Nhớ nhà, về quê, tôi ngồi trên chiếc sập chân quỳ mà sinh thời, cha tôi vẫn hay “chiếu cố”, cho phép tôi cùng ngồi với tư cách “Thằng út”, để tiếp khách văn của Người.

Trời đang độ sầu thu! Ngoài kia, vạn triệu bụi nước rời mây, làm ướt đầm mấy vòm nhãn cũ, tụ thành giọt rồi rơi trong gió lạnh, xuống khoảnh vườn nhỏ. Trên khoảnh vườn nhỏ quanh mấy gốc nhãn ấy, anh chị tôi trồng đôi bụi gừng (khương), dăm hàng tỏi, vài ba cây ớt tứ thì – Những thứ gia vị ngày xưa cha tôi vẫn hay dùng trong những bữa cơm đạm bạc của mình – như mẹ tôi vẫn trồng ngày trước.

Từ trên sập, tôi nhìn qua cửa chính, qua hiên, qua tấm giại tre tâm tưởng. Đất vườn lép nhép; ớt, gừng, tỏi, tía tô, xương xông… nghiêng ngả, lấm láp, lạnh lẽo. Chợt bốn câu thơ của Ôn Như hầu, xưa cha tôi thường đọc, về trong tâm trí tôi: “Lép nhép dăm hàng tỏi – Lơ thơ mấy bụi khương- Vẻ chi tèo teo cảnh – Thế mà cũng tang thương!”

Ứa nước mắt! Sao “Tang thương” lại có thể có trong khoảnh vườn bé mọn, tầm thường nhà tôi? Sao “Tang thương” lại có thể trở thành hạt nhân phi thường trong câu kết của một bài tứ tuyệt “vào loại hay nhất” như thế được? “Tang” là “Dâu”, là “Nương dâu”; “Thương”, “Thương hải” là “Bể xanh”, là “Bãi bể”. “Dâu bể”, “Nương dâu bãi bể”, hay “Bãi bể nương dâu”, là để trỏ sự đổi dời của tinh tú, sơn hà địa mạo, đến nỗi bể biếc thành nương dâu, nương dâu thành bể biếc và theo đó, là sự biến thiên khôn lường của kiếp nhân sinh. To lắm! Đâu phải để trỏ mấy khóm gừng, hàng tỏi trong khoảnh vườn kia?

Phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ 8 câu cuối - Phân Tích

Nhớ thêm, hóa ra chính Ôn Như hầu cũng từng viết trong “Cung oán ngâm khúc” bất hủ: “Phong trần đến cả sơn khê – Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”.

Thế là mảnh vườn bé mọn nhà tôi với hoa kia cỏ này, cũng có thể làm động lòng thi nhân không khác gì những sơn khê, cung cấm, cung phi, cung thất, cung nhân…

Thế là, sang trọng hay tầm thường, lớn hay bé, xưa hay nay, đông hay tây… cũng không còn quan trọng nữa! Vì, xuyên suốt kiếp nhân sinh, dù là kẻ “Thiên ma bách chiết” (Giỏi mài mực chẻ chữ), cho đến phường “Nê thổ nông phu” (Nhà nông bùn đất), trong mắt Nguyễn Gia Thiều, đều cũng chỉ là “Cái quay búng sẵn trên trời” mà thôi!

Với triết lý nhân sinh ấy, lại gặp khi thất thế- bất đắc chí, gặp buổi suy vi, thì nhìn đâu mà chẳng thấy “Tang thương”! Cho nên, chính thi nhân này mới viết mãi về phận thất thế, thất tình của cung nhân: “Thảo nào khi chửa chôn rau- Đã bưng tiếng khóc ban đầu mà ra” (có sách chép: “Thảo nào khi mới chôn nhau- Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”- Nhưng đẻ ra, chưa cắt rốn đã khóc rồi, đâu có ai đợi “chôn nhau” thì mới khóc? Vả lại, nếu dùng “chôn nhau” ở đây thì dễ bị hiểu sang nghĩa khác, dùng “chôn rau” thì tốt hơn)- “Khóc vì nỗi xót xa sự thế- Ai bày trò bãi bể nương dâu”. Rồi: “Trắng răng đến thuở bạc đầu- Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần”. Rồi: “Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da; Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ- Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu; Chết đuối người trên cạn mà chơi; Đất bằng bỗng nổi chông gai; Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” v.v… Đời, ông viết: “Vui gì thế sự mà mong nhân tình”. Kiếp, ông bảo: “Trăm năm còn có gì đâu- Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”…

Nguyễn Gia Thiều hơn Nguyễn Du 25 tuổi, mất trước Nguyễn Du 22 năm. Văn học sử ghi, khi viết “Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều “chịu ảnh hưởng rất nhiều” từ “Chinh phụ ngâm khúc”.

Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có triết lý nhân sinh, thậm chí có nhiều câu thơ, “đồng điệu” với “Cung oán ngâm khúc”. Thế là, từ Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm đến Nguyễn Gia Thiều, rồi từ Nguyễn Gia Thiều đến Nguyễn Du, các thi nhân này đã góp phần rất lớn làm cho Tiếng Việt trở nên linh diệu, đủ khả năng “nói mọi điều”, “làm mọi chuyện”. Tất nhiên, trước khi làm được như thế, họ đều đã là những kẻ kinh lịch, từng chiêm nghiệm đến “nát nước” kiếp người; đều đã là những kẻ “Thiên ma bách chiết” mấy đời.

Thế là, khi mắt đã trùm nhân thế, tai đã quán nhân sinh, tâm đã cảm thông với mọi đau đớn của con người, thì nhìn cỏ cây tiêu điều cũng thấy xót thương chả khác gì khi nhìn con người khổ sở. Và, khi ấy mới lấy “Thiên ma bách chiết” ra dùng. Lúc ấy chữ nghĩa, ở đây là Tiếng Việt, mới linh diệu, “Cao kỹ” như vậy, mới lay động ruột gan người ta như vậy!

Ngày trước, Stalin, một hôm chợt vỗ vai một “Thi sĩ cung đình” Xô- viết thời ấy và bảo: “Anh có biết vì sao thơ anh không hay không?”. “Vì sao ạ?”- “Thi sĩ cung đình” kia giật mình kinh ngạc. “Thơ anh không biết buồn, làm sao mà hay được!”- Stalin nói tiếp. Tất nhiên, một người như Stalin không bao giờ nói đến những nỗi buồn vặt (Cả một “Chủ nghĩa” bị thử thách, thế giới suýt chết vì họa phát xít, hơn 20 triệu người Liên Xô chết trong Thế chiến thứ II…, ngồi buồn vặt mà được ư?). Hóa ra, dù đông hay tây, xưa nay đều dễ động lòng với nỗi “sầu vạn cổ” của con người như nhau. Buồn nhỏ, buồn giả vờ, thì Tiếng Việt hoặc tiếng nước nào cũng không cứu được!

Lạ thật, có bốn câu thơ của Nguyễn Gia Thiều, mà tôi, từ cái sập nhà mình, “đến được” với các thi nhân Tiếng Việt đệ nhất, rồi lại “đến được” với cả Stalin tít tắp! Nhưng nếu khoảnh vườn bé mọn kia không từng chứng kiến cảnh giặc Pháp tràn qua làng để cha mẹ và anh chị em chúng tôi phải tản cư; cảnh làng tôi trải qua Cải cách ruộng đất; cảnh cha mẹ tôi lần lượt tiễn cả 5 anh em trai tôi nhập ngũ và cảnh một chị dâu tôi phải làm “chinh phụ” góa bụa, lấy nước mắt trộn cơm, nuôi đứa con tàn tật của mình suốt 21 năm chồng xa, chồng chết trận, mà “lá xanh” vẫn rụng trước “lá vàng”; cảnh cả xã tôi đưa đám vợ chồng ông hàng xóm cùng chết vì bom Mỹ ở chợ Vân Đình ngày 8-5-1965; cảnh báo tử khắp làng tôi thời chiến tranh; cảnh cha mẹ và những anh chị em chúng tôi già đi rồi thưa vắng dần…; liệu tôi có ứa nước mắt trước “Lép nhép dăm hàng tỏi – Lơ thơ mấy bụi khương/ Vẻ chi tèo teo cảnh/ Thế mà cũng tang thương” tận từ thế kỷ 18, như thế không? Thế thì, làng tôi, nhà tôi, vườn tôi… cũng chẳng đã “nương dâu bãi bể” đấy ư?

Hóa ra, Tiếng Việt lay lòng từ phía người viết đã đành, nhưng từ phía người đọc, nếu lòng không có gì để lay, thì Tiếng Việt cũng bất lực! Hóa ra, yêu Tiếng Việt, để Tiếng Việt thêm linh diệu, cần phải “chuẩn bị” từ cả hai phía. Có phải thế không? Hỡi bạn đọc yêu quý!

Nói vậy, chứ việc “chuẩn bị” ấy, trời làm là chính, mà trời thì hay “tương đố”, thích “đánh ghen”! Các bạn biết rồi đấy!

Đỗ Trung Lai