Mấy bữa nay tâm trạng tôi luôn ngổn ngang, người thẫn thờ, đầu óc cứ suy nghĩ đâu đâu. Chuyện gì cũng làm nửa vời, không ra hồn gì cả. Chỉ có việc về quê hay không thôi mà mãi đắn đo, suy nghĩ mấy ngày trời.

Đêm hôm, trong giấc ngủ tôi mơ thấy mình và Hà (bà xã của tôi) cùng về quê dự ngày giỗ của má. Khung cảnh miền quê thân thương dần hiện lên rõ mồn một.

Trời vừa tờ mờ sáng là có người đến nhà phụ đám. Đàn ông thì dọn dẹp, mần heo, còn phụ nữ thì phụ việc bếp núc. Mỗi người một tay chia nhau làm công việc. Từ trước ra sau bếp, mọi người vừa làm vừa cười nói rôm rả.
Vợ chồng tôi lâu ngày về thăm quê, gặp lại bà con hàng xóm ai nấy cũng đều tay bắt mặt mừng. Tôi lăng xăng làm công việc. Hết việc này lại làm việc khác. Từ xa nhìn thấy tôi, chú Tám liền hỏi:

– Bây dìa hồi nào đó, Hậu?

Tôi mỉm cười đáp:

– Dạ, con về hôm qua.

– Bây dìa mình ên hay có vợ dìa hôn?

– Dạ, có. Vợ con làm công chuyện ở dưới bếp.

Khách đến càng lúc càng đông. Tôi mời họ vào bàn ngồi uống nước. Gặp tôi, ai cũng hỏi thăm đủ thứ chuyện như: sức khỏe, công chuyện làm ăn, chuyện con cái…Đang trò chuyện, chú Tám sực nhớ lại hỏi tiếp:

– Sao rồi, hai vợ chồng bây có “tin vui” gì chưa Hậu?

– Dạ, sắp có rồi chú.

– Thiệt hả, được mấy tháng rồi mậy? – Chú Tám mừng rỡ hỏi.

– Dạ, được khoảng sáu tháng rồi chú!

– Trai hay gái?

– Dạ, trai.

– Cha, quý tử à nghen.

Nghe tôi nói sắp có con trai, mọi người bắt đầu xầm xì với nhau. Nói ba tôi coi vậy mà có phước. Con trai và con dâu đều có sự nghiệp đàng hoàng khỏi phải lo gì hết. Không những thế, ổng còn sắp có cháu nội đích tôn là con trai để nối dõi nữa…

Tìm hiểu các nghi thức thờ cúng tổ tiên quan trọng của người Việt

Đang tươi cười, hớn hở trò chuyện với khách, bỗng dưng Hà chạm vào người làm tôi giật mình thức giấc. Người còn chưa tỉnh ngủ hẳn, tôi đã lồm cồm ngồi dậy và bước ra khỏi mùng. Thấy chồng có vẻ vội vã, nàng liền thắc mắc hỏi:
– Hôm nay được nghỉ mà sao anh dậy chi sớm vậy?

Tôi cứ ngỡ là đang ở dưới quê dự đám giỗ của má. Nên tranh thủ dậy sớm để phụ ba làm công việc nhà kẻo hông thôi trễ, khách đến lu bu công chuyện làm không xuể. Câu hỏi của Hà khiến tôi sực tỉnh người. Chợt nhớ ra hôm nay là Tết Tây được nghỉ ở nhà. Vả lại không có về quê nên đâu có chuyện gì làm mà phải thức sớm. Thôi kệ, lỡ dậy rồi thì đi ra trước sân tập thể dục vậy.
*
Đã lâu rồi vợ chồng tôi chưa về thăm quê. Chúng tôi dự tính là chờ đến ngày của giỗ má sẽ về thăm quê luôn thể. Ngày giỗ má năm nay trùng với ngày nghỉ Tết Tây, vợ chồng tôi được nghỉ liên tiếp ba ngày. Kế hoạch về quê đã sắp xếp đâu vào đấy chỉ chờ đến ngày là xuất phát.

