Đại tá Nhà văn Phùng Kim Trọng – Hội viên, Chi hội trưởng Chi hội văn xuôi thuộc Hội VHNT Vĩnh Phúc là người viết văn đã thành danh trên văn đàn từ thập kỷ 90 thế kỷ trước. Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của ông đã nhận được những giải thưởng cao quý của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiểu thuyết “Phố mặn” được NXB Hội nhà văn cấp phép năm 2016 là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất của ông khi viết về đời sống xã hội Việt Nam đương đại.

Tiểu thuyết “Phố mặn” dài 275 trang in với bố cục được phân chia làm 30 chương xoay quanh nhân vật chính (xưng tôi và là người kể chuyện) có cái tên khá hài hước Nhật Cóong. Đây là cái tên mà một nhân vật khác trong truyện đó là Miên Miên đặt cho anh ta: “…A này, từ nay em sẽ gọi anh là Nhật Cóong – Sao em lại gọi anh Nhật Cóong?… Em chợt ngĩ ra khi em cùng anh đi nhặt ống bơ. Ống bơ người ta hay gọi là cóong bơ còn gì? – Em nghĩ cho anh một tương lai thú vị nhỉ? Ừ thì, với em, anh sẽ là Nhật Cóong nhưng không được phổ biến rộng rãi đâu nhé…” Cốt truyện trong “Phố mặn” không lạ lẫm với bạn đọc. Đó là câu chuyện đời thường về “những người sống quanh ta” mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống này.

Truyện được kể theo bố cụ “vòng”, kết cấu “lặp lại thời gian” với diễn tiến các sự kiện đan lồng trong 4 cảnh, 2 tình huống. Tình huống chuyện thứ nhất tạm gọi là (gặp nhau, chung sống – chia tay, đi tìm). Mở đầu truyện nhân vật kể về cuộc sống cô đơn của mình khi vợ anh là Ánh Tuyết đột ngột mất tích, không để lại một dấu vết gì. Anh lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp và có thể phải ra đứng đường lao động tự do, bởi trước đó anh sống hoàn toàn phụ thuộc vào “tiền của vợ”. Sau đó là những dòng hồi tưởng của anh về những ngày tháng “nồng thắm” với “người vợ chưa cưới” ấy. Đó là những tháng ngày anh không biết mình hạnh phúc hay bất hạnh bởi anh yêu vợ, được vợ chiều chuộng nhưng anh không cảm thấy được vợ yêu như một người tình thực thụ.

Tình huống chuyện thứ hai tạm gọi là (đi tìm, gặp gỡ – nối lại, chia tay và hướng về tương lai). Trên hành trình đi tìm (người vợ bị mất tích), Nhật Cóong đã phải làm rất, rất nhiều những công việc lao động chân tay từ phụ hồ, nhặc rác đến dọn dẹp nhà vệ sinh và đặc biệt anh còn phải làm cả một việc mà anh thấy “chẳng sung sướng gì” đó là nghề “đĩ đực”. Được Hà Ninh – mẹ của Miên Miên, con dâu ông Hàm giới thiệu, anh đã làm cho công ty: “Môi giới và Giới thiệu bạn tâm giao”. Khi làm cho công ty của Hà Ninh anh đã gặp được nhiều quý bà “sồn sồn” và “cực máu lửa”… Tuy nhiên có một quý bà làm anh rất đỗi trăn trở và đặt nhiều câu hỏi tự vấn, đó là Thu Đạm “Tham đụ”. Sự “cuồng nhiệt” và “mạnh bạo” của Thu Đạm cũng không thể làm Nhật Cóong quyên đi người vợ cũ của mình được. Sau một thời gian “tâm giao” với Thu Đạm, Nhật Cóong đã không được công ty của Hà Ninh trọng dụng nữa. Lý do bị sa thải là vì anh làm việc chưa được “chỉn chu” như mong đợi của khách hàng. Anh bắt đầu ra “chợ người”, ở đây anh đã gặp được một người có tên Hạ Đoái “Khoái Đụ” và anh được cô ta thuê để đến một nơi gặp hai người bí ẩn (một nam, một nữ). Tuy nhiên anh đã làm “lỡ chuyện” của Hạ Đoái và anh chính thức “mất việc”. Có thể nói đây là cảnh truyện thắt nút dẫn người đọc đến một sự tò mò rất lớn và rất muốn đọc tiếp tác phẩm. Hợp đồng kết thúc, anh có dự định về tòa soạn báo Lương Tâm Thời Đại của Hoàng Văn Văn làm việc, nhưng rồi dự định ấy không thành. Anh được ông Hàm cho mượn đất mở nhà hàng, kinh doanh ẩm thực rất phát triển và anh quyết định sống thử với Thương Anh – một cán bộ thư viện của tòa soạn báo.

