Hiệp định Paris năm 1973 là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xướng nhằm đạt được một nền hòa bình, thống nhất ở Việt Nam. Sau nhiều lần thỏa thuận, địa điểm tổ chức hội đàm được chọn là thành phố Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Thời gian đàm phán kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973. Các bên tham gia ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ; sau mở ra thành hội nghị bốn bên, có thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp hòa bình, trong đó đề nghị 10 điểm ngày 8-5-1969 mà sau này đã trở thành xương sống cho bản Hiệp định năm 1973.
Xin mời các bạn xem qua những bức ảnh màu quý giá được chắt lọc của nhiều phiên họp kéo dài để có được kết quả sau cùng của Hiệp định Paris, cũng như hình ảnh của ông cha ta khi xuất hiện trên bàn chính trường quốc tế.

Hình 1, 2. Quang cảnh các nhà ngoại giao, chính trị gia của Hoa Kỳ, Việt Nam cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngồi quanh bàn đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber, Paris, Pháp ngày 25 tháng 1 năm 1969

Hình 3. Đại diện của bốn bên gặp nhau tại Paris để ký kết hiệp định hòa bình. Bên trái là đại diện phía Việt Nam Cộng Hòa do phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên dẫn đầu. Bên phải là đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Tướng Nguyễn Văn Hiếu đứng đầu. Phía trước là đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do ông Lê Đức Thọ dẫn đầu. Phía sau là các đại diện từ Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Henry Kissinger dẫn đầu.

Hình 4. Cuộc đàm phán giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ tại một ngôi nhà trên sân Golf Saint Nom la Breteche gần Paris vào tháng 1 năm 1973. Ngoài cùng bên trái lần lượt là Phó Trợ lý Ngoại trưởng William H. Sullivan, H. Kissinger và Winston Lord của nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia. Đối diện bên phải là ông Lê Đức Thọ ( tay cầm kính trên bàn ), cạnh bên ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Xuân Thủy, trưởng phái đoàn VNDCCH và ông Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Hình 5. Bà Nguyễn Thị Bình khi tham dự cuộc họp báo bắt đầu đàm phán tại Hội nghị Hòa bình Paris vào ngày 5 tháng 11 năm 1968.

Hình 6. Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang trả lời phỏng vấn của báo chí, truyền thông trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber tại Paris.

Hình 7. Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tươi cười chia sẻ với các đồng chí trong nước trước khi ký vào văn bản cuối cùng của hội nghị hòa bình quốc tế về Việt Nam

Hình 8, 9. Hình ảnh sau khi Hiệp định Paris được ký kết thành công tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber, Paris, ngày 23 tháng 1 năm 1973.

Đây là một mặt trận không khói súng, không tiếng bom và không có giọt máu đổ, nhưng quãng thời gian 4 năm 8 tháng 16 ngày tại kinh đô ánh sáng đã chứng minh được sự nóng bỏng không kém gì chiến trường tại quê nhà, cực kì căng thẳng và cam go.

Có thể nói, đây là cuộc đối đầu không cân sức nhưng cực kỳ cân não, cuộc đối đầu trực tiếp kỳ lạ giữa 2 đại diện: một bên là siêu cường hùng mạnh nhất địa cầu và tay sai đắc lực của chúng, bên còn lại là một quốc gia Đông Phương bé nhỏ; một bên là một nhà ngoại giao gốc Do Thái, một giáo sư Harvard thông thạo địa chính trị quốc tế, bên còn lại là một con người không có học hàm, học vị gì cả, hành trang của ông là những tháng ngày vào tù ra khám vì đấu tranh cho sự tồn vong của đất nước mình.

Nhưng rồi, Lịch sử đã cho chúng ta thấy câu chuyện thần thoại Chàng David Bé Nhỏ thắng gã khổng lồ Goliath vẫn có thể xảy ra trong thế giới đầy rối ren lúc bấy giờ. Hiệp định Paris như một câu chuyện huyền thoại về một dân tộc đi tìm sự tự do cho chính mình, một dân tộc luôn đấu tranh cho chính nghĩa và một dân tộc yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên toàn thế giới.

Thắng lợi của Hiệp định Paris đã mở ra một bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Quá trình đi đến việc ký kết và bản thân Hiệp định đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý giá. Trong bối cảnh hiện nay, các bài học đó cần được nghiên cứu và vận dụng một cách hợp lý để tiếp tục thúc đẩy cách mạng nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Van Ngo