Các triều đại phong kiến Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử và trong đó là rất nhiều vị vua đã lên ngôi. Mỗi người đều có những câu chuyện khác nhau và trong đó là rất nhiều những kỉ lục “vô tiền khoáng hậu”. Xin mời các bạn xem qua những thông tin bên dưới.

1. Vị vua duy nhất là nữ

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Thiên Hinh tức Lý Chiêu Hoàng, được vua cha phong là Chiêu Thánh công chúa. Năm 1224, bà được vua cha trao ngôi cho. Lý Chiêu Hoàng trở thành nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam. Sinh ra trong giai đoạn nhà Lý suy yếu, bà có những bước rẽ không thể đoán định. Từ khi được thái tổ Lý Công Uẩn sáng lập năm 1009, trải qua quá trình hưng thịnh, đến đời của những vua như Cao Tông, Huệ Tông, nhà Lý đã suy yếu hẳn. Sau 1 năm tại vị, bà bị Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, kết thúc hơn 200 năm cai trị của nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng là vua cuối cùng của nhà Lý.

2. Vị vua có thời gian trị vì lâu nhất

Vua Lý Nhân Tông là con trưởng của Lý Thánh Tông, lên ngôi năm 7 tuổi, được Thái hậu Ỷ Lan, Thái sư Lý Đạo Thành và Thái úy Lý Thường Kiệt giúp đỡ trong việc triều chính, nhờ đó mà Đại Việt ngày càng mạnh. Ông khuyến khích học hành và thi cử theo Nho học, mở khoa thi đầu tiên ở nước ta (1072) và xây dựng Quốc Tử Giám (1076).
Dù trị vì nhiều năm và có nhiều thê thiếp nhưng Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi. Ông chọn một người cháu là Lý Dương Hoán làm thái tử, sau khi ông mất Dương Hoán lên ngôi lấy hiệu là Lý Thần Tông. Tổng thời gian trị vì của ông là 56 năm.

3. Vị vua lên ngôi trẻ nhất

Vua Lê Nhân Tông (1441 – 1459) lên ngôi năm 1 tuổi, là vị vua thứ ba của nhà Hậu Lê. Do vua cha Lê Thái Tông mất sớm, lúc mới 19 tuổi trong vụ án Lệ Chi Viên ngày 4/8/1442, chỉ 4 tháng sau vào ngày 8/12, Nhân Tông được các đại thần là Trịnh Khả, Lê Thụ và Nguyễn Xí lập lên ngôi. Khi ấy, ông được 1 tuổi 6 tháng, là vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Từ khi còn nhỏ, vua Lê Nhân Tông đã bộc lộ con người sáng suốt, nhân từ, luôn giữ đất nước được bình yên, được quần thần và nhân dân đánh giá là vua nhân ái. Tuy nhiên, ông mất sớm vào năm 1459 do bị Lê Nghi Dân ám sát.

4. Vị vua có nhiều hoàng hậu nhất

Theo sách “Kể chuyện chốn hậu cung”, Thái tổ Lý Công Uẩn, vị vua sáng lập triều Lý, có nhiều hoàng hậu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có tới 9 vị hoàng hậu. Ông từng phong cho 9 vợ của mình làm hoàng hậu triều Lý (6 bà lập năm 1010, 3 bà lập năm 1016). Tuy nhiên, tên tuổi từng hoàng hậu đến nay không còn được ghi chép cụ thể.

5. Vị vua có nhiều con nhất

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, vua Minh Mạng sinh năm 1791, tên Nguyễn Phúc Đảm và là con thứ tư của Gia Long. Ông không lập hoàng hậu nhưng có rất nhiều phi tần. Họ sinh cho ông tổng cộng 142 người con trong đó có 78 hoàng tử và 64 công chúa. Đồng thời vua Minh Mạng cũng là người nắm giữ kỷ lục vị vua mở đất mạnh nhất, rộng nhất. Dưới sự trị vì của ông, đất nước ta được mở rộng từ Bắc chí Nam.

6. Vị vua có nhiều thơ văn nhất

Đó chính là vua Tự Đức. Ông là vị vua nhân từ, hiếu đễ, luôn nặng lòng việc nước, việc dân, đề cao Nho học, là người ham học, hiểu biết nhiều và yêu thích thơ văn. Ông có hơn 300 bài thơ, văn trong đó có nhiều thơ bằng chữ Hán. Ông cũng làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu.

7. Vị vua trường thọ nhất

Bảo Đại chính là vị vua trường thọ nhất. Ông sinh năm 1913, mất năm 1997, thọ 85 tuổi. Bảo Đại là vị vua thứ 13 và cũng là cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, cũng là vị Hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Từ Bảo Đại chỉ là niên hiệu của ông, tục lệ nhà Nguyễn các vị Hoàng đế đời trước chỉ giữ một niên hiệu nên dân gian hay dùng niên hiệu để chỉ vị Hoàng đế đó. Ông đồng thời cũng là Hoàng đế của Đế quốc Việt Nam (1925-1945) và là Quốc trưởng của quốc gia Việt Nam (1949-1955). Sau khi thoái vị, Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp và qua đời tại đây.

Van Ngo