Chị gái tôi là một người khiếm thị. Khi sinh ra, chị tôi cũng lành lặn, đáng yêu và có đôi mắt hồn nhiên, thơ ngây như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng đến năm 13 tuổi thì một biến cố ập tới khiến cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác. Mắt chị cứ dần mờ đi, bố mẹ tôi đưa chị đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác với mong muốn cứu vãn đôi mắt của chị. Nhưng tất cả đều vô vọng. Hai mươi tuổi, độ tuổi mà lẽ ra chị phải được khám phá cuộc sống, đặt chân tới những vùng đất mới mẻ như bao người trẻ bình thường khác. Thế nhưng người chị dấu yêu của tôi lại không bao giờ có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh được nữa.

Cả gia đình tôi ai cũng buồn nhưng người buồn nhất chắc chắn là chị. Chị khóc nhiều lắm. Đôi khi chị còn nói với tôi chị không tha thiết cuộc đời này nữa. Nhưng rồi những lời động viên từ gia đình, bạn bè cũng giúp chị có thêm động lực để cố gắng hơn. Chị tôi vẫn tiếp tục đi học nhưng chị chuyển sang trường dành riêng cho người khiếm thị. Ở ngôi trường mới, chị gặp những người có hoàn cảnh giống mình và chị bắt đầu học chữ nổi. Những bài giảng của thầy cô như những tia sáng len lỏi vào tâm hồn nhạy cảm của chị. Đặc biệt là văn chương. Chị tìm được lẽ sống của cuộc đời qua những tác phẩm văn học. Và rồi chị tôi quyết tâm dự thi đại học. Như mong ước chị đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.

Cái “hư” của đàn bà chính là cái để đàn ông yêu say đắm

Việc chị xuống thành phố để bắt đầu một cuộc sống mới đối với gia đình tôi đó là một nỗi lo lắng lớn. Rồi chị sẽ ra sao? Thật khó khăn cho chị. Nhưng lòng quyết tâm, sự kiên định, khát khao được tiếp tục học tập và niềm tin từ chị, tất cả đã thuyết phục gia đình tôi vững vàng hơn với sự lựa chọn để chị đi học đại học. Chị xuống Hà Nội thuê nhà cùng với một số người bạn cùng cảnh ngộ. Không còn được học ở một ngôi trường chuyên biệt, khi bước vào giảng đường đại học, chị tôi thực sự phải cố gắng hơn rất nhiều. Chị học những cuốn giáo trình bằng chữ nổi, chị ghi âm lại lời giảng của thầy cô để tối về sẽ tự nghe rồi học lại. Và để bớt phần lo lắng cho bố mẹ, sau mỗi giờ học chị tôi lại tranh thủ làm thêm những công việc mà được hội người mù giới thiệu.

Nếu người bình thường yêu Hà Nội qua những sắc màu, hình ảnh phố phường đẹp đẽ thì cảm nhận của chị tôi về Hà Nội lại qua những âm thanh. Chị yêu những âm thanh mộc mạc nhất, tiếng chổi tre của những cô lao công hay tiếng rao hàng của người bán hàng rong trên phố.

Trong cuộc thi “Hà nội trong tâm hồn người khiếm thị” nhân dịp Thủ đô tròn một nghìn năm tuổi, bài viết “Tôi yêu Hà Nội” của chị đã đoạt giải xuất sắc. Giờ đây, chị lắng nghe nhiều hơn và chị nhận ra rằng cuộc sống chính là những thanh âm diệu kì.

Không chỉ những người xung quanh mà ngay cả chính bản thân chị cũng nghĩ rằng chị khó có thể có một tình yêu đúng nghĩa. Nhưng rồi chị đã gặp gỡ và yêu anh. Hai người quen nhau vào những năm tháng đại học đầu tiên, anh học cùng khoa với chị và là một sinh viên xuất sắc. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, khi người khác mang khiếm khuyết của bản thân chị ra để chế giễu, đùa cợt thì chị lại chọn cách im lặng chịu đựng, .Chị ôm lấy nỗi buồn tủi, tự ti vào phòng rồi khóc một mình. Và anh dường như thấu hiểu được những điều chị đang trải qua nên khi cạnh chị anh luôn quan tâm và động viên chị thật nhiều. Hay ngay cả khi anh chị không ở bên nhau, anh cũng sẽ không bao giờ để chị cô đơn, tủi hờn bằng cách gọi điện tâm sự với chị mỗi ngày.

