Đó là năm thứ ba tôi học ở trường phổ thông, ngôi trường để lại rất nhiều kỷ niệm từ khi tôi bước chân vào. Từ thầy cô, bạn bè cho đến những hàng cây, ghế đá rồi từng viên gạch, cái bàn, cái bảng,…Mỗi thứ đều để lại cho tôi một ấn tượng riêng, nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh bác Hai lao công, người mà hằng ngày vẫn thầm lặng chăm chút cho từng căn phòng, từng cái cây được sạch đẹp và tươi tốt, tuy bác Hai tuổi đã cao nhưng vẫn tận tụy công việc, chúng tôi kính bác như là “thầy Hai” ở ngôi trường này.
Tôi nhớ! Lần đầu tiên tôi bước vào trường, mọi thứ đều rất xa lạ. Dường như tôi là một thành viên mới trong một đại gia đình mà tôi chưa biết ai cả. Trong lúc tôi đang ngơ ngác không biết mình học lớp nào thì phía sau tôi có giọng nói cất lên: “Cháu học lớp nào?”. Tôi quay lại và thấy một bác chạc tuổi sáu mươi, có thân hình hơi nhỏ, dáng gầy, tóc đã ngã sang màu bạc. Tôi đáp: “Dạ, cháu học lớp 10C3 nhưng cháu cũng không biết mình học phòng nào nữa!.” Bác ấy nhìn xung quanh, chỉ tay lên một căn phòng và nói: “Kìa, phòng 10C3 kìa, cháu lên lầu, bỏ 3 phòng đầu, phòng thứ tư là 10C3 ấy”. Tôi cảm ơn bác và đi lên phòng mà bác chỉ dẫn. Tôi vừa đi lên phòng vừa ngẫm “Bác này là ai sao mà tốt quá, có lẽ là giáo viên trong trường chăng?”. Câu hỏi này cứ quanh quẩn tôi suốt mấy ngày qua cho đến khi chính thức nhập học. Khi tôi lên văn phòng lấy sổ đầu bài, tôi vừa bước vào thì thấy có dáng người quen quen đang lụi khụi lao những cái ghế, cái bảng, cái nào cái nấy sạch bóng như mới mua về. Trong nhất thời tôi vẫn chưa nhớ ra là ai, cũng không biết xưng hô thế nào nên đành nói: “Thầy ơi cho em lấy sổ đầu bài”. Người đó quay lại, trên khuôn mặt còn dính một vài vết bụi. Tôi cố nhìn rõ xem là ai, lúc này tôi mới nhớ đây là bác mà tôi đã gặp hôm tựu trường.
Bác ấy đứng dậy cười và nói: “Sáng giờ Bác lo lau mấy cái ghế nên không để ý cháu vào, sổ đầu bài trên bàn, cháu xem phải lớp mình thì lấy”. Tôi đáp: “Dạ! à mà Bác cho cháu hỏi bác làm gì trong trường vậy?”. Bác ấy trả lời rất tự nhiên và gần gũi: “Bác chỉ làm lao công cho trường thôi”. Tôi thật bất ngờ, bởi với tuổi của bác phải được con cháu chăm sóc phụng dưỡng nhưng bác lại lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, điều này đã gây nhiều xúc động và ấn tượng đối với tôi. Bác nhìn tôi dường như đang suy nghĩ về điều gì, bỗng bác ấy hỏi tôi: “A! Cháu có phải là cậu học sinh hôm tựu trường chưa tìm được phòng phải không?”. Tôi cười và nói: “Dạ phải ạ, nhờ bác mà cháu mới tìm được phòng, cháu cảm ơn bác ạ”. Bác ấy cười và nói: “Không sao, năm nào bác cũng gặp chuyện này cả, à bác thứ hai, cứ kêu là bác Hai được rồi, cho dễ xưng hô”, “Cháu không làm phiền bác Hai nữa, cháu xin phép lên phòng” – Tôi nói. Bác hai nói: “Cháu cứ lên phòng học đi, kẻo trễ”. Rồi tôi lên phòng, từ trên nhìn xuống, tôi thấy bác giặt từng cái khăn lau, tưới cây rồi quét sân mãi đến gần giờ vô tiết mới xong công việc.
Rồi ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng vậy, ngày nào bác Hai cũng đến sớm để mở cửa tất cả các phòng, quét dọn sân trường. Có lần tôi cố gắng đi sớm, khoảng sáu giờ mười lăm phút, tôi có mặt ở trường. Tôi chỉ thấy có một chiếc xe đạp đã cũ dựng ở nhà xe tôi nghĩ chắc của học sinh bỏ quên. Khi tôi đi ngang văn phòng nhìn vào thật bất ngờ khi bác Hai đã có mặt ở trường trước tôi. Tôi thấy bác Hai đang cố bê thùng nước lên máy lọc nước nhưng không được, (thùng nước nặng gần nửa số kí của Bác). Tôi vội vào giúp bác bê lên, bác quay qua nói “Bác cảm ơn cháu, mà sao hôm nay cháu đi học sớm vậy?”. Tôi phân vân không biết có nên nói hay không nhưng rồi cũng đành khai ra: “Dạ, cháu muốn đến xem bác Hai đến trường khi nào”. Bác Hai cười “Trước 5h40 là Bác đã có có mặt ở trường rồi, Bác đến sớm để mở cửa tất cả các phòng và vệ sinh một số phòng nữa”. Lúc này tôi mới cảm thấy thương bác và kính trọng bác nhiều hơn.
