1. Dấu câu tiếng Việt rất phong phú

Có thể kể ra: dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu chấm than, dấu chấm hỏi, dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép…Mỗi dấu câu có một chức năng riêng và giá trị sử dụng khác nhau. Bản thân dấu câu là một kí tự và không có nghĩa. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng, nó có thể làm thay đổi nội dung, thay đổi mục đích phát ngôn và thay đổi cả cấu tạo ngữ pháp của câu. Hãy thử so sánh:

(1) Tôi bắn con chim bay.

(2) Tôi bắn, con chim bay.

Câu (1) là câu đơn; câu (2) lại là câu ghép.

Thực tế sử dụng dấu câu của học sinh phổ thông qua các bài văn nghị luận thường đem đến một kết quả buồn. Có khi, trong bài làm, học sinh viết một câu thật dài không thấy dấu phẩy, dấu chấm để ngắt ý ngắt câu ở đâu? Hay phần mở bài và kết bài, học sinh thường viết chưa thành câu hoàn chỉnh khi đặt giới từ “trong” hoặc “qua”, “bằng” ở đầu câu rồi đến vị ngữ, là kiểu câu nhầm lẫn giữa trạng ngữ và chủ ngữ . Từ đó, dễ dẫn đến lỗi hành văn.

Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, học sinh chỉ có thể bị điểm thấp vì bài văn mất ý nghĩa. Mất những dấu câu trong cuộc đời tuy không ai chấm điểm, nhưng cuộc đời mỗi người cũng mất ý nghĩa như vậy.

Tôi rất lấy làm tâm đắc với câu chuyện về những dấu câu:

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy, anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Cách sử dụng dấu câu trong soạn thảo văn bản - Ví dụ cụ thể - Giang Béc

Lần khác, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối vớ i mọi chuyện.

Kế đó, anh ta để đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai về điều gì nữa. Mọi sự việc xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ, trên mặt đất hay ngay trong nhà mình mà anh ta cũng không biết. Anh ta đánh mất dần khả năng học hỏi. Đằng sau đấy, anh ta riết rồi chẳng quan tâm đến mọi việc.

Vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó, anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta, quay ra, đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.

Lần lượt mất dần các dấu, rốt cuộc, anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.
Cứ như vậy anh ta đi đến dấu chấm hết.

Câu chuyện trên đặt ra vấn đề: Nếu mỗi người đánh mất hết những dấu câu của cuộc đời thì bản thân sẽ ra sao? Có lẽ, mình đánh mất chính mình cũng nên!? Tầng sâu ý nghĩa của câu chuyện về những dấu câu mới thật thấm thía và không khỏi khiến ta giật mình nhìn lại giá trị của các dấu câu.

Những mẩu chuyện vui sau đều có liên quan đến dấu câu (sử dụng dấu câu không đúng vị trí, hoặc thiếu dấu phẩy, thiếu dấu chấm, hoặc không phân biệt rõ văn nói với văn viết…), xin kể ra đây hầu chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”:

1. Cậu học trò bước vào đầu, đội chiếc mũ dưới chân, đi đôi dép trên trán, lấm tấm mồ hôi.

Ở trên, người viết đã đặt dấu phẩy không đúng chỗ, thành ra khôi hài. Lí ra phải viết đúng: Cậu học trò bước vào, đầu đội chiếc mũ, dưới chân đi đôi dép, trên trán lấm tấm mồ hôi.

2.Gia đình nọ nuôi rất nhiều bò. Ngày nọ, anh chồng có việc phải về thăm quê, dặn vợ lúc nào con bò cái đẻ thì tìm cách nhắn anh ta ra. Một tuần sau, anh chồng nhận được bức điện tín vỏn vẹn có 4 chữ viết liền nhau: “Bò đẻ anh ra”.
Lẽ ra bức điện đúng thì phải có thêm dấu phẩy đằng sau “Bò đẻ”. Thiếu dấu phẩy đã gây hiểu lầm hết sức tai hại!

