Nét đẹp vùng văn hóa Đông Bắc (Việt Bắc)

Dân tộc Việt Nam là tập đại thành của 54 sắc tộc và có thể tạm thời khẳng định rằng văn hóa Việt Nam là tập đại thành của 10 vùng văn hóa : Thăng Long – Hà Nội, Phú Xuân – Huế, Sài Gòn – Gia Định, Trung du và đồng bằng Bắc bộ, Đông Bắc, Tây Bắc và Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam – Tây Nguyên, đồng bằng ven biển Bắc Trung bộ, đồng bằng ven biển Trung và Nam Trung bộ, Nam bộ.

Các sắc tộc thiểu số và đa số của đất nước ta – với tổng số hơn 80 triệu người mà 85% là người Việt – có số dân không đồng đều : 6 sắc dân trên một triệu người (Việt, Tày, Thái, Khmer, Mường, Hoa) ; 3 sắc dân từ 600.000 đến một triệu người (Nùng, Hmông, Dao) ; 8 sắc tộc từ 100.000 đến 600.000 người (Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Xơ Đăng, Sán Dìu, Cờ Ho) ; 14 sắc dân từ 1.000 đến 100.000 người, 5 sắc dân từ 300 đến 600 người (Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Brâu, Rờ Măm). Nhưng dù chỉ có 300 người hay chiếm 85% dân số Việt Nam, mỗi sắc dân đều có một nền văn hóa đóng góp vào vườn hoa trăm sắc ngàn hương của đại gia đình văn hóa Việt Nam.

Điện Biên: Thống nhất một số nội dung đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân  tộc Thái

Bây giờ chúng ta hãy chiêm ngưỡng những nét đẹp của đại vùng văn hóa núi rừng ở ba vùng : Đông Bắc – Tây Bắc và Trường Sơn Bắc – Trường Sơn Nam và Tây Nguyên (các cao nguyên miền Tây Nam Trung bộ).

Nét đẹp vùng văn hóa Đông Bắc (Việt Bắc)

Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, một phần các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang. Cư dân các sắc tộc sinh sống nơi đây là người Tày, Nùng, Hmông, Dao, Hoa… trong đó người Tày là cư dân bản địa lâu đời nhất, có số dân đông nhất. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện qua các hình thức lễ hội cổ truyền, qua sinh hoạt văn hóa chợ, qua một nền văn học dân gian phong phú : Pú Lương Quân, Chín Chúa Tranh Vua, Then Bách Điểu, Lấy Chồng Bé, Chống Ép Duyên… mà các mẫu đề và hình tượng thể hiện quá trình giao lưu văn hóa giữa nhiều sắc tộc núi rừng.

Vùng văn hóa Đông Bắc trước hết là quê hương của hội lồng tồng (xuống đồng). Hội này là sản phẩm văn hóa của cư dân nông nghiệp Tày Nùng, tối thiểu diễn ra trong phạm vi một bản (làng), thông thường một số bản gần gũi nhau liên kết cùng tổ chức, có khi mở rộng ra một vùng vài chục bản. Dự hội đông đảo nhất là người Tày, người Nùng nhưng luôn có nhiều sắc tộc láng giềng tham gia, kể cả những người đồng tộc ở bên kia biên giới Việt-Trung và người Việt ở miền xuôi lên.

Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng : đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất.

Thái Trắng và Thái Đen - Lịch Sử Văn Hóa Thái

Hội thường diễn ra trong một ngày, có nơi kéo dài đến ba, bốn ngày. Các bản không tổ chức hội một cách đồng loạt để còn có dịp dự hội ở các bản láng giềng gần xa, cho nên hàng chục hội lồng tồng được tổ chức luân phiên, bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết nguyên đán cho đến hết tháng giêng, thậm chí có khi sang tháng hai, như người Việt vùng Bắc Ninh tổ chức luân phiên mười mấy hội quan họ của thời xuân xưa.

Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ , có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian : cuớp còn (như người Mường, người Việt vùng trung du chơi cướp nõn nường ), ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo…

Trong khi chơi trò ném còn , gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn , là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ thể hiện tục cầu mùa , còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời.

Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử . Những điệu múa lễ hội khác của người Tày Nùng là xòe chiêng , múa then .

Ngoài hội lồng tồng, vùng văn hóa Đông Bắc còn có những lễ hội lớn khác là hội Lượn Nàng Hai (lễ hội Mẹ Trăng) được tổ chức ba năm một lần ở một số địa phương tại Lạng Sơn, Cao Bằng để bày tỏ sự sùng bái nữ thần Trăng. Đó cũng là những lễ hội cầu mùa , nhưng tổ chức về đêm, là một loạt hội mùa xuân diễn ra trong những đêm trăng đẹp vào trung tuần các tháng Giêng, Hai, Ba. Mẹ Trăng là một hình thức nữ tính của Thần Nông được ca ngợi qua các điệu Lượn Hai là hàng trăm bài ca cầu nguyện và bài ca tình yêu mà các cô gái, chàng trai Tày Nùng say sưa hát đối đáp trong hơn một chục đêm Hội Lượn Nàng Hai (Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ, Mùa xuân và phong tục Việt Nam , 1976).

Nét đẹp vùng văn hóa Tây Bắc – Trường Sơn Bắc

Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình và miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Cư dân các sắc tộc sinh sống nơi đây là người Thái (có dân số đông hơn cả), người Hmông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Lào, Lự, Chứt, Thổ…, tất cả hơn 20 sắc tộc cư trú xen cài với nhau và thuộc ba gia đình ngôn ngữ khác nhau : Môn-Khmer, Hmông-Dao, Tạng-Miến.

Vùng văn hóa Tây Bắc – Trường Sơn Bắc trước hết là quê hương của một nền văn học và ca nhạc dân gian rực rỡ, đã cống hiến cho văn hóa Việt Nam những Tiễn dặn người yêu, Chàng Lú-Nàng Ủa, Ú Thềm, Nàng Dợ-Chà Tăng, A Thào-Nù Câu, Tiếng hát cưới xin, Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát cúng ma : Hát cúng Đám To, Hát cúng Đám Nhỏ…

Độc đáo điệu múa Vêr guông của dân tộc Khơ Mú | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc  và Miền núi

Lễ hội đầu tiên đáng chú ý của vùng Tây Bắc – Trường Sơn Bắc, đó là những hội mừng mùa măng mọc của các sắc tộc Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mảng, được gọi chung là các sắc tộc Xá. Trong lễ hội này, người ta hát dân ca Mưa rơi, bài hát được ưa thích nhất và cũng là một trong những điệu dân ca Việt Nam đẹp nhất : “Mưa rơi cho cây tốt tươi – Búp chen lá trên cành – Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió – […] Mưa rơi cho chim ướt cánh – Để nó sa bẫy trong rừng – Dập dìu ai đi đơm cá bên suối – […] Trên nương thơm hương nếp vàng – Măng cười hé vươn lên cùng…”.

Trung tâm ngày hội mừng mùa măng mọc là cây quấn hoa, một cây chuối có cắm treo các con giống bằng nan nhuộm nhiều màu, các loài hoa, các hạt giống ngũ cốc. Trong ngày hội xuân này, con trai con gái Khơ Mú, Xinh Mun… không chỉ hát dân ca Mưa rơi mà còn múa tăng bu, múa hưn mậy, múa xe cắp…

Tăng bu tăng bẳng là những ống tre to, rỗng, có kích thước dài ngắn khác nhau được vỗ xuống một tấm ván phát ra những âm thanh brum brum có cao độ khác nhau và nhịp nhàng theo tiết tấu múa. Múa tăng bu gồm nhiều động tác quen thuộc của đời sống nương rẫy : phát cây, dọn cỏ, gieo hạt, đuổi chim tha giống… Mỗi động tác đều phóng khoáng, say sưa theo nhịp dồn dập của ống tăng bu tăng bẳng vỗ mạnh xuống tấm ván.

Hưn mậy là những ống nứa to nhỏ khác nhau ; múa hưn mậy đượm nhiều chất trữ tình nhờ âm thanh của các ống nứa gọt rỗng đập nhẹ vào bàn tay nghệ nhân, nghe như tiếng vọng thì thào của núi rừng.

