Tiếng mèo kêu hoảng sợ, còn hắn thì thất thểu đi vào phòng từ phía ngoài cửa; hình như là nhặt chiếc dép đi trong nhà đã dùng để ném mèo. Hắn chẳng hề yêu động vật. Thế mà hắn học bác sĩ. Hay bác sĩ chữa bệnh cho người khác cách đối xử với động vật? Rùng mình nghĩ đến lương đức nghề nghiệp của hắn khi dám cả gan ném con mèo, tôi mong cho hắn thất nghiệp sau khi ra trường.

Tôi đã gọi con mèo đủ độ tha thiết, nhưng con vật cưng vẫn không chịu ra khỏi gầm giường. Trong đầu vạch sẵn một đoản ca chửi bới có bài bản, tôi phóng thẳng vào phòng hắn, không gõ cửa. Nhưng rồi, tôi hét lên, đóng rầm cửa lại. Mẹ tôi nói vọng từ tầng 3 lên:

– Con kia, làm gì mà mày gào lên thế? Có biết đang là buổi trưa không?

Có chết tôi cũng không dám nói với bà vì sao tôi gào lên như thế. Hắn… đang thay đồ. Và ít nhiều, tôi cũng nhìn thấy hắn trong bộ dạng “thiếu vải”. Câu chuyện hài hước ấy khiến tôi nhớ những ngày hắn sống trong căn phòng này.

Ngày nghỉ, tôi tính ngủ đến khi mẹ gọi dậy ăn trưa. Tiếng gõ cửa phòng khiến tôi cáu kỉnh. Mắt nhắm, mắt mở, tôi bước xuống giường hé cửa:

– Gì đây hả “anh bạn yêu dấu”?

Câu nói khinh khỉnh của tôi được hắn biến tấu, nâng lên thành sự hài hước. Hắn cười. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hắn cười.

– Tôi muốn mượn năm trăm. Đầu tuần tôi gửi lại.

– Để xem đã…

Cánh cửa khép lại, tôi bỏ lại hắn sau câu trả lời ngái ngủ không rõ ràng. Nhưng rồi đầu óc tôi không còn nghĩ được điều gì khác ngoài chuyện của Hoàng. Hình như suy nghĩ ấy diễn ra rất ngắn. Thế nhưng cũng mất 10 phút tôi ngồi bần thần. Tôi thít lên, bụm miệng rồi bắt đầu vẽ ra hắn phá phách gì mà hết sạch tiền. Chơi gái, đi bar hay mời bạn ăn uống tơi bời một trận? Không! Cái con người quanh đời không hé môi trừ lúc đánh răng, ăn, uống, ngáp, may ra thêm lúc thầy cô gọi trả bài hoặc thi vấn đáp thì có lẽ nào hắn có bạn bè hoặc cả những trò yêu đương để chi trả? Có thể, hắn gặp chuyện gì đó? Tôi gõ cửa phòng. Phải đợi mất 5 phút cửa phòng mới hé mở. Mắt hắn đỏ hoe. Tôi không nghĩ hắn khóc mà hỏi một câu ngây ngô:

– Vẫn còn tiền ăn mì tôm chua cay cơ mà.

Hắn không nói. Tôi ngồi mép giường giống như chị vợ anh Tràng, nhân vật được miêu tả có gương mặt hình lưỡi cày trong truyện “Vợ nhặt” của ông Kim Lân. Phải nói là căn phòng hôm nay không bừa bộn. Nó gọn gàng và thơm tho lạ thường. Tôi đưa cho hắn tờ 500.000 đồng. Sau đó, tôi ra khỏi phòng, khép cửa lại.

Cả trưa, hắn không ngủ. Hắn lịch kịch trong phòng như phá nhà. Buổi chiều, tôi thấy bóng hắn xuống nhà, chắc là nộp tiền điện nước cho mẹ. Ngó sang bên phòng hắn, chiếc ba lô to kềnh để sẵn trên giường. Hình như hắn chuẩn bị đi đâu đó.

Một ngày buồn tẻ, tôi đánh một giấc đến chiều tối. Bọn sinh viên nữ học Văn chẳng hề thân thiện. Mắt chúng cận lòi ra. Cặp kính dày như đít chai. Nhìn thấy chúng, cuộc sống như càng thêm tẻ nhạt. Vắng hắn thấy nhà cửa im ắng dù có hắn ở đây cũng chẳng ồn ã, vui vẻ gì. Đến ngày thứ hai thì tôi trộm nghĩ:

– Hay hắn vay rồi bùng tiền? Chứ trong tuần sao hắn không về lấy sách vở đi học chứ?