3. Hay tin bạn mất, có người nọ đặt vòng hoa gửi viếng bạn với dòng chữ “Kính viếng ông A.”. Về tới nhà, ngẫm đi nghĩ lại, thấy dòng chữ ấy đơn giản quá, ông đặt vòng hoa điện thoại đến cửa hàng nhờ viết thêm mấy chữ. Nguyên văn: “Xin ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn ông sẽ được lên thiên đàng”. Vòng hoa gửi tới đám tang, quan khách kinh ngạc khi thấy vòng hoa mang dòng chữ: “Kính viếng ông A. Nếu còn chỗ, linh hồn ông sẽ được lên thiên đàng”.

Đúng ra, phần “xin ghi thêm nếu còn chỗ” là phần văn nói để giúp cửa hàng dễ dàng trong quá trình xem xét ghi chữ trên vòng hoa.

4. Có một nhà hàng rất nổi tiếng, lúc nào cũng đông khách, tiệc đặt liền liền. Riêng khâu bếp phải có trên hai mươi người phụ trách. Chủ nhật hôm ấy tiệc đặt tới tấp, khiến bếp trưởng phải ghi lên bảng phân công cho nhân viên làm, chứ không còn thì giờ chạy tới chạy lui chỉ dẫn nữa. Sau cùng có một đám tiệc đặt làm món chim bồ câu. Vì quá lu bu và vội vàng, nên bếp trưởng không kịp ghi cả dấu phẩy, thành thử bảng phân công được thành hình như sau:

“Cô Thanh cắt tiết anh Tâm nhổ lông cô Thu luộc trứng anh Bình mổ bụng cô Trúc lột da anh Vỹ rửa chim cô Hoa bóp mềm anh Dũng bằm nhừ cô Hạnh xào khô tất cả”.

Thiếu dấu phẩy và không đặt dấu phẩy đúng vị trí như câu chuyện trên thì thật nguy hại và khôi hài biết bao!…

2. Nguyên nhân và cách khắc phục:

2.1 Lỗi về hình thức, lỗi về dấu câu

Lỗi về dấu câu có thể chia làm 2 loại: Lỗi không dùng dấu câu và lỗi dùng dấu câu sai.

– Lỗi không dùng dấu câu: Là lỗi câu sai do không dùng dấu câu ở những phần cần thiết, thường học sinh mắc lỗi này do không sử dụng dấu chấm kết thúc câu và dấu phẩy ngăn cách giữa các thành phần câu. Có những bài viết các em không sử dụng một dấu câu nào. Loại lỗi này thường phổ biến.

Nguyên nhân của loại lỗi này là do học sinh đã vi phạm nguyên tắc sử dụng dấu câu. Khi đã kết thúc một ý phải đặt dấu ngắt câu. Việc không sử dụng dấu câu gây khó khăn trong giao tiếp khiến người đọc không thể nhanh chóng nắm được nội dung các em cần truyền đạt thậm chí có những trường hợp không xác định được ý muốn diễn tả.

Ví dụ: Lớp em có bạn Thành là học sinh giỏi và cũng là người bạn của em bạn còn là người con ngoan và hiếu thảo bạn và em đã giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn bạn đã rất quý và tôn trọng em còn em cũng đối xử với bạn ấy như vậy.

– Lỗi sử dụng dấu câu sai (như các tình huống đề cập ở trên): Là lỗi của những câu đã sử dụng dấu câu khi không cần thiết hoặc đáng lẽ phải dùng dấu câu này, lại dùng dấu câu khác. Biểu hiện của lỗi là học sinh dùng dấu chấm ngắt câu khi chưa đúng ý, dùng dấu phẩy ngăn cách các thành phần chủ ngữ và vị ngữ, ngăn cách động từ với bổ ngữ, dùng dấu phẩy ngăn cách các thành phần chủ ngữ và vị ngữ, ngăn cách động từ với bổ ngữ, dấu hai chấm ngăn cách hai vế câu khi vế nọ không có ý giải thích cho vế kia. Phổ biến nhất trong loại lỗi này là câu dùng dấu chấm tuỳ tiện khi chưa hiểu ý, cắt đôi câu ra một cách vô lý.