Múa xe cắp có tiết tấu tưng bừng, khí thế hồ hởi của những thanh nam thiếu nữ yêu đời khi mùa xuân, mùa của tình yêu, đang trở về với thiên nhiên, vạn vật.

Tây Bắc còn là quê hương của những ngày hội chơi núi hái hoa tuyệt vời và hội hoa ban là những ngày hội lớn nhất, lâu đời và trữ tình nhất. Người Thái và nhiều sắc tộc láng giềng mở hội chơi núi ngắm hoa xuân này để tưởng nhớ mối tình trong trắng của một đôi gái trai sống trước Roméo và Julliette hơn cả ngàn năm.

Tục truyền có chàng trai tên Khun làm nương giỏi, săn bắn tài. Láng giềng của anh là nàng Ban, đẹp như hoa xuân, dịu như trăng rằm, khéo tay dệt vải, hát hay như vàng anh. Khun và Ban thương yêu nhau, một mối tình nồng nàn như nước suối rừng. Cha mẹ Ban tham giàu, bắt nàng phải lấy con trai nhà tạo (thủ lãnh địa phương), lười biếng và gù lưng. Ban trốn nhà đi tìm Khun nhưng Khun đi vắng, nàng chạy tìm người thương khắp nơi, gọi tên chàng vang cả núi rừng, lên đến đỉnh núi thì gục ngã, bất động. Từ nơi nàng nằm mọc lên một cây hoa trắng như búp tay người con gái, đó là cây hoa ban. Chàng Khun trở về không thấy Ban, chạy tìm nàng khắp chốn. Cuối cùng Khun kiệt sức ngã xuống bên đường biến thành con chim. Từ đó chim khun sống lẻ loi trong rừng, mùa xuân đến hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, gợi hứng cho con chim khun hót vang, hót mãi như tiếng gọi người tình, tuyệt vọng đến muôn đời. Trên đây chỉ là một trong những huyền thoại về hoa ban Tây Bắc.

Những Hình Ảnh Đẹp Mùa Xuân Tây Bắc Mùa Xuân, Phong Cảnh Hoa Đào Tây Bắc

Mùa xuân hoa ban nở rộ, và hội hoa ban chính là ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ và mọi lứa tuổi. Hoa ban làm đẹp mùa xuân và lòng người, đi vào huyền tích, cổ tích và dân ca như tượng trưng của khát vọng yêu đương : “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở – Không thấy ngày ban tàn – Không tính tháng, không tính năm – Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau” (Tình ca Thái).

Hoa ban của tình yêu còn là hoa của ước mơ trường thọ, của thiên nhiên và tâm hồn trẻ mãi không già nhờ nghị lực tình yêu và hài hòa vũ trụ : “Trăm mùa ngắm ban nở còn ngắm mãi – Mỗi mùa ban lại trẻ thêm ra không già”.

Mùa xuân đến trên dòng Nậm Na (Lai Châu), nhìn hoa ban, hoa mạ nở trên bờ đất hay vách núi in bóng xuống nước tưởng như Nậm Na trở thành một dòng sông hoa. Chính lúc ấy diễn ra những hội giao duyên trên thuyền, hội chơi thuyền hái hoa. Trên sông Nậm Na màu hoa ban trắng rực, chan hòa với màu áo trắng tinh, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, áo may sít gọn làm nổi bật đường nét thân hình cô gái Thái. Rồi từ mặt sông vang lên âm điệu của những bản tình ca Tản chụ xiết xương đệm đàn tính tẩu với lời ca của người con gái : “Anh ơi ! Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ – Ta yêu nhau khi ban nở trên cành”. Người con trai đáp lại : “Má em yêu trắng hồng màu hoa ban – Má em yêu tươi thắm màu hoa mạ – Má thắm hồng, lòng em không ngả nghiêng…”. Tiếng đàn, tiếng hát trải dài trên sông hoa theo thuyền về hạ lưu. Tới một quảng rừng ban đẹp, thuyền cập bến, gái trai lên bờ hái hoa tặng nhau rồi vui chơi xòe múa giữa thiên đường hoa.

