Trung đặt cái cuốc xuống vệ cỏ, ngồi bệt nghỉ và nhìn lên trên ngọn cây xoan cạnh bờ mương, thấy còn trơ lại đôi tổ kiến to trên những cành cây cuối đông khẳng khiu, trọi lá. Đôi tổ kiến ấy kết chặt trên thân cây, treo cạnh nhau, hạnh phúc. Trung có một cô vợ đẹp, đảm đang song hành với mình và một đàn con xinh, một ngôi nhà nhỏ quây quần ấm áp dưới lưng đồi như tổ kiến ấy. Chỉ là, bao nhiêu năm nay, cứ quanh quẩn nơi góc nhà, làm đồng, làm vườn, làm đồi, tiền kiếm ra ít, Trung không lo cho vợ con có được cuộc sống sung túc, giàu có như đã hứa. Cứ đủ ăn qua năm qua tháng, chứ cũng chưa có của để dành như người ta. Đồng tiền ở quê kiếm khó, mà các con thì mỗi ngày một lớn, mức chi tiêu sinh hoạt trong nhà ngày một tăng lên. Nghĩ vậy, Trung lại thấp thỏm. Anh ngồi dậy, vác cuốc lên vai, tay cầm tổ rơm có ổ trứng chim xinh xinh, bụng bảo dạ trưa về hấp vào nồi cơm cho mấy đứa nhỏ ở nhà nhưng chân lại bước sang phía con đường nhà bác Tính ở cuối xóm.

Từ con đường làng có thể nhìn lên đồi chè, Duyên trên đồi, tay đang thoăn thoắt hái. Làm vợ Trung bao nhiêu năm, khổ đến đâu Duyên cũng chịu được, chẳng bao giờ Duyên than một câu. Con bé Bống thì được nết chịu thương chịu khó giống mẹ, đang tay dắt, lưng cõng hai em lên đồi với mẹ. Hai thằng em sinh đôi nên Bống trông khá vất vả. Ở nhà cứ cõng thằng này, thằng kia đòi. Cõng thằng kia thì thằng này khóc. Bống phải phân bua cõng mỗi em một đoạn đường, chúng nó mới không ganh nhau. Hôm nay, bà nội đi chùa, chắc con bé không gửi bà trông một em được. Đến đoạn nhà bác Tính, khuất hàng rào, Trung không nhìn theo con nữa.

***

Đã quá trưa. Trung về qua cầu, sang sông, thấy con bé lại cõng mỗi em một đoạn xuống dốc đồi đi về, cái thân nó gầy nhàng như cá mắm. Học lớp 2 mà nó chỉ nhỉnh hơn đứa lớp 1 có một mẩu. Cái khổ nhất là vì nó là chị cả, cái gì cũng bị sai. Hở ra là bị mắng khi hai em đùa nghịch. Nhiều khi, đi làm về thấy con nhỏ nheo nhóc, vợ vừa sao chè, mặt mũi nhọ nhem vì củi thông, vừa gắt gỏng con, Trung lại suy nghĩ. Anh đã muốn đi làm xa kiếm tiền về, rồi sắm một cái máy sao chè cho vợ đỡ vất vả, từ lâu rồi.

Sau bữa tối, Bống chạy xuống bà nội khâu cho bà cái cúc áo, hai thằng bé đã thiu thiu ngủ, Trung ngồi hộ Duyên sao nốt mẻ chè, tỉ tê bảo vợ:

– Anh muốn đi làm ăn xa một chuyến với bác Tính, có công trình kha khá cần thợ, mẹ nó ở nhà trông nom con cái cẩn thận. Anh đi đến Tết xem có được món về cho nhà sắm cái máy sao chè, chứ cứ để vợ con vất vả mãi, anh không chịu được.

Duyên thoáng nhăn trán. Mà không phải, khuôn mặt người đàn bà ba con sao đã nhiều quá những nếp nhăn, hay bởi Duyên gầy. Ngày xưa, Duyên xinh là thế mà từ ngày về làm dâu nhà Trung, nỗi vất vả đã ăn mòn cả tuổi thanh xuân. Duyên đáp:

– Mình tính thế nào cho hợp lý thì tính. Làm gì thì cũng phải lo giữ sức khỏe. Em khác lo chu đáo việc nhà, trông nom con cái.

Nhìn những ngón tay đen sạm vì nhựa chè của Duyên đưa lên vuốt vội mấy sợi tóc mai, Trung không khỏi ngậm ngùi:

– Mẹ nó cứ yên tâm. Anh khỏe như voi biển thế này. Mẹ nó ở nhà cứ chăm con cái cho anh là được. Cái Bống nó lớn rồi, trông được em nhưng mắng nó in ít thôi, không nó lại tủi.

