Ngày xưa anh quen em
Trăng mười lăm lấp ló
Mộng lòng anh bỏ ngỏ
Giăng kín cả trời đêm.

Trăng mười sáu dịu êm
Đong đầy như lời hát
Hương tóc em dào dạt
Xao xác nỗi lòng anh.

Trăng mười tám tròn xanh
Dịu dàng vành môi ấm
Nụ cười em đằm thắm
Cho thương nhớ đong đầy.

Trăng cuối tháng hao gầy
Khuyết vào đêm một nửa
Tim anh thầm chất chứa
Bao nỗi niềm không tên.

Trăng mùa cũ vẹn nguyên
Chỉ hình em xa mãi
Ôi tình xưa vụng dại
Biết bao giờ anh quên!

Lê Gia Hoài.

Good Night Hello Coil Girl Watch The Stars, Good Night, Hello There, Coil  Illustration Image on Pngtree, Free Download on Pngtree

Đề tài tình yêu là đề tài muôn thuở. Trong văn chương đông, tây, kim, cổ đều thấy lộ diện hoặc lẩn khuất hương vị của tình yêu. Tình yêu là lộc đời của nhân gian ban tặng con người, nối kết con người, đắp bồi những giá trị muôn thuở của tình người làm cho cuộc đời trở nên giàu nhân văn và tràn trề nhựa sống. Với bài thơ “Vầng trăng tình yêu” tác giả Lê Giang Hoài đã góp thêm tiếng lòng làm đậm đà thêm chất liệu và dư vị của tình yêu. Đó là đề tài muôn thưở ắt hẳn số lượng các bài thơ viết về tình yêu là đặc biệt lớn. Chỉ cần nhìn vào thơ ca Việt Nam thì ngay trong trong mảng thơ ca dân gian đã có biết bao bài ca dao làm đắm say lòng người như:

Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Trong văn học trung đại có biết bao thi phẩm của những tên tuổi lớn viết về tình yêu, trong đó có Truyện Kiều của danh nhân văn hóa bậc thầy, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với lời tỏ tình dí dỏm, tinh anh của chàng Từ Hải với Thúy Kiều:

“Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không”

Ở phần văn học hiện đại đặc biệt là trong trào lưu “Thơ mới” cái tôi cá nhân được khẳng định, đề tài tình yêu lên ngôi theo cách tôn thờ tự do và để cao cái tôi kiểu như Xuân Diệu ghen với trăng, với gió và sẵn sàng làm cái việc:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Điểm danh một số bài thơ, đoạn thơ của các tác giả trong văn học để thấy đề tài tình yêu có vị thế lớn như thế nào. Vì vậy khi khai thác đề tài tình yêu, viết về về tình yêu hoàn toàn không đơn giản.

Trở lại bài thơ “Vầng trăng tình yêu” của tác giả Lê Giang Hoài. Ngay từ nhan đề bài thơ “Vầng trăng tình yêu” đã tạo cảm giác chơi vơi và rộn ràng cho cảm xúc người đọc.

Bài thơ với 5 khổ thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn với 20 dòng thơ và tròn 100 chữ về hình ảnh “thành mạch” đó là hình ảnh vầng trăng trả dài theo thời gian và lấp ló hình ảnh một người con gái với mối tình đầu đẹp như mơ và cũng vô cùng đáng yêu, nhưng cũng không ít dằn vặt hụt hẫng.

Đúng ý nghĩa nhan đề của bài thơ – vầng trăng lộ diện trong cả năm khổ thơ. Tất nhiên là các cung bậc và trạng thái tình cảm thì khác nhau. Sau sự liên kết thời gian, vầng trăng và cảm xúc luôn tạo được những cung bậc tình cảm chan chứa, trĩu nặng, quyện hòa và đầy ắp những kỷ niệm, niềm mong mỏi và sự hoài vọng.