Mặc dù sống với Thương Anh nhưng Nhật Cóong vẫn đi tìm Ánh Tuyết. Thật bất ngờ khi anh gặp lại Ánh Tuyết trên đường phố và biết được nguyên nhân Ánh Tuyết mất tích là do bị bắt cóc – Bị người yêu cũ bắt làm nô lệ để trả thù việc gia đình ánh Tuyết tống anh ta vào tù. Sau cuộc “dạy dỗ”, làm nát một ngón tay của trùm băng đảng xã hội đen Anh Hào, Nhật Cóóng mở thêm nhà hàng, đưa Ánh Tuyết lên chùa quy y và cuộc sống của anh với Thương Anh đã trở lại như cũ.

Câu truyện diễn ra trong khoảng thời gian khá dài (5 năm) với hai tình huống truyện có nhiều cảnh gay cấn, ly kỳ, “tươi mát”, ngộ nghĩnh, hài hước… xoay quanh bối cảnh một khu phố ở một thành phố lớn trong giai đoạn đất nước mới hội nhập. “Phố mặn” của Phùng Kim Trọng đã phản ánh chân thực đời sống, nhịp sống, cách tư duy, hành động và số phận những con người có hoàn cảnh khác nhau, từ đó làm toát lên “hiện trạng” xã hội của đất nước trong một thời kỳ phát triển mới, mà ở đó có sự giao thoa văn hóa giữa nông thôn với thành thị, giữa Việt Nam với nước ngoài, giữa những con người của thế hệ cũ với những người của thế hệ mới… trong công việc cũng như quan hệ tình cảm luôn đan chéo nhau với nhiều sự phức tạp khó lường. Có những lúc đời phố thêm “mặn chát” bởi những giọt nước mắt thất bại; có những lúc “mặn đắng” bởi sự nhục nhã, ê chề; có những lúc “mặn nồng” bởi những yêu thương…

Nhưng vượt lên trên hết mọi “éo le” mà cuộc sống với muôn nỗi phức tạp mang lại cho các nhân vật, tiểu thuyết khép lại với một cái kết khá có hậu cho tất cả: Ánh Tuyết tìm được bến đỗ nơi của Phật, Nhật Cóong trở về với gia đình và tiếp tục công việc. Một thông điệp hết sức nhân ái mà “Phố mặn” muốn chuyển tải tới bạn đọc đó là: Tình thương, tình yêu, tình người… trong cuộc sống luôn là thứ “mặn mòi”, thứ đáng để chúng ta phải phấn đấu cả đời để chất mặn ấy không nhạt phai, từ đó làm cho mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi góc phố thêm “mặn mà tình nghĩa”. Vẻ đẹp của tấm lòng, sự chân tình và tâm hồn luôn hướng thiện sẽ giúp ta chiến thắng những xấu xa, vấp ngã và vươn lên thành những nhân cách cao cả đáng được mọi người tôn trọng.

Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn, Phùng Kim Trọng đã nâng tầm tiểu thuyết của mình đẹp hơn trong mắt bạn đọc bằng lối kể tự nhiên, mộc mạc; cách sử dụng ngôn ngữ đối thoại đậm “chất phố”, mang màu sắc nghề nghiệp và tạo khả năng biệt lập tính cách để phân vai nhân vật rất rõ ràng. Trong hành trình, diễn tiến của truyện, ông rất ít dùng lời bình mà chủ yếu để các tình tiết diễn ra theo quy luật tự nhiên giúp người đọc như vừa nhìn, xem thấy một “cảnh đời” đang hiện ra trước mặt mình. Ấy là do tư duy logic của nhà văn đã đạt đến trình độ “thuận theo tự nhiên” để mỗi người đọc đều phải công nhận đó là một tiểu thuyết hay.

Tiểu thuyết “Phố mặn” ít nhân vật, ít tình huống gay cấn nhưng lại rậm chi tiết, nhiều đối thoại, mạch truyện đan xen tạo nhiều lớp lang, tác giả gửi nhiều thông điệp cuộc sống qua các tình tiết truyện, bối cảnh truyện. Điều này giúp “Phố mặn” rất được các bạn đọc đặc biệt các bạn đọc mới lập nghiệp ở các thành phố đón nhận.

L.G.H

Lê Gia Hoài