Tuy nhiên, mấy bữa nay tình hình dịch bệnh Covid-19 lại tiếp tục diễn biến phức tạp. Ca bệnh 1440 nhập cảnh trái phép khiến cho mọi người nhốn nháo, lo sợ. Ngành chức năng đang ráo riết truy vết những người đã từng tiếp xúc gần với bệnh nhân để đưa đi cách ly theo quy định. Đồng thời không ngừng tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, thực hiện tốt thông điệp “5K” mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
Mấy hôm trước, tôi liên tục nhận được cuộc điện thoại của người thân ở quê. Hết chị Hai rồi đến ba. Ai gọi cũng hỏi câu: “Chừng nào về?”. Thậm chí có ngày gọi đến mấy lần. Mỗi lần nghe câu hỏi ấy thốt lên khiến tôi thêm bối rối, không biết phải trả lời như thế nào, đành tìm kế hoãn binh:

– Chưa biết, để từ từ rồi tính.

Nói thì nói vậy chớ thực ra trong lòng tôi như lửa đốt. Lúc nào cũng nghĩ đến chuyện về quê. Cả tháng nay, tôi đếm từng ngày, từng giờ một. Trông cho mau đến ngày được về thăm quê. Những hình ảnh ở miền quê luôn hiển hiện trong đầu. Nhưng, hiện tại tình hình dịch bệnh còn đang phức tạp nên tôi phải cân nhắc thật kỹ càng rồi mới quyết định chuyện nên về hay ở.

Nếu không về thì sợ mọi người ở quê buồn, nhất là ba. Ba là người thương tôi nhất. Đã lâu lắm rồi hai ba con chưa được gặp nhau. Chắc là ba đang nhớ tôi lắm! Tôi cũng vậy. Dù rất nhớ và nôn nóng được trở về thăm quê, gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, nhưng, tôi kịp nghĩ ra: dịch bệnh như thế này, hôm nay không về quê được thì mai mốt về. Riêng đám giỗ, năm nay không về được thì năm sau về. Còn thiếu gì cơ hội…

Nghĩ vậy, tôi liền mang chuyện này bàn lại với Hà, tham khảo xem ý kiến của nàng như thế nào. Có giống như mình không rồi mới tính. Không ngờ khi vừa nghe tôi nói hoãn lại chuyến về quê lần này, Hà liền ủng hộ cái rụp, nàng khẽ bảo:

– Em thấy vậy cũng tốt. Hổm rày em định nói với anh chuyện này. Nhưng sợ anh buồn nên không dám nói. Mà tùy anh hà. Quyết định sao thì em nghe vậy.

Nghe Hà nói vậy, tôi quyết định ở lại, không về đợt này. Tôi lấy điện thoại gọi về quê thông báo cho ba:

– A lô! Ba hả?

– Ừa, ba nghe nè!

– Đám giỗ má năm nay chắc vợ chồng con không về được rồi. Dịch covid-19 vẫn còn đang phức tạp quá trời hà. Hạn chế đi lại cho an toàn.

Vừa nghe con trai nói tiếng “không về”, đầu dây bên kia ba lặng thinh không nói điều gì. Cứ tưởng điện thoại sóng chập chờn nghe không rõ, tôi tiếp tục nói thật to:

– A lô! A lô!…

Lúc này, giọng ba yếu ớt bảo:

– Nghe nè!

Biết là ba buồn khi nghe tôi nói lên điều đó. Nhưng không còn cách nào khác. Bởi đảm bảo công an toàn phòng, chống dịch bệnh là trên hết. Dù không về nhưng tôi vẫn hỏi thăm ý định của ba về tổ chức ngày giỗ của má sắp tới:

– Ba tính làm giỗ má như thế nào?

