“Dòng Lô xanh thẳm” là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đỗ Hàn (sau khi nhà văn đã cho ra đời 2 tập thơ, 6 tập truyện). Tiểu thuyết được NXB Hội Nhà Văn ấn hành vào quý III năm 2021. Với độ dày hơn 350 trang in, xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (thế kỷ XV) người Sơn Đông Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay.

Về kết cấu tiểu thuyết được viết theo kiểu chương hồi, trong tiểu thuyết có chín chương và phần vỹ thanh. Mỗi chương đều được đặt nhan đề và tác giả trích hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi làm tựa dẫn. Phần vỹ thanh, tác giả thể hiện những tâm tư, tình cảm, cảm xúc của mình về quá trình tìm tư liệu lịch sử, đi điền giã để hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử này.

Nếu thời gian của tiểu thuyết kể về bảy ngày cuối cùng của Trần Nguyên Hãn sau khi cáo quan về ở làng Đa Cai, trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, thì không gian của tiểu thuyết lại là diễn biến sâu rộng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi đứng đầu đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên triều đại “Lê Sơ” đầu thế kỷ XV.

Nhân vật trong tiểu thuyết “Dòng Lô xanh thẳm” được xây dựng không theo tuyến: chính diện – phản diện; tích cực – tiêu cực; địch – ta hay tốt – xấu, mà tác giả xây dựng thành bộ ba nhân vật đứng song hành cùng vận động theo các sự kiện trong truyện. Bộ ba nhân vật trong tiểu thuyết gồm; Cả Pheo – Hai Hãn – Ba Giản. Các nhân vật có những điểm chung và có mối quan hệ mật thiết với nhau trong toàn bộ diễn tiến của các sự kiện trong truyện. Họ là anh em kết ngĩa, cùng quê, cùng trang lứa, cùng chí hướng và cùng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận chống kẻ thù đô hộ. Tuy nhiên mỗi nhân vật lại có những nét tính cách riêng tạo nên bản sắc khác biệt của từng người. Cả Pheo là một hộ tướng đầy dũng khí, sống cương trực ngay thẳng, chiến đấu dũng cảm, luôn theo sát bên cạnh Trần Nguyên Hãn trong từng trận đánh và trong cả quá trình chiến đấu, mang đến những thắng lợi quyết định của cuộc khởi nghĩa. Bên cạnh đó chúng ta thấy Ba Giản lại có tính cách trầm mặc, sống nội tâm, khép mình. Nhiệm vụ của Ba Giản là ghi chép các sự kiện diễn ra ở trang Sơn Đông và bảo vệ gia đình vợ cả của Trần Nguyên Hãn. Hình tượng nhân vật Ba Giản giống như hình ảnh của một quan văn, một quân sư bên cạnh chủ tướng. Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết là Hai Hãn – Lĩnh chức Tư đồ (1424-1425), chỉ huy giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Xung chức Thái uý, chỉ huy bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chặn đường tiếp tế của quân Minh trong chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang (1427). Trước khi Lê Lợi xưng Vương (1428), trong cuộc bình công và mừng chiến thắng giặc Minh, được vinh danh và phong chức Tả Tướng Quốc. Trần Nguyên Hãn một người có sức mạnh của một vị đại tướng thượng thặng, có trí tuệ anh minh, siêu việt. Ông lập mưu, tính kế làm quân tướng dưới trướng vô cùng bái phục và nhất nhất tuân theo, ông sung trận chiến đấu làm kẻ thù khiếp vía, nhận thất bại thảm hại, hoặc phải đầu hàng hoặc phải bỏ mạng. Bộ ba nhân vật trong tiểu thuyết vừa có những hoạt động độc lập, vừa có sự gắn bó mật thiết tạo ra các hướng lan tỏa tình tiết từ đầu đến cuối tiểu thuyết.

Hình tượng “Dòng Lô” là hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho tư tưởng, tình cảm, ý chí và khát vọng của nhân vật chính Trần Nguyên Hãn. Dòng Lô xanh trong, êm đềm, hiền hòa là nhân chứng, chứng kiến toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp lẫy lừng của Trần Nguyên Hãn từ khi sinh ra, lớn lên, khởi nghĩa ở rừng Thần, theo Bình Định Vương Lê Lợi ở Lam Sơn, Thanh Hóa dành những chiến công hiển hách và gửi thân mình vào dòng sông quê hương. Dòng Lô cũng là nhân vật tư tưởng để tác giả gửi gắm những thông điệp về nhân sinh quan, thế giới quan của mình xung quanh những vấn đề thuộc về lịch sử đất nước đầu thờ “Lê Sơ”.

Những sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết được nhà văn tìm hiểu, nghiên cứu, biên khảo một cách công phu và tỉ mỉ. Từ những sự kiện lớn như quá trình hình thành, phát triển, thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn đến những tình tiết nhỏ như các sự việc liên quan đến từng nhân vật, từng trận đánh… đều được tác giả kể lại với một bút pháp rất tươi mới, sáng tạo, mang đậm dấu ấn của văn chương hiện đại. Tác giả không đưa ra những nhận định, bình xét về các sự kiện lịch sử mà chỉ lấy các sự kiện lich sử ấy làm nền để xây dựng hình tượng nhân vật, làm sáng rõ vẻ đẹp tư tưởng của nhân vật, từ đó giúp người đọc thấy được giá trị đích thực của hình tượng anh hùng Trần Nguyên Hãn.

Viết tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là viết về một danh tướng với những chiến công hiển hách như Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, nhà văn đã khéo đan lồng những sự kiện có thật trong lịch sử đã tồn tại 600 năm, được ghi chép theo dạng chính biên với những sự kiện thuộc huyền sử được lưu truyền trong dân gian theo dạng truyền thuyết, truyền miệng. Đọc lên ta thấy giống như đang được thưởng thức các tác phẩm sử thi hòa lẫn với truyền thuyết, cổ tích của văn học cổ Việt Nam. Không những vậy nhà văn còn biết kết hợp hài hòa lối viết đan xen giữa cổ điển và hiện đại.
Nếu nội dung của tác phẩm là các vấn đề lịch sử đã được ghi nhận thì giọng điệu lại mang hơi thở của thời đại mới với những kiến giải và cách xây dựng hình tượng nhân vật rất mới mẻ. Điều này thể hiện rất rõ qua việc khắc họa tư tưởng của Trần Nguyên Hãn trong việc xây dựng chính quyền “thân dân, gần dân và vì dân…” giống như tư tưởng của Đảng ta trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay. Sự kết hợp hài hòa ấy là sự sáng tạo rất riêng của nhà văn làm cho câu chuyện diễn ra vừa mạch lạc, vừa gây hứng thú cho người đọc. Bên cạnh đó tác giả cũng rất thành công với cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt hoạt khéo léo. Ngôn ngữ kể gọn, xúc tích, nhiều thông điệp, ngôn ngữ tả giàu hình ảnh, ngôn ngữ đối thoại nhiều triết lý, thể hiện rõ tính cách từng nhân vật.

Qua tiểu thuyết “Dòng Lô xanh thẳm” chúng ta thêm một lần được chiêm bái một trong những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông. Cũng từ đây giúp ta yêu thêm vẻ đẹp hào hùng của lịch sử dân tộc và thêm kính trọng với các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước.

Cầm Sơn