Hanh hao chưa chìm lắng, nắng chưa thưa vàng, thế mà Tao Đàn (TĐ) dường như quá yêu cái phong phanh gió sớm, chiếc lá nghiêng rơi; yêu làn hương thơm thảo, ngạt ngào từ con đường hoa sữa, từ hương ổi sau vườn; yêu cái cảm xúc ngọt ngào sâu lắng dịu êm đọng lại trong tâm hồn của mỗi người… nên vội vã tổ chức thi thơ “Mùa thu và em”.

Thơ tình hay về mùa Thu (Tự sáng tác mới nhất) • Đỗ Phú Quý

Nhưng yêu là khổ.

Để mời bạn hữu cùng chơi trong sân chơi (gọi là thi)TĐ đã gặp nhiều cái khó; nhiều lo toan. Bạn thơ sẽ hưởng ứng đến đâu? Cơ cấu giải thưởng thế nào? Chấm thi làm sao để bảo đảm chính xác, công tâm; bảo đảm khi công bố và trao giải thưởng không khí của TĐ…vẫn mùa thu- êm đềm- là mong mỏi cuộc thi thành công. Thành công để tạo tin yêu, bạn bè tiếp tục ủng hộ trong những lần thi tiếp theo.

Cố gắng và tích cực trong khâu chuẩn bị nên cuộc thi đã được phát động, bắt đà vào nhịp với những tín hiệu đáng vui mừng.

Ngay ngày đầu tiên TĐ đã nhận được 12 bài tham gia thi. Ngày tiếp theo cũng vậy. Ngày thứ ba tăng đột biến, trên 30 bài. Ban giám khảo tíu tít chia, nhận bài thi về các đội chấm theo phân công (ngũ ngôn, lục ngôn/ lục bát/ thất, bát ngôn, tự do/ đường luật).Trang thơ nhộn nhịp hẳn lên vì bài tăng đột biến, thêm nhiều gương mặt- tác giả mới. Đăng nhiều bài thi nên chất lượng thơ trên trang trội hẳn lên.

Các thể loại thơ dự thi vẫn là truyền thống, quen thuộc: lục bát, ngũ ngôn, thất, bát ngôn, song thất lục bát, đường luật, tự do. Chưa thấy bài có lối cách tân, phá cách ” cao siêu” đến mức đánh đố, thử thách bạn đọc và giám khảo. Bài thi đến nhiều, dồn dập. Công việc chấm thi thế là ” bật công tắc” ngay trong tuần đầu, ngày đầu.

Vâng, chấm thi!

Bài viết này, chủ ý muốn nói rộng ra công việc chấm thi- giám khảo chấm thi, nhân tố quan trọng nhất của cuộc thi. Nói để hiểu nhau, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau giữa người tổ chức và bạn bè dự thi. Cuộc thi này (mong được hiểu) giao lưu là chính. Tham gia chơi để cọ xát, bạn thơ được thử sức mình trong cuộc thi nhỏ. Qua cuộc thi, được giải hay không được giải vẫn là nghiệm, ngẫm, tiếp tục trau dồi nâng cao bút lực, tiếp tục sáng tạo chinh phục cõi thơ sâu rộng. Có thể có tác giả từng có thơ đăng ở các báo, tạp chí- bút pháp đã già dặn, chuyên nghiệp- rất tự tin khi dự thi lần này- sẽ lăn tăn ở khâu chấm thi. Điều đó là đương nhiên và đúng. Đúng như TĐ đang thành thật, có sao làm vậy, không vay mượn, hào nhoáng, khoa trương; làm thơ, chơi thơ, chấm thi theo tiêu chí, định hướng ban đầu của trang thơ: Mộc mạc, dung dị, trữ tình.

Ban giám khảo là quản trị viên của TĐ. Phụ trách chấm thi là những người có khả năng, biết làm thơ, có trình độ nhất định khi thẩm thơ và chiêm ngưỡng thơ. Chịu học chịu làm, biết việc- chắc chắn sẽ không bỏ sót những đứa con tinh thần ưu tú của cuộc thi. Nói vậy là đề cao trách nhiệm, sự công tâm; tuyệt đối không hời hợt, qua loa đại khái, thân quen cục bộ. Công tâm để tìm ra những bài thơ nổi bật của những cây bút giỏi. Chọn 16 bài chung khảo để xét trao giải, sau đó kết hợp chọn các bài có chất lượng của trang thơ từ ngày ra mắt đến giờ để in tập thơ kỷ niệm. Mục đích của cuộc thi chỉ ” thường thường bậc trung” là vậy.

Thiển nghĩ thẩm thơ, chấm thi rốt lại là làm cái việc: Tìm xem trong bài thơ ấy tác giả muốn nói gì ( quan điểm, tư tưởng, thông điệp…) và tác giả diễn đạt như thế nào. Nó phải là một bài thơ hoàn chỉnh. Tứ thơ có lạ, có đặc sắc phải kết hợp với tổ chức chặt chẽ, liên kết nhất quán từ nhan đề đến các khổ thơ, dòng thơ, đến cái kết. Vần, nhịp càng chắc, thơ giàu hình ảnh, nhạc tính, điểm chấm càng cao. Cái thường thấy nhất là ấn tượng, cảm xúc mạnh từ bài thơ mang đến cho người đọc. Giám khảo TĐ sẽ làm theo cách đó. Nó có từ học hỏi, đúc rút, tích lũy chuyên môn để phục vụ tốt cho cuộc thi.

