Chợ nằm cạnh nghĩa trang hay nghĩa trang nằm cạnh chợ? Trầm tự hỏi khi ngồi trong quán nước nhìn sang. Ngớ ngẩn! Cô bật cười với suy nghĩ đó của mình. Có lẽ không ai đặt câu hỏi giống như Trầm. Nhưng không hiểu sao người ta lại họp chợ ở một nơi như thế này, dù đó chỉ là một khu chợ tạm đi chăng nữa? Nó làm Trầm nhớ câu chuyện ngày mình còn bé nghe bà kể về những người đi chợ lúc tờ mờ sáng vẫn thường gặp ma mua hàng và khi mặt trời lên thì tiền biến thành lá mít, vỏ sò…Ở đây có ai từng gặp ma chưa nhỉ? Mà thời buổi nào rồi còn tin mấy chuyện ma cỏ.

Một người đàn ông bước vào quán cất giọng oang oang:
“Sáng giờ có thấy ông Mậu ra đây chưa bà Hai?”

Trầm hơi khó chịu trước cách nói chuyện của người đàn ông, làm như cái quán này chỉ có một mình ông không bằng. Cô đưa mắt lên nhìn người đàn ông vừa lên tiếng; dáng người thấp đậm, khuôn mặt có vài vết sẹo chạy ngang. Không một chút cảm tình.

Bà chủ quán nghe gã hỏi vội trả lời:
“Không thấy. Mà sao nay ổng tới trễ vậy ta?”

Trầm có chút tò mò cố vểnh tai lên mà nghe.

“Ừ. Lạ nhỉ? Hay là hôm nay ổng không tới?”

“Không đâu. Chắc tới trễ…”

” Chừng nào ổng tới bà Hai gọi điện báo tôi biết nha”

“Ừ. Ổng tới tao sẽ gọi cho mầy”

Người đàn ông nghe xong câu trả lời của bà chủ quán nhanh chóng đi ra. Mất dạng.

Trời bắt đầu trưa, khách cũng vãn. Bà chủ quán bước ra ngồi trên chiếc ghế tựa gần chỗ Trầm đang ngồi, quay sang hỏi:

“Con đợi ai à?”

“Không. Con chỉ tình cờ đi ngang qua đây và…ngồi lại”. Trầm không muốn nhắc với bà chủ quán cái dự án có vẻ điên khùng của mình trước khi đặt chân đến đây nữa; trồng rừng trong đô thị. Trầm tin rằng đô thị và các hệ sinh thái tự nhiên có thể tồn tại song song khi lá cây giúp lọc không khí, rễ cây hút nước thải và tán cây che bóng mát, bằng việc tạo ra các khu rừng mini với các loài cây phát triển nhanh. Nhiệm vụ của Trầm và các thành viên trong nhóm là thăm dò chất đất, các loài cây bản địa thích hợp và sau đó dùng máy tính để tính toán mật độ cây phù hợp. Sau hai năm, nhóm của Trầm sẽ chuyển giao cho cộng đồng chăm sóc. Công việc mà từ đứa trẻ đến cụ già đều có thể làm được. Nhưng có lẽ Trầm phải đến một nơi khác. Ở đây giá đất đang sốt lên từng ngày và không ai muốn bỏ ra cả trăm mét vuông để nhóm của Trầm thử nghiệm dự án. Dù ai cũng biết lợi ích của rừng và mỗi ngày một diện tích rừng bằng 36 sân bóng đá trên trái đất lại bị biến mất đi chăng nữa.

Bộ ảnh cưới thiếu nữ xinh đẹp cầu hôn người rừng sau khi bị bắt cóc

“Sáng giờ con nghe mấy người nhắc đến ông Mậu. Ông ta là ai vậy dì?”. Hỏi xong, Trầm thấy mình hơi nhiều chuyện nên quay mặt lại nhìn sang hướng khác sợ cái nhìn khó chịu từ bà chủ quán.

“À…con thấy cái nghĩa trang và cái chợ bên kia đường không? Của ổng đó. Cả khu đất này nữa”.

“Vậy ông ta chắc chắn là một đại gia rồi. Đất ở phố Sập nầy đang sốt xình xịch”.

Bà chủ quán cười lớn, trả lời Trầm:

“Không. Ổng không giàu nếu không muốn nói là nghèo”

“Vậy…tại sao…?”.

