Nói đến những bà mẹ quê xưa chắc là không ai không liên tưởng đến hình ảnh người mẹ ngồi hiền bên cánh võng ầu ơ hát ru con ngủ. Mẹ và những câu hát ru như là một hình tượng cao quý thiêng liêng mà mỗi người con luôn luôn cảm thấy tự hào và không sao quên được.

Xuôi theo con rạch nhỏ đầy dừa nước hai bên, tôi về quê nội vào một buổi trưa hè lao xao gió. Nhà nội ở tận miệt Cầu Nhiếm, tiếng là giáp với thị trấn Phong Điền nhưng ở đây còn nông thôn lắm. Buộc dây chiếc ghe, thím ba nắm tay kéo tôi lên chiếc cầu làm bằng mấy miếng ván ghép lại rồi nói vọng vào nhà: má ơi, con Út dìa tới rồi nè. Nội đang ngồi nhặt rau trước thềm nhà, tuy đã gần 80 mà nội tôi vẫn còn minh mẫn lắm. Bà nói chứ … mồ tổ cha tụi bây, được nghỉ phép hả con? Vô nhà cất đồ đi rồi ra sàn nước rửa mặt cho mát. Tôi ra sau nhà chặt một trái dừa uống liền tại chỗ. Ta nói nó ngọt gì đâu, không biết là dừa ngọt hay là tiếng chị dâu đang hát ru con ở nhà dưới nữa.

Gió mùa thu …
Mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm
Hỡi chàng … chàng ơi!
Hỡi người … người ơi!
Em nhớ tới chàng…
Em nhớ tới chàng!
Hãy nín! Nín đi con!
Hãy ngủ! Ngủ đi con!
Còn hời… con hỡi …
Con hỡi … con hời … hỡi con!”

Tôi cầm trái dừa nước đứng ngẩn ngơ. Lâu lắm rồi tôi mới lại nghe tiếng mẹ ru con bằng những bài hát ru như thế. Nếu không nghỉ phép về quê, chắc tôi còn không nhớ trên đời này có một thể loại âm nhạc khiến cho con người ta cảm thấy tràn đầy yêu thương đến vậy. Bây giờ ở thành thị ít có bà mẹ trẻ nào biết hát ru, có chăng là ông bà thì mới còn ru cháu. Phụ nữ hiện đại tham gia nhiều hoạt động ngoài xã hội nên đa phần không có nhiều thời gian dành cho con như ngày xưa. Phần lớn người ta còn tập sống theo “tây”, tức là cho trẻ ngủ riêng, tập cho trẻ tự lập, cho trẻ nghe nhạc giao hưởng thính phòng để phát triển tư duy … Nhiều mẹ thì mở nhạc thiếu nhi, thậm chí nhạc bolero hay các thể loại nhạc trẻ. Tôi không đánh giá là tốt hay xấu, vì ăn theo thuở ở theo thời mà, tôi chỉ tiếc những làn điệu hát ru ngày xưa, đến một lúc nào đó sẽ không một ai còn nhớ.

Bài Hát ầu ơ Ví Dầu Cầu Ván đóng đinh

Tiếng nội cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Nội nhặt rau xong rồi giờ thì nằm đong đưa trên võng. Tiếng võng kẽo kẹt cùng với tiếng gió trên ngọn dừa rì rào, nội vừa phe phẩy cái quạt mo cau từ năm ngoái vừa ngâm nga một đoạn Lục Vân Tiên:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
Có người ở quận Đông Thành
Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền
Đặt tên là Lục Vân Tiên
Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành
Theo thầy nấu sử sôi kinh
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao
Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm ba lược sáu thao ai bì”

(Trích Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

Tôi mỉm cười ấm áp. Đó chính là điều mà ở thành phố tôi luôn thiếu, đó chính là lý do tôi luôn muốn về quê nội dù đường sá xa xôi. Tôi hỏi nội ngày xưa sao chiến tranh mà sao bà vẫn đọc được nhiều sách và thuộc được nhiều thơ và ca dao như vậy. Nội nói chứ… có sách gì đâu bây, ngày xưa nội nghe riết rồi thuộc, từ đời ông bà cố lận. Nói rổi ánh mắt nội ngời lên những kỷ niệm xa xưa. Nội hát cho tôi nghe những câu hát ru đã đi theo nội từ thời thơ bé, cho đến khi làm mẹ và bây giờ đã là bà của một đàn cháu nhỏ. Tôi nghe như uống từng lời của bà, một lần nữa được bà ru hời như lúc còn nằm nôi.

Lời của bài hát ru là những lời hay ý đẹp mà ông cha đã đúc kết từ bao đời nay. Thường là những thể thơ lục bát dễ đọc, dễ thuộc. Trên cơ sở đó, người mẹ hoặc bà, chị …, bằng những giai điệu ngân nga đầy tình cảm, chuyển đến cho con trẻ từ thuở mới lọt lòng. Trải dài từ Bắc Trung Nam, những câu hát ru gắn liền với tuổi thơ của trẻ, dạy trẻ tình yêu quê hương, đất nước và con người, khắc cốt ghi tâm cho đến ngày khôn lớn. Cũng như miền Băc và miền Trung, hát ru Nam bộ có những đặc trưng riêng gắn liền với địa lý, văn hóa và thổ ngữ của địa phương. Trước và sau lời hát ru là phần mở và đóng hay còn gọi là đưa hơi. Đối với miền Bắc thì hay đưa hơi là “ à ơi …” hay miền Trung là “ạ ơi ..” thì miền Nam là “ầu ơ…”, nên hát ru miền Nam còn được gọi là Hát Ầu ơ.

