Nói về việc dạy con thời xưa, Hoàng thái hậu Từ Dũ là một tấm gương mẫu mực cho các bà mẹ của chúng ta hiện nay và mai sau. Những bài học của bà không bao giờ là cũ, những bài học về làm người mẹ trước tiên và về cách dạy con sau này.
Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810, năm Gia Long thứ 9. Bà được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha là Phạm Đăng Hưng, mẹ là bà Phạm Thị Vi. Ngay từ nhỏ, bà đã là người ham học, thích đọc sách kinh sử, làm việc thiện. Năm bà 12 tuổi, mẹ lâm bệnh, bà đã biết hầu hạ thuốc men cho mẹ, ngày đêm không mệt. Khi mẹ mất, bà thương nhớ than khóc mỏi mòn. Tiếng lành đồn xa, khi đó, mẹ của vua Minh Mạng đã cho gọi Thượng Thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng đưa con gái vào cung. Khi đó, bà mới 14 tuổi, nhưng có phong thái đoan trang, nghiêm nghị. Tính tình khoan dung, giữ nết thuận tòng nên bà được vua Minh Mạng dành cho nhiều ưu ái. Bà có nhiệm vụ hầu Nguyễn Phước Miên Tông, con trai vua Minh Mạng. Sau khi vua Minh Mạng băng hà (1841), Miên Tông nối ngôi lấy niên hiệu Thiệu Trị, tuyển bà làm Cung tần. Dù có địa vị nhưng bà vẫn chăm sóc vua hết mực chu đáo, yêu thương và tôn kính vua. Thấy bà công dung ngôn hạnh vẹn toàn, trước lúc mất, vua lập bà là hàng hậu chính ngôi trong cung. Bà sinh cho vua Thiệu Trị được ba người con. Trưởng nữ, mất năm 25 tuổi, con gái thứ hai mất năm 3 tuổi, con út là vua Tự Đức, nổi tiếng là vị vua thông minh, hiếu thảo.
Sau khi vua Thiệu Trị băng hà (1847), con trai là Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức và phong mẹ là Từ Dũ Hoàng Thái Hậu. Thế nhưng, bà từ chối vinh dự này. Bà chỉ mong các quan trong triều đồng tâm hiệp lực giúp Hoàng đế trị vì thiên hà, quốc thái dân an . Đó là bài học đầu tiên bà dành cho vua Tự Đức, không dựa vào quyền thế, tất cả đặt lợi ích của dân lên đầu.
Dạy con trở thành người con hiếu thảo.
Lịch sử kể lại, Hoàng Thái hậu Từ Dũ để lại nhiều bài học quý báu trong việc dạy dỗ con nên người. Vua Tự Đức (1848-1883) ở ngôi 35 năm là một người con vô cùng hiếu thảo, yêu thích văn chương. Năm Thái hậu 60 tuổi, vua Tự Đức đã làm 330 câu thơ ca tụng mẹ. Đến nay sử sách vẫn lưu giữ.
Vua Tự Đức được mẹ giáo dục kiến thức, lễ nghi, những khuôn phép Nho giáo cẩn thận. Chính vì vậy, có lần vua Tự Đức cùng một triều thần vào rừng săn bắn, sợ trời đổ mưa nên vua không bẩm với mẹ trước khi đi. Đi săn rồi, vua gặp lụt không về được, trong khi chỉ còn 2 ngày nữa đến ngày kỵ của vua Thiệu Trị. Ngồi trong cung, thấy con chưa về Hoàng Thái Hậu rất lo lắng. Bà Sai đại thần Nguyễn Tri Phương đi đón vua về. Vua vừa về tới cung, liền đi thẳng vào chịu tội với mẹ. Bà Từ Dũ ngồi quay mặt vào màn, không nói lời nào. Vua biết mẹ không vui khi mình quên lời mẹ dặn nên tự lấy roi mây đặt trên tràng kỷ, rồi nằm chịu đòn. Một lúc sau, bà quay sang bảo con ngồi dậy rồi nghiêm khắc nói: Mẹ đã nói với con. Muông thú cũng như con người, bắn chết con trống thì con mái lẻ bạn thương xót không nguôi. Nếu bắn chết con con thì con mẹ cũng buồn thảm đau khổ. Vậy con săn bắn phỏng ích lợi chi? Con muốn tập bắn thì bắn vào bia chẳng hay hơn sao? Từ nay trở đi, con không nên sát hại muông thú nữa … Vua Tự Đức cúi đầu nhận lỗi với mẹ. Cách dạy con của bà dịu dàng nhưng đầy nghiêm khắc. Tấm lòng cao cả của bà khiến con mến phục và tuân theo.