Tôi càng cảm thấy thương bác hơn khi nghe bác nói về giờ làm việc của mình buổi sáng từ 5h30 đến 7h00, rồi từ 10h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h00 đến 14h00 (trường tôi 13h45 mới vào tiết 1) rồi từ 16h45 đến 17h45. Mỗi chiều tôi vào trường chơi đá bóng ngày nào tôi cũng thấy bác Hai gần 18h00 mới ra về. Tuy một ngày thời gian làm không nhiều nhưng rời rạc và phải đến sớm về muộn mỗi tháng chỉ được khoảng một triệu rưỡi. Tôi hỏi bác về chiếc xe đạp “Sao nó cũ rồi mà bác không đổi”, khuôn mặt bác hơi trầm xuống và nói:“Vì hoàn cảnh khó khăn, bác còn một người con đang học đại học năm cuối nên tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng đó”. Dường như tôi đã đi quá sâu vào gia cảnh của bác Hai nên tôi nói lời xin lỗi. Bác Hai nở nụ cười và nói “Không sao, cháu cũng không cố ý mà!”.
Rồi ngày này qua ngày kia, ngày nào tôi cũng trò chuyện với bác Hai, dần dần tiếng bác Hai được thay thế bởi “thầy Hai” từ khi nào tôi cũng không nhớ nữa.
Năm tôi học lớp 11, có lần bỏ quên chiếc máy tính trong ngăn bàn, khi về đến nhà mới phát hiện. Chiều vào tôi mới hỏi các bạn xem có ai thấy không, nhưng ai cũng không thấy. Tôi nghĩ “Rồi thế là toi chiếc máy tính, vĩnh biệt mày nhé!!!”. Ngày hôm sau như thường lệ tôi lên văn phòng lấy sổ đầu bài. Lúc này đã gần 6h30, văn phòng chưa mở cửa, lát sau chú Dũng (bán căn tin) lên mở cửa Tôi thấy ngạc nhiên sao mọi hôm Thầy Hai đi sớm lắm sao tự dưng hôm nay lại không thấy, tôi hỏi chú Dũng: “Sao hôm nay không thấy “thầy Hai” vậy chú?”. Chú Dũng hỏi lại: “Thầy hai nào?”. Tôi chợt nhớ “thầy Hai” là tên thường gọi nên ít người biết, tôi mới hỏi lại: “Dạ bác Hai lao công ấy?”. “À, hôm qua mưa lớn, bác Hai về nhà mắc mưa bị cảm nên ở nhà không đến được”. Lúc này tôi cảm thấy lo lắng cho Thầy Hai, không biết bệnh thầy có nặng lắm không. Chưa hết lo lắng, bước lên lớp lại nghe được chuyện ngày hôm qua, bạn Sáng và ViNa bỏ quên chiếc máy tính và hai quyển tập, sáng hôm sau lại không thấy, các lớp khác cũng vậy. Lớp tôi rơi vào tình trạng báo động. Cả ngày hôm đó tôi vừa lo cho Thầy Hai vừa không biết ai là thủ phạm của những vụ trộm trên.
Ngày hôm sau tôi định tan học sẽ qua nhà Thầy Hai để thăm nhưng tôi mới bước vào văn phòng thì đã thấy “thầy Hai” ngồi trong văn phòng rồi. Khuôn mặt còn xanh xao lắm, hôm nay “thầy Hai” còn khoác thêm cái áo ấm đã bạc màu, bình thường chỉ mặc áo sơ mi tay ngắn, bạc màu, chiếc quần tây cũng bạc màu, đi đôi dép cao su. Tôi nhìn mà thấy thương lạ. Tôi bước vào và hỏi thăm “Hôm nay sức khỏe của bác đã đỡ hơn chưa ạ?”. Với giọng hơi khàn “thầy Hai” nói: “Cũng đỡ hơn nhiều rồi, cảm ơn cháu nhá”. “Hình như giọng bác còn hơi khàn”, “À, hôm ấy trời mưa to quá suýt nữa là ở trường ngủ luôn rồi”, “Giọng Bác còn khàn vài bữa nữa là khỏi. Cháu nhắc đến trời mưa bác mới nhớ, hôm ấy các cháu về không ai đóng cửa sổ lại, mưa tạt vào phòng, bác phải đi vào từng phòng để thu gom đồ đạc các cháu để quên đem lên văn phòng kẻo ướt. Phòng cháu hình như có 02 quyển tập và 01 cái máy tính thì phải, buổi sáng bác còn thấy 01 cái máy tính trong phòng cháu nữa nên bác đem cất vào tủ văn phòng. À, cháu có thể lấy ra hộ Bác”. Giờ này tôi mới thấy mình có lỗi, không những để quên đồ trong phòng mà còn nghi ngờ người này, nghi ngờ người khác, rồi vì tính bất cẩn của mình làm cho “thầy Hai” bệnh. Tôi nhận lỗi và nói lời xin lỗi: “Cháu xin lỗi bác vì cháu bất cẩn để quên đồ nên làm bác phải tốn thời gian cất hộ, rồi bị mắc mưa bệnh, lại còn nghi ngờ người khác nữa. Cháu xin lỗi ạ”. “Thầy Hai” cười và nói: “Không sao, chuyện này Bác vẫn gặp hoài”.
Năm cuối cấp, ngày tựu trường thì tôi hay tin bác Hai đã về hưu. Tôi thấy buồn nhưng cũng mừng cho “thầy Hai” vì tuổi đã cao nên cần phải nghỉ ngơi. Thay vào đó là bác ba lao công, tuy còn xa lạ nhưng cũng đã có nhiều ấn tượng với nhiều người. Bác Hai tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn thường xuyên liên lạc. Và tôi xem “thầy Hai” như là người thầy đầu tiên dìu dắt tôi qua ngôi trường trung học phổ thông./.