Tôi sinh ra trên mảnh đất Bình Phước, nơi mệnh danh là “thủ phủ của cây công nghiệp”, nhất là cây điều. Không giống thai nghén rồi sinh thành trên dải đất chữ S từ xa xưa như cây dừa, cây bưởi hay một loại trái nào, cây điều đặt chân đến đất Việt muộn màng, như một vị khách phương xa nhưng mang theo món quà đặc biệt. Và với tôi, với người dân Bình Phước, vị khách ấy đã trở nên quen thuộc, là một phần trong cuộc sống chúng tôi không biết tự bao giờ.

Có năm tết còn đương mùng, đã thấy dân Bình Phước nô nức vào vườn điều như đi trẩy hội xuân. Người xứ khác chê chúng tôi ham làm mà không hưởng trọn vẹn cái đẹp của mùa xuân. Nhưng chỉ ai ở Bình Phước, gắn liền với trái đào lộn hột vài mùa ra trái mới hiểu. Tháng 2 khi Tết sắp về, đã thấy hoa điều nở khắp các khu vườn kèm theo và chùm trái trĩu nặng. Điều chín vào tầm tháng 3 nhưng có năm đến sớm vô cùng. Mà mùi điều chín thơm lắm, khó ai cưỡng cầu, yên lòng ở nhà du xuân mà không ghé vườn điều. Đến nhanh lắm nhưng cũng đi nhanh, tháng 5 hoa phượng nở, ve kêu râm ran cũng là lúc mùa hết, chỉ còn vài người đi nhặt mà quê tôi gọi là đi “mót”. Người Bình Phước sao không yêu điều cho được, khi mà mùa điều đến, trái điều nhỏ cong cong mà người ta hay gọi luôn là hạt điều lại cho người dân nơi đây thu nhập, và nhiều gia đình có cuộc sống no ấm từ loại trái này.

Chiếc áo tôi mặc, chén cơm tôi ăn từ hạt điều chín cây rụng, từ nhọc nhằn ba mẹ đến mùa nhặt từng hạt điều một. Từ ngôi nhà gỗ với căn buồng nhỏ để ba mẹ con ngủ, ba nằm ngoài ván cho đến ngôi nhà xây khang trang. Từ mấy xào đất nhỏ cho đến vài hecta điều, sự thay đổi trong đời sống gia đình tôi có được từ chính những chắt chiu của ba mẹ. Nhưng nếu không có cái hạt nhỏ nhỏ, cong như dấu phẩy đó thì cũng không thể đủ đầy. Nhìn mẹ mỗi sáng được ăn tô phở ngon, ba được uống cà phê những ngày rảnh rỗi, không còn quá cần kiệm như trước, tôi lại một phần biết ơn và trân quý cây điều biết mấy!

Cây điều (đào lộn hột) công dụng và lưu ý khi dùng hạt điều

Nhưng điều với tôi đâu phải chỉ đơn thuần như đối tác trong làm ăn, chỉ biết đến nhau vì lợi nhuận. Cây điều trong tâm trí tôi còn là một vùng trời tuổi thơ mà đến tận bây giờ, tôi vẫn muốn được một lần quay trở lại. Cây điều nhà nội tôi lạ lắm, không chịu mọc thẳng mà cứ nằm ngang như cây cầu dừa bắc qua con kênh. Và thế là trưa nào cũng có con nhóc ra nằm trên thân cây, tận hưởng cái gió trời mát rười rượi rồi ngủ quên lúc nào không hay. Hạt điều thu hoạch sau một quá trình sẽ ra thành phẩm tươi ngon, đựng trong những chiếc hộp sang trọng. Nhưng lạ lùng là người dân quê tôi hiếm ăn hạt điều ấy, chỉ dám mua về tặng khách quý rồi bảo: “Đặc sản quê tui đó”. Còn phần mình, thì ăn theo cách ngộ nghĩnh lắm. Bên gian bếp của bà, hai chị em tôi thưởng thức hạt điều theo cách lấy hạt nào to mới nhặt vào vườn cho thẳng vào bếp lửa. Hạt điều mới nhặt vẫn còn mủ, thế là chạy cho thật xa để tránh hạt nổ lại văng mủ vào người. Hạt điều lấy từ bếp ra ăn chẳng được bao nhiêu nhưng niềm vui thì vô tận. Bây giờ lớn khôn, cũng được ăn hạt điều đựng trong hộp đẹp mắt nhưng chị em tôi cứ nhớ hạt điều bên bếp lửa năm nào. Lại nhớ thêm cả quả điều sạch, vàng ươm đem rửa sạch, xắt lát ăn với cơm, giản dị thế thôi mà sao ngon lạ lùng! Cây điều vẫn còn đó nhưng chắc sẽ không ai ăn quả điều cũng hiếm lắm có người bỏ điều vào bếp lửa nghe tiếng nổ vui tai rồi đem ra thưởng thức.