Trầm đưa mắt nhìn bà chủ quán với vẻ khó hiểu hiện ngay trên khuôn mặt. Không có ai nghèo mà để cả khu đất rộng mênh mông như thế này cho người ta làm nghĩa trang, chợ và cả dãy hàng quán như thế này cả. Lạ thật!

“À…chuyện là như thế này…”

Bà chủ quán bắt đầu kể cho Trầm nghe câu chuyện về người đàn ông tên Mậu…

“Phố Sập trước kia vốn là làng Sập. Cả một vùng đất hoang với vài mươi gia đình sinh sống. Ông Mậu là một trong những người đầu tiên về đây. Thế rồi những năm 80, dòng người lũ lượt kéo về. Họ cũng không mặn mà gì với mấy đám ruộng nhiễm phèn, năm được năm mất mà chủ yếu là chờ cơ hội vượt biên. Bởi phía ngoài kia là sông, là đước, là bần,…mà bộ đội không tài nào quản hết được…

Nắm thời thế, ông Mậu đóng ghe tổ chức cho người vượt biên. Cứ gom đủ mười lăm, hai chục người thì ông lại làm một chuyến “ra khơi”, cho họ đi tìm “vùng đất mới”. Còn ông chỉ đưa họ ra tới cửa sông lại quay về chuẩn bị cho chuyến đi khác. Không biết những chiếc ghe của ông Mậu, có bao nhiêu chiếc vượt biên thành công để sang trại tị nạn chờ cơ hội sang nước thứ ba, bao nhiêu chiếc nằm lại dưới đáy biển sâu. Nghe nói hồi đó không cần ra tới biển mà ở trong nhánh sông nầy, mấy người giăng câu vẫn thường thấy xác người. Đó là những trường hợp bị cướp giết hay chết bất đắc kì tử bị vùi đại dưới lớp bùn non trong rừng đước. Sóng đánh lại lộ ra…

Người ta sao mặc kệ, chỉ biết ông Mậu thu được rất nhiều tiền. À không, là vàng mới đúng. Mỗi người ra đi đều phải đóng cho ông cả cây vàng. Vậy là chẳng mấy chốc ông giàu, rất giàu…”

“Khi người ta kiếm tiền dễ dàng thì cũng không nghĩ đến sinh mạng của hàng trăm con người đó như thế nào? Nhưng…sau đó lại đến lượt gia đình ông gặp họa…”. Bà chủ quán buông câu cảm thán.

“Không biết trời sui đất khiến thế nào mà đang sống cảnh sung túc như thế thì vợ con ổng nằng nặc đòi đi. Ông cấm. Ông cản. Nhưng khi người ta muốn đi thì ông có cấm cản cũng bằng thừa. Vợ ổng cùng mấy đứa con gom số vàng tích trữ bao lâu nay của gia đình ông rồi lẳng lặng ra đi. Ra chưa tới biển thì gặp cướp. Thế là mất sạch, cả tính mạng cũng không còn…”

Trầm chăm chú lắng nghe. Trong đầu cô cố tưởng tượng lại cảnh phố Sập ngày xưa khi bây giờ nhìn ra chỉ thấy khu công nghiệp, cầu cảng phủ kín cả dòng sông mà đâu thấy lạch, đước, bần đâu cả. Bà chủ quán nhấp ngụm nước cho đỡ khát rồi bắt đầu kể tiếp với Trầm:

“Ông Mậu đi tìm vợ con mất mấy ngày mới gặp. Đem về chôn cất ở nghĩa trang nầy. Đó…Bốn cái mộ ở gần đường là của vợ con ổng”- bà chủ quán vừa nói vừa chỉ tay sang phía nghĩa trang cho Trầm thấy.

Trầm thắc mắc hỏi:
“Nhưng cũng đâu liên quan gì đến chuyện ổng bỏ cả khu đất nầy?”

“Sau lần đó ổng gần như phát điên. Người ta đồn do linh hồn những người ổng đưa đi vượt biên chết bất đắc kì tử ám nên kéo theo vợ con ổng. Vợ con chết, vàng bạc tích cóp cũng không còn, chỉ còn lại khu đất này. Ông Mậu cứ chèo ghe ra ngoài sông tìm kiếm xác chết bị vùi lấp mà đem về đây chôn cất. Lúc đầu chỉ là những người vượt biên hay không người thân thích. Dần dà người dân ở đây cũng đem ra chôn cất. Vậy là nơi nầy biến thành nghĩa trang. Chỉ từ khi lên phố thì Nhà nước không cho chôn cất ở đây nữa. ”

“Còn cái chợ?” -Trầm hỏi.

