Trong đời, có nhiều hơn một khoảnh khắc bất chợt ùa đến, nghẹn ngào, tan vỡ, đau điếng; mà tại chính thời khắc ấy, chính chúng ta chẳng biết thả những yếu đuối, ấm ức đi đâu ngoài việc bưng mặt khóc trong một góc khuất. Khóc cho chính mình – có, khóc cho người đời – cũng có. Một câu chuyện có thật, quá trớ trêu và nghiệt ngã cho cái ngưỡng tuổi còn quá trẻ của một cô gái. Chẳng phải, khi đã quen sống với ánh hào quang, niềm tự hào, sự vinh danh, sự xuất hiện của nghịch cảnh khiến lòng ta bỗng chốc trở lên ngột ngạt, chật chội bởi chẳng còn dư khoang chứa nào cho những nỗi đau kia. Tôi chỉ muốn chia sẻ thật chân thành với những ai đang sống một cuộc đời phóng khoáng, tươi vui rằng: Bất cứ lúc nào, những chuyện đáng tiếc cũng có thể ập đến với chúng ta. Làm sao để thoát ra được, làm sao để vùng vẫy mà không khiến chính mình và người khác bị thương? Trước hết, hãy tích cực nghĩ rằng: Bằng mọi cách phải cân bằng, dù trời có sấm chớp cũng chưa chắc đã mưa.

Rằng có những ngày, trời bất chợt xả xuống nhân gian một trận mưa lớn, nhưng không hề khiến cho lòng người cảm thấy lạnh lẽo hay lo âu. Bởi khi vui, những điều khắc nghiệt nhất mà thời tiết mang lại chẳng có ý nghĩa gì. Một cô gái sinh ra từ một miền quê xa xôi. Vốn rất ngoan hiền lại chăm chỉ học hành, cô lúc nào cũng là niềm hãnh diện của gia đình và trường học. Buổi chiều hôm ấy, kể từ khi người đưa thư gõ cửa nhà, trao đến tay cô tờ thông báo của một trường đại học danh tiếng, ngôi nhà có ba người ngập tràn niềm hạnh phúc và tự hào.

Ngày cô lên trường nhập học, cha mẹ tiễn đưa bịn rịn , quyến luyến. Do học xa, cô chỉ về thăm nhà vào những dịp nghỉ hè và tết Nguyên đán. Một sinh viên luôn có thành tích xuất sắc, được thầy cô, bè bạn yêu mến, một người con ưu tú luôn được cha mẹ dành cho nhiều thương yêu và tự hào, cộng thêm việc cô sớm có bạn trai, một chàng trai ngoại quốc bảnh bao và hài hước khiến người khác luôn ngưỡng mộ. Mối tình đầu nhiều hy vọng và khát khao! Những cuộc điện thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ, những cuộc gặp gỡ nói với nhau không ngớt về văn hóa nước mình, những quyến luyến khi xa nhau trong những dịp nghỉ lễ dài, trái tim cô lúc nào cũng nhộn nhạo nhiều xúc cảm.

Trước đây, với cô mà nói, ái tình vốn là sân khấu của người khác, còn cô chỉ là một vị khách đến xem. Đến khi chính mình rơi vào tình yêu, những cảm giác nhớ nhung, hạnh phúc, bồn chồn, lo lắng cũng dần lấp đầy tâm trí cô. Một cô gái học đại học xa nhà, thay vì háo hức về thăm gia đình trong các dịp nghỉ lễ thì cô gái ấy lại đắn đo, quyến luyến bạn trai đến nỗi không thật sự muốn quay về. Một cô gái chưa bao giờ giặt đồ cho cha mẹ nhưng lại tự nguyện giặt cho bạn trai với những niềm ấm áp, tươi vui hiện rõ trên gương mặt.

Những lần xa nhau, dường như cô đều gắng cười thật rạng rỡ để người ở lại an lòng. Nhưng khi anh đi rồi, trong lòng cô như trơ lại một khoảng trống hoác và rỗng tuếch. Ngẩng đầu nhìn trời buổi đêm, dường như ánh trăng của ngày hôm đó thật mông lung.