Bống vừa chạy từ dưới nhà bà nội lấy ít nhựa đường về cho bố dán cái rổ, nghe lỏm được câu của bố, chạy vào:

– Bố định đi đâu thế?

– Bố định đi làm với bác Tính ở trên thành phố Lạng Sơn. Tết mới về. Con ở nhà, đỡ đần mẹ, trông em, hái chè, nhưng vẫn phải học giỏi đấy nhé. Trung xoa đầu con.

– Bao giờ bố về, bố mua cho con một con búp bê như các bạn nhà giàu trên thành phố ý bố nhé. Bống hăm hở.

– Ừ. Được. Bố nhớ rồi. Ngoan vào ngủ với em đi. Tết về, bố có áo mới cho nữa.

Con bé ngoan ngoãn vâng lời bố. Trung ngồi hộ vợ. Hương chè như quện nhẹ vào hương đêm, thơm ngát.

Nhà là tổ ấm bình yên” - Hành trình cảm xúc dành cho khách hàng tại dự

***

Mấy hôm sau, Trung vác ba lô lên đường. Qua cánh đồng, Trung còn cố ngoái nhìn đôi tổ kiến trên cây xoan, cạnh bờ mương, lấy thêm động lực cho mình.

Đi công trình rồi mà cứ đêm về là Trung lại gác tay lên trán, nghĩ ngợi, canh cánh trong lòng: “Không biết mấy mẹ con nó ở nhà xoay sở công việc thế nào? Con thì bé, việc đồng áng, rồi chè cháo nhiều, chẳng biết Duyên có cáng đáng nổi không hay lại nhọc quá rồi lại cáu gắt con cái suốt ngày”. Ngày nào Trung cũng thấp thỏm lo lắng. Ấy vậy mà không như Trung nghĩ. Ở nhà, Duyên dù bận rộn hơn nhưng chị vẫn thu xếp công việc đâu ra đấy. Mỗi người cố một chút. Duyên hay sao chè đến tận khuya, có khi đến mấy giờ sáng mới xong. Con bé Bống biết nghĩ sớm. Sáng đi học, chiều về lại hộ mẹ trông em, giặt quần áo, hái chè, rồi tranh thủ chiều tối học bài. Những ngón tay của Bống cũng đen nhẻm vì nhựa chè, vì băm rau cho gà, cho lợn. Mùa đông, tay Bống nứt nẻ. Hai thằng bé mười sáu tháng, bắt đầu tập nói, bi bô cả nhà. Bống kiêm thêm cả phần dạy em tập nói. Cô bé ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, càng lớn lại càng xinh xắn như bông hoa chè trên đồi cao kia.

Vụ lúa đông năm đó cả làng mất mùa, những bông lá lúa nhiều sâu bệnh, không được thóc. Những búp chè non biến thành gạo ăn cho cả làng. Cứ đến phiên chợ huyện, Duyên lại đạp xe đi phố bán chè từ tờ mờ sớm, lấy tiền đong gạo. Trưa nắng hanh, chị về muộn vì phải qua nhà thím Chiên đong gạo. Bữa ấy, chị mang được một túi con cò gạo về để trong bếp, rồi vội vã xuống bà nội đón hai con về. Bống đi học về, mở cửa bếp thấy trên chạn có mấy miếng bánh đa. Con bé mừng rỡ, chạy ù đi tìm mẹ, quên cả móc chốt cửa lại. Mấy mẹ con Duyên bồng bế nhau được về đến nhà thì hỡi ôi, con lợn cái gầy như con hạc nhà bác Minh xổng chuồng, chạy qua cửa ngách, phi vào bếp, đang ủi rồi nhai gạo một cách ngon lành. Duyên hốt hoảng chạy vào, tìm que  đánh xua “con hạc” đi rồi vội vã vét chỗ gạo đổ còn lại dưới nền đất, may ra vớt vát được bữa cơm trưa. Con bé Bống sợ rúm người lại, run rẩy:

– Tại con…không chốt cửa. Con vội đi tìm mẹ.

Nóng nảy, tiện cái que xua lợn, Duyên vụt con Bống mấy roi. Hai thằng bé hoảng sợ, khóc theo chị nó. Mấy đứa trẻ khóc om cả nhà. Mắt Duyên rơm rớm vì thương con, tiếc gạo. Trưa đó, chị vo nốt chỗ gạo còn lại nấu cơm. Bống không dậy ăn, nằm khóc sưng híp mắt. Rồi con bé trốn lên đồi chè lúc nào Duyên không biết. Đó là một trưa cuối đông, những bông chè vẫn trắng muốt khoe nhị vàng, rực rỡ trong nắng. Duyên lên đồi tìm con. Thấy nó ngồi bần thần, tay cầm que bạch đàn viết vời dưới nền đất chữ “bố Trung”. Tự dưng Duyên cũng thấy chạnh lòng, thương con rồi nhớ chồng. Chị mong Trung về thật mau cho nhà cửa ấm cúng. Duyên bảo con bé Bống về vào bếp lấy cơm ăn rồi bón cơm cho hai thằng bé. Bống cắm đầu lủi thủi về. Rồi nó vừa trông em vừa học bài. Thấy mẹ Duyên chuẩn bị đi đong gạo, con bé lại thủ thỉ:

– Mẹ không giận con nữa nhé. Mà bố sắp về chưa hả mẹ?

