Ngày còn ngồi trên giảng đường Đại học, tôi được thầy cô giảng dạy về sự hình thành của các quốc gia cổ đại phương Đông. Có một điểm chung là những quốc gia này đều gắn liền với những dòng sông. Nếu như Ấn Độ có sông Hằng, Ai Cập có sông Nin thì nhà nước Văn Lang đi liền với dòng chảy sông Hồng. Trước nhu cầu trị thủy thì nhà nước đã ra đời như một quy luật tất yếu.

Mẹ thiên nhiên mang đến nguồn lợi về thủy sản, bồi đắp phù sa qua dòng nước. Thế nhưng vào mùa mưa bão, nước lũ lại trở thành mối đe dọa đối với tính mạng của con người cũng như trở ngại cho các hoạt động kinh tế, sản xuất. Và cũng từ đó, việc đắp đê trị thủy cũng đi vào những trang sử, cho hậu thế biết được bức tranh chống lũ thời bấy giờ.
Đối với những ai yêu mến lịch sử nước nhà, đặc biệt là các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì không thể nào quên sự tài tình của Thái úy Lý Thường Kiệt nơi phòng tuyến Như Nguyệt. Ngoài ra còn phải nhắc đến sự kiện nhà Lý cho đắp đê sông Như Nguyệt – sông Cầu vào năm 1077. Con đê dài 67.380 bộ – tương đương 30 km. Đến năm 1103, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu cho trong và ngoài kinh thành cùng thực hiện đắp đê ngăn nước lụt. Năm 1108, ông tiếp tục cho đắp con đê tại phường Cơ Xá (khu vực Nghi Tàm ngày nay) để bảo vệ thành Thăng Long. Đây cũng là con đê đầu tiên ngăn nước sông Hồng.

Đến triều Trần, chứng kiến nước lũ vẫn tấn công Kinh thành, vua Trần Thái Tông quyết định lập ra quan Hà đê. Thêm vào đó là chánh sứ và phó sứ phụ trách đê điều tại các lộ, phủ. Dưới triều Trần, đê quai vạc đã ra đời. Hình thức này được triển khai tại nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An.

Tiếp theo, thời vua Lê Thánh Tông được xem là đỉnh cao của chế độ quân chủ chuyên chế tại Việt Nam. Ông đã thực hiện cải cách hành chính. Là một vị vua có tầm nhìn xa, ông cũng đặt ra chức quan “Hà đê”.

Vị vua mở đầu triều Nguyễn – vua Gia Long -rất quan tâm về tình hình lũ lụt ở Bắc Bộ. Lúc bấy giờ, “Thế nước sông Nhị Hà lên tất mạnh. Đê tả hữu thuộc Tây Sơn, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng, hạ nhiều chỗ vỡ lở”. Sau khi lên ngôi, ông đã hạ lệnh xây đắp bảy đoạn đê mới tại miền Bắc. Năm 1806, 12 đoạn đê được đắp mới ở khu vực này. Năm 1808, vua Gia Long tiếp tục cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại các nơi như Sơn Nam thượng tại Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang. Có thể khẳng định việc đắp đê cũng được thực hiện liên tục trong suốt những năm ông trị vì đất nước.

Kế thừa ý chí của phụ hoàng, vua Minh Mạng bổ sung thêm các điều lệ về đê điều và thực hiện nghiêm ngặt. Ông khẳng định : “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”. Đây cũng là một tư duy vô cùng tiến bộ.

Qua những sự kiện nêu trên, chúng ta cũng thấy được những điểm tích cực từ các vị vua đầu triều Nguyễn thay vì những định kiến xưa cũ. Tuy nhiên, trong tác phẩm “Sống chết mặc bay”, tác giả Phạm Duy Tốn đã khắc họa lên một bức tranh vô cùng đau thương. Nó bao gồm sự nổi giận của thiên nhiên và sự dửng dưng của quan phụ mẫu . Khi “Nước sông Nhị Hà lên lên to quá, khúc đê làng…thuộc phủ… xem chừng núng thế lắm”, người dân oằn mình đội đất, vác tre để bảo vệ đê điều thì quan phụ mẫu và nha sai lại đắm chìm trong bài bạc.

Đến nay, việc trị thủy vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống, đặc biệt là với các quốc gia nông nghiệp. Chẳng mấy chốc mùa lũ lại về, mong rằng không còn những cảnh tang thương và nghĩa tình đồng bào luôn ấm áp!