Suốt quãng thời gian sống trong tình yêu ấy, cô cùng bạn trai trải qua những ngày tháng vui tươi lúc mạnh khỏe, cả những nỗi mệt nhọc khi anh ốm triền miên và gầy rộc. Tình cảm giữa hai người như càng thêm gắn bó khăng khít, hứa hẹn về tương lai khi tình yêu là thứ khiến cho con người ta có thể bỏ qua mọi rào cản để vun đắp hạnh phúc. Chỉ có tình yêu thôi! Bỗng một ngày, chàng trai người ngoại quốc trở lên lạnh nhạt và xa cách. Anh hứa hẹn sẽ trở lại sau một tháng để giải quyết công việc tại đại sứ quán. Lúc nào cô gái cũng tưởng tượng về bạn trai mình, rằng không biết cảm xúc trong anh thế nào lúc rời xa cô? Nhưng có một điều chắc chắn cô không biết, đó là lần gặp cuối cùng của họ.

Trong lúc cảm xúc trong cô còn đang xáo trộn vì nhớ nhung, cô nhận được điện thoại của bí thư đoàn trường thông báo về việc cần gặp mặt khẩn cấp. Chưa phút giây nào, cô cảm thấy không khí trở nên ngột ngạt như thế. Bí thư hẹn cô vì việc gì? Chuyện gì đã xảy ra qua giọng điệu căng thẳng và nghiêm túc được thốt lên từ một người vốn hiền hòa, vui vẻ ấy? Lòng cô nhộn nhạo như khúc gỗ cũ đang bị mối xông.

“Dạo này em ổn chứ?”

“Dạ?”

“Tất cả mọi việc của em đều ổn chứ?”

Dự cảm có chuyện chẳng tốt lành gì, cô bắt đầu căng thẳng đến mức toát mồ hôi hột. Trước lời hỏi thẳng thắn của bí thư: “Em có quen một bạn trai người ngoại quốc đúng chứ? Em có biết rõ về anh ta không?”, lòng cô nóng như lửa đốt, cứ như bị ném lên giàn hỏa thiêu vậy.

Tiếp tục, bí thư hỏi dồn dập những điều khiến cô gái trẻ sững sờ và căng thẳng cực độ:

“Anh ta bị nhiễm HIV, đã bị trục xuất về nước hồi sáng nay. Em và anh ta đã quan hệ tình dục với nhau chưa? Có hay chưa, hãy trả lời thành thật câu hỏi của cô”.

Để bảo vệ danh dự của mình, cô đã nói dối: “Chúng em chưa quan hệ!”.

Nơi một xã hội tàn nhẫn, khắc nghiệt với những người mắc căn bệnh thế kỷ, dù cho trước đó, cô xuất sắc thế nào, ưu tú ra sao thì ngay lúc này đây, tất cả mọi người đều ghẻ lạnh, xa lánh cô. Bị gạt ra khỏi trường, chịu sự miệt thị của mọi người xung quanh, cùng với nỗi lo lắng nếu như cha mẹ cô biết chuyện đè nặng và bóp nghẹt trái tim cô. Cô phải làm sao để vượt qua nghịch cảnh và cái chết khi chỉ có một mình đây?

Cô đã thật sự nghĩ đến việc tự tử. Chết là hết. Cô đã chuẩn bị cho chuyện bằng việc viết thư tuyệt mệnh. Làm sao có thể tải chứa được cảm xúc ê chề nếu như những người đã từng tự hào về mình lại biết mình mắc phải căn bệnh thế kỷ khi có quan hệ với một người mắc AIDS khi vừa mới vào nhập trường không lâu? Dường như trong lòng cô không lúc nào ngừng lại những xung đột. Trông cô gầy rộc hẳn đi.

Đối diện nhiều lần với sự tuyệt vọng, chán chường , hơn bao giờ hết, cô vẫn khát khao được sống. Một cách nghĩ rất bản năng của bất cứ người nào khi họ biết rằng, càng cận kề cái chết, nỗi khao khát được sống càng trở lên mãnh liệt. Nhưng làm thế nào để che giấu gia đình, làm thế nào để vẫn có thể tìm cho mình niềm vui sống trong những ngày cuối cùng khi tuổi đời còn quá trẻ? Cô không hề oán trách bạn trai. Lúc nào cô cũng nghĩ, lỗi lầm này là do chính cô không tự bảo vệ cho mình. Giờ đây, khi phải đối diện với cha mẹ của mình, cô càng đau đớn và xung đột. Thỉnh thoảng, cô nở một nụ cười trông còn khó coi hơn cả khóc. Đứa con gái từng là niềm tự hào, hãnh diện của gia đình lại làm ra chuyện đáng xấu hổ như vậy. “Giá như”, hai tiếng cứ hấm hứ mãi trong tâm tư của cô gái trẻ khi đã quá tin tưởng bạn trai. Trong phút chốc, những giấc mơ chưa thực hiện như hóa thành khói sương mịt mù ngay trước mắt.

