chúng?

– Chúng ta hãy rời khỏi đây, được không, Phong không cần phải chịu đựng vì ai khác nữa, chúng ta, chúng ta…

– Không, tôi không đi, khi nào cậu lấy vợ rồi tôi đi.

– Phong cũng muốn ép tôi như những gì Phong từng bị ép sao? Nhất định phải sống đúng như cách mọi người nghĩ sao? Sao Phong không sống cho mình, sao Phong không sống thực sự vì tôi chứ?

– Tôi, tôi không thể.

– Vậy thì tôi cũng sẽ không lấy vợ, cả đời này Phong bằng lòng để tôi sống một mình sao?! Tôi sẽ không như Phong, sẽ không bao giờ…

Ảnh cưới hóa thân nông dân của đôi trẻ yêu nhau 4 tháng - Anh cuoi hoa than  nong dan cua doi tre yeu nhau 4 thang - Baomoi.me Hôm nay 24-07-2020  22:58:58

Tôi giữ chặt những tập giấy đã lấy được trong chiếc rương của Phong. Tôi gào lên rằng Phong còn trẻ, trẻ lắm. Phong không phải hy sinh cam chịu vì tôi, vì mẹ tôi nữa. Tôi muốn Phong hãy kiêu hãnh như cánh đồng chiều mùa hè kia, con nắng trên cánh đồng ấy mạnh mẽ và ham sống mãnh liệt, chúng trải dài trên cánh đồng không chịu cho bóng tối tràn xuống. Phong đừng cố trùm lên mình những suy nghĩ và chịu đựng già nua nữa. Nếu sống ở đây không được, tôi sẽ mang Phong đi, tôi sẽ mang Phong đi. Phần đời còn lại rất dài Phong có biết không?! Chịu đựng thế đủ rồi!.