Từ ngày có anh cuộc sống của chị không bao giờ tẻ nhạt. Tâm hồn của chị được lấp đầy bằng những trang sách anh đọc mỗi đêm, những bài hát được phát đều đặn trên đài phát thanh và đôi khi sẽ là những tâm tình anh gửi cho chị qua những chương trình phát sóng trên radio. Mặc dù chưa một lần chị nhìn rõ mặt anh nhưng trái tim, tình yêu của anh thì chị luôn thấu hiểu.

Nhưng làm gì có tình yêu nào bình yên mãi được. Khi gia đình anh biết chị là một người khiếm thị thì ra sức phản đối và ngăn cấm anh đến với chị. Chính bản thân chị cũng nhiều lần muốn buông bỏ, một người tài giỏi, phong độ như anh đáng ra phải yêu một người phụ nữ hoàn hảo chứ không phải một người khiếm thị như chị. Mặc kệ lời nói, sự ngăn cản của mọi người anh vẫn quyết tâm đến bên chị bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm. Giờ đây anh chị tôi đã có cho mình một mái ấm gia đình như bao gia đình bình thường khác. Chị tôi cũng đã sinh một bé trai đầu lòng. Em bé được gọi tên thân mật là Kiến. Bởi chị tôi muốn cậu bé sẽ chăm chỉ, đoàn kết và kiên cường như loài côn trùng nhỏ bé này.

Bé Kiến năm nay cũng đã tròn 4 tuổi, đôi mắt của bé giờ đây cũng chính là đôi mắt của chị tôi. Mỗi khi đi đâu Kiến sẽ nắm chặt tay của mẹ, khi có bậc thang hay mặt đường gồ ghề Kiến cũng sẽ bi bô nhắc cho mẹ biết. Cậu bé rất hay tỉ mỉ ngắm nghía, theo dõi mọi thứ xung quanh, cảm giác như Kiến còn đang ngắm thay cho phần của chị tôi nữa. Buổi tối trước khi đi ngủ Kiến thường hay tỉ tê kể về những điều cậu bé thấy trong ngày hôm nay cho mẹ nghe. Tôi nghĩ rằng sau này khi Kiến lớn lên chắc chắn cậu bé sẽ đam mê khám phá cuộc đời, tìm tòi học hỏi mọi thứ xung quanh hơn người khác. Vì trong đôi mắt Kiến còn có cả đôi mắt của chị tôi.

Hôm nay, tôi bước ra từ phòng khám bệnh của Bệnh viện Mắt Trung ương với những triệu chứng tương tự như chị gái tôi năm nào. Trong một khoảnh khắc tôi nhớ chị da diết. Tôi cảm nhận được sự lo lắng, hồi hộp, buồn bã của chị trước đây. Sẽ chẳng còn nhiều thời gian để tôi có thể nhìn ngắm mọi thứ xung quanh nữa, rồi những khuôn mặt người, những phố xá đông đúc tất cả sẽ chỉ còn lại trong ký ức. Tôi thấy rằng mình may mắn hơn chị rất nhiều vì tôi có chị, chị khiến tôi cảm thấy không hề sợ hãi hay tuyệt vọng. Rồi tới đây tôi cũng sẽ nhắm mắt lại để mở lòng ra đón nhận nhiều hơn những rung động trước cuộc đời. Tôi sẽ lắng nghe, cảm nhận cuộc sống qua âm thanh, qua những chương trình phát sóng trên radio hay những cuốn sách chữ nổi như chị tôi đã từng. Như trong bài thơ Sự sống không bao giờ chán nản Xuân Diệu viết:

Ôi! có hai hạt nào như đôi con mắt
Khi khép mí, dài dài như hai quả trám
Nhưng khi mí mở, bật hai mầm sống diệu kỳ,
Hai chồi bật sống, sáng cả đêm khuya,
Hai ánh, hai tinh diệu vô cùng sự sống!

Và đúng như vậy tôi sẽ không bao giờ chán nản, không tuyệt vọng. Tôi sẽ sống một cuộc đời đặc biệt, một cuộc đời của riêng tôi. Tôi sẽ kiên cường và hạnh phúc như những gì chị tôi đã từng trải qua. Tôi sẽ lắng nghe những thanh âm kỳ diệu của cuộc sống, trái tim tôi sẽ rung động trước những câu chuyện thường nhật của cuộc đời. Chắc chắn bố mẹ sẽ rất tự hào vì có những cô con gái kiên cường và mạnh mẽ như chị em tôi. Một lần nữa tôi nhắm mắt để mở lòng…