Mến gửi Thị Nở, người đàn bà đẹp nhất làng Vũ Đại…

Đã đôi lần tôi cố mường tượng ra cái gương mặt gớm ghiếc của Thị ngoài đời thực, có khi nào Nam Cao đã quá lời trước cái đẹp đáng mỉa mai của tạo hóa ấy để rồi sa chân vào con đường chủ nghĩa tự nhiên, làm xấu nông dân lao động như nhiều người vẫn nói. Nhưng tôi đã nghĩ, nhà văn làm thế ắt hẳn có dụng ý nào đó của riêng ông!

Thị từng mơ chưa, cái giấc mơ được làm một người bình thường? Nhiều kẻ muốn Thị không phải một đứa đần độn, dở hơi để Thị có thể ở bên Chí, mua vui cho cuộc đời sa ngã ấy, kéo về một chút niềm vui giữa hiện thực tăm tối đương thời. Thế nhưng, tôi lại mong Thị hãy cứ là một kẻ dở hơi, đần độn bởi khi ấy tôi biết Thị thương Chí thật lòng, tôi biết cái âu lo, săn sóc Thị cho đi là xuất phát từ một trái tim người, tôi biết cái xã hội nghèo nàn tình thương ấy vẫn đáng sống, vẫn có những điều đẹp đẽ và đáng trân trọng, ngợi ca.Thế nhưng, điều đáng buồn là một kẻ đần dốt, ngây dại thì thậm chí còn chẳng biết mình bị ngây dại, đần dốt chứ nói gì đến khao khát được làm người bình thường. Thị đã sống với cái xấu tột cùng của bản thân trong những năm dài với đói nghèo, áo ôm khố rách, với một khuôn mặt “ ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài”, với “cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành”, với cả “cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi” và nhiều lắm những tính từ mà người ta tưởng Nam Cao không phải đang viết về người. Nhưng trong mắt Chí, Thị vẫn đẹp cái nét đẹp chỉ có ở người con gái đang yêu, vừa dịu dàng, vừa đảm đang. Còn trong mắt tôi Thị lại đẹp theo một cách khác, một nét đẹp chỉ có riêng nơi Thị, một nét đẹp tôi chưa thấy bao giờ giữa những trang viết về làng quê những tháng ngày đen tối sau lũy tre xanh.

Đỗ Mỹ Linh làm Thị Nở trong MV "Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc

Và rồi tôi thương cho cái đẹp không ai có ấy của Thị. Tôi thương bởi chất người ẩn sau lớp vỏ ngoại hình kỳ dị, gớm ghiếc, thương bởi cái vô tư của một người đàn bà đã ngót nghét đi tới một phần ba đường đời, thương vì Thị hồn nhiên với chính cuộc sống nghèo đói của mình, vì Thị được sống là mình, không vào luồn ra cúi, không ép lòng trong cái khuôn để làm vui người khác, một mình một cõi chẳng thiết ưu phiền. Thị dũng cảm chăng hay chính là miễn nhiễm với mọi gièm pha, vẩn đục của thói đời ti tiện? Và rõ ràng thấy không Thị ơi, Thị là kẻ thiện lương hạnh phúc nhất làng Vũ Đại thuở ấy, bởi tất thảy mọi kẻ thiện lương khác lúc bấy giờ đều phải nhờ đến cái chết mới được sống là kẻ thiện lương. Cái xấu xí, dốt đần của Thị hay ra có ích bao nhiêu, nó cho Thị sống một cuộc đời thanh sạch không ai chạm tới, nó giữ chặt Thị trên bờ vực mong manh của nhân tính, của bản năng sinh tồn, nó níu cho sự sống leo lắt của một kẻ khốn khó như Thị không bị đời dập tắt, để Thị không hoá thành con chó Vàng nghẹn ngào bị bán đi bởi người nó yêu nhất, để Thị không tức tưởi trong miếng bả chó sục sùi bọt mép vì nỗi đau lầm lỡ của cụ Hạc, để Thị không quằn quại trong vũng máu tanh mùi khát sống của một con quỷ dữ không muốn làm quỷ dữ như Chí Phèo.

