Làng – danh từ ấy từ xưa đến nay luôn là một xứ sở đặc biệt trong tâm khảm mỗi người, bởi những kỉ niệm ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, đi xa, bởi ở đó có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Đã có rất nhiều thi nhân viết về làng bằng cả nỗi niềm đau đáu nhớ mong. Và Lê Gia Hoài cũng thế. Đọc Lê Gia Hoài, ta thấy một vẻ đẹp trong trẻo, mộc mạc toát lên từ câu chữ, ý tưởng, khiến ta muốn tìm hiểu về không gian nào làm nên cảm xúc trong thơ anh. Vì thế tôi tìm những sáng tác của anh, từ vẻ đẹp dưới mái trường đến những nét đẹp dung dị về làng quê, đã khiến tôi trân quý những vẻ đẹp trong thơ anh – nhà thơ của đồng quê Vĩnh Phúc. Trong chùm thơ về quê hương, đất quê…tôi ấn tượng nhất với bài thơ Về làng, một bài thơ toát lên nét quê từ trong ca dao, từ trong cổ tích.

Theo chân lối cũ tôi về
Thăm màu nước biếc sông quê ngày nào
Đồng chiêm hương lúa xôn xao
Ngát xanh như khúc đồng dao quê mình.

Tôi về tắm nắng sân đình
Ngát hương bưởi cốm trắng tinh vườn nhà
Buông mình vào bóng cây đa
Tìm trong cổ tích tiếng bà ngày xưa.

Tôi về hứng những giọt mưa
Rơi trên trầm tích mái chùa rong rêu
Lắng nghe tiếng mõ vọng chiều
Cho tâm sáng giữa bao điều trần ai.

Tôi về đứng giữa ban mai
Đếm màu sương khói trên vai mẹ gầy
Nhặt trong thương nhớ vơi đầy
Bao la tình mẹ những ngày xa quê.

Theo chân lối cũ tôi về!

Lê Gia Hoài đã đưa chúng ta Về làng bằng những câu thơ như thế. Những vần thơ lục bát nhuần nhị, dịu dàng như lời ru của mẹ, qua tâm hồn anh, vẽ nên vẻ đẹp thanh bình của làng quê châu thổ. Về làng là về lối cũ, là nơi in dấu chân thuở thiếu thời.

Theo chân lối cũ tôi về
Thăm màu nước biếc sông quê ngày nào
Đồng chiêm hương lúa xôn xao
Ngát xanh như khúc đồng dao quê mình.

Không phải là về ngắm, mà là về “thăm” – từ “ thăm” vừa giản dị, vừa thể hiện được rõ tình cảm của nhân vật trữ tình với dòng sông. Phải yêu sông lắm anh mới thốt lên như thế, con sông không phải là một vật vô tri vô giác, con sông là người bạn gắn bó suốt tuổi ấu thơ, có phải vì thế mà “về làng” là Lê Gia Hoài dẫn chúng ta ra thăm sông trước nhất?

Bức tranh của làng quê hiện lên với màu xanh của con sông “nước biếc”, rồi đến cánh đồng lúa chiêm “hương lúa xôn xao”. Nhà thơ đã dùng nghệ thuật nhân hóa thật khéo khi muốn nói hương lúa như reo vui đón người con đi xa trở về, từ láy “xôn xao” thật gợi, âm thanh ấy là của gió, hay là của lúa, của đồng đất quê hương? Và nữa, Lê Gia Hoài sử dụng nghệ thuật so sánh thật thú vị khi so sánh một vật hữu hình là đồng chiêm với âm thanh của “khúc đồng dao quê mình”. Một bức tranh quê đầy màu xanh, cũng đầy âm thanh và hương vị.
Bởi vì “Về làng” nên phải đi thăm thú mọi nơi, những nơi từng lưu lại thời thơ bé của mình.

Tôi về tắm nắng sân đình
Ngát hương bưởi cốm trắng tinh vườn nhà
Buông mình vào bóng cây đa
Tìm trong cổ tích tiếng bà ngày xưa.

Ta theo chân nhân vật trữ tình ra đình, ra vườn, ra cổng làng…Nơi ấy là tuổi thơ, là nắng gió, là tiếng cười, là hương bưởi thơm cả những giấc mơ. Không phải là hóng nắng, phơi nắng mà là “tắm nắng” – một hình ảnh ẩn dụ bộc lộ tình cảm tha thiết với quê hương. Cũng không phải là “ra gốc đa hóng mát” mà là “ buông mình vào bóng cây đa”, một sự thả lỏng hoàn toàn, thả lỏng đến mức không còn dáng vẻ của người trưởng thành nữa, mà là đứa trẻ của ngày xưa, lăn lê, nô đùa dưới bóng cây, nghe những câu chuyện cổ tích xa xưa trong êm dịu tiếng bà…Bây giờ cháu đã lớn, bà đã đi xa…tìm trong cổ tích tiếng bà, biết bao giờ tìm thấy…

Nhà thơ đưa ta về làng, về với những sắc điệu quen thuộc của nắng, mưa, của những hình ảnh đã đi vào kí ức.

Tôi về hứng những giọt mưa
Rơi trên trầm tích mái chùa rong rêu
Lắng nghe tiếng mõ vọng chiều
Cho tâm sáng giữa bao điều trần ai.

Ta có bao lâu để đứng hứng mưa? Ta có bao lâu để ngắm rong rêu đã thành nơi thời gian ở lại? Những mái chùa im lìm ở đó, những tiếng mõ chiều vẫn đều đều đong đếm thời gian xếp những lượt trầm tích trên lớp lớp đời người…Những giây phút lắng đọng ấy để ta nhìn lại hành trình đã qua, những gì sắp đến, để rửa trôi bao lo lắng muộn phiền “Cho tâm sáng giữa bao điều trần ai”.
Ta đi theo nhân vật một vòng làng quê, qua dòng sông, qua mưa nắng, qua mái chùa cổ kính, để về với ban mai:

Tôi về đứng giữa ban mai
Đếm màu sương khói trên vai mẹ gầy
Nhặt trong thương nhớ vơi đầy
Bao la tình mẹ những ngày xa quê.

Hình ảnh thơ trong khổ này rất đơn giản mà gợi hình ảnh, ban mai là thời gian bình minh, mà “đứng giữa” lại là một động từ và phụ từ chỉ vị trí, nhưng câu thơ vẫn gợi dáng vẻ của người con trong buổi sớm ở nhà, dưới nếp nhà thân thuộc, ngắm dáng mẹ tảo tần. Có ai “đếm màu sương khói” được không…một hình ảnh ẩn dụ khiến ta rưng rưng. Mẹ vất vả từ sáng sớm tinh sương, đến tối khuya vẫn chưa thôi tất bật, vòng tay mẹ, bàn tay mẹ, bờ vai mẹ…đã gánh những gì, đã chắt chiu, nâng niu những gì, để ta có hôm nay. Và ta, “nhặt” “thương nhớ” đến bao giờ mới đủ để bớt nhớ mẹ “những ngày xa quê”? Lê Gia Hoài một lần nữa sử dụng ẩn dụ thật khéo léo, để ta biết trân trọng gom “nhặt” những nhớ thương, những giản đơn bé nhỏ làm nên tâm hồn mỗi người.

Bài thơ kết lại chỉ một câu 6 chữ “Theo chân lối cũ tôi về!” – câu thơ ngắn, một dấu chấm cảm cuối dòng thật đơn giản mà lòng ta nao nao…Cuộc đời chúng ta, ai cũng từng một lần về lối cũ, và kỉ niệm trở về, ta sống lại thuở ấu thơ, ta trở về mái ấm nuôi ta trưởng thành, và ai cũng muốn được nhiều lần trở về như thế.

Bởi vì “ Về làng” nên cả 5 khổ thơ đều có từ “về”, về để đi thăm, đi ngắm, đi chơi, đi tìm, về để tắm nắng, hứng mưa, đếm sương khói trên vai mẹ…Bằng thể thơ lục bát quen thuộc, Lê Gia Hoài sử dụng từ ngữ thật sự giản dị, anh cũng khéo léo dùng các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, tất cả đã tạo nên bài thơ lục bát thật nhuần nhị mà gợi hình, gợi cảm. Một bức tranh làng quê thanh bình đầy màu sắc, âm thanh, hương vị được gọi ra từ bài thơ. Cảm ơn anh đã đưa người đọc “Về làng” bằng những câu thơ mộc mạc mà thiết tha đến vậy, và người đọc sẽ thêm yêu làng quê xứ sở, bởi trong chúng ta, ai cũng sẵn có một làng…

Đ.H.N

Đinh Hồng NHung