Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn hiến, hòa quyện giữa nét trầm mặc cổ kính cùng nhịp sống hiện đại. Đến với làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), bầu không khí ngoại ô sẽ đưa con người đến với những dấu ấn thật trang nghiêm và tĩnh lặng!

Ngôi làng với truyền thống Khoa Bảng

Người mở đầu cho lịch sử Khoa Bảng của làng Đông Ngạc chính là Tiến sĩ Phan Phu Tiên. Ông đã ghi tên bảng vàng năm 1396 dưới triều vua Trần Thuận Tông. Sau khởi nghĩa Lam Sơn, nhà Hậu Lê ra đời. Phan Phu Tiên đã ứng thí trong kỳ thi Minh kinh bác học năm 1429 và đỗ thứ ba (hai người còn lại là Triệu Thái và Trần Thuấn Du). Chính vì vậy, ông trở thành Lưỡng triều Tiến sĩ. Sự nghiệp mà Phan Phu Tiên để lại cho đời có thể kể đến cuốn sách y học Bản thảo thực vật toát yếu, tuyển tập thơ Việt âm thi tập. Vị danh nhân tài hoa này còn để lại lời răn dạy vô cùng thấm thía đối với hậu thế :

Trẻ mà không học khó làm nên
Tự thẹn già nua trót kém hèn
Ôn cũ sau này mong biết mới
Vào nhà ắt phải bước qua hiên”.

Truyền thống hiếu học đã làm nên một ngôi làng có 21 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ. Với những đóng góp to lớn, làng Đông Ngạc đã được ban tặng bốn chữ “Mỹ tục khả phong”. Đến nay, có những tên tuổi được đặt làm tên đường, tiêu biểu như con đường Hoàng Tăng Bí.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến ông Đỗ Thế Giai (1709 -1766) – người duy nhất thời Lê được phong Vương lúc sống. Ông được Vua ban tặng 4 chữ “Thiết thạch tinh trung” có nghĩa là lòng trung sắt đá. Đỗ Thế Giai yêu thích cả văn chương lẫn võ nghệ. Ông chính là tác giả của bộ Vũ kinh thích nghĩa. Tập ký Tang thương ngẫu lục cũng có mẩu chuyện nhỏ kể về tấm lòng trung của Đỗ Thế Giai cũng như bối cảnh xã hội thời Lê mạt!

Ngoài ra, vùng đất Đông Ngạc còn gắn liền với học giả Phan Văn Trường (1876-1933). Ông là một trong những tiến sĩ luật khoa đầu tiên của nước ta. Năm 1908, ông bắt đầu sang Pháp du học và tốt nghiệp ngành Luật. Phan Văn Trường cũng là một trí thức yêu nước. Ông vừa là luật sư, vừa cộng tác với nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh làm báo đấu tranh chống thực dân Pháp. Hiện nay, Phan Văn Trường là tên gọi của một con phố tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Câu chuyện về tấm bia đá tại Kỷ niệm đài Đông Ngạc

Việc đắp đê trị thủy luôn là vấn đề sống còn với các quốc gia. Vào năm 1915 (dưới thời vua Duy Tân) nước sông Hồng lên cao, “đê làng Liên Mạc vỡ ngót một trăm trượng”. Bởi vậy, sở Trị thủy Bắc Kỳ dự kiến đắp một con đê mới. Nó sẽ khởi nguồn từ đê làng Hạ Cát, chạy qua các làng Yên Nội, Liên Mạc, Hoàng Xá, Thụy Phương, rồi tới làng Đông Ngạc, Nhật Tảo và nối vào con đê làng Thượng Thụy.

Tuy nhiên, nếu làm theo kế hoạch này thì làng sẽ phải ở ngoài đê, trong khi “bao nhiêu Thần từ, phần mộ, dân cư đến mùa nước lên đều phải ngập lụt”. Lắng nghe lòng dân, Tổng đốc Hà Đông lúc đó là Hoàng Trọng Phu và Tổng đốc Nam Định là Mai Viên Đoàn Triển đã xin lập ra một Hội đồng để bàn định đắp đê. Thống sứ Bắc Kì Le Galen đóng vai trò chủ tọa. Cuối cùng đã đưa ra kết luận : “Nếu đắp đê từ làng Chèm trở đi, rút ngắn bớt được hơn hai cây số, đỡ tốn tiền công quỹ của Chính phủ khá nhiều. Còn quãng đê làng Đông Ngạc, xét quả thực là có dân cư đông đúc, có lũy tre để cản trở sóng gió, không có điều gì đáng quan ngại” (trích “Đông Ngạc tập biên” của Phạm Văn Thuyết in năm 1963).

Ý kiến nêu trên đã được ưng thuận, mang lại niềm vui cho người dân Đông Ngạc. Do đó, tấm bia đá tại Kỷ niệm đài Đông Ngạc có nói về sự kiện này. Nội dung được trình bày bằng cả Hán Nôm lẫn chữ Quốc ngữ hiện nay.

Dấu ấn kháng chiến chống Pháp

Chùa Vẽ tại Đông Ngạc là ngôi cổ tự chưa được xác định rõ niên đại. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì công trình này ít nhất được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Chùa được biết đến với những tên gọi khác như Tư Khánh Cổ Tự, chùa Đông Ngạc, chùa Cả. Do Đông Ngạc có tên Nôm là Kẻ Vẽ nên chùa còn được gọi là chùa Vẽ. Ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ cả Mẫu.

Đây là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội được phong tặng danh hiệu “Toàn gia kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Không những thế, năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng công trình là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Qua những chia sẻ ở trên, các bạn có thể thấy được nét đẹp văn hóa của vùng địa linh nhân kiệt thuộc ngoại thành Hà Nội. Đây cũng là một mảnh ghép thiêng liêng làm nên nét tinh túy đậm đà của Thăng Long ngàn năm tuổi. Đó chính là sự tôn vinh trí tuệ, tình làng nghĩa xóm đậm đà và khát vọng dựng xây, phát triển quê hương đất nước!