Câu chuyện về Viễn Châu là câu chuyện bất tận về vọng cổ, cải lương và những chuyện bên lề của nghệ sỹ. Có ai biết chính những sáng tác theo kiểu “đo ni đóng giày” của ông đã góp phần làm nên nhiều tên tuổi: Tình anh bán chiếu – Út Trà Ôn, Hoa lan trắng – Út Bạch Lan, Áo tình đắp mộ người yêu – Ngọc Giàu, Tiếng trống tàn canh -Thành Được, Bạch Thu Hà – Lệ Thủy, Tu là cội phúc- Minh Cảnh, Lắng tiếng chuông ngân – Thanh Nga, Hòn vọng phu – Mỹ Châu, Hận Kinh Kha – Tấn Tài, Lòng dạ đàn bà -Minh Vương….

Hay chuyện biệt tài viết vọng cổ ngay tại phòng thu để nói về cái tài viết vọng cổ của Viễn Châu. Ông được giới cải lương và anh em nghệ sỹ ca ngợi là người có khả năng “xuất khẩu thành … vọng cổ”. Ông có thể cầm bút viết ngay tại phòng thu. Anh em trong nghề vẫn hay kể nhau nghe về hai bài hát viết chưa ráo mực đã được thu đĩa của ông. Vào khoảng năm 1964, ngay tại phòng thu, ông được yêu cầu viết một bài vọng cổ để nghệ sỹ Hữu Phước ca thu đĩa tại chỗ. Tình thế cấp bách, ông nhận lời viết liền. Thế là khi mọi người đi rước hai nhạc sỹ Văn Vĩ và Năm Cơ tới, ông đã viết xong 3 câu đầu của bài vọng cổ “Nhớ mẹ”. Hữu Phước vào phòng thu ca xong ba câu đó, thì Viễn Châu cũng vừa hoàn tất ba câu vọng cổ còn lại. Một thời gian sau, cũng tại phòng thu, ông lại được yêu cầu viết ngay một bài cho nghệ sỹ Thanh Nhàn ca. Thế là ông viết liền bài “Trái khổ qua”, lấy cảm hứng từ việc nhìn thấy một anh đầu bếp đi chợ mua về một thúng đồ ăn, trong đó có đựng mấy trái khổ qua. Điều đáng chú ý là dù được viết vội vã, nhưng đây lại là hai bài vọng cổ thuộc hàng kiệt tác.

Vua vọng cổ Viễn Châu qua đời: "Sao thầy không nán lại ăn tết" - Tuổi Trẻ  Online

Đáng nói nhất, bên cạnh là cha đẻ của “Tân cổ giao duyên”, Viễn Châu đồng thời được thừa nhận là người đã phát triển vọng cổ hài đến đỉnh cao của nó. 200 bài ca vọng cổ hài hước của Viễn Châu do Văn Hường, hề Sa, hề Minh, hề Quới ca… là 200 chuyện châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội, 200 chuyện vui lật tẩy bề trái của xã hội, ghi dấu một thời kỳ va chạm của phong tục tập quán xưa cũ và cái nếp sống văn minh tiến bộ mới. Vậy ra, ông là người đưa hệ phái vọng cổ hài hước lên tầm cao mới và những giọng ca hài hước có nhiều đất hát, đất diễn như Văn Hường, Hề Sa… trở thành “cây” ca vọng cổ hài hước duyên dáng và độc đáo.

Thường khi nói về vọng cổ, người ta nghĩ ngay đến những nội dung buồn bã, sầu thương. Chứ có ai ngờ soạn giả Viễn Châu lại “táo bạo” thay đổi một cách ngoạn mục lối suy nghĩ đó. Năm 1960, ông viết bài vọng cổ hài đầu tiên mang tên “Đêm tân hôn” cho danh hài Văn Hường ca. Nét hóm hỉnh, duyên dáng của một “ông già Nam bộ” mà ta có thể thấy qua nhân vật huyền thoại Bác Ba Phi hoặc bất cứ ông cụ vui tính nào đó có thể gặp trong đời thực. Cùng thời, Quy Sắc, Yên Lang, Thu An cũng viết vọng cổ hài. Nhưng Viễn Châu có “máu” hài khó pha lẫn vài ai. Những giai điệu vui, dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc trong các bài vọng cổ hài, ông “đặt trọn niềm tin” vào giọng ca của “quái kiệt” Văn Hường, dựng danh hài trở thành nhân vật trung tâm trong các câu chuyện hài vọng cổ. Lúc thì đả kích thói sính Tây trưởng giả trong Vợ tôi (tức vợ Văn Hường)nói tiếng Tây, lúc thì cười vào “giọng ca karaoke” của cô vợ ưa ca hát trong Vợ tôi mê tân nhạc, lúc là niềm tự hào đáng yêu của ông chồng dành cho bà vợ trong Vợ tôi đẹp ác, lúc thì châm biếm thói phóng nhanh vượt ẩu trong Tai nạn Hon-đa, Văn Hường đi xe gắn máy (mang tính thời sự đến tận hôm nay), lúc thì vui tưng bừng với mấy “ông già gân” Tư Ếch, Ba Râu…

Có lẽ chính vì Văn Hường nên Viễn Châu mới “sinh” ra một nhân vật ở xứ Cổ Cò nổi tiếng đến tận ngày nay-Tư Ếch- qua nhiều bài vọng cổ và tuồng cải lương. Ít ai biết rằng ông “hài hước” Viễn Châu rất duyên, hóm khi ông sử dụng nhiều kiểu nói, những câu hát nhại vui rất “thời thượng” thời bấy giờ, ví dụ như “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc 1 cái lên 3 con gà mái. Ôi hết tiền, thua hết tiền”, “Em đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông. Dzô đi em, dù trời khuya anh vẫn đưa em về”, “chạy (xe) cho hết hồn Lệ Thuỷ, xanh mặt Mỹ Châu, Hoành Oanh kêu lính bắt…”, “siết (ga) cho Tấn Tài thua bạc, siết cho Thanh Hải ứa gan… Trường Xuân cạo trọc, Thanh Việt để râu…”. Rồi ông cũng dành nhiều bài hát vui để Văn Hường “réo” tên nhiều nghệ sỹ thân yêu như Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Tấn Tài, Trường Xuân, Thanh Hải, Út Hiền, Thanh Việt…

Những cuộc hội ngộ của Tư Ếch, Ba Râu gợi lại những không khí gia đình, tình làng nghĩa xóm “dzui tưng bừng” ở miền quê. Thậm chí tích truyện nghiêm túc như Quan Công tha Tào Tháo vẫn có chỗ cho Văn Hường chọc cười khán giả! Nghe ca cổ mà cứ phải cười nghiêng ngửa như thế. Vì vậy mà khi xưa trong những ngày lễ tết, đám cưới, những bài ca cổ vui này thường được khán giả vặn lên tạo không khí. Mấy chục năm mà nghe lại những bài ca này vẫn thấy vui và những câu nói, những kiểu đùa ngày nào vẫn được tán thưởng! Nếu ai chưa từng cười khi nghe ca cổ, hãy thử nghe Viễn Châu – Văn Hường thử xem có… nhịn được cười!?