Trên những chuyến tàu di chuyển từ quê hương tới thành phố, cô đã tuyệt vọng nghĩ rằng mình là hành khách duy nhất không rõ đích đến. Ở nhà quá lâu, cha mẹ cũng sẽ sinh nghi ngờ. Bằng mọi cách, cô phải trốn chạy dù chưa xác định được đích đến và những gì mình sẽ thực hiện vào ngày mai. Trong khi mọi người đều chen nhau để bước xuống tàu, hồi hộp được sà vào lòng những người thân đang ngóng đợi thì cô chỉ biết thất vọng ngồi xuống, trở thành người bước xuống cuối cùng.

Ngẩng đầu nhìn lên cao, trời vẫn xanh bao la, mây không vì tâm trạng của cô mà u ám. Những cánh diều trên nền trời xanh thẳm, chúng thật tự do tự tại dù vẫn chịu sự điều khiển của con người. Thế nhưng, điều đó cũng vẫn tốt hơn cô; bởi ít ra khi không muốn bay nữa, chúng cũng còn tìm được một chốn để nghỉ ngơi. Còn cô thấy mình lúc này chẳng khác gì cánh diều đứt dây, không ai đưa tay níu lại cả.

Và trong sự tuyệt vọng, chính cô lại là người thay đổi để tạo kỳ tích từ trong nỗi bất hạnh. Cô đến thăm làng những người mắc AIDS giống mình, để tìm cho mình sự đồng cảm cũng như những gì cần chuẩn bị khi phát bệnh. Chuyến đi khiến cô nhận ra rằng, mình vẫn còn là một mảnh đời may mắn. Họ nghèo nàn, đói khổ, không có cơ hội được học hành, điều đó bất hạnh hơn rất nhiều so với cô. Cô bắt đầu nghĩ đến việc, mình cần làm gì đó cho họ, cho những đứa trẻ lớn lên trong sự khốn cùng và bệnh tật.

Là người có vốn ngoại ngữ tốt, dù chưa tốt nghiệp, lại không có tờ khai lý lịch, nhưng cô biết cách thuyết phục để có thể đứng trên bục giảng với vai trò một người dạy tiếng. Ít ra, số tiền cô kiếm được có thể giúp cô trang trải sinh hoạt phí, tiền điều trị bệnh và giúp ích cho những người bệnh có hoàn cảnh bất hạnh hơn cô.

Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, cô đã chọn cách công khai bệnh của mình, với mong muốn xã hội hãy có cái nhìn cởi mở hơn, bao dung hơn với những người mắc AIDS, rút ra bài học từ câu chuyện của chính cô để tự bảo vệ chính mình. Có người đồng cảm dành cho cô sự động viên, cũng có người miệt thị và ném vào cô những lời thật cay đắng nhưng dường như cô đã chuẩn bị sẵn tâm lý trước những thái độ trái ngược đó.

Khoảng thời gian cuối cùng, cô tích cực tham gia diễn thuyết về chuyên đề “sinh viên và AIDS” trong nhiều trường học, dành thời gian đi thăm các bệnh nhân và có dịp làm quen, tiếp xúc với nhiều người mắc bệnh nhưng ở họ luôn tràn trề niềm lạc quan khiến trái tim cô trở nên ấm áp hơn.

Một cô gái mạnh mẽ, dũng cảm, làm tỉnh ngộ sâu sắc con người, có trách nhiệm với xã hội cộng đồng như vậy, tại sao chúng ta lại không thể dành cho cô sự yêu mến, cảm thông và sự tôn trọng chứ? Từ trong sâu thẳm, tôi mong những thông điệp của cô cổ vũ xã hội hãy sống có trách nhiệm hơn chính mình và cộng đồng.