Đi từ thành Vinh, ngược về vùng đất Quỳnh Lưu- một mảnh xứ Nghệ không có gì ngoài nắng mưa, gió lào và những cánh đồng vàng ươm dậy hương hết mùa gặt hái tháng năm, tháng chín; người ta gặp gỡ đền Voi trong cái hoang hoải, man mác của một di tích đi mòn lịch sử, thiên tai và thời chinh chiến hay chùa Xuân Quang, đền Quỳnh Phương hay bãi biển Quỳnh Nghĩa chiều chiều, sáng sáng sóng cát xô nhau… Biết bao nét đẹp hoài cổ đã gìn giữ văn minh cho một làng quê tỉnh lẻ. Nhưng dẫu là người đất Nghệ, có thể sẽ ít người biết đất học Nghệ- Tĩnh còn giữ cho riêng mình những mái đình nhỏ bé sau những thôn làng, xóm xã. Đình Thạch Động là một chứng tích điển hình như thế.

Theo một số tài liệu lịch sử, đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Thành hoàng làng thờ là Đức ông Dương Uy Vương và tự bao đời, trong đời sống tâm linh của nhân dân, Đức ông là một vị thần linh thiêng, luôn phù hộ và cứu trợ cho cuộc sống ấm no của dân làng. Tương truyền kể lại, ông là một vị tướng quân, trong một trận giao tranh ác liệt, ông bị thương nặng. Con ngựa chiến đưa ông về đến làng Thạch Động thì cả người lẫn ngựa đều ngã gục và ra đi. Ông được nhân dân lập đền an táng và phong làm Thành hoàng làng thờ.

Thuở xưa, trong đình trồng một cây đa cao sừng sững, ngang ngửa ngôi nhà hai tầng lúc bấy giờ. Trước cổng đình là hai cây phượng vĩ già cội, mùa hè về cơ man là sắc đỏ, từng chùm, từng chùm như những tầng lửa thiêu cháy khoảng trời xanh xanh ngọc bích và khiến cho ngôi đình trở nên thiêng liêng và hoang sơ hơn bao giờ.

Thạch Động- cái tên thật lạ lẫm nhưng không có ai lý giải vì dường như những bậc cao nhân ngày trước đã đi cả; người dân trong làng; dù là những cụ già luống tuổi, mái tóc hoa râm thì khi sinh ra đã thấy ngôi đình ở đấy, chân chất, mộc mạc như sự bỏ quên của thời gian hay cũng chính là sự gửi gắm còn sót lại của một nền văn hóa đang dần du lãng: thờ Thành Hoàng.

Đến Hà Tiên, đừng bỏ qua vẻ đẹp của hang Thạch Động | Lao Động Trẻ - Tin  tức mới nhất dành cho công nhân lao động trẻ

Người ta đến đây sẽ không kiếm tìm được một chốn check in đẹp đẽ hay giật thột vì vẻ đẹp tịch mịch, ngôi đình cho con người cảm giác thân quen hơn là một sự ngỡ ngàng chạm mặt ban đầu. Đâu đâu cũng xanh, xanh từ hai hàng cây bên lối vào đến những bãi cỏ, gốc sanh, cây bàng rồi rẽ sang sắc trắng tinh khiết của chùm hoa đại ngào ngạt hương và chớm đỏ hoa gạo như thiêu đốt lửa dưới những thân cây sừng sững. Đất sỏi bám chặt với rêu phong, những cánh cửa phủ bụi mờ, không có sự gột rửa nào thanh tẩy đi dấu vết thời gian đặc quánh và thật đỗi thanh bình.

Bên góc sân đình có một giếng nước. Ngày trước; dân làng, trai gái thường kéo nhau gánh nước về nhà từ cái giếng đá ấy. Mỗi lần như thế tiếng trò chuyện rôm rả, ấm cúng, giọng Nghệ ngọng ríu ”mô, tê, răng, rứa…” nghe mà xốn xang, nghe mà rộn ràng. Cái giếng nước trong bây giờ vẫn nằm phơi mình hong khô những mầm rêu non vừa nhú. Không còn những người gánh nước nhưng vẫn là người chứng kiến cho những tháng năm văn minh về làng. Nước vẫn xanh nhưng không còn ngon ngọt, vì bí khí, vì không trao đổi, vì không lưu thông, âm thầm in ấn thân mình trên bức tranh hoài cổ của làng quê như một người bạn trầm ngâm và lặng lẽ nghe nhịp đời ngàn năm chảy trôi trong thinh lặng.

Một hôm mơ về quê mẹ
Chiều về thoang thoảng mùi hương
Ai đem đốt rơm rạ cũ
Thân ta thất thểu đêm trường

Ngôi đình nhỏ bé, nằm gọn giữa vòng tay của vùng đất hiếu học, trên một khu đất cao và rộng. Sân đình lát gạch đỏ, lấm tấm rêu. Rêu bám từ dưới đất lên đến các bức tường và rồi đến những mái ngói như một sự gặm nhấm, ăn mòn rất đỗi dịu dàng của thời gian.

Bước chân lên từng bậc đá dẫn vào đình thờ chính, đôi khi người ta cũng tự nhiên thấy lòng rạo rực và lặng tâm lạ lẫm, từng bước như dẫn đi vào một chốn cổ tự quá đỗi linh thiêng và bình dị, nôn nao và chộn rộn như chính xúc cảm của một đứa trẻ thơ mong vòng tay mẹ, nhớ chiếc ôm bà.

Những tháng năm đô thị hóa giăng lưới bào mòn và cuốn trôi màu da, nước thịt của nhiều di tích; đình Thạch Động vẫn giữ cho riêng mình những nét ban sơ như thuở ban đầu. Ban sơ trong từng vòng nhang ảo diệu với mùi hương thơm trầm trầm lạc lõng trong hơi thở nhộn nhịp của đời sống văn minh hiện đại. Ban sơ trong nét trầm ngâm, tĩnh tại ngàn đời chưa gì át đi được, tựa như một giáo đường lặng thinh giữa đô thị hay như một ngọn hải đăng le lói trong đêm đông giữa vùng cao nguyên lồng lộng gió và bát ngát chè.

Bây giờ, ngoài là nơi thờ thành hoàng, đình còn trở thành nơi phối thờ các vị phúc thần và vẫn là một điểm sinh hoạt đời sống văn hóa tâm linh đầy ngưỡng vọng.

Mùa xuân, đều đặn hằng năm, đình mở hội khai hạ, vừa là lễ cúng bái đất trời, tổ tiên, các bậc thánh thần, cũng là nơi diễn ra các trò chơi dân gian: đánh đu, đánh cờ người, diễn tuồng… Không khí rộn vui, háo hức, thanh tẩy phiền muộn của năm cũ để cùng hướng thiện, cùng nguyện cầu và lắng đọng cảm nhận hồn quê đất nước vờn chạy trên những nhang khói, thẻ hương, lời cầu tự.

Đình Thạch Động vẫn qua bao năm gìn giữ nét mộc mạc, chân chất ấy để những ngày trăng tròn lại ngân nga một khúc chuông thanh đánh vọng thân bàng, lá phượng, tường đá, rì rào với những hoài cổ ngàn năm như lời thủ thỉ tâm tình của một người bạn tri âm cũ mòn.