– Vẫn như mọi năm trước.

– Hay mình làm nhỏ thôi ba. Nấu một, hai mâm cúng được rồi.

Tôi còn chưa nói dứt câu thì ba lập tức ngắt lời:

– Ở đây, người ta tổ chức đám tiệc ì xèo đó có sao đâu hà.

Trời đất! Đang giữa mùa dịch mà còn tổ chức đám tiệc? Có lẽ, nhà này thấy nhà kia tổ chức không có xảy ra vấn đề gì thì lại bắt chước làm theo. Nếu ai cũng làm như thế thì nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao. Không được! Tôi phải nói cho ba hiểu để tránh đi vào vết xe đổ của những gia đình khác. Tôi liền giải thích:

– Làm đám tiệc lớn giữa mùa dịch là rất nguy hiểm! Như ba biết rồi đó. Một khi tổ chức đám tiệc sẽ có đông người tập trung đến dự. Khi ấy, làm sao tránh khỏi những việc làm như: những cái bắt tay chào hỏi, những cuộc trò chuyện; hay mọi người cùng nhau ăn uống, cụng ly, thậm chí có người còn uống chung ly rượu (bia) với nhau… Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Đến đây, bỗng dưng ba không nói gì. Hình như ông đang suy nghĩ về điều tôi vừa đề cập đến. Thấy vậy, tôi lại tiếp tục nói chêm thêm:

– Nếu ba tổ chức đám tiệc mời nhiều người đến dự thì làm sao biết được hết những người có mặt trong buổi tiệc đã từng đi đâu, tiếp xúc với những ai và họ có nhiễm Covid-19 hay không để còn đề phòng lây bệnh? Lỡ không may, trong buổi tiệc có một người đang ủ bệnh mà chưa được phát hiện thì nguy hiểm thật khó lường. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?

Sau một lúc suy nghĩ, ba bùi ngùi bảo:

– Hổm rày trên ti vi người ta nói quá trời về dịch bệnh. Ba thấy cũng ớn quá hà. Nhưng mà lỡ dặn heo chú Tám rồi giờ làm sao?

– Thì ba hồi chú Tám để chú bán cho người khác. Nói chú thông cảm cho mình, có sao đâu.

– Thì giờ đành chịu chớ biết sao nữa. Vậy để ba sang nhà hồi chú liền.

– Dạ. Đợi chừng nào dịch Covid-19 lắng xuống, hai vợ chồng con về thăm ba. Ba đừng buồn nghen ba.

– Ừa. Tới ngày giỗ của má tụi bây, ba kêu chị Hai con đi ra chợ mua ít đồ về nấu mâm cơm cúng bàn thờ bả là xong. Vậy cho chắc ăn!

*

Mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn cây. Những tia nắng chiếu rọi dần xua tan cái se lạnh của buổi ban mai. Lúc này, Hà vừa đi chợ về tới. Nàng mua đồ chuẩn bị nấu bữa ăn sáng. Tôi xách đồ xuống bếp, phụ nàng nấu ăn. Đang làm đồ ăn, tôi lại sực nhớ hôm nay là ngày giỗ của má. Phải chi không có dịch bệnh thì giờ này mình đang ở dưới quê rồi. Vẻ mặt tôi trầm ngâm, ngồi thẫn thờ một chỗ không nói lời nào. Như đoán biết được tôi đang suy nghĩ điều gì, Hà đến gần, tay nàng vỗ nhẹ lên bờ vai của tôi và khuyên:

– Anh đừng buồn! Em tin là mọi người ở quê sẽ hiểu và không ai trách gì anh đâu.

Có thể nàng nói đúng. Trong hoàn cảnh này ở quê sẽ không ai hờn trách gì tôi. Nhưng không hiểu sao trong tôi cứ đau đáu nỗi nhớ quê da diết chẳng nói thành lời. Tôi nhớ má…