Hắn biệt tăm mất hai ngày. Chiếc gối cũ, chiếc chăn rách, vài bộ quần áo thổ tả và ít sách vở quăn queo, cũ nát, tôi chỉ mong hắn quay lại cuỗm chúng đi. Tôi thấp thỏm nhưng không hiểu đó là trạng thái cảm xúc gì. Tôi không dám tin mình nhớ hắn, chỉ nghĩ hắn là con nợ thì mình phải “quan tâm” đến hắn.

Ngoài cửa có tiếng xe. Hắn đã về, bơ phờ và mệt tã. Hắn đi qua trong lúc tôi mở tủ lạnh lấy đồ uống. Tôi gọi theo và ném một quả táo chín mọng cho hắn. Thật không ngờ là đường bay của quả táo lại mạnh đến nỗi làm mũi hắn chảy máu. Hắn leo lên gác lờ tảng cơn đau ấy. Miệng ú ớ không thốt lên được tiếng nào, tôi hoảng hốt, chạy theo lên phòng hắn:

– Anh bị chảy máu đấy!

Nghe tôi nói, hắn chạm tay lên mũi:

– Trời ơi máu…

Tôi nhe răng cười:

– Anh là thứ gì thế? Con trai học Y mà sợ máu.

Ánh nhìn của hắn khiến tôi khựng lại. Đầu óc tôi lúc đó như bị u mê. Hắn đã đánh thức tôi bằng những lời tâm sự.

– Ngày mai tôi đi gặp cô ấy…

Hoàng nhắc đến “cô ấy”. Chẳng rõ tôi vì đâu mà bối rối rồi hụt hẫng. Tôi lảng đi rồi về phòng, không muốn tiếp tục nghe câu chuyện của hắn.

12 giờ đêm hắn gõ cửa:

 – Đi sinh nhật về muộn quá! Trả cô tiền bữa trước mượn. Mai tôi về quê sớm luôn cho khỏi nắng sợ lại làm phiền cô ngủ.

– Mai anh về quê rồi à?

Hoàng gật đầu rồi chúc tôi ngủ ngon. Hắn khép lại cánh cửa phòng tôi rồi lẩn về phòng mình nhanh như tốc độ của đường truyền ánh sáng. Tôi nằm vắt tay lên trán, không ngủ nổi. Nghĩ đến cả mùa hè hắn không lên đây nữa thì buồn thật. Nợ nần đã thanh toán, tôi không có lý do để nghĩ đến hắn nhưng thật khó để đuổi được suy nghĩ ấy đi. Đêm dài với những suy nghĩ cuộn lên, vu vơ nhưng rối rắm cho đến khi ngủ quên mất.

Tối cuối tuần, hắn đi đâu đó muộn chưa về. Tôi vẫn ngồi xem ti vi đợi cửa. Nghe tiếng động mạnh ở ngoài, tôi đoán hắn về. Bước ra thấy hắn ngã vật ở ngoài cửa, cơ thể nồng nặc mùi rượu, át hết mùi hôi hám trên cơ thể hắn vào những ngày nóng nực. Tôi đỡ hắn lên phòng như một cô chủ nhà tốt tính, vô tư rồi bỏ đấy. Hắn thều thào nói bằng giọng say:

– Mệt quá!

Bộ dạng hắn lúc này nhàu nhĩ và đau khổ cùng tận. Nhìn nước mắt đàn ông hiếm hoi rơi vì tình mới thấy tình yêu có sức hủy diệt ghê sợ đến chừng nào. Tôi đóng cửa, về phòng mình. Tôi nói sẽ canh xem hắn có cần nước hay nhỡ lại chết oan uổng trong căn phòng này nhưng rồi cũng ngủ quên.

Hôm sau gặp thấy bộ dạng hắn uể oải, tôi hỏi:

– Chưa tỉnh rượu à?

Hắn bước xuống cầu thang không nói rồi chợt ngoái lại nhìn tôi cười mệt mỏi. Và những lúc như thế, trông hắn đầy bí ẩn.

Biết hắn chuẩn bị về quê, tôi gây ngạc nhiên bằng đề nghị:

– Cho tôi về quê anh chơi với.

– Linh được bỏ nhà, bỏ cửa đi chơi cơ à?

– Ơ, tôi thiếu gì lý do.

Hắn đứng ngớ người chưa kịp hiểu trong khi tôi đã biến mất sau cánh cửa. Vài bộ quần áo, vật dụng vụn vặt và tiền mặt nhét vội vào ba lô, tôi đứng sẵn ở chân cầu thang đợi hắn.

Hai đứa thấp thểu đi ra đầu ngõ bắt xe bus sang bến xe Gia Lâm. Lâu lâu tôi mới ngồi xe bus. Hà Nội không còn mới mẻ trong mắt đứa con gái gốc gác thuộc về nơi này. Quê hắn ở Hưng Yên, quê hương nhãn lồng “bổ ngập dao phay”.