Cuộc thi nào rồi cũng có điều này điều kia thuộc về bức xúc của người tham gia thi, của cộng đồng chứng kiến. Đến báo Văn nghệ, tiếng nói của Hội nhà văn Việt Nam, toàn cây đa cây đề văn chương ở đó, vẫn không làm hài lòng nhiều người yêu thơ, yêu văn chương. Nổi lên là vụ việc chọn trao giải trong cuộc thi thơ năm 2021. Bài thơ ” Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân, Cao Bằng, được chọn trao giải B, (không có giải A) đã làm dấy lên dư luận…không đồng tình. Nhà thơ Thanh Thảo đã lên tiếng gay gắt: ” Các ông ấy đã chọn bài thơ dở nhất nước để trao giải cao nhất”. ( Bài thơ này nhiều người biết nên không chép vào đây). Nhưng lý lẽ của hội đồng giám khảo là: ” Bài thơ có hình thức mộc mạc, tươi mát, được xây dựng bởi ngôn ngữ đời thường và bố cục kiểu cắt dán có khoảng lặng, khá mới. Cái lối ẩn ý nói ngược ta thường gặp trong văn hóa dân gian người kinh cũng như người dân tộc thiểu số. Bên ngoài là chửi nhưng bên trong là cầu mong; nghe qua là tầm thường nhưng nghĩ lại là tốt đẹp, cao quý; thoáng hẫng hụt ban đầu nhưng sau lại thấy giàu ý nghĩa. Đặt bài thơ này vào trùng điệp các bài thơ dự thi khác nó nổi lên như bông hoa đồng nội đầy hương thơm. Bài thơ có cấu tứ đẹp. Nói như chơi mà thấm thía”.

Giám khảo TĐ sẽ không chọn cách chấm thi lắt léo như vậy. Cách chấm thi của TĐ sẽ dung dị, mộc mạc, tìm kiếm những thi phẩm dung dị, mộc mạc nhưng rất công phu, biểu hiện ở cách làm thơ- giỏi diễn đạt- thi phẩm thuyết phục người đọc cả hình thức lẫn nội dung và lan tỏa cảm xúc.

Dưới đây(mời bạn đọc tham khảo) hai bài thơ đạt giải ở hai tờ báo lớn. Bài 1″ Nhịp cầu tuổi thơ”, giải nhất cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” do báo Tiền phong tổ chức:

Ước gì trở lại ngày xưa
Ta về lại với thuở chưa biết gì
Cái thời bỏ túi viên bi
Đã cho em đấy, có khi lại đòi
Em và bè bạn và tôi
Mặt trăng có tóc, mặt trời có râu
Trẻ con nào sá gì đâu
Trẻ con, đâu cũng là cầu sang chơi
Bây giờ thôi, lớn cả rồi
Thành em, thành bạn, thành tôi bây giờ
Cùng chung một tuổi ngây thơ
Nào ai có biết…ai ngờ…mai sau
Vui thì rộng, buồn thì sâu
Bàn chân đặt lại nhịp cầu đong đưa
Nối ngày nay với ngày xưa
Biết rồi lại nối với chưa biết gì

Bài 2, ” Thăm mộ liệt sĩ”, giải khuyến khích cuộc thi thơ do báo Văn nghệ- Hội Nhà văn VN tổ chức:

Vạt đồi yên nghĩ bao đồng đội
Nhang trầm một nén, biết làm sao
Thắp lên đành cắm nơi đầu gió
Hương khói, đừng quên nấm mộ nào

Trưng dẫn hai bài thơ đạt giải để thấy cách chấm thi, xét giải ở các cuộc thi lớn vẫn ưu tiên xu hướng truyền thống, ưu ái ” khuôn vàng thước ngọc” của giản dị, thuần hậu, nhân văn, trong sáng. TĐ cũng ngấm ngầm chọn hướng ưu tiên, ưu ái đấy để định hướng trang thơ, duy trì hoạt động và chất lượng trang thơ. Vì vậy, tổ chức thi thơ và chấm thi ở cuộc thi này được định hình trong khuôn khổ ấy.

Trải lòng là vậy song TĐ vẫn vui vẻ đón nhận những thi phẩm cách tân hiện đại, chỉ mong đừng quá cầu kỳ, bí ẩn- vượt quá ngưỡng thẩm thơ của giám khảo- các siêu phẩm ấy có thể sẽ phù hợp ở các sân chơi đẳng cấp cao hơn.

Mấy dòng thông tin về diễn biến của cuộc thi và ý kiến trao đổi với bạn đọc, các tác giả dự thi, TĐ có ý ” trình bày chút hoàn cảnh” và tâm tình, giao lưu. TĐ đang vừa học vừa làm vừa chơi thơ nên thật lòng cầu thị, mong mỏi được giao lưu, cọ xát với đông đảo bạn thơ trên tinh thần: Vì yêu thơ mà hợp tác, sáng tạo; tôn trọng và xây dựng giúp nhau ngày càng tiến bộ.

Thiết nghĩ cuộc thi thơ “Mùa thu và em” sẽ thành công, nhờ vào ưu ái khích lệ của bạn thơ như hiện nay cùng với tâm huyết và sự thận trọng của TĐ.

Ban quản trị câu lạc bộ thơTao Đàn