“Chợ chỉ có từ khi cái khu công nghiệp kia mọc lên. Dân xứ khác đổ về nhiều”.

“Ông Mậu…ổng sống gần đây không dì?”

Bà chủ quán cất tiếng thở dài, định trả lời Trầm thì có người khách bước vào. Bà nhìn người khách lên tiếng:
“Nay ông Mậu tới muộn vậy? Tui tưởng ông không tới”

Nghe tên Mậu, Trầm ngước mắt lên nhìn cho rõ. Một ông già dáng dong dỏng cao, đôi mắt sâu hoắm. Nhất là những nét khắc khổ in hằn lên khuôn mặt.

Ông Mậu nhìn bà chủ quán trả lời:
“Tôi bận nên tới muộn. Y như cũ nha bà”.

Nói xong ông Mậu bước đến cái ghế bên tay phải Trầm mà ngồi, mắt nhìn về phía nghĩa trang. Trầm tính bắt chuyện nhưng cũng không biết mở lời làm sao. Đành im.

Bà chủ quán bưng nước ra cho ông Mậu đặt xuống bàn. Ông Mậu ngước mắt nhìn bà chủ quán lên tiếng:
“Hôm qua tôi lại ra sông…”

Bà chủ quán thở dài hỏi nhỏ:
“Ra sông? Lẽ nào ông lại không yên giấc…?”

“Ừ, Tôi lại mơ thấy thằng út khóc lóc, than lạnh với tui…” Đến lượt ông Mậu cất tiếng thở dài.

“Nhưng mà cũng mấy chục năm rồi. Bây giờ ngoài đó đâu còn giống như xưa…”

“Ừ. Sông lạch bị bồi lấp. Cả cánh rừng đước ngoài kia cũng không còn. Chắc nó đã bị vùi lấp đâu bên dưới mất rồi.”

Trầm liếc mắt nhìn ông Mậu, thấy xót thương. Có lẽ hành trình đi tìm kiếm đứa con út mất tích kết thúc trong vô vọng.

Bà chủ quán bước lại ngồi cạnh bên ông Mậu chầm chậm nói:
“Đúng là bây giờ không ai nhận ra làng Sập ngày xưa nữa. Mới mấy chục năm mà thay đổi hẳn. Đâu đâu cũng là nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng…Khu đất sát bên nghĩa trang, tui nghe nói họ cũng sắp xây cao ốc rồi. Cả cái nghĩa trang hình như cũng di dời thì phải ?”

“Ừ. Họ cũng hỏi mua khu đất này của tui”

“Ông bán không? Chắc cả trăm tỷ chứ ít gì?”

“Bán…? Bán để làm gì? Tui già rồi. Không con không cái. Sống nay chết mai. Có trăm tỷ cũng không mang theo được”

“Vậy ông tính làm gì?”

“Phía bên này tôi tính hiến cho Nhà nước làm trường học cho trẻ. Còn bên kia thì tôi tính…trồng rừng”

“Trồng rừng…?” Bà chủ quán trố mắt ngạc nhiên. Mà ai không ngạc nhiên cho được khi ông Mậu lại làm cái chuyện ngược đời như vậy.

“Mấy mẹ con bả sinh ra từ rừng, chết đi giữa rừng, thì bây giờ nếu hương hồn còn lại đâu đó ở đây cũng có rừng mà che mát. Cũng là cách mình…trả lại cho đời”.

Trả lại cho đời…Trầm lẩm nhẩm câu ông Mậu vừa nói bất giác mỉm cười. Cái dự án điên khùng tưởng chừng đi vào ngõ cụt của cô bỗng nhiên lóe lên hy vọng từ ông già Mậu. Cô sẽ gặp riêng ông Mậu mà trình bày dự án của mình. Nếu dự án này được thử nghiệm thành công sẽ mở ra cơ hội cho nhóm của Trầm triển khai thêm nhiều dự án “rừng trong đô thị” ở những nơi khác.

“Thôi tôi đi sang thăm mấy mẹ con bả kẻo vài hôm nữa không thể…”. Tiếng ông Mậu lại vang lên.

Trầm nhìn theo dáng liêu xiêu của ông già bước sang nghĩa trang bên kia đường. Trong đầu cô, một cánh rừng xanh tươi rậm rạp thấp thoáng hiện ra…

Q.V