Tây Bắc – Trường Sơn Bắc là quê hương của rất nhiều điệu múa đặc sắc : xòe vòng (còn gọi là múa cầm tay), múa khăn, múa quạt, múa nhạc, múa sạp, múa nón, múa then. Múa nón Thái cũng có nhiều điệu, múa nón Mường Lay không giống múa nón Phong Thổ. Người Dao có múa chuông, múa đao, múa đi ngựa, múa bắt ba ba. Người Cao lang có múa chim gâu ; người Hmông có múa khèn, múa ô… làm cho các phiên chợ Tây Bắc – Trường Sơn Bắc càng thêm rộn ràng sống động. Có thể nói Tây Bắc – Trường Sơn Bắc là vùng có nhiều điệu múa đẹp, độc đáo vào loại nhất nhì của các sắc tộc thiểu số Việt Nam.

Nét đẹp vùng văn hóa Trường Sơn Nam – Tây Nguyên

Đó là vùng núi rừng gồm phần đất các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng và rẻo cao các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, vùng sơn nguyên xen cài giữa các dãy núi cao trung bình với các cao nguyên đất đỏ, quê hương của hơn 20 sắc tộc thuộc hai gia đình ngôn ngữ. Các sắc tộc tiêu biểu cho gia đình Môn-Khmer (Nam Á) là Ba Na, Xơ Đăng, Mơ Nông, Mạ, Xtiêng… Còn các sắc tộc tiêu biểu cho gia đình Malayo-polynésien (Nam Đảo) là Ê Đê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru.
Cũng như ở Trường Sơn Bắc, nếp sống chủ đạo ở vùng Trường Sơn Nam – Tây Nguyên là nếp sống nương rẫy, nó qui định tất cả các sắc thái văn hóa lớn của vùng, nó sản sinh ra quan niệm vạn vật hữu linh : mọi vật chung quanh con người đều có hồn, có thần linh (yang) che chở, phù hộ.

Nếp sống nương rẫy để lại dấu ấn trong luật tục, trong văn học nghệ thuật truyền thống, từ huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, dân ca đến cổ tích, truyện cười và nhất là sử thi anh hùng, một sáng tạo văn hóa lớn. Đó là những trường ca mà người Ê Đê gọi là Khan, người Gia Rai gọi là Hơri, người Ba Na gọi là Hơmôn, người Mạ gọi là Nôtông, người Mơ Nông gọi là Ót Nrông. Kho tàng sử thi anh hùng ấy, với hơn một trăm tác phẩm lớn nhỏ : Đăm San, Đăm Di, Đăm Noi, Khinh Dú, Xinh Nhã, Chàng Tiăng, Hơbia Đơrang, Đăm Ktech Mlan… nay đã thuộc về kho tàng văn hóa của nhân loại.

Cùng ngắm sắc xuân rực rỡ trên đất đại ngàn Tây Nguyên

Bên cạnh các sử thi anh hùng là những đóng góp khác của văn hóa Trường Sơn Nam – Tây Nguyên : những nhạc cụ độc đáo như các dàn cồng chiêng, đàn kôk, klong put, đàn t’rưng, t’rưng nước, t’rưng gió, chinh krên (chiêng gió), đinh goong… những điệu múa : khiêng, chim grứ (Ê Đê), brim, xơ goa (Ba Na)… những công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo : nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, những con rối trong lễ bỏ mả…

Gây ấn tượng nhiều hơn cả trong sinh hoạt và diễn xướng văn hóa vùng Trường Sơn Nam – Tây Nguyên là lễ hội đâm trâu và lễ hội bỏ mả, bên cạnh các hội đua voi, hội cồng chiêng…

Lễ hội là những sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa rất quen thuộc của các sắc tộc, những cái mốc đánh dấu hoạt động khai thác nương rẫy và mọi sinh hoạt quan trọng của đời người, từ cái nôi ru em đến ngôi nhà mồ đầy tính thẩm mỹ. Trong lễ hội nổi bật lên nghi thức hiến sinh và con vật hiến sinh tiêu biểu nhất là con trâu.