Đó là câu chuyện của tuổi thơ. Dường như sợ tôi lên thành phố học sẽ quên mất mình, cây điều lại khiến tôi thêm dành tình cảm cho nó. Lần đầu tiên, cũng chính cây điều khiến một cô nhóc 19 tuổi như tôi thực sự biết trân trọng đồng tiền. Những tháng ngày nghỉ dịch, tôi theo chân ba mẹ vào rẫy điều, trở thành một người nông dân thực thụ. Và cũng từ đó, tôi bắt đầu hiểu công việc nhặt điều khó khăn như thế nào. Câu ca dao “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đặt trong hoàn cảnh này xem ra vô cùng phù hợp khi người lượm phải cúi người vặt hạt ra khỏi vỏ cho vào bị đựng. Nhiều người dân sẽ xây nhà nhỏ ngay trong vườn điều nhưng nhà tôi thì không. Thế là vườn điều là nơi ngồi ăn cơm, cũng là nơi trải chiếc bao sạch tranh thủ làm giấc ngủ trưa lấy sức. Mà đường vào rẫy điều nào có dễ đi, đường đất đỏ lại đồi dốc, có hôm trưa mưa chở bao điều 50 kí ra khỏi vườn đem bán, không biết nước mưa hay nước mắt đang hiện hữu trên gương mặt. Những vất vả đó, lần đầu tôi được trải nghiệm. Trước giờ tôi chỉ biết đi học rồi về nhà, giúp đỡ ba mẹ cũng chỉ làm việc nhà, tôi đâu hiểu lượm điều cơ cực như thế! Tôi đâu biết ba mẹ kiếm được tiền vất vả đến thế nào. Chỉ khi trực tiếp nhặt từng hạt điều mới thấm thía cái cơ cực đó. Tôi như biết trân trọng đồng tiền hơn, biết một ly trà sữa mà mình uống bằng giá cả hai kí điều, biết tất cả những gì mình đang có đều từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt, vất vả chắt chiu của ba mẹ!

Tôi yêu cây điều lắm nhưng đôi khi cũng hờn, cũng trách điều thật nhiều. Vì điều quá nhạy cảm, hễ trời sương muối, gió mưa một xí là điều cảm lạnh ngay, năm đó coi như vụ mùa thất bát. Mẹ tôi lại có đêm thức trắng sầu muộn vì điều không bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra chăm bón cho điều coi như hỏng. Cũng có năm, điều thất giá, vụ mùa thu cũng chẳng được bao nhiêu, người có điều, người làm mướn đều chung cảnh khổ!
Đôi khi giận hờn là thế nhưng sau cùng vẫn thương, vẫn nhớ cây đào lộn hột nơi quê nhà biết bao! Nếu ai hỏi tôi quê ở đâu, tôi không chỉ nói mình ở Bình Phước, mà nói thêm: “Quê tôi xứ điều”.