Vào ngày 01 tháng 12 năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam Phủ” đã chính thức được Unesco công nhận là di sản Văn Hóa Phi Vật Thể đại diện cho nhân loại thứ 11 của Việt Nam. Đây là một sự công nhận, chứng tỏ tầm quan trọng của Nghi lễ Hầu Đồng trong đời sống văn hóa và tâm linh của một bộ phận người Việt Nam từ xa xưa cho đến bây giờ.

Chúng ta biết rằng, Hầu Đồng là một nghi lễ chính gắn với đạo thờ Mẫu, thờ Tam (Tứ) Phủ. Chưa thể xác định được thời điểm xuất hiện nghi lễ Hầu Đồng, nhưng chắc chắn rằng, nghi lễ này có xuất phát điểm ở miền đồng bằng Bắc bộ. Và phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở cả miền Bắc và miền Nam.

Tìm Hiểu Về Trang Phục Hầu Đồng, Tìm Hiểu Về Hầu Đồng: Khăn Chầu Áo Ngự -  Zipit.vn

Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời; tồn tại và phát triển theo từng thời kì lịch sử của đất nước. Nó mang một ý nghĩa đặc biệt và là một tín ngưỡng đa chiều, đa văn hóa, không phân biệt dân tộc, vùng miền. Điển hình là trong Đạo Mẫu có thờ những vị Thần người Dân tộc thiểu số, như: Bà Chúa thượng ngàn, Cô Chín thượng ngàn, Quan đệ tam Giám sát thượng ngàn… Và cũng chỉ trong Đạo Mẫu mới hướng cho con người đến đời sống hiện tại với những mong ước rất đời thường: đạo hiếu, mong cầu cuộc sống ấm no, sức khỏe và sự bình yên. Đạo Mẫu không đi sâu vào thế giới của con người sau khi chết.

Bên cạnh đó, Hầu Đồng trong Đạo Mẫu còn là một nghi lễ tổng hoà các giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay. Có thể thấy trong một buổi Hầu Đồng đúng nghĩa, các giá trị văn hóa dân gian được thể hiện rất rõ trong cách bày trí màu sắc, vũ đạo, và âm nhạc. Nhất là âm nhạc, từ Hầu Đồng đã cho ra lối hát Chầu Văn vô cùng độc đáo và có sức cuốn hút mạnh mẽ.

Tiếc rằng, những giá trị văn hóa nghệ thuật, những ý nghĩa đích thực của nghi lễ Hầu Đồng trong thời gian gần đây đã bị biến tướng rất nhiều ở một số vùng miền; Sự biến tướng rất nghiêm trọng và gây ra rất nhiều hệ lụy.

Sự biến tướng đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, đi giữa lằn ranh “mê tín dị đoan” và “tín ngưỡng”. Một số người đã lợi dụng niềm tin của con nhang đệ tử để trục lợi qua hình thức đồng bói và “xin lộc”. Nghĩa là những người Hầu Đồng lợi dụng chuyện hư hư thực thực của việc Thần Thánh nhập vào để bói toán (Thánh phán) để kiếm tiền; đồng thời răn dạy những con nhang đệ tử phải đóng góp và cúng dường nhiều tiền của để được hưởng nhiều “lộc âm”… Chính lòng tham và sự trục lợi này đã biến Hầu Đồng từ một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thành mê tín dị đoan. Thêm nữa, với cơ chế thị trường hiện nay, thì sự biến tướng của Hầu Đồng ngày càng phức tạp.

Hầu đồng là gì? Ý nghĩa của việc hầu đồng?