Lễ hội đâm trâu gắn liền với văn hóa nương rẫy với ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, đón mừng năm mới. Người chủ trì lễ hội – vị già làng có uy tín nhất của buôn, plây – cho chặt một cây bông gạo làm cột chính, bên cạnh là nhiều cột phụ, trong đó có bốn cột dùng để cột trâu. Trên mỗi cột vẽ hoa knia hay những đàn chim. Trâu nuôi để tế lễ phải thật béo, da mỏng, sừng to. Quanh bãi đâm trâu, dân làng và dân các buôn plây láng giềng vây kín, chiêng trống rền vang, những điệu múa hát diễn ra tưng bừng, dồn dập.

Sau những bài khấn vái bằng văn vần, thầy cúng trịnh trọng lấy giáo đâm vào đùi trước của trâu như là nghi thức khai mạc. Một chàng lực sĩ của buôn plây, được chọn từ trước, dùng chiếc giáo dài vừa múa theo nhịp trống chiêng vừa tìm chỗ đâm vào sườn trâu cho trúng thẳng vào tim. Khi giáo được rút ra cũng là lúc máu trâu được hứng vào một chiếc nồi pha với rượu để tế thần. Nhảy múa và ca hát vẫn tiếp tục rộn ràng, hào hứng và mọi người bắt đầu vào tiệc, một bữa tiệc thịnh soạn được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, làm cho mọi người đều thỏa mãn. Một mùa nương rẫy mới có thể bắt đầu.

Hoa tam giác mạch tô sắc xuân phố núi Tây Nguyên - Du lịch - Việt Giải Trí

Tục lệ bỏ mồ mả là tín ngưỡng và tập tục lớn nhất của vùng Trường Sơn Nam – Tây Nguyên. Sau khi chôn cất người chết, một túp lều nhỏ được dụng trên mồ, chung quanh có hàng rào ; trong lều đặt ché, chiêng, và những vật tùy táng khác. Người trong gia đình đi lại thăm nom mồ mả một thời gian rồi được sự giúp đỡ của buôn plây sẽ tổ chức lễ hội bỏ mả để sau đó không đi lại thăm viếng mồ mả nữa. Tất cả các sắc tộc Tây Nguyên đều có lễ này, thường tổ chức vào mùa xuân. Một nhà mồ được xây dựng đẹp, được trang trí bằng nhiều tượng mồ độc đáo và lễ hội có thể thực sự bắt đầu.

Lễ hội bỏ mả của người Ba Na thường kéo dài từ ba đến năm ngày. Đã có cột đâm trâu thì cũng có cột bỏ mả, người Ba Na và Gia Rai gọi đó là cột klao, một hình thức cây-đời hay cây-vũ trụ ; ở một vài sắc tộc khác được gọi là cột kút. Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội là đám rước hồn người chết đi vòng quanh cột klao và nhà mồ. Già làng khấn vái khai mạc hội lễ, mời thân nhân vào nhà mồ than khóc người chết lần cuối rồi hạ lệnh cho cồng, chiêng, trống nổi lên và đám rước bắt đầu, gồm hàng chục người múa (thường là phụ nữ), người khiêng và đánh trống lớn, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn các con rối. Rước xong, thân nhân người chết và dân buôn plây tổ chức ăn, uống rượu cần thoải mái, rồi tiếp tục nhảy múa, ca hát quanh nhà mồ suốt đêm.

Nghiên cứu các sắc tộc của vùng văn hóa Trường Sơn Nam – Tây Nguyên trên thực địa, một nhà văn hóa học đã đi đến kết luận sâu sắc : “… Tất cả những thứ như khố hai vạt với khăn quấn đầu có cắm lông chim, dàn chiêng cồng và cái trống lớn, cối giã gạo hình thuyền và chày đứng, kiểu mái nhà trên nở dưới thót, thuyền độc mộc hình thoi với trang trí ở mũi và mạn, v.v. tất cả những thứ ấy dường như mới từ những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ I trở về với hiện thực. Đến Tây Nguyên ít nhiều có cảm giác như đang sống trong không gian văn hóa Đông Sơn vậy. Vùng văn hóa Tây Nguyên hay là vùng hậu duệ rõ nét nhất của văn hóa Đông Sơn ? Có thể lắm chứ!” (Tô Ngọc Thanh, “Vùng văn hóa Tây Nguyên”, 1995).

Lê Văn Hảo (Paris)