Hồi mới lên ngôi, vua Tự Đức vẫn còn ham chơi, bỏ bê việc nước, quan đại thần Phạm Phú Thứ dâng sớ can ngăn. Đọc xong vua nổi giận liền giao cho triều thần nghị tội. Một số nịnh thần thì lợi dụng cơ hội lấy lòng vua. Bà Từ Dũ biết chuyện liền hỏi: Ông Phạm đang sớ khuyên con, ông ấy được cái gì?” Vua Tự Đức bảo với mẹ, nếu làm bề tôi mà trách vua thì là phạm thượng. Hoàng Thái Hậu nghiêm mặt nói :”Với con, thì những người chỉ biết cúi đầu, vâng vâng dạ dạ để được lòng vua là tôi trung?”. Vua Tự Đức nghe xong, hiểu ra vấn đề, liền xóa tán cho Phạm Phú Thứ và mời ông về triều nhận lại trọng trách.
Một lần ông mải mê vui chơi ở cửa Thuận An, bỏ buổi ngự triều, khiến Hoàng Thái hậu rất tức giận. Khi về, vua đến xin tội mẹ nhưng bà sai người đóng cửa cung. Nhà vua chờ cả tiếng đồng hồ, sau bà mới gọi vào và truyền rằng: “Nước đang có nhiều việc rồi, Hoàng đế không lo lắng mà còn vui chơi sao được? Con biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính. Con hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế…”.
Trong cuộc sống hàng ngày, bà dạy vua tiết kiệm, không sống xa hoa, hết lòng vì dân. Dù có điều kiện nhưng những thứ vật chất cao sang, bà biết do dân cống nạp mới có. Nên tất cả vải vóc, gấm lụa bà đều cất trong rương, chỉ mặc khi lễ. Trong cung, bà thường tiết kiệm từng chút, không tiêu xài phung phí. Có hiếu với mẹ nên vua chủ ý tổ chức lễ mừng thọ cho bà, nhưng bà đều từ chối. Năm 1860, vua dự sẽ làm lễ tôn mỹ danh, bà nói với vua: “ Ta được hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ, nên phải lo cho thiên hạ những việc mà thiên hạ đang lo. Năm nay không được mùa, dân đói, ta không thể vui sướng được. Vậy con phải lo nỗi lo của dân”.
Bà ham đọc sách nên bà rèn luyện cho vua tính cách ham học từ nhỏ. Nhờ vậy, bà cũng như vua, có được kiến thức, hai mẹ con có thể cùng luận bàn về sách sử. Bà cho rằng có đọc, có học mới biết, mới thấu hiểu được thiện ác. Điều thiện soi vào làm gương, điều ác thì phải biết lấy đó răn đe. Muốn ở ngôi lâu thì không được tin vào nịnh thần, phải biết dụng nhân tài.
Những lời mẹ dạy, thấm nhuần nhà vua. Ông ghi chép những bài học của mẹ vào tập sách “Từ huấn lục”. Lịch sử tiếp tục phán xét nghiêm khắc nhà vua trong việc trị nước, nhưng ai cũng công nhận vua Tự Đức là một người con hiếu thảo.
Bà mất năm 1902, thọ 92 tuổi, được an táng tại Xương Thọ Lăng, thờ trong Thế Miếu, nơi trang nghiêm của kinh thành Huế. Bà được tôn vinh là “mẫu nghi thiên hạ”, một hình ảnh người mẹ mẫu mực của người mẹ Việt Nam trong phép tắc dạy con. Hiện nay một bệnh viện phụ sản lớn ở TP HCM được vinh dự lấy tên bà là Bệnh Viện Từ Dũ.