Hoàng hôn buông dần, xóm chài ven sông cũng chỉ còn tiếng rì rào của những hàng dừa nghiêng nghiêng trên bờ cát. Thy đưa mắt dõi theo một cánh buồm xa xa cuối đường chân trời. Mặt biển êm đềm là thế, thỉnh thoảng từng con sóng xô vào ghềnh đá rồi tung lên những bọt nước trắng phau. Biển chiều nay buồn quá, mặt trời không tỏa ánh hoàng hôn rực rỡ mà như trốn ở nơi nào, chỉ có một màu xám xịt và những cánh chim cũng màu xám đang vội vã tìm nơi trú ngụ. Biển thật buồn như đôi mắt của Thy. Thy đã ngồi yên như thế không biết bao lâu cho đến khi thủy triều dâng cao. Bờ cát dài ngút tầm nhìn giờ chỉ còn mênh mông nước, không còn dấu vết của những bước chân nô đùa của bọn trẻ con đâu nữa.

“ Biển một bên và em một bên”, Hải đã trả lời Thy bằng một câu hát khi quyết định vẫn chọn cho mình nghề bám biển. Đối với Hải, anh chỉ thực sự thấy mình được sống những khi dong buồm vươn khơi. Nhà Hải cũng như nhà Thy và những gia đình khác ở vùng ven này, bao đời nay đều sống dựa vào nghề đánh cá. Nếu như ngày xưa không có sự lựa chọn nào khác, còn bây giờ, Hải vẫn gắn bó với biển là vì một tình yêu với biển bao la, và vì dưới muôn ngàn lớp sóng kia có biết bao người dân quê anh đi mãi không về. Đối với anh đó là một nỗi đau mất mát mà cũng là một thứ duyên nợ, buộc chặt đời anh với biển.

Còn nhớ cơn bão mùa hè năm Thy tròn 10 tuổi, cha Thy đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu. Biển đã nuôi sống bao thế hệ gia đình Thy, vậy mà biển cũng lấy đi tất cả. Chắc là ánh mắt của Thy buồn từ dạo đó khi ngày ngày ra biển ngóng đợi cha trở về. Những con thuyền cập bến là những tia hy vọng mong manh được thắp lên, để rồi cuối cùng bị tắt phụt đi, như ngọn đèn dầu le lói trước những cơn cuồng phong của biển. Ngay cả sau này, Thy có thói quen hễ thấy cánh buồm ngoài từ xa khơi trở về, là cứ đợi mãi cho đến khi biết chắc rằng trên đó không hề có cha. Mẹ bảo sau này con chớ nên yêu người làm nghề biển, sẽ như mẹ bây giờ, tâm hồn là bờ cát dài câm lặng, chờ đợi những con sóng bạc đầu tan ra, tan ra…

5 địa điểm ngắm trăng lý tưởng dịp Trung thu tại Hà Nội

“Ngó hoài ra tận biển Đông,
Thấy mây thấy nước, sao không thấy chàng?”

Vậy mà Thy yêu Hải, một chàng trai miền biển rắn rỏi có nước da ngâm ngâm và đặc biệt là nụ cười giòn tan giống hệt như cha. Người mà Thy đã tình cờ gặp trong một chiều cũng như mọi buổi chiều từ khi vắng cha, cô hay lang thang nơi cuối bãi. Mến nhau ở ánh mắt nụ cười mà yêu nhau từ khi nào không biết, dân miền biển thật thà nên tình nghĩa cũng đậm đà theo. Trái ngược với Thy, Hải lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, mặc dù anh phải gánh gồng thay cha nuôi ba đứa em còn đang tuổi ăn tuổi học. Kể từ lúc cha Hải bị một tai nạn khiến ông không thể đi biển được nữa, Hải bỏ học hẳn và thay cha trở thành trụ cột của gia đình. Anh không thể cùng Thy thực hiện giấc mơ trên giảng đường đại học. Nói thế nào cũng không thay đổi được Hải, có lẽ một phần vì gánh nặng gia đình và một phần là vì nghề đi biển đã có sẵn trong máu của anh rồi. Kể từ lúc cha mẹ anh đặt cho anh cái tên là Trường Hải.