Một ví dụ khác: Em thấy hoa đỏ, mùi thơm, em rất thích loại hoa này, nó có thể làm đẹp khu vườn nhà em.

Việc học sinh không sử dụng dấu câu hoặc sử dụng sai dấu câu là do chưa biết áp dụng dấu câu trong việc diễn đạt nội dung, chưa nắm được cách sử dụng chúng.

2.2 Xác định lỗi về hình thức, lỗi về dấu câu

Ví dụ 1: Cái miệng nó có 6 chiếc răng nhọn gia đình em đặt tên cho nó là Tiểu Hổ cái đuôi của nó dài hai mươi centimet con chuột nào thấy bóng Tiểu Hổ cũng sợ.

Lỗi: Viết câu không chú ý dấu.

Cách chữa: Dùng dấu chấm câu tách các bộ phận có ý nghĩa trọn vẹn thành các câu (kết hợp với viết hoa chữ cái đầu câu): Cái miệng nó có 6 chiếc răng nhọn để bắt chuột. Cái đuôi của nó dài hai mươi centimet. Gia đình em đặt tên cho nó là Tiểu Hổ. Con chuột nào thấy bóng Tiểu Hổ cũng sợ.

Ví dụ 2: Nhân dịp kỷ niệm ngày Thành lập Đoàn 26- 3. Trường em tổ chức tham quan Bến Nhà rồng – Dinh Độc lập.
Lỗi: Nhầm trạng ngữ với câu.

Cách chữa: Thay dấu chấm bằng dấu phẩy, từ “Trường em” là chủ ngữ nên không viết hoa. Nhân dịp kỷ niệm ngày Thành lập Đoàn 26- 3, trường em tổ chức tham quan Bến Nhà rồng – Dinh Độc lập.

2.3. Xác định các dấu câu sử dụng sai và nêu cách sửa chữa

Sau khi hệ thống những lỗi dùng dấu câu, tìm ra nguyên nhân dùng dấu câu sai của học sinh và thiết lập cách sửa các dấu câu sai đó. Cần tiến hành sửa lỗi dấu câu một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Khi hướng dẫn học sinh sửa lỗi dùng dấu câu nên:

+ Đưa ra các dấu câu có lỗi sai điển hình.

+ Chỉ ra lỗi sai.

+ Xác định nguyên nhân dẫn đến lỗi sai

+ Đối chiếu câu đã sửa với câu sai, rút ra các lưu ý khi sử dụng dấu câu.

3. Kinh nghiệm sửa lỗi dùng dấu câu:

– Muốn sửa lỗi dấu câu cho học sinh thì người giáo viên phải bao quát và nắm được tất các các lỗi sai mà học sinh có thể mắc phải, nguyên nhân học sinh mắc phải các lỗi đó. Có như vậy, trong bất cứ lỗi sai nào người giáo viên cũng có thể chỉ ra cho học sinh và có cách sửa phù hợp.

– Các lỗi sai khi viết dấu câu trong tiếng Việt là vô cùng đa dạng, việc phân loại rõ các loại lỗi sai và cách chữa với từng loại lỗi sai đó sẽ giúp học sinh không lúng túng khi dùng dấu câu và có thể bỏ dấu đúng, hoặc cũng biết cách xác định lỗi sai của mình và cách sửa các dấu câu sai đó.

– Việc áp dụng nhiều hình thức chữa lỗi viết dấu câu cho học sinh có những tác dụng rất lớn, giúp học sinh nắm vững lỗi sai cũng như cách sửa lỗi dùng dấu câu của mình. Không những thế, tùy từng đối tượng học sinh lại có những cách chữa bài riêng để việc chữa thực sự có tác dụng tốt nhất.

Dấu câu tiếng Việt rất phong phú, tùy tình huống cụ thể, sử dụng sao cho phù hợp, đắc địa. Thường xuyên đọc các tác phẩm văn học cũng là một cách giúp mọi người dần khắc phục lỗi sử dụng dấu câu sai./.