Sài Gòn những ngày giãn cách không còn cái náo nhiệt, ồn ảo của một thành phố trẻ tràn đầy nhựa sống và năng lượng. Từng con đường, góc phố như lắng lại, thu mình sau lớp áo phủ bụi thời gian để trầm ngâm suy tư và đương đầu với những khó khăn còn tiếp diễn. Ở ngoài kia, những chiến sĩ y tế đang ngày đêm gồng mình chống dịch, thì những người ở nhà, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt lại có cơ hội sống chậm đi và ngắm nhìn thành phố bỗng quá đỗi khác lạ so với ngày thường. Người ta nhìn thấy cái Sài Gòn xưa, không phải tự nhiên mà Sài Gòn được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” một thời. Cùng với công viên, trường học, những tòa nhà cao ốc hay những đường phố đầy ắp bảng hiệu vẽ tay, cảnh quan đô thị Sài Gòn là mơ ước của nhiều nước trên thế giới, và đến hiện nay cũng vẫn mãi là tấm gương như vậy. Trong đó, một trong những tòa công trình cổ nổi bật giữa lòng Sài Gòn giờ im lìm đợi thời cơ được mở lại chính là tòa nhà bưu điện cũ, nằm ở số 2 Công trường Công xã Paris (quận 1), kế bên nhà thờ Đức Bà.

Quay về mốc thời gian khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc này Pháp đã đánh Gia Định và chiếm thành công Sài Gòn. Năm 1860, Pháp cho xây dựng “Sở dây thép Sài Gòn” (tức Bưu điện Sài Gòn bấy giờ) ngay tại trung tâm thành phố và đến năm 1863 thì hoàn thành xong. Trong những năm 1864 trở đi, những con tem con cò (loại tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam) đã được gửi từ Sài Gòn đi khắp nơi trên thế giới. Trong những ngày đầu xây dựng và khánh thành, kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel – người thiết kế nên tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris (Pháp) đã chủ trì công trình này, nhưng rồi cũng đến thời điểm tòa nhà không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thời bấy giờ. Sau 23 năm thì hai kiến trúc sư tài ba Villedieu cùng cộng sự Foulhoux mới đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng mới lại. Cả công trình mất đến 5 năm để hoàn thành, từ năm 1886 đến năm 1891, trở thành một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của thành phố.

Về tổng thể, công trình mang kiến trúc cổ điển Châu Âu kết hợp với nét trang trí Châu Á, phủ tông màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ phù điêu màu trắng cùng những ô cửa màu xanh lá. Tòa nhà có bố cục đăng đối với hai khối bên hai tầng, khối giữa ba tầng, mái dốc lợp ngói. Trên mặt đứng có nhiều ô cửa cuốn vòm trang trí khá cầu kỳ. Trong khi đó, lối vào là một cổng vòm lớn với mái sảnh bằng sắt, bên trên có một chiếc đồng hồ tròn và tấm biển ghi rõ năm khởi công và khánh thành. Nếu hệ thống cửa sổ của khối nhà hai bên đều có dạng vòm hoặc hơi vòng cung thì khối nhà giữa lại mang dáng dấp hình chữ nhật. Những đường viền, đường chỉ trang trí chạy ngang, tạo nên một không gian sâu hun hút cho tòa nhà, đồng thời kéo thấp nó xuống với phong cách cổ kính, gợi cho ta nhớ đến những ga tàu lửa ở Châu Âu thế kỷ XIX.