Nếu xưa kia, việc Hầu Đồng chỉ đơn giản là một hoạt động tín ngưỡng nhằm mục đích nhớ ơn, tôn vinh những người có công với nhân dân, đất nước đã được Thần Thánh hóa, hoặc là lễ hội vui mừng cầu cho Quốc thái Dân an. Thì ngày nay, ở một số Đền, Điện trong cả nước có thể mở lễ Hầu Đồng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Điều này làm cho nghi lễ Hầu Đồng mất dần ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Dẫn tới việc ai cũng có thể ra Đồng mà không cần có căn cơ.
Một số Thủ Đền, Thủ Điện lợi dụng niềm tin vào Đạo Mẫu và các vị Thánh Thần trong Tứ Phủ để bày vẽ các lễ vật đắt tiền, các hình nộm vàng mã thật to, thật lớn. Họ nhấn vào niềm tin mơ hồ và sự sợ hãi thất lễ đối với Bề trên. Sự thành tâm của người dâng lễ là cơ hội cho bọn “buôn Thần bán Thánh” lợi dụng với mục đích xấu xa, bỉ ổi. Điều này làm cho nghi lễ Hầu Đồng mất đi nét đẹp văn hóa và ý nghĩa vốn có. Làm cho người khác nhìn vào với thái độ e dè và không thiện cảm.

Không thể chấp nhận một số nơi biến Điện, Đền thờ Mẫu làm nơi trục lợi, thực hiện các trò bịp bợm thông qua nghi lễ Hầu Đồng. Các chiêu trò mượn Thánh nhập hồn để giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu của thân chủ. Chữa bệnh bằng những tờ giấy vẽ chữ loằng ngoằng rồi đốt lên cho uống để tiêu trừ bách bệnh. Rõ ràng đây là những hành vi lừa bịp nhưng nhiều người cuồng tín vẫn tin và tìm đến mang theo rất nhiều tiền của để dâng hiến.
Thế nhưng, theo giáo lý nhà Phật, thì đã là Mẫu, Thánh Thần thì chỉ đem lại hạnh phúc, bình an cho con người. Dạy cho con người điều hay, lẽ phải. Bất cứ ai trong họ cũng không bao giờ hù doạ, trách phạt “người trần”.

Đạo Mẫu và thực hành Nghi lễ Hầu Đồng là biểu tượng của lòng từ bi, bác ái, độ lượng và sự đoàn kết giữa các dân tộc, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, thiện tâm. Chính lòng tham của một số người đã làm biến tướng ý nghĩa đích thực ban đầu của nó.

Văn hóa hầu đồng là gì? - Vietnam Tours 24/7

Nói đến đạo Mẫu và Văn hóa Hầu đồng, chúng ta không thể không nhắc đến Huế. Nơi mà tín ngưỡng bản địa thể hiện rất rõ qua giấc mơ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Chùa Thiên Mụ (Thiên Mỗ, Thiên Mẫu) được xây dựng năm 1601 nhằm ghi nhận và chứng thực giấc mơ huyền hoặc đó. Có thể nói, không ở địa phương nào trong cả nước lại có mật độ chùa chiền, đền miếu dày đặc như ở Huế. Nhất là đền miếu thờ Mẫu, thờ tứ Phủ công đồng. Lễ Hội Điện Hòn Chén (Ngọc Trản) thờ Thiên Y Thánh Mẫu diễn ra hàng năm, từ 3 tháng 3 Âm lịch và tháng 7 Âm lịch là dịp để con nhang đệ tử khắp cả nước tập trung về hành lễ. Hàng trăm chiếc thuyền rồng được trang trí sặc sỡ đậu san sát nhau trước điện thờ.. Nghi thức hành lễ, rước kiệu diễn ra trang nghiêm, tôn kính nhưng không kém phần háo hức của những người được dự. Đây là một nghi lễ mang tính truyền thống, ghi nhớ những người có công với đất nước, cầu nguyện cho Quốc thái Dân an và gìn giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta hy vọng rằng với sự vinh danh của Unesco, Đạo Mẫu và thực hành Nghi lễ Hầu Đồng sẽ trở về với những giá trị nhân sinh, ý nghĩa lịch sử, những giá trị văn hóa nghệ thuật đa dạng như lúc ban đầu để con người hướng về cõi tâm linh mang tính Nhân văn hơn.

Lê Viết Hoà (Lê Vân)