Tiếc vì sinh ra ở phố, tôi không phân biệt nổi con trâu với con bò. Không biết cây nào là lúa, cây nào là đồng vực. Mùa hè là mùa cấy. Hắn bắt tôi ở nhà vì sợ tôi ốm. Tôi không nghe lời, cứ đội chiếc nón cũ, xỏ đôi dép nhựa cứng của mẹ hắn, xắn quần quá mắt cá chân theo hắn đi nhổ mạ. Hắn mệt vì nắng, đau lưng vì nhổ mạ lại chở theo tôi như đè thêm gánh nặng. Tôi vui sướng khi biết hóa ra để có gạo ăn phải cắm cái cây lúa xuống nước úng. Tôi thích thú muốn được vầy nước. Hắn dọa ruộng có đỉa, “bị nó cắn thì ghê lắm” để giảm bớt cái khoái cảm lạ đời của đứa con gái phố.

Hai ngày về quê hắn, bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Con gái khoái được khen. Bà hắn khen tôi trắng trẻo, xinh xắn lại hiền ngoan. Tôi cười tít mắt. Hắn thì nguýt dài “hiền gì chứ”.

Gia đình hắn sống trong căn nhà bốn tầng nằm ngang, không ngăn phòng, khép kín như nhà tôi. Nhà nợp ngói, mùa hè gió thổi mát rượi. Ở Hà Nội không yên bình thế này. Tôi thích trải chiếu ngồi ngoài hè để ngắm trăng, hóng gió mát, thích cả tiếng những con kèng kẹc kêu đêm không mỏi miệng.

Buổi tối trước ngày tôi về, hắn kéo tôi đi soi chẫu, ếch ngoài đồng. Tôi rón rén theo chân hắn vì sợ dẫm phải rắn rết. Thỉnh thoảng hắn dẫm phải ếch, nhái. Con vật nhảy chồm chồm, kêu lên tiếng nghe không rõ. Tôi thất kinh hét lên, chân cuống quýt chạy nhảy rối rít quanh hắn. Hắn cười khoan khoái. Hắn hét lớn:

– Ê, có rắn kìa.

Tôi sợ hãi bám vào cổ hắn đu người lên. Ánh nhìn của hắn, cánh tay hắn quấn quanh thắt eo, tất cả khiến tôi ngượng ngùng. Tôi từ từ buông tay, đẩy hắn ra. Từ phút đó, tôi ít trò chuyện và thắc mắc hắn chuyện này, chuyện nọ. Hắn cũng rụt rè hơn với tôi.

– Muộn rồi. Về thôi. Mai em còn về nhà nữa đó.

– Ơ, tôi ú ớ không nói thành tiếng. Sao hắn lại gọi tôi là “em”? Suốt dọc đường về, tôi cứ nghĩ về tiếng gọi “em” từ miệng hắn.

Con đường trở về nhà như dài thêm. Chúng tôi chẳng ai nói gì. Tiếng chó cắn inh ỏi về đêm. Cảnh tượng như thế, âm thanh như thế chỉ ở những miền quê mới có được. Tôi nhắm nghiền mắt hít khí trời về đêm thanh mát.

Về đến nhà, con chó sủa vài tiếng rồi chạy ra quẫy đuôi mừng chủ về. Bố mẹ hắn vẫn thức đợi hai đứa. Ở quê hay ngủ sớm, nhưng hai bác vẫn đợi. Tôi lấy làm ái ngại, chỉ nói được một câu khe khẽ:

– Hai bác vẫn thức đợi bọn cháu đấy ạ?

Mẹ hắn đã buông màn sẵn chiếc giường ngoài cho tôi nằm. Tôi bật 3G, online suốt đêm, đợi trời sáng. Kỷ niệm những vết sẹo muỗi đốt vì tôi đã khua khoắng trong lúc ngủ quên để lũ muỗi chui vào.

Sáng muộn hôm sau, tôi về Hà Nội. Mẹ hắn đi chợ sớm mua đủ thứ quà quê gửi tôi mang biếu bố mẹ. Bố tôi đi nước ngoài quanh năm suốt tháng. Còn mẹ tôi, đời nào tôi dám hé răng nói về quê hắn rong ruổi mấy ngày. Tôi cười toe toét, chỉ nhận một chút hoa quả quê. Qua bức tường đan bằng rào thưa, bà hắn, bố hắn, mẹ hắn nhìn theo hai đứa mỉm cười. Thật khó để quên những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người thân của hắn.

Hắn chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng, chiếc xe phượng hoàng màu xanh ngọc đã tróc sơn loang lổ ra huyện bắt xe khách. Đường quê đá lỏm chỏm, hắn phóng nhanh như bay. Sợ ngã, tôi cứ víu lấy hai bên sườn áo hắn. Đó là mùa hè đẹp nhất trong đời tôi.