Có một nhà văn khi viết về chiếc niêu đất đã thổ lộ: “Nằm trong xó bếp lẫn cùng tro than đã nghìn năm, niêu đất từng chứng kiến cảnh đói nghèo của những kiếp người bữa ăn toàn gạo hẩm, cháo hoa, sang hơn thì có nồi cá kho tộ. “Ăn xó mó niêu”. Đó là câu nói về cách ăn ở của người nghèo, quanh năm thui thủi một mình, trong thiếu thốn, tối tăm…”

Nhưng đối với riêng tôi, hình ảnh của những chiếc niêu đất không hoàn toàn là như thế.

Có lẽ chiếc niêu đất xuất hiện trong từng gia đình Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đã lâu lắm rồi. Cùng với các vật dụng bằng đất khác như cái ấm đất, cái lu nước, ông đầu rau…,niêu đất đã trở thành một vật dụng thân thương của biết bao người bà, người mẹ trong mỗi gia đình thuở trước.

Nhớ thuở lúc còn nhỏ ở quê, nhà tôi đông anh em, mạ nấu cơm cho ăn bằng một nồi gang lớn, gạo được nấu là gạo tạ, tức gạo đã được xay xát trắng tinh. Nhưng riêng mạ, phần cơm của mạ được nấu bằng cái niêu đất nhỏ, với gạo đỏ mà mạ gọi là gạo hẻo rằn. Khi niêu cơm gần chín tới, mạ gắp bỏ trên nắp mấy cục than đỏ hồng…Đến khi cơm chín, giở nắp ra, một mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Tôi thường được mạ cho những miếng cơm cháy, chấm với muối mè.

Những ngày đông giá rét, mạ thường kho một nồi cá bống thệ bằng cái niêu đất lớn hơn. Những con cá kho trong niêu đất đượm một màu đỏ, nứt ra, cong lại, săn chắc trông rất hấp dẫn.
Hồi đó, nhiều khi tôi lại “xin” mạ một chén cơm gạo đỏ. Cơm này phải ăn khi còn nóng. Niêu cơm cứ để nguyên trên bếp, đơm ra ăn dần thì mới thơm ngon, mềm dẻo, nếu để nguội, cơm sẽ cứng, khó ăn. Cơm ăn với cá bống thệ kho khô thì ngon tuyệt. Vị ngọt của cơm quyện với mùi thơm của cá kho thơm lựng, bùi ngậy không gì ngon hơn trong những ngày đông giá rét.

Đừng quên thử cá bống kho tiêu Lại Giang nếu có dịp ghé qua Bình Định

Cơm nấu bằng niêu đất dành cho ít người ăn, những người “kén ăn’ hoặc muốn thưởng thức món ăn thật đúng hương vị của nó. Cơm nấu bằng nồi đất thì chín đều, không khét, hạt cơm dẻo thơm. Cá bống thệ kho khô mà kho bằng nồi đất thì ăn đứt kho bằng nồi gang hay nồi đồng. Sách sử cũng ghi lại rằng, hồi xưa, cơm nấu cho vua ăn cũng được nấu bằng những chiếc niêu đất nhỏ, đặt làm ở làng Phước Tích Huế, nấu xong một ngày như thế phải đập bỏ đến 3 cái niêu!

Gần gũi hơn, cái nồi đất còn được người dân quê dùng để rang muối, một thứ gia vị nấu nướng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Muối hột còn nguyên được bỏ vào nồi rang, quấy đều cho thật khô, hạt muối thoát bớt hơi nước, được đem ra giã mịn, trở nên dịu và đậm đà, mặn mà không gắt.

Thử tưởng tượng, nếu rang mè hay đậu phụng để làm thức ăn dự trữ, nếu không rang bằng cái nồi đất mà rang bằng các thứ nồi khác, có khi mẻ mè hay mẻ đậu đó trở thành…than! Hoặc khi trái nắng trở trời mà không có cái niêu sắc thuốc (còn gọi là cái tay cầm), thì ta biết sắc những vị thuốc bằng cái gì?!

Gần gũi với mọi gia đình nông thôn Việt Nam hơn ở thành thị, vì thế nồi đất, niêu đất một thời được coi như “đại diện” cho người nghèo, nhưng nghĩ cho kỹ, chính đó mới tạo ra được những món ăn ngon mang đầy đủ hương vị hồn quê. Cơm nấu bằng nồi đất mang sắc thái khác hẳn cơm nồi đồng hoặc nồi nhôm. Cơm nấu cho vua ăn cũng nấu bằng niêu đất đó thôi!

Và có lẽ chính vì thế mà hiện nay, khi bước chân vào một quán cơm niêu nào đó, ta cần chuẩn bị cái hầu bao cho kha khá một chút, vì giá của nó nay khá cao so với những quán cơm bình thường khác!

Điều đó đã nói lên một điều: cái niêu đất không còn là hình ảnh tượng trưng cho bữa ăn nghèo (của con nhà nghèo) nữa, mà có thể nói rằng nó là biểu hiện đặc trưng của bữa cơm dân dã mang đầy đủ hương vị quê nhà…