Chưa bao giờ tháng mười có nhiều đêm trắng như bây giờ. Trắng trời mưa tuôn, những khuôn mặt trắng nhợt, những vành khăn xô khóc trắng ngày, thức trắng đêm nhìn đôi bàn tay trắng, nhìn tường vôi trắng, nhìn dòng lũ trắng đục đang xoáy lốc sóng trắng cướp đi hàng trăm sinh mạng, cuốn đi tất cả tài sản của mọi người, để lại những đôi mắt đờ đẫn trắng dã, những khuôn mặt trắng dại, nhìn bốn bề xung quanh trắng mênh mông, tóc trắng bạc những suy nghĩ về một tương lai trắng lạnh, cô độc và nghèo khổ.

Bao nhiêu niềm vui xum họp, bao nhiêu ngày đoàn viên, bao nhiêu ấm êm quây quần mâm cơm mới ngày hôm qua giờ đã là dĩ vãng. Người đi chưa kịp nhắn, người ở chưa kịp dặn, người mong chưa gặp mặt, người thương chưa kịp về, người thề chưa kịp đợi đã chung nhau phận trắng tay đời cô độc.

Một tháng mười mênh mông niềm nhớ, thăm thẳm niềm đau, bao la nước mắt, vô tận xót xa, vỡ oà cảm xúc, buốt nhói chát đắng của lòng người dân vùng lũ. Một tháng mười hung thần, khóc lóc dai dẳng . Khóc cho ngập đường lút nhà, khóc cho giao thông ách tắc, khóc cho nước mắt lấy nước mắt, khóc cho nụ cười vụt tắt môi ngoan, khóc cho cơ hàn lên ngôi, an vui tạm lui chưa biết bao giờ trở lại. Nếu đất nước là một con người thì Miền Trung là tấm lưng cong. Tấm lưng ấy trơ gầy đốt sống bởi gánh gồng tháng năm mưa bão trút đời.

Ghi từ vùng lũ dữ - Báo Nhân Dân

Xưa nay, người dân cần cù chịu khó, khắc khổ lam lũ, tảo tần tiết kiệm lại khiêm nhường bọc nhau, kiên cường bám trụ trước nắng gắt mưa dầm, lũ xoay bão vần, cây cộc đất cằn mà mưu sinh, mà vươn lên, mà hạnh phúc. Vậy mà sau những mặn chát mồ hôi, chai sần chân tay ấy, giọt đắng vẫn phải rơi trước những nỗi đau khó diễn hết bằng lời, khi đất trời giáng hoạ. Còn nỗi đau nào hơn khi đột ngột mất tất cả người thân, tài sản, vật nuôi, hoa màu… trong một ngày? Còn xót mặn nào hơn khi tang nhà mình chưa xong thì tang làng đã trắng? Còn cay đắng nào hơn khi nợ trước chưa trả, tất cả trông vào vụ mùa này bỗng cánh đồng trắng xoá màu xanh, tan tành hy vọng? Lũ kéo lũ, mưa giăng mưa, bão gọi bão, nước trời lấy lệ người tiếp nối, quặn thắt ruột gan, trắng nhoè tất cả. Đường đi, đất đai, cảnh sắc, mặt người, ý nghĩ, đau khổ… tất cả đều mang màu trắng đục ngầu vàng của đất trộn nước, nước hoà máu, máu trộn bùn, bùn lấp xác người, bùn vùi xác vật, bùn lút đồ đạc, bùn ngập cửa nhà.
Trước sắc trắng pha nước đắng hãi hùng ấy, những người con cháu của Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đang sinh sống ở những miền xanh khác nhau, không ai bảo ai đều đồng sức đồng lòng, thực hiện lời ông cha truyền lại, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách nhiều bọc lá còn gân, tất cả bớt ăn bớt tiêu, dành dụm của ít lòng nhiều hướng về miền trung ruột thịt, đem nắng ấm quê mình về hong bớt ẩm ướt trời bạn. Những chuyến xe thiện nguyện bất chấp thời tiết, mặc kệ đêm ngày, những bàn tay khô ôm chặt tấm lưng ướt, những món quà cứu trợ lúc gian nan… đã mang lại chút sinh khí cho người dân vùng lũ, nỗi đau được sẻ chia sẽ vơi đi, nụ cười nhân ái sẽ sáng dần bờ môi khô tối.

Rồi trời sẽ sáng, sắc trắng lạnh xám sẽ được thay bằng màu nắng, xuân lại về thắp biếc khêu xanh, gọi hoa xoè cánh, bảo chim hót mừng, toả hương không gian. Rồi người sẽ an, gian nan tạm lắng, những giọt nước mắt thôi rơi, những tiếng thơ trẻ lại giòn, những câu chuyện vui người lớn lại kể… Và lòng người sẽ buông sắc trắng, để nhận màu xanh khi mắt ngập tràn ánh nắng. Nắng về, nắng rọi bình minh ấm mái nhà rêu mốc, nắng lau đi giọt mặn đọng mắt buồn, nắng luồn từng ngõ nhỏ, khô bùn, khô đường, khô đồng, khô cây. Nắng giục lúa nhanh chín, trái nhanh ngọt, vật nuôi nhanh lớn, hoa nhen hương và đưa cuộc sống nhộn nhịp trở lại như trước. Người sẽ trồng thêm rừng, rừng sẽ lên xanh, sắc xanh nhoà dần màu trắng ám ảnh, tang thương sẽ thành quá khứ.
Và giữa dòng âm thanh đa chiều đời thường của buổi sáng mai, đàn chim lại líu lo hợp xướng chào ngày mới trên những vòm cây xanh mát, hoà vào tiếng chuyện người, hoà vào chuỗi cười giòn tan của học trò trên đường, thành bản nhạc thời gian, ấm lại lòng người, tươi thêm những đôi môi đã từng khô mặn.