Sở dĩ mà có cái tên đó là do Hải được sinh ra trong một lần cha anh đi biển dài ngày. Biển rộng sông dài như tình yêu bao dung của người thiếu phụ. Hải cũng đã từng trăn trở rất nhiều cho số phận của những người con ở làng chài này. Không có đất nông nghiệp, họ mưu sinh bằng nghề đánh bắt, sống nhờ biển khơi. Nhưng cuộc sống của họ đầy bất trắc bởi đâu phải ai cũng có sức mà ra biển. Chỉ những đàn ông, những người đàn bà khỏe mới đủ sức đi. Còn một số lượng lớn người già và trẻ nhỏ phải sống nhờ những người đi biển kiếm cá, để có tiền chi dùng cho những sinh hoạt hàng ngày. Ðứa trẻ sinh ra đã biết vị mặn mòi của biển, vị tanh nồng của sinh vật biển, nhưng phải đến tuổi 14, 15 mà phải có sức khỏe chúng mới được phép ra khơi. Còn không, chúng dật dờ nơi bãi cá, chờ người lớn về chỉ để nhặt nhạnh những con tép còn mắc trên lưới. Nửa đêm, khi những người bình thường mới say vào giấc ngủ, thì người dân đã phải trở dậy để ra khơi. Chưa kể đến việc phụ thuộc vào thời tiết, nhiều khi tính khí biển thất thường nên hay gặp những sự cố khiến thiệt hại về người và của là rất lớn. Biết là nguy hiểm, khó khăn vất vả, người dân vẫn phải cố gắng làm lụng, rồi cầu trời khấn phật cho biển lặng, để việc đánh bắt thuận lợi và an toàn.

Hải cũng không rõ đã bao nhiêu đời người sống và đánh cá trên cái làng chài này, chỉ nhớ rằng khi xưa cha theo ông ra biển rồi thì anh lại theo cha, cứ như vậy từ đời này sang đời khác. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió khó khăn là thế nhưng Hải luôn nhìn về tương lai, hy vọng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật rồi sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc đánh cá cũng như tránh được những biến cố do thiên tai. Nên anh vẫn quyết định gắn bó với làng chài này, vùng biển này, anh yêu biển và yêu Thy như yêu hàng phi lao xạc xào trong gió.

Nước biển mặn như nước mắt người cô phụ. Nếu ai đã từng trải qua những tháng ngày đằng đẵng đợi chồng thì mới hiểu được vì sao mẹ Thy không muốn cô yêu Hải. Bà không muốn con gái rồi cũng sẽ như mình, bao tháng ngày tuổi xuân chỉ để chờ đợi trong nom nớp lo sợ. Thy thương mẹ nhưng cũng không làm sao quên được Hải. Tình yêu là một điều gì đó khó lý giải và huống chi biển cũng nuôi cô lớn lên, nắng và gió biển cũng thấm vào trong từng suy nghĩ. Những năm dùng những đồng tiền chắt chiu được của mẹ và của chính mình đi học, Thy vẫn mong ngày tốt nghiệp trở về để cống hiến một phần sức lực cho quê hương. Có nhiều người cũng ngõ lời yêu nhưng hình như trong cô luôn có một thứ tình cảm lớn lao hơn đó là tình yêu đối với mảnh đất ven biển đầy nắng gió này và… với Hải. Ngay cái lúc nhìn thấy Hải chơi đùa cùng những đứa học trò nhỏ của cô trên bãi biển, Thy đã biết rằng cuộc đời mình rồi cũng sẽ gắn liền với thủy triều lên xuống, với những cánh hải âu chấp chới trên biển xa và với những cánh buồm khi mờ khi tỏ tận chân trời.

Rồi ánh trăng cũng xé mây nhô lên, sáng mênh mông cả một vùng sóng nước. Từng cơn sóng lao xao vỗ vào ghềnh đá như là vuốt ve, như là muốn chạm vào một chút yêu thương. Chắc là Hải đang say sưa đuổi theo những luồng cá ngoài khơi xa, rồi cười khoái chí khi trúng những mẻ cá lớn. Niềm vui của người làm nghề biển đơn giản chỉ có thế, Thy cũng bất giác mỉm cười khi sờ lên chiếc vòng bằng vỏ sò mà Hải làm tặng nhân dịp sinh nhật cô. Trong ánh trăng biển mơ màng, dường như Thy thấy đoàn thuyền đánh cá đang trở về mang theo rất nhiều sản vật biển và cả lời hứa hôm nào của Hải. Rồi Hải sẽ chứng minh cho mẹ Thy thấy rằng, anh sẽ mạng lại cho Thy hạnh phúc. Đã là duyên nợ rồi, tình yêu của hai người bỗng lớn hơn gấp vạn lần khi nó gắn liền với tình yêu quê hương, tình yêu biển bao la!