Gắn liền với kho tàng ca dao và những bài thơ lưu truyền từ bao đời nay, nội dung những bài hát ru Nam bộ cũng truyền tải những thông điệp xung quanh đời sống con người. Sông có cội, nước có nguồn, ông bà ta luôn dạy con cháu phải sống hiếu đạo có trước có sau, lấy chữ hiếu làm đầu. Bên cạnh đó ngày xưa, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, nên đồng quê cũng gắn liền với đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình. Trong hát ru cũng vậy, có rất nhiều câu nói lên tình yêu đối với thiên nhiên, từ đó nuôi dưỡng tình yêu đối với lao động và giúp trẻ biết trân trọng sức lao động.
Ngoài chữ hiếu đạo cần phải đưa lên hàng đầu thì cách đối nhân xử thế trên đời cũng được ông bà ta ưu tiên giáo dục cho trẻ từ thuở nhỏ. Do đó hát ru cũng là một phương thức truyền tải dạy cho con cháu những nhân nghĩa ở đời, những đạo lý mà ai cũng nên khắc sâu và hơn hết, cha mẹ luôn muốn con mình luôn ghi nhớ. Bên cạnh đó, hát ru là một cơ hội để người mẹ có thể bộc bạch nhiều tâm sự, kể cả những điều thầm kín khó nói trong cuộc sống thường ngày. Ngày xưa, phụ nữ bị ràng buộc rất nhiều trong những định kiến lạc hậu, phụ nữ nông thôn thì càng vất vả và lo toan nhiều hơn. Với quan niệm phụ nữ là phải ở nhà trông coi việc nhà cửa bếp núc, không được tiếp xúc xã hội nhiều nên có những điều không biết nói cùng ai. Đó là những nổi niềm ẩn khuất, chỉ có thể mượn tiếng hát ru để giãi bày. Có những người mẹ vừa hát ru con mà nước mắt lăn dài, thế nhưng nhìn con thơ đang nằm ngủ say sưa, lòng người mẹ cũng vơi đi phần nào những niềm tâm sự.

Ngoài kho tàng ca dao và đồng dao quý giá, những bài hát ru Nam bộ còn được hát lên từ những bài thơ giàu giá trị nhân văn. Nó có thể là một cặp câu thơ, một chùm thơ hay là những đoạn trích trong một tác phẩm lớn. Ví như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là phổ biến khắp cả nước thì miền Nam cũng có một tác phẩm xứng tầm như thế đó là tác phẩm Lục Vân Tiên của Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu mà phần đầu tôi đã đề cập đến. Tất cả những điều đó củng với thâm tình mẫu tử, đã làm nên những giai điệu thiêng liêng mầu nhiệm mà những câu hát ầu ơ đã mang đến cho những người con Nam bộ.

Đã đến ngày trở về thành phố, mà trong lòng tôi chẳng muốn đi. Muốn ở mãi nơi này để được ngủ vùi trong những bài hát ru mà nội cố nhớ lại cho bằng hết. Nội nói “con ghi lại nên nội thấy vui lắm, nội chỉ sợ sau này nó mai một đi”. Rất nhiều cung bậc cảm xúc mà tôi đã trải qua trong những ngày ghi chép lại, không ít lần nước mắt rưng rưng khi nghe nội kể những ngày ông tham gia cách mạng, một mình nội ở nhà nuôi con, những lần ru con là nước mắt tuôn rơi, nhớ chồng, thương con đành gửi vào trong câu hát. Rồi nội đã thay ông nuôi dạy ba tôi và các bác các cô tôi khi ông hy sinh trong trận đấu khốc liệt mùa xuân năm 1968, lúc đó cô Út tôi chỉ vừa tròn một tuổi, một mình nội tôi vừa làm mẹ vừa làm cha, những câu hát ru là những nỗi niềm tâm sự của bà, những lời giáo huấn thay cho ông và là tình yêu thương vô bờ mà bà thay ông mang đến cho anh em của ba tôi những ngày thơ ấu. Rồi tôi cũng xách ba lô về lại thành phố, nhưng khác hơn lần về quê, lần này trong hành trang của tôi nặng trĩu những giá trị tinh thần quý báu mà nội đã gửi gấm lại. Tôi cảm nhận những lần gặp nội không còn được nhiều nữa vì ai rồi cũng đến lúc về với tổ tiên, nội tôi cũng nằm trong quy luật đó. Nhưng đối với tôi nội sẽ còn mãi mãi hiện hữu trong những câu hát ầu ơ đã nuôi ba tôi khôn lớn và giờ đây dòng máu đó đang chảy trong huyết quản của tôi. Tôi bước xuống chiếc xuồng nhỏ cũng vào một buổi ban trưa, gió rì rào làm đung đưa hai hàng dừa nước. Trong nhà, chị dâu tôi đang ru con ngủ, câu hát ầu ơ của bà thuở nào vang vọng cả một khúc sông quê.