Tôi đã ngưỡng mộ vô cùng cái xấu xí, dở hơi của Thị, không phải vì mong muốn có được cái xấu xí, ngờ nghệch ấy trên gương mặt, đầu óc mình, mà vì trong tôi, đối với một kẻ đần thì tình yêu không bao giờ có dối lừa; đơn giản vì họ không đủ thông minh để có thể lừa dối một ai đó khác. Thế nên tình yêu, sự gắn bó, sẻ chia họ trao đi là hoàn toàn chân thành và có thật. Nó giống như việc một thằng hề thì không thể khóc là vì có muốn cũng không thể được bởi vậy dù bản thân đau đớn, tuyệt vọng, bi thương nhường nào, tất thảy đều chỉ có thể biểu hiện bằng nụ cười chua xót, vô tri, đắng cay tột cùng.

Biết không Thị, tôi ước được một lần hít hà cái hương cháo hành thơm ngát mùi người của Thị, cái hương tình yêu đã dậy nồng cả túp lều rách bươm vì gió. Cái mùi hương khởi đi từ một bát cháo hành lõng bõng nước nhưng diệu kỳ với sức mạnh của riêng nó cảm hoá được mọi bản năng nghiệt ngã hoang tàn, nó đã xúc tác cho Chí lấy lại linh hồn, nó thay đổi một kiếp người đau thương là Chí và khắc khoải trong cả một mảnh hồn tôi. Tôi đã mong xã hội thời nay cũng có những bát cháo hành ấm lòng như thế, để con người bớt đi một chút vị kỷ tham lam, buông bỏ đi một chút danh vọng trước mắt mà nghe lấy tiếng của phần ”nhân” trong mình.

Xã hội dù có văn minh hiện đại thì cũng không đồng nghĩa với việc sẽ sản sinh ra những con người hành xử văn minh, đâu đó vẫn có những ngôi làng Vũ Đại lạnh toát hơi người, vẫn có nhiều hơn một thằng Chí khật khưỡng bước đi giữa hai bờ thiện- ác, vẫn có hơn thế hơi men cay đắng trong tiếng chửi đời tục tĩu, xấu xa nhưng cũng tức tưởi, đáng thương vô cùng. Tôi lại mong Thị ở bên tôi lúc này; giúp tôi nấu nguyên một nồi cháo hành ”siêu to khổng lồ”; để sớm mai dậy không nghe ai kể câu chuyện đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga và tử vong sau hơn hai mươi ngày điều trị; chiều này có về nhà cũng chẳng thấy nữa lời kể loáng thoáng về cô nữ sinh giao gà bị hãm hiếp, sát hại ở Điện Biên; mỗi ngày ra đường không còn băn khoăn chuyện bước chân trái hay bước chân phải đầu tiên vì yêu thương ngoài kia ngập đầy, dù có ngã cũng sẽ có kẻ đỡ người nâng. Cuộc đời vì thế mà đẹp hơn, nắng sẽ lại ghé sau những ngày giông bão, ủ ấm mầm non say ngủ trong lòng đất và hẳn tôi còn nghe thấy chính tiếng lòng mình rạo rực niềm vui cống hiến và cho đi.

Nhưng, ước mong bỏ ngỏ vì tôi biết Thị không bao giờ có thể ở đây để giúp tôi toại nguyện điều đó, những gì tốt đẹp, những gì khao khát thì tự chính tôi, chính con người phải dấn thân tìm về cho mình. Vì hơn cả, “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc”, hạnh phúc muốn có, kể cả tôi hay một ai khác cũng không thể thụ động chờ người đem tới; chút vui sướng nhất thời, chút hào nhoáng bồng bột sẽ thỏa mãn chúng ta đấy nhưng bao giờ cũng có hạn sử dụng, còn tình người lại khác, nó sẽ sống mãi ngay cả khi Trái Đất này biến thành cõi chết, thế gian này hóa kiếp tử tàn.
Dừng bút ở đây, nỗi lòng thì triền miên nhưng chỉ có thể nói với Thị đôi lời như thế để lòng khỏa khuây một phần. Và dẫu thế nào, vẫn mong Thị biết, tôi thương Thị thật nhiều!