Cả tòa công trình bưu điện được nâng đỡ bởi hệ thống cột trụ chắc chắn và to lớn. Phần trụ ở mặt tiền có kết cấu hình khối vuông vắn, trên đầu trụ có gắn những mảng phù điêu với hoa văn đắp nổi rất công phu. Riêng phần trụ ở giữa tầng hai và tầng ba thì các mảng phù điệu được chạm khắc tinh xảo hơn, ôm chọn khối đá hình chữ nhật. Đặc biệt, trên mỗi phiến đá ở khoảng không gian này có khắc tên những nhà khoa học vĩ đại đã đóng góp vào sự phát triển của văn minh nhân loại trong mảng điện tín trên toàn thế giới. Qua cổng chính, ta có ta có thể thấy hai tấm bản đồ lớn lưu giữ lại một thời địa chính Sài Gòn “Saigon et ses evirons 1892” và “Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936”, xen ở giữa là tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dọc theo tòa nhà là những cột sắt màu xanh lá thẳng tắp và hàng ghế gỗ bóng đã có từ lâu đời. Ngồi lại giữa sảnh của Bưu điện Sài Gòn, ta như được trải nghiệm cảm giác ngồi đợi chuyến tàu vượt thời gian về đến những ngày xưa cũ – một góc Châu Âu thu nhỏ được khéo léo đặt giữa lòng Sài Gòn thân thương. Kết hợp với sàn gạch màu kem sáng bóng điểm họa tiết Á Châu, Bưu điện Sài Gòn như là một điểm giao nhau của hai nền văn hóa tách biệt và độc lập, nhưng hòa quyện hữu tình, hợp lý đến độ thẩm mỹ cực cao. Quan sát một cách bao quát với điểm nhìn từ ngoài vào trong, có thể thấy hai bên sảnh chính vẫn lưu giữ những hòm thư cổ và các bốt điện thoại xưa, song hành cùng những cửa hàng lưu niệm như tái hiện một Sài Gòn hoa lệ, cổ kính năm nào, giờ được lưu trữ và bảo tồn trong một Sài Gòn lớn mạnh, hiện đại và hối hả.

Hầu như du khách đến với Bưu điện Sài Gòn là vì muốn ngắm nghía, hồi tưởng lại một thời đã xa, tuy nhiên, đây còn là điểm hẹn của những tâm hồn yêu thành phố này da diết. Đặt trong khoảng không gian rộng lớn ở quận 1 Sài Gòn cùng với Nhà thờ Đức Bà, xung quanh đó là những công trình văn hóa và không gian đô thị như Công viên 30 – 4, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện trở thành một phần tâm điểm của những trái tim yêu Sài Gòn da diết. Trong đó, phải kể đến cụ Dương Văn Ngộ – nay đã nghỉ hưu, là người viết thư tay thuê cuối cùng ở mảnh đất này. Ông gắn bó với Bưu điện từ xa xưa và trở thành một phần vĩnh cửu trong trái tim của biết bao thế hệ Sài thành.

Trong nhưng năm 1990, ông đã xin phép lãnh đạo Bưu điện để được ngồi một góc sảnh viết và dịch thuê. Khách hàng của ông chủ yếu là những người nghèo không biết chữ, hay người Việt muốn viết thư cho người nước ngoài. Là một tấm chân tình đầy kiểu hãnh và hoài cổ giữa đất Sài Gòn, cụ luôn dành tâm huyết của mình cặm cụi đọc, viết rồi dịch chẳng mấy đã hơn hàng ngàn lá thư, chuẩn cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, song hành cùng cái kính lúp đặc trưng và những cuốn từ điển dày cộp cụ mang theo người. Sự hiện diện của cụ trong không gian Bưu điện cổ kính như gợi lại biết bao thương nhớ và hoài niệm, để mỗi khách hàng tìm khi tìm đến cụ thì như tìm đến một quý ông Sài Gòn xưa lịch lãm với chữ tín lên hàng đầu. Dù bây giờ cụ đã nghỉ do sức yếu, tuy nhiên hình bóng của cụ trong một góc sảnh đã in sâu vào trong tâm trí của bất kỳ người con nào sinh ra ở nơi đây và trót lòng yêu lấy thành phố này. Cụ và Bưu điện như hòa làm một, người Sài Gòn yêu cụ cũng như cụ yêu Sài Gòn bằng tất cả những gì mình có.

Bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng, người Sài Gòn không chỉ coi Bưu điện thành phố như một sản phẩm của vẻ đẹp đô thị hay là một biểu tượng vật chất thông thường, mà nó còn là chứng nhân lịch sử đầy thăng trầm. Trải qua hàng trăm năm từ khi mới xây dựng và chứng kiến biết bao biến chuyển trong đời sống Sài Gòn, có thể nói, tòa bưu điện đại diện cho một lớp người cũ, vật cũ vẫn đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, nhưng thi thoảng lại gợi về những giá trị xa xưa không dễ lu mờ. Ngoài trở thành nơi cung cấp dịch vụ liên lạc điện tín, Bưu điện còn đóng góp không nhỏ vào mảng giá trị tinh thần, là sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp có chọn lọc để tạo nên vẻ đẹp bên trong văn hóa và kiến trúc. Đó cũng là niềm tự hào hết mực của người Sài Gòn khi nhắc về nơi đây.