– Chắc đến hai ba Tết là bố về rồi. Hôm nọ thấy bá Thắm nhà bác Tính bảo thế. Công trình của bác đang hoàn thiện để cho họ ăn Tết ở nhà mới. Bố sẽ về sớm.

– Bố về thì con bảo bố cho mẹ nhiều tiền để đong gạo.

Duyên ôm con bé vào lòng, xoa cái vết bầm ở chân Bống. Hai thằng em ganh với chị bám lấy mẹ, đòi bế. Lâu rồi, chị mới lại ôm con gái. Lớn rồi, chẳng còn được mẹ chiều chuộng như hai thằng em nhỏ nữa.

***

Giáp Tết, hoa đào trước cửa nhà đã đơm nụ hồng. Duyên đi cấy nốt ruộng lúa. Duyên dặn con bé Bống gửi hai em xuống nhà bà nội để đi mang mười lăm cân chè đi rao quán nhà thím Chiên trên phố huyện. Chiều mưa xuân đổ, gió còn lạnh qua đồi, bố Trung còn chưa về mua tất mới cho con gái. Nghĩ đến con bé không ngại đường xá xa xôi, chân dép lê đạp xe năm cây số sang cho thím, Duyên cũng thấy sốt ruột.

Duyên về đến nhà, thấy môi Bống tím lại, tay chân cóng lên, con bé rúc luôn vào chăn tìm hơi ấm. Nhưng hình như, Duyên thấy nhà mình có gì khang khác. Góc nhà, có ba lô của Trung. Có một túi gì to lắm, như là túi quà. Mừng rỡ, Duyên định bảo con bé chạy xuống nhà bà nội thì thấy Trung đang bế hai thằng bé trên hai tay về đến giữa cổng:

– Anh về rồi đây này.

Mặt Duyên giãn ra:

– Ơ. Bố nó đã về kìa.

– Bố. Sao bố đi làm lâu thế? Giờ bố mới về? Con bé Bống túm áo bố, rối rít.

– Phải làm xong nhà cho người ta bố mới được về chứ.

– Con vừa đi rao chè cho nhà thím Chiên về đấy bố. Bố thấy con giỏi không?

– Giỏi. Con gái bố giỏi nhất.

Hai thằng bé cũng líu ríu rồi cười khanh khách theo:

– Giỏi! Giỏi.

– Bố về cho mẹ tiền đong gạo nhé. Hôm mẹ đi bán chè đong gạo, bị lợn nhà bác Minh ăn hết rồi.

– Ừ. Bố không chỉ có tiền cho mẹ đong gạo. Bố còn có tiền mua cho các con quần áo ấm. Rồi mua cả búp bê cho con nữa đấy.

– Con thích lắm! Yêu bố nhất.

Bống mở hộp quà ra. Cô bé mừng rỡ ôm búp bê vào lòng. Trung nhìn lướt qua vợ, thấy bùn còn dính trên mép, trên má, bật cười:

– Mẹ nó mang cả bùn ruộng trên má về đón bố nó.

Duyên vừa lau má, vừa nhoẻn cười:

– Đón bố nó mà, phải tất tả chứ lị.

Con bé Bống chạy vù lên đồi chè, réo thật to: “Bố đã về”. Trung ngước nhìn theo, thấy trên đồi chè, những búp xanh non, như vừa tắm mưa xuân vừa reo vui, hứa hẹn một lứa chè ngon, thơm ngát. Ngoài cánh đồng, chắc những lá đã mơn mởn trên cành xoan, mượn gió trêu đôi tổ kiến nhỏ xinh.

Ngày ngồi bên bờ mương, ngắm đôi tổ kiến, Trung đã hứa mua cho vợ cái máy sao chè. Chỉ một lát nữa thôi, khi thợ chở máy đến nhà, những đứa trẻ sẽ reo hò ầm ĩ, Duyên sẽ vui biết bao. Mới nghĩ đến đó, Trung như đã thấy trước mắt mình những nụ cười nở xinh ấm áp và bên tai mình tiếng máy sao chè rộn ràng cả trời xuân.