Ánh trăng trong bài này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối các sự kiện, kết nối các cảm xúc, kết nối các trạng thái con người. Ở khổ thơ thứ nhất với “Trăng mười lăm lấp ló”, một hình ảnh đẹp với cách ẩn dụ khéo léo tạo ra vẻ chúm chím đến nao lòng của cái “Tuổi ngọt ngào là tuổi mới yêu nhau”. Một cảm xúc tình yêu là lạ, chưa bị ràng buộc, chẳng bị ấn định cho nên chàng trai cứ “Mộng lòng anh bỏ ngỏ” để khổ thơ thứ hai các cung bậc cảm xúc tình yêu của chàng trai mạnh mẽ hơn, sự cảm nhận về tình yêu có chiều sâu hơn và khi đó “Trăng mười sáu dịu êm”. Sự thi vị của tình yêu, sự mềm mại của ánh trăng đong đầy như lời hát. Thời điểm này cảm xúc tình yêu đậm tròn hơn với “Hương Tóc em dào dạt”. Cảm nhận từ hình ảnh thơ trên tôi chợt nhớ đến Ca Lê Hiến tên thật của nhà thơ Lê Anh Xuân với những câu thơ trong trẻo ru hời như lời hát về mái tóc người con gái:

Em ơi ơi sao tóc em thơm vậy
Em vừa đi qua vườn sầu riêng”

Trở lại với bài thơ thì vầng trăng ở khổ thơ thứ ba “Trăng mười tám tròn xanh”. Theo quy luật thời gian, trong vòng tuần hoàn của tạo hóa, ánh trăng mười tám tròn xanh hơn thì nụ cười người con gái cũng đằm thắm hơn. Một cách so sánh tinh tế được thể hiện để đến lúc này chàng trai ở vào tâm trạng:

“Nhớ ai ra lần vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”

Nếu “Trăng mười lăm lấp ló”, “Trăng mười sáu dịu êm”, “Trăng mười tám tròn xanh”, thì ở khổ thơ thứ tư là hình ảnh “Trăng cuối tháng hao gầy” đã tạo cảm giác hồi hộp chơi vơi. Tác giả sử dụng tính từ “hao gầy” trong câu thơ là khá đắt, cùng với đó là hình ảnh “Khuyết vào đêm một nửa” vừa mang vẻ mỏi mòn của sự chờ đợi, vừa mang cảm giác bâng khuâng có vẻ tiếc nuối của mối tình đầu.

Thế mới biết vóc dáng cảnh ngộ của tình yêu nó diệu kỳ như thế nào? Phải chăng theo suốt chiều dài của bài thơ với hình ảnh trăng là hình ảnh chi phối nhân chứng của tình yêu, sự nối kết tâm hồn đôi lứa các cung bậc cảm xúc dạt dào lắng đọng và nhiều khi còn là cả sự trách cứ… quyện vào trong đó chất tinh tế thi vị từ hình ảnh trăng trong bài thơ thật đẹp nhưng chắc ẩn bởi tâm trạng đồng hành.

Ở khổ một, hai, ba thời điểm mà trăng xuất hiện là trăng mười lăm, trăng mười sáu, trăng mười tám thì ở khổ thơ thứ tư thời gian là rộng hơn, trăng cuối tháng thì ở khổ thơ thứ năm là trăng mùa cũ. Đó là điểm nhấn để bộc lộ nỗi niềm sâu kín nhất, chi phối nhất và day dứt nhất về mối tình đầu, về mối tình đẹp, về một mối tình có chút lãng tử nhưng không ít trắc ẩn.

Tuy vậy ta hiểu vấn đề quan trọng nhất mà tác giả gửi gắm trong đoạn thơ đó là lời trách cứ và sự tiếc nuối. Việc sử dụng nghệ thuật đối lập ở hai câu đầu khổ thơ đó là là sự “vẹn nguyên” của ánh trăng và và sự “xa mãi” của người con gái. Hình bóng của mối tình đầu đời đã trả lời, giải thích sự ‘vụng dại” của tình xưa cùng với niềm hoài cổ đậm chất tương tư của một nhà giáo, một nhà thơ tài hoa với đoạn thơ tinh tế, khát khao, không ít đa sầu đa cảm.

Đọc “Vầng trăng tình yêu” ta thấy tất cả nhận sự lung linh huyền ảo của tình yêu được soi chiếu và chứng nhận của ánh trăng đắm mộng. Soi mình vào bài thơ biết bao người thấy bóng hình mình với mối tình đầu đời trong đó để rồi ta đồng cảm sâu sắc với thi nhân. Quả thật nhà thơ đã nói giúp cho nhiều người, nhiều cuộc tình xưa ấy để ghi dấu khát khao và hoài vọng. “Vầng trăng tình yêu” là bài thơ đẹp của một tâm hồn đẹp, khát khao được khẳng định và đề cao giá trị đích thực của tình yêu.

Vĩnh Tường tháng 5/ 2020

Lê Văn Cậy