Thơ vốn là chiều sâu của cảm xúc, được nhìn nhận qua lăng kính chủ quan của người cầm bút. Bởi vậy, thật khó để có một khái niệm đủ đầy, trọn vẹn về thơ. Với tôi, thơ đẹp và mang giá trị khi nó có khả năng thanh lọc và cảm hóa con người. Chính vì thế, để cảm được thơ, người đọc ắt phải có một trái tim đẹp, một trái tim đủ để rung cảm trước những dáng vẻ của ngôn từ.

“Chiều say men nắng” là tập thơ đựng chứa nhiều cung bậc cảm xúc nhưng tựu chung lại đó là chiều sâu của một trái tim yêu bình dị, sâu sắc. Lê Gia Hoài đã biến cái mộc mạc cốt chất ấy thành thứ gia vị vừa đủ để nhâm nhi, vừa đủ để làm nên một “chiều say” gửi đến bạn đọc.
Trong thơ anh, tình yêu dường như không chỉ là sự cho đi mà nó còn đòi hỏi sự đồng điệu giao thoa nơi sâu thẳm tâm hồn:
Xuân nồng đào phai ngọt sắc
Ngân nga khúc nhạc màu xanh
Tình em thêu hoa giăng mắc
Ngập tràn nỗi nhớ lòng anh
(Xuân và em)
Chính sự đồng điệu ấy đã chắp cánh cho tình yêu vượt ra khỏi tầm vóc của không gian, của thời gian, vượt ra khỏi ranh giới của những hữu hạn nhỏ bé tầm thường để đạt đến độ da diết, cháy bỏng, vô biên, vô cùng:
Em xa khuyết nửa trần gian
Trăng đêm rụng vỡ muôn ngàn nhớ mong
Cuối trời bão nổi mây giông
Tim anh thác lũ đầy sông nghẹn ngào
(Em xa)
Mai này xuân sẽ đến
Lạc vào em mênh mông
Anh ngồi đong rét mướt
Nhớ thương em cháy lòng
(Cúc họa mi mùa đông)
Có rất nhiều cách khác nhau để diễn tả và đi đến tình yêu, nhưng có lẽ với Lê Gia Hoài thứ tình yêu bền bỉ nhất vẫn là sự chân thành, là sự không phô diễn, là nơi tâm hồn được cất cánh, là nơi nỗi nhớ có lý do để đợi chờ:
Phố mùa này hương bưởi vẫn trong veo
Bầy chim trời vẫn theo về làm tổ
Chỉ mình anh với tháng ba loang đổ
Cứ âm thầm ngồi nhắc mãi tên em
(Dấu chân tháng ba)
Có một chiều anh ngồi đếm nhớ thương
Nơi quán quen góc đường ngày cuối hạ
Em không về…hoàng hôn mong manh quá
Để tiếng ve cũng hóa những mong chờ
(Chiều biếc)
Những câu thơ không mới từ hình thức đến nội dung nhưng bằng cách nào đó nó vẫn gieo vào lòng ta những dự vị đậm đà khó quên nhất định. Lê Gia Hoài đã biết cách khai thác chất liệu ngôn từ dân giã để biến cái mộc mạc ấy thành cái chân tình, hữu ý; từ đó làm bật lên những ý tưởng sáng tạo, những thanh âm trong trẻo, những điểm rơi khắc sâu vào trái tim người đọc:
Con mang thương nhớ trở về
Quàng vai áo mẹ chiều quê gió lùa
Lắng lòng nghe những nắng mưa
Lặn trong đời mẹ sớm trưa tảo tần.
(Mẹ quê)
Không cần tô vẽ cầu kỳ, không chưng cất những ngôn từ mỹ miều, tác giả vẫn khắc họa nên một bức chân dung đời thường về mẹ đủ đầy, một tình yêu lớn dành cho mẹ và chỉ có ở mẹ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ “say” rồi.
Cái hay của “Chiều say men nắng” không nằm ở chỗ truyền tải đi những thông điệp lớn lao, hay ở những hình ảnh mang tính nghệ thuật cao cả mà nó nằm ở chỗ khơi dậy trong tâm hồn người đọc những tình cảm đẹp đẽ, những trắc ẩn bấy lâu… Và tôi thích điều đó dẫu nó có chút buồn, có chút cô đơn. Nhưng quan trọng cái buồn, cái cô đơn ấy lại khiến người ta “say”.
Chiều say men nắng à ơi
Lời ru ai hát mà rơi nỗi buồn
(Chiều say men nắng)
27